KHINH NGƯỜI

Thứ tư - 06/01/2021 02:50 |   727
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
KHINH NGƯỜI

KHINH NGƯỜI

Tử Kích là một bực quyền quí, gặp Điền Tử Phương, là một người hàn sĩ ở giữa đường, liền xuống xe chào. Tử Phương làm lơ không đáp lại.

Tử Kích giận, hỏi Tử Phương rằng:

- Kẻ phú quí hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?

- Tử Phương nói: Kẻ bần tiện mới hay khinh người; kẻ phú quí sao dám khinh người. Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất chức. Còn kẻ có học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà nhời nói vua, quan không dùng, việc làm vua, quan không theo, thì xỏ chân vào giày đi ngay lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn có lo sợ gì, mà không dám khinh người?

Tử Kích nghe ra, bèn xin lỗi Tử Phương.

CHU THƯ

GIẢI NGHĨA

- Tử Kích: một nhà quyền thế đời Chiến quốc.

- Bực quyền quí: người có uy quyền thể lực thiên hạ phải kính sợ.

- Điền Tử Phương: người nước Ngụy về đời Chiến quốc có tiếng là bực hiền nhân.

- Hàn sĩ: người học trò nghèo khổ chưa làm nên gì.

- Phú quí: giàu có sang trọng.

- Bần tiện: nghèo khó hèn hạ.

- Học thức: sức học rộng rãi, kiến thức cao xa.

NHỜI BÀN

Tử Kích muốn lấy quyền thế mà khinh người; Tử Phương muốn lấy học thức mà khinh người. Đến cùng, thì học thức khinh nổi được quyền thế. Mới hay ở đời nào cũng vậy, phú quí không bao giờ bằng được học thức. Song, ta bình tĩnh mà nói: khinh người tức là “kiêu" mà chữ kiêu là cái nguồn gốc làm bại hoại cả đức tính. Phú quí chẳng nên kiêu, thì bần tiện dẫu có kiêu được, cũng không lấy gì làm phải. Kẻ sử sĩ đời Chiến quốc phải cái phong khí nó chuyển đi, cho nên thường hay mắc cái thói kiêu như Tử Kích đây cũng là đáng tiếc. Người có học thức mà kiêu, là hạng người khinh thế ngạo vật, coi đời như không quan thiết gì đến mình. Ôi! Đã gọi là người học thức mà có tính kiêu, thì vô bổ cho đời; đời có người ấy cũng như không vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Khinh người

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Phariseu và một người thâu thuế.

Người Phariseu đứng cầu nguyện thầm như vầy:          

Lạy Thiên Chúa, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế này. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.
 
Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng:

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!

Ta nói cùng các ngươi, người này trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.

Bài học rút ra từ dụ ngôn này là lòng khiêm nhường tìm kiếm sự tha thứ là tốt hơn sự kiêu ngạo khoe khoang những đức hạnh của bản thân.

Xét cho cùng, cao sang quyền quí như Tử Kích, hay hàn vi như Điền Tử Phương, cũng cần phải biết khiêm tốn, chớ nên kiêu căng ngạo mạn. Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất chức. Còn kẻ có học thức mà khinh người thì khác chi bọn vô học?!


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây