Tông du Bahrain: ĐTC gặp Chính quyền,...

Thứ sáu - 04/11/2022 08:37 | Tác giả bài viết: |   467
Lúc khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Vương quốc Bahrain.
Tông du Bahrain: ĐTC gặp Chính quyền,...

Tông du Bahrain: ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn

Lúc khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Vương quốc Bahrain. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự đa dạng và khoan dung về mặt xã hội của Bahrain, đồng thời ngài kêu gọi tôn trọng người nhập cư, cơ hội việc làm, bảo vệ môi trường và xây dựng hoà bình.

Buổi gặp gỡ bắt đầu với bài diễn văn chào mừng của Quốc vương Bahrain, sau đó ĐTC đáp lời bằng một diễn văn trước toàn thể những người hiện diện.

Trước hết ĐTC cảm ơn Quốc Vương đã mời ngài đến thăm đất nước, và ngài gởi lời chào đến người dân Bahrain.

Bài diễn văn được gợi hứng từ Cây Sự Sống

Đức Thánh Cha khai triển bài diễn văn của ngài từ hình ảnh biểu tượng của Vương quốc Bahrain, đó là hình ảnh “Cây Sự Sống” (Shajarat-al-Hayat). Ngài nói rằng: “Khởi hứng từ hình ảnh này, tôi muốn chia sẻ với quý vị một vài suy tư. Cây là một hình ảnh biểu tượng hùng vĩ vốn tồn tại qua nhiều thế kỷ trên vùng đất sa mạc cằn cỗi này. Sống sót và phát triển qua nhiều thời đại trong những điều kiện khắc nghiệt thế này có vẻ như là một điều không tưởng. Nhiều người đã nhận ra rằng, bí mật của sự sống nằm ở những chùm rễ, những chùm rễ đào sâu hàng chục mét xuống dưới lòng đất để tìm kiếm những mạch nước ngầm.”

Thế thì điều quan trọng là cội rễ. Vương Quốc Bahrain đã luôn hồi niệm và tự hào với quá khứ của mình, quá khứ về một vùng đất rất cổ xưa, vùng đất từ hàng ngàn năm trước đã thu hút nhiều người tìm đến nhờ vẻ đẹp của mình, vùng đất có tiếng như là Địa Đàng nhờ vô số những mạch nước mát lành. Vương quốc Dilmun cổ đại đã từng được gọi là “vùng đất dành cho kẻ sống”. Ngược dòng về nguồn cội của vùng đất này, với hơn 4500 năm có sự hiện diện liên tục của con người, chúng ta mới thấy tại sao Vương Quốc Bahrain, với vị trí địa lý của mình, với nguồn tài nguyên giàu có, và với khả năng thương mại của người dân mình, đã trở nên như một điểm gặp gỡ và sự giàu có hỗ tương giữa các dân tộc. Một trong những điều tuyệt diệu nhất trong lịch sử của vùng đất này, đó là chính nơi này là điểm gặp gỡ giữa nhiều dân tộc khác nhau.

Sự chung sống hoà bình trong sự đa dạng

Đây quả là một dòng nước ban sự sống, từ đó cội rễ của Vương Quốc Bahrain ngày nay vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Sự giàu có nhất của Vương Quốc này được phản ánh nơi những khác biệt văn hoá và sắc tộc, nơi sự chung sống hoà bình, và chính nơi truyền thống hiếu khách của người dân xứ này. Sự khác biệt, không có tính loại trừ nhưng dung nạp, chính là sự giàu có của mọi quốc gia phát triển thật sự. Trên những vùng đảo này, chúng ta có thể ngưỡng mộ một xã hội pha trộn đa sắc dân và đa tôn giáo, có khả năng vượt qua nguy cơ cô lập. Điều này vô cùng quan trọng trong thời đại của chúng ta, khi mà xu hướng muốn đóng kín trong chính mình và những nỗi bận tâm của riêng mình không cho phép chúng ta nhận ra tầm quan trọng của một thế giới còn rộng lớn hơn và trọn vẹn hơn. Vô số quốc tịch, sắc dân và các nhóm tôn giáo cùng chung sống trên đất nước Bahrain đã làm chứng rằng: chúng ta có thể và phải chung sống với nhau trên thế giới của chúng ta, thế giới mà trong những thập kỷ này đã trở nên như một ngôi làng rộng mở. Thật ra, dù xu hướng toàn cầu hoá đã bén rễ, nhưng ở nhiều khía cạnh khác, chúng ta vẫn thiếu cảm thức thuộc về một ngôi làng được thể hiện qua sự hiếu khách, sự quan tâm đến người khác, và cảm thức về tình huynh đệ. Thay vào đó, chúng ta phải bận lòng khi chứng kiến sự lên ngôi của sự dửng dưng và chẳng thèm quan tâm đến nhau, sự leo thang của lòng thù hận và xung đột mà chúng ta vẫn hy vọng là đã thuộc về quá khứ, cũng như những hình thức của chủ nghĩa dân tuý, cực đoan, và chủ nghĩa đế quốc đang đe doạ sự an toàn của tất cả mọi người. Bất chấp sự phát triển và nhiều dạng thức khác nhau của những thành tựu xã hội và khoa học, sự bất bình đẳng giữa những phần khác nhau của thế giới vẫn khôn ngừng gia tăng, và những thái độ phá huỷ của xung đột vẫn được ưa chuộng hơn là những cuộc gặp gỡ có thể mang lại nhiều hoa quả.

Xây dựng tình huynh đệ

Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh cây sự sống, hãy nghĩ đến những sa mạc đang cháy khát sự chung sống của tình người. Chúng ta hãy mang đến nguồn nước của tình huynh đệ. Ước gì chúng ta không đánh mất những cơ hội mở ra cho các cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh, các tôn giáo và văn hoá. Ước gì chúng ta không để cho cội nguồn nhân văn của chúng ta bị khô héo và mất đi sức sống. Chúng ta hãy làm việc cùng nhau. Chúng ta hãy làm việc hướng đến sự cộng tác chung tay và hướng đến hy vọng. Tôi đến đây, trên mảnh đất này, mảnh đất của Cây Sự Sống, như là một người gieo hoà bình, để sống những ngày gặp gỡ này và để thông dự vào cuộc đối thoại giữa Phương Đông và Phương Tây vì lợi ích của việc chung sống hoà bình của nhân loại. Tôi muốn cám ơn những người bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến tông du này, đặc biệt là các đại diện tôn giáo. Những ngày này đánh dấu một giai đoạn quý giá trong hành trình tình bạn, hành trình đã và đang được cổ võ bởi nhiều nhà lãnh đạo Hồi Giáo trong những năm gần đây, một hành trình huynh đệ hướng đến việc xây dựng hoà bình trên trái đất.

Liên quan đến chủ đề này, tôi thật sự đánh giá cao những cuộc hội nghị quốc tế và những cơ hội gặp gỡ mà Vương Quốc này tổ chức và cổ võ, tập trung vào các chủ đề như sự tôn trọng, khoan dung và tự do tôn giáo. Đây là những chủ đề nền tảng, như được nhìn nhận bởi Hiến Pháp của Vương Quốc này “không nên có sự phân biệt về giới tính, nguồn gốc, ngôn ngữ, tôn giáo và niềm tin”, “tự do lương tâm là tuyệt đối”, “chính quyền đảm bảo tính bất khả xâm phạm của tín ngưỡng”. Đây là những xác tín cần được liên tục theo đuổi và thực hiện, để tự do tôn giáo được trở nên trọn vẹn và không chỉ bị giới hạn trong việc phụng tự; để sự bình đẳng phẩm giá và bình đẳng trong những cơ hội sẽ được nhìn nhận cho tất cả các nhóm và các cá nhân; để không có hình thức kỳ thị nào còn tồn tại, và để quyền con người không bị cấm cản nhưng được cổ võ. Tôi nghĩ đến quyền được sống và sự cần thiết của việc luôn đảm bảo quyền ấy; cả đối với những người bị án phạt, không ai được phép lấy đi sự sống của họ.

Lao động nhập như và cơ hội việc làm

Hãy trở lại với chủ đề về Cây Sự Sống. Theo dòng thời gian, những nhành xum xuê của cây này đã trổ sinh biết bao cành lá, vươn cao và giang rộng. Trên đất nước này, nhiều cá nhân từ nhiều sắc dân khác nhau đã đóng góp vào tiến trình trổ sinh hoa quả. Đó là nhờ những người nhập cư. Vương Quốc Bahrain chính là một trong những đất nước đón nhận người nhập cư cao nhất trên thế giới: khoảng một nửa người cư ngụ trên đất này là người nhập cư. Họ đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của đất nước này. Dù đã phải lìa bỏ xứ sở của mình, nhưng nơi đây họ vẫn cảm thấy như ở nhà. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng trên thế giới của chúng ta, tỉ lệ thất nghiệp vẫn quá cao và còn rất nhiều những người phải lao động trong tình trạng phi nhân. Thực trạng này không chỉ tạo ra sự bất ổn xã hội mà còn đe doạ đến nhân phẩm của con người. Bởi lẽ, lao động không chỉ hướng đến mục đích kiếm sống. Lao động còn là một quyền lợi cần thiết cho việc phát triển chính con người và tạo nên một xã hội nhân sự đúng nghĩa.

Từ Vương Quốc này, một đất nước luôn hấp dẫn bởi việc cung cấp cơ hội công ăn việc làm, tôi muốn thêm một lần nữa gióng lên lời kêu gọi về cuộc khủng hoảng công ăn việc trên toàn cầu. Công ăn việc làm có giá trị như chính lương thực hàng ngày vậy. Khi công việc nô lệ hoá con người, công việc trở nên như loại lương thực không chỉ thường xuyên thiếu thốn mà còn bị nhiễm độc. Trong cả hai trường hợp, giá trị trung tâm không còn nằm ở con người vốn có giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm, và là mục đích của công việc, nhưng đã bị giảm thiểu thành một phương tiện sản xuất của cải. Chúng ta phải đảm bảo rằng điều kiện lao động ở mọi nơi phải được an toàn và xứng với nhân phẩm con người, rằng những điều kiện lao động ấy phải cổ võ thay vì làm cản trở sự trưởng thành về văn hoá và tinh thần của con người, rằng những điều kiện ấy phải phục vụ cho việc phát triển xã hội, cho những lợi ích của đời sống chung và cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Thăng tiến nữ giới và người trẻ

Vương Quốc Bahrain hoàn toàn có thể tự hào về sự đóng góp của mình trong lãnh vực này. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến trường học đầu tiên dành cho nữ giới ở khu vực Vùng Vịnh (Gulf) và việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Ước gì điều này trở nên một tấm gương cho toàn vùng trong việc cổ võ bình đẳng quyền lợi và cải tiến điều kiện sống cho các công nhân, nhất là phụ nữ và người trẻ, đồng thời đảm bảo sự tôn trọng và quan tâm cho tất cả những ai cảm thấy bị dạt ra bên lề xã hội, như là những người nhập cư hay những tù nhân. Một sự phát triển trọn vẹn và chân thật được đo lường trước hết bằng sự quan tâm dành cho chính những người này.

Bảo vệ môi trường

Cây Sự Sống, trỗi lên giữa lòng sa mạc, cũng khiến tôi nghĩ đến hai điều tối quan trọng cho mọi người, đồng thời cũng là thách thức cho tất cả những ai đang nắm quyền và chịu trách nhiệm phục vụ công ích. Thứ nhất là câu hỏi về môi trường. Bao nhiêu cây cối đã bị đốn hạ, bao nhiêu hệ sinh thái đã bị tàn phá, bao nhiêu biển đã bị ô nhiễm bởi tham vọng khôn cùng của con người, là loại tham vọng thường quay trở lại tàn phá chính chúng ta. Chúng ta hãy làm việc không mệt mỏi để đối phó với tình trạng khẩn cấp này, để đi đến những quyết định cụ thể và có chiều dài được gợi hứng bởi sự quan tâm dành cho thế hệ con cháu chúng ta, trước khi mọi sự đã trở nên quá muộn và tương lai con cháu chúng ta bị phá huỷ. Ước gì Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức vài ngày trước đây tại Ai-cập, là một bước tiến trong vấn đề này.

Xây dựng hoà bình

Thứ hai, hình ảnh Cây Sự Sống bén rễ thật sâu trong lòng đất, hút lấy nguồn nước để nuôi toàn thân cây. Từ thân ấy, trổ sinh ra những cành lá xum xuê mang nguồn sinh khí đến cho mọi tạo vật… Hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ về ơn gọi của mỗi con người trên trái đất này, ơn gọi làm cho sự sống triển nở. Vậy mà ngày hôm nay chúng ta vẫn không ngừng chứng kiến bao hành động chết chóc và đe doạ. Tôi đặc biệt nghĩ đến thực tại tàn bạo và vô nghĩa của chiến tranh đang gieo rắc sự tàn phá và huỷ hoại hy vọng khắp mọi nơi. Chiến tranh phơi ra những gì là xấu xa nhất của con người: lòng ích kỷ, bạo lực, dối trá. Mọi cuộc chiến đều giết chết sự thật. Chúng ta hãy từ chối thứ lý luận của vũ khí, và hãy thay đổi hướng đi, biến những khoảng chi tiêu khổng lồ cho quân sự thành những khoảng đầu tư trong cuộc chiến chống nghèo đói, chống việc thâm hụt y tế và giáo dục. Tôi thật sự rất đau lòng trước những tình cảnh xung đột. Gởi lời chào trân trọng và chân thành đến những quốc gia thuộc bán đảo Ả-rập, tôi đặc biệt nghĩ đến tình cảnh của Yemen, quốc gia bị lãng quên bởi chiến tranh. Các cuộc chiến nơi này đã chẳng mang đến chiến thắng nào, ngoại trừ sự thất bại cay đắng cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho những công dân của nước này, cho các trẻ em, cho những người già và những người bệnh tật. Và tôi cầu xin: hãy kết thúc các cuộc xung đột vũ khí đi! Chúng ta hãy cam kết xây dựng hoà bình cách cụ thể và ở mọi nơi.

Trong tuyên ngôn của Vương Quốc Bahrain có nhìn nhận rằng: “đức tin tôn giáo là một phúc lành cho toàn thể nhân loại và là nền tảng cho mọi nền hoà bình trên thế giới”. Hôm nay tôi hiện diện nơi đây với tư cách là một người có lòng tin, một người Kitô hữu, một con người, và là một khách hành hương vì hoà bình, bởi vì hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi, từ khắp mọi nơi, hãy dấn thân cách nghiêm túc để kiến tạo hoà bình.

Kính thưa Quốc Vương và quý hoàng thân cùng giới chức chính quyền và các bạn, như tôi đã hy vọng và cầu nguyện cho những ngày gặp gỡ mà lòng tôi đầy khát mong trên mảnh đất này, tôi muốn lặp lại những lời thật đẹp trong bản tuyên ngôn của Vương Quốc Bahrain: “Chúng ta dấn thân để lao tác cho một thế giới nơi mà những người có niềm tin chân thật đến với nhau, để từ chối mọi điều làm phân rẽ chúng ta, để tập trung vào việc xây dựng và mở rộng những gì hiệp nhất chúng ta”. Với phúc lành của Đấng Tối Cao, ước gì được như vậy.

Sukran! Cám ơn quý vị.

Kết thúc ngày thứ nhất chuyến tông du

Kết thúc buổi gặp với giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC được tiễn ra xe để về nơi ở dành cho ngài cách đó 500m để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Kết thúc ngày thứ nhất của chuyến tông du.

Văn Yên, SJ - Vatican News
 

 

Tông du Bahrain: Diễn văn trước chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Lúc khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Vương quốc Bahrain.

DIỄN VĂN CỦA ĐGH PHANXICÔ
TRƯỚC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN
TẠI DINH HOÀNG GIA SAKHIR, 3/11/2022

Kính thưa Quốc vương và quý hoàng thân
Kính thưa quý viên chức chính phủ và ngoại giao đoàn
Kính thưa quý giới chức tôn giáo và chính quyền dân sự
Kính thưa quý vị,

As-salamu alaikum! Bình an cho quý vị!

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi đến Quốc Vương vì đã mời tôi đến thăm Vương Quốc Bahrain, vì sự tiếp đón nồng hậu và quảng đại, cũng như vì những lời Ngài đã dành cho tôi. Tôi xin gởi đến Ngài lời chào thân thương nhất. Tôi cũng muốn gởi lời chào thân ái và quý mến đến tất cả những ai đang sống trên đất nước này: tới từng người tín hữu, từng cá nhân, từng thành viên trong các gia đình, những người được gọi là “nền tảng căn bản của xã hội” theo Hiến Pháp của Vương Quốc Bahrain. Tôi muốn bày tỏ niềm vui của tôi khi được hiện diện giữa tất cả các bạn.

Đây là chốn mà chúng ta thấy có nước bao quanh những đụn cát của sa mạc, có các toà nhà chọc trời mọc lên bên cạnh những khu chợ cổ kiểu Phương Đông, rất nhiều điều khác biệt hiện diện cùng nhau: nơi cổ kim gặp gỡ, nơi truyền thống và sự phát triển giao thoa, và trên tất cả là nơi mà những con người với bối cảnh khác biệt, cùng nhau tạo nên một bức tranh Mosaic của cuộc sống. Khi chuẩn bị cho chuyến tông du của mình, tôi đã khám phá ra biểu tượng sức sống tuyệt vời của Vương Quốc này, đó là hình ảnh “Cây Sự Sống” (Shajarat-al-Hayat). Khởi hứng từ hình ảnh này, tôi muốn chia sẻ với quý vị một vài suy tư. Cây là một hình ảnh biểu tượng hùng vĩ vốn tồn tại qua nhiều thế kỷ trên vùng đất sa mạc cằn cỗi này. Sống sót và phát triển qua nhiều thời đại trong những điều kiện khắc nghiệt thế này có vẻ như là một điều không tưởng. Nhiều người đã nhận ra rằng, bí mật của sự sống nằm ở những chùm rễ, những chùm rễ đào sâu hàng chục mét xuống dưới lòng đất để tìm kiếm những mạch nước ngầm.

Thế thì điều quan trọng là cội rễ. Vương Quốc Bahrain đã luôn hồi niệm và tự hào với quá khứ của mình, quá khứ về một vùng đất rất cổ xưa, vùng đất từ hàng ngàn năm trước đã thu hút nhiều người tìm đến nhờ vẻ đẹp của mình, vùng đất có tiếng như là Địa Đàng nhờ vô số những mạch nước mát lành. Vương quốc Dilmun cổ đại đã từng được gọi là “vùng đất dành cho kẻ sống”. Ngược dòng về nguồn cội của vùng đất này, với hơn 4500 năm có sự hiện diện liên tục của con người, chúng ta mới thấy tại sao Vương Quốc Bahrain, với vị trí địa lý của mình, với nguồn tài nguyên giàu có, và với khả năng thương mại của người dân mình, đã trở nên như một điểm gặp gỡ và sự giàu có hỗ tương giữa các dân tộc. Một trong những điều tuyệt diệu nhất trong lịch sử của vùng đất này, đó là chính nơi này là điểm gặp gỡ giữa nhiều dân tộc khác nhau.

Đây quả là một dòng nước ban sự sống, từ đó cội rễ của Vương Quốc Bahrain ngày nay vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Sự giàu có nhất của Vương Quốc này được phản ánh nơi những khác biệt văn hoá và sắc tộc, nơi sự chung sống hoà bình, và chính nơi truyền thống hiếu khách của người dân xứ này. Sự khác biệt, không có tính loại trừ nhưng dung nạp, chính là sự giàu có của mọi quốc gia phát triển thật sự. Trên những vùng đảo này, chúng ta có thể ngưỡng mộ một xã hội pha trộn đa sắc dân và đa tôn giáo, có khả năng vượt qua nguy cơ cô lập. Điều này vô cùng quan trọng trong thời đại của chúng ta, khi mà xu hướng muốn đóng kín trong chính mình và những nỗi bận tâm của riêng mình không cho phép chúng ta nhận ra tầm quan trọng của một thế giới còn rộng lớn hơn và trọn vẹn hơn. Vô số quốc tịch, sắc dân và các nhóm tôn giáo cùng chung sống trên đất nước Bahrain đã làm chứng rằng: chúng ta có thể và phải chung sống với nhau trên thế giới của chúng ta, thế giới mà trong những thập kỷ này đã trở nên như một ngôi làng rộng mở. Thật ra, dù xu hướng toàn cầu hoá đã bén rễ, nhưng ở nhiều khía cạnh khác, chúng ta vẫn thiếu cảm thức thuộc về một ngôi làng được thể hiện qua sự hiếu khách, sự quan tâm đến người khác, và cảm thức về tình huynh đệ. Thay vào đó, chúng ta phải bận lòng khi chứng kiến sự lên ngôi của sự dửng dưng và chẳng thèm quan tâm đến nhau, sự leo thang của lòng thù hận và xung đột mà chúng ta vẫn hy vọng là đã thuộc về quá khứ, cũng như những hình thức của chủ nghĩa dân tuý, cực đoan, và chủ nghĩa đế quốc đang đe doạ sự an toàn của tất cả mọi người. Bất chấp sự phát triển và nhiều dạng thức khác nhau của những thành tựu xã hội và khoa học, sự bất bình đẳng giữa những phần khác nhau của thế giới vẫn khôn ngừng gia tăng, và những thái độ phá huỷ của xung đột vẫn được ưa chuộng hơn là những cuộc gặp gỡ có thể mang lại nhiều hoa quả.

Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh cây sự sống, hãy nghĩ đến những sa mạc đang cháy khát sự chung sống của tình người. Chúng ta hãy mang đến nguồn nước của tình huynh đệ. Ước gì chúng ta không đánh mất những cơ hội mở ra cho các cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh, các tôn giáo và văn hoá. Ước gì chúng ta không để cho cội nguồn nhân văn của chúng ta bị khô héo và mất đi sức sống. Chúng ta hãy làm việc cùng nhau. Chúng ta hãy làm việc hướng đến sự cộng tác chung tay và hướng đến hy vọng. Tôi đến đây, trên mảnh đất này, mảnh đất của Cây Sự Sống, như là một người gieo hoà bình, để sống những ngày gặp gỡ này và để thông dự vào cuộc đối thoại giữa Phương Đông và Phương Tây vì lợi ích của việc chung sống hoà bình của nhân loại. Tôi muốn cám ơn những người bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến tông du này, đặc biệt là các đại diện tôn giáo. Những ngày này đánh dấu một giai đoạn quý giá trong chuyến hành trình tình bạn, hành trình đã và đang được cổ võ bởi nhiều nhà lãnh đạo Hồi Giáo trong những năm gần đây, một hành trình huynh đệ hướng đến việc xây dựng hoà bình trên trái đất.

Liên quan đến chủ đề này, tôi thật sự đánh giá cao những cuộc hội nghị quốc tế và những cơ hội gặp gỡ mà Vương Quốc này tổ chức và cổ võ, tập trung vào các chủ đề như sự tôn trọng, khoan dung và tự do tôn giáo. Đây là những chủ đề nền tảng, như được nhìn nhận bởi Hiến Pháp của Vương Quốc này “không nên có sự phân biệt về giới tính, nguồn gốc, ngôn ngữ, tôn giáo và niềm tin”, “tự do lương tâm là tuyệt đối”, “chính quyền đảm bảo tính bất khả xâm phạm của tín ngưỡng”. Đây là những xác tín cần được liên tục theo đuổi và thực hiện, để tự do tôn giáo được trở nên trọn vẹn và không chỉ bị giới hạn trong việc phụng tự; để sự bình đẳng phẩm giá và bình đẳng trong những cơ hội sẽ được nhìn nhận cho tất cả các nhóm và các cá nhân; để không có hình thức kỳ thị nào còn tồn tại, và để quyền con người không bị cấm cản nhưng được cổ võ. Tôi nghĩ đến quyền được sống và sự cần thiết của việc luôn đảm bảo quyền ấy; cả đối với những người bị án phạt, không ai được phép lấy đi sự sống của họ.

Hãy trở lại với chủ đề về Cây Sự Sống. Theo dòng thời gian, những nhành xum xuê của cây này đã trổ sinh biết bao cành lá, vươn cao và giang rộng. Trên đất nước này, nhiều cá nhân từ nhiều sắc dân khác nhau đã đóng góp vào tiến trình trổ sinh hoa quả. Đó là nhờ những người nhập cư. Vương Quốc Bahrain chính là một trong những đất nước đón nhận người nhập cư cao nhất trên thế giới: khoảng một nửa người cư ngụ trên đất này là người nhập cư. Họ đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của đất nước này. Dù đã phải lìa bỏ xứ sở của mình, nhưng nơi đây họ vẫn cảm thấy như ở nhà. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng trên thế giới của chúng ta, tỉ lệ thất nghiệp vẫn quá cao và còn rất nhiều những người phải lao động trong tình trạng phi nhân. Thực trạng này không chỉ tạo ra sự bất ổn xã hội mà còn đe doạ đến nhân phẩm của con người. Bởi lẽ, lao động không chỉ hướng đến mục đích kiếm sống. Lao động còn là một quyền lợi cần thiết cho việc phát triển chính con người và tạo nên một xã hội nhân sự đúng nghĩa.

Từ Vương Quốc này, một đất nước luôn hấp dẫn bởi việc cung cấp cơ hội công ăn việc làm, tôi muốn thêm một lần nữa gióng lên lời kêu gọi về cuộc khủng hoảng công ăn việc trên toàn cầu. Công ăn việc làm có giá trị như chính lương thực hàng ngày vậy. Khi công việc nô lệ hoá con người, công việc trở nên như loại lương thực không chỉ thường xuyên thiếu thốn mà còn bị nhiễm độc. Trong cả hai trường hợp, giá trị trung tâm không còn nằm ở con người vốn có giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm, và là mục đích của công việc, nhưng đã bị giảm thiểu thành một phương tiện sản xuất của cải. Chúng ta phải đảm bảo rằng điều kiện lao động ở mọi nơi phải được an toàn và xứng với nhân phẩm con người, rằng những điều kiện lao động ấy phải cổ võ thay vì làm cản trở sự trưởng thành về văn hoá và tinh thần của con người, rằng những điều kiện ấy phải phục vụ cho việc phát triển xã hội, cho những lợi ích của đời sống chung và cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Vương Quốc Bahrain hoàn toàn có thể tự hào về sự đóng góp của mình trong lãnh vực này. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến trường học đầu tiên dành cho nữ giới ở khu vực Vùng Vịnh (Gulf) và việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Ước gì điều này trở nên một tấm gương cho toàn vùng trong việc cổ võ bình đẳng quyền lợi và cải tiến điều kiện sống cho các công nhân, nhất là phụ nữ và người trẻ, đồng thời đảm bảo sự tôn trọng và quan tâm cho tất cả những ai cảm thấy bị dạt ra bên lề xã hội, như là những người nhập cư hay những tù nhân. Một sự phát triển trọn vẹn và chân thật được đo lường trước hết bằng sự quan tâm dành cho chính những người này.

Cây Sự Sống, trỗi lên giữa lòng sa mạc, cũng khiến tôi nghĩ đến hai điều tối quan trọng cho mọi người, đồng thời cũng là thách thức cho tất cả những ai đang nắm quyền và chịu trách nhiệm phục vụ công ích. Thứ nhất là câu hỏi về môi trường. Bao nhiêu cây cối đã bị đốn hạ, bao nhiêu hệ sinh thái đã bị tàn phá, bao nhiêu biển đã bị ô nhiễm bởi tham vọng khôn cùng của con người, là loại tham vọng thường quay trở lại tàn phá chính chúng ta. Chúng ta hãy làm việc không mệt mỏi để đối phó với tình trạng khẩn cấp này, để đi đến những quyết định cụ thể và có chiều dài được gợi hứng bởi sự quan tâm dành cho thế hệ con cháu chúng ta, trước khi mọi sự đã trở nên quá muộn và tương lai con cháu chúng ta bị phá huỷ. Ước gì Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức vài ngày trước đây tại Ai-cập, là một bước tiến trong vấn đề này.

Thứ hai, hình ảnh Cây Sự Sống bén rễ thật sâu trong lòng đất, hút lấy nguồn nước để nuôi toàn thân cây. Từ thân ấy, trổ sinh ra những cành lá xum xuê mang nguồn sinh khí đến cho mọi tạo vật… Hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ về ơn gọi của mỗi con người trên trái đất này, ơn gọi làm cho sự sống triển nở. Vậy mà ngày hôm nay chúng ta vẫn không ngừng chứng kiến bao hành động chết chóc và đe doạ. Tôi đặc biệt nghĩ đến thực tại tàn bạo và vô nghĩa của chiến tranh đang gieo rắc sự tàn phá và huỷ hoại hy vọng khắp mọi nơi. Chiến tranh phơi ra những gì là xấu xa nhất của con người: lòng ích kỷ, bạo lực, dối trá. Mọi cuộc chiến đều giết chết sự thật. Chúng ta hãy từ chối thứ lý luận của vũ khí, và hãy thay đổi hướng đi, biến những khoảng chi tiêu khổng lồ cho quân sự thành những khoảng đầu tư trong cuộc chiến chống nghèo đói, chống việc thâm hụt y tế và giáo dục. Tôi thật sự rất đau lòng trước những tình cảnh xung đột. Gởi lời chào trân trọng và chân thành đến những quốc gia thuộc bán đảo Ả-rập, tôi đặc biệt nghĩ đến tình cảnh của Yemen, quốc gia bị lãng quên bởi chiến tranh. Các cuộc chiến nơi này đã chẳng mang đến chiến thắng nào, ngoại trừ sự thất bại cay đắng cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho những công dân của nước này, cho các trẻ em, cho những người già và những người bệnh tật. Và tôi cầu xin: hãy kết thúc các cuộc xung đột vũ khí đi! Chúng ta hãy cam kết xây dựng hoà bình cách cụ thể và ở mọi nơi.

Trong tuyên ngôn của Vương Quốc Bahrain có nhìn nhận rằng: “đức tin tôn giáo là một phúc lành cho toàn thể nhân loại và là nền tảng cho mọi nền hoà bình trên thế giới”. Hôm nay tôi hiện diện nơi đây với tư cách là một người có lòng tin, một người Kitô hữu, một con người, và là một khách hành hương vì hoà bình, bởi vì hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi, từ khắp mọi nơi, hãy dấn thân cách nghiêm túc để kiến tạo hoà bình.

Kính thưa Quốc Vương và quý hoàng thân cùng giới chức chính quyền và các bạn, như tôi đã hy vọng và cầu nguyện cho những ngày gặp gỡ mà lòng tôi đầy khát mong trên mảnh đất này, tôi muốn lặp lại những lời thật đẹp trong bản tuyên ngôn của Vương Quốc Bahrain: “Chúng ta dấn thân để lao tác cho một thế giới nơi mà những người có niềm tin chân thật đến với nhau, để từ chối mọi điều làm phân rẽ chúng ta, để tập trung vào việc xây dựng và mở rộng những gì hiệp nhất chúng ta”. Với phúc lành của Đấng Tối Cao, ước gì được như vậy.

Sukran! Cám ơn quý vị.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây