Bệnh viện Nhân Ái

Thứ sáu - 24/04/2020 05:30 |   1257
Chúng tôi đến bệnh viện Nhân Ái vào một buổi chiều mưa ảm đạm.
BV Nhân ái
BV Nhân ái

Bệnh viện Nhân Ái

Chúng tôi đến bệnh viện Nhân Ái vào một buổi chiều mưa ảm đạm. Bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, hiu quạnh ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

Bệnh viện thành lập năm 2006, hiện đang tiếp nhận điều trị gần 200 bệnh nhân. Đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng,… có đến hơn 120 người ở luôn tại bệnh viện chăm lo chữa trị cho bệnh nhân. Trong số đó có 14 tu sĩ ở các nơi tình nguyện về đây phục vụ, săn sóc các bệnh nhân cả về thể chất cũng như ủi an, giúp đỡ về mặt tinh thần và tâm linh.

Chúng tôi được hướng dẫn đến khu A, khu dành riêng cho bệnh nặng. Một soeur dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán ở đây cho biết bệnh nhân Khu A hiện có 65 em tuổi từ 30 đến 40. Đa số các em là con nhà giàu có. Mới đầu gia đình cũng hay đến thăm nom, gửi gắm; nhưng sau thưa dần rồi bặt hẳn. Khi bệnh viện báo tin các em đã qua đời mới thấy người nhà đến xin nhận tro mang về.

Nguồn kinh phí của bệnh viện có hạn nên khẩu phần ăn không đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Các y bác sĩ phải tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân. Tháng nào bệnh viện cũng phải làm công văn đi xin gạo, xin tiền mua thêm thực phẩm bồi bổ cho bệnh nhân. Có bệnh nhân thèm ăn hủ tiếu, phở, thậm chí thèm ăn cả thịt chó… thế là các chị điều dưỡng vượt cả đoạn đường dài hơn 10 km để mua về cho các em ăn từ tiền túi của mình.

Hồi năm ngoái có một bệnh nhân thèm ăn cá bống kho tiêu, chị điều dưỡng phải ra tận Đồng Xoài mua, vừa về đến nhà thì bệnh nhân đã vội ra đi. Thương người quá cố, chị cứ tự dằn vặt mình vì sự chậm trễ.

Hầu hết những bệnh nhân ở Khu A đều bị gia đình, người thân bỏ rơi nên các soeurs chính là những người thân thích cuối cùng của các em. Các soeurs phải làm những phần việc tắm rửa, vệ sinh, xoa bóp, an ủi, vỗ về khi các em vật vã, đau đớn trên giường bệnh.

Có một bệnh nhân khá giả là nam giới, bị nhiễm HIV/AIDS do làm phẫu thuật chuyển giới tính tại Thái Lan. Bệnh nhân ấy rất thích được trở thành phụ nữ và có một nguyện vọng duy nhất sau khi chết được trang điểm thật đẹp. Đêm ấy, bệnh nhân ra đi mà không có người thân bên cạnh, mặc dù gia đình đã được báo trước, thế là các soeurs phải bỏ tiền mua váy áo đẹp tẩm liệm cẩn thận theo đúng nguyện vọng cuối cùng của bệnh nhân.

Hầu hết các bệnh nhân AIDS được chăm sóc tại bệnh viện đều là những người bệnh đã ở giai đoạn cuối. Chưa kể nhiều người đến giai đoạn phát bệnh, mắc 2 - 3 loại nhiễm trùng cùng lúc: nào ho lao, nào lở loét, tiêu chảy... Chính vì thế họ rất mặc cảm, tự ti. Không ít bệnh nhân mang tâm trạng chống đối hoặc bất hợp tác. Các soeurs phải vừa mềm mỏng vừa khéo léo đúng mực để điều trị cho họ tốt nhất.

Mỗi bệnh nhân trước khi nhiễm AIDS được đưa vào bệnh viện đều có hoàn cảnh riêng. Có kẻ do chơi bời trác táng sa đọa, có người do túng quẫn làm liều, có người lầm lỡ do cuộc sống đẩy đưa…

L là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ đều là công chức Nhà nước, khi mới 12 tuổi đầu, L đã bị người anh họ dụ dỗ đi bán ma tuý. Lúc đầu, L sử dụng ma tuý là để phân biệt hàng, sau thành quen. Năm học lớp 11, L nghiện nặng. Đến lúc đó, bố mẹ mới biết. Bất ngờ, choáng váng, đau khổ…, gia đình đã buộc L cai nghiện tại nhà. Trong vòng tay yêu thương của gia đình, dưới sự kiểm soát của bố mẹ, L đã cai nghiện và tốt nghiệp PTTH. Cũng thời gian đó, L quen và yêu một thanh niên nghiện ngập. Gia đình ngăn cấm. L bỏ nhà theo người yêu lên thành phố. Khi biết mình có bầu 6 tháng, L về nhà bố mẹ đẻ để sinh con. Cũng từ đấy, chồng và gia đình chồng ghẻ lạnh với mẹ con L. Sự ghẻ lạnh của gia đình chồng  khiến L bị suy sụp, L lại tìm đến ma tuý như liều thuốc an thần để quên đi tất cả những đắng cay, xót xa của cuộc đời. Để có tiền mua thuốc, L phải đi làm gái mại dâm và cứ thế trượt dài…

Chị Nguyễn Thị H, 27 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 7 anh chị em. Học xong lớp 9, H lấy chồng. Do chưa qua lứa tuổi vị thành niên, vợ chồng H suốt ngày cãi vã, H bị chồng đánh đập thường xuyên. Cưới nhau được 10 tháng, H bỏ về nhà mẹ đẻ. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của người bạn gái cùng làng nói là đi làm thợ may, H bị lừa bán cho ổ mại dâm, bị ép tiếp khách.

Một năm sau, H may mắn trốn khỏi “tổ quỷ”. H về nhà với tâm lý lo sợ, hụt hẫng, xấu hổ và cũng không biết phải làm gì để sinh sống. H lại sa vào con đường cũ: bỏ quê xuống thành phố làm tiếp viên nhà hàng. Không làm chủ được bản thân, H nghiện ma tuý. H đã bị cưỡng chế vào Trung tâm cai nghiện. Sau cai nghiện, H vẫn “ngựa quen đường cũ” và lại phải vào Trung tâm lần thứ 2, lần này thì phát hiện H đã bị AISD…    

Những câu chuyện về cuộc đời các bệnh nhân nơi đây, những giọt nước từ những hốc mắt trên những khuôn mặt sạm đen vì kháng thuốc, những thân hình khòng kheo nằm chờ chết… cứ ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về. Nơi đây cần lắm những tấm lòng, những vòng tay nhân ái, những vòng tay yêu thương rộng mở…  

Vẫn biết rằng chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS là công việc nguy hiểm, chỉ cần bị một chiếc kim tiêm đã sử dụng đâm vào tay là có thể có nguy cơ lây bệnh. Từ ngày thành lập bệnh viện đến nay, đã có 9 y bác sĩ, nhân viên bị phơi nhiễm HIV nhưng được xử lý kịp thời.

Các y bác sỹ, điều dưỡng tại Bệnh viện Nhân Ái hàng ngày phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm và vi trùng lao kháng thuốc, những người thầy thuốc vẫn luôn luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân 24/24h, chăm sóc, tâm sự với các bệnh nhân để động viên họ vượt qua rào cản tâm lý về sự mặc cảm. Có những lúc bị bệnh nhân la hét, chửi bới, họ vẫn phải chịu đựng và tìm cách vỗ về, an ủi. Dù biết bệnh nhân HIV/AIDS bị lao kháng thuốc nhưng các soeurs, các y bác sĩ, điều dưỡng khi tâm sự, tư vấn cho bệnh nhân tuyệt đối không được dùng khẩu trang. Vì đeo khẩu trang sẽ khó thành công trong việc tư vấn cho bệnh nhân.

Đó là sự hy sinh cao cả, hy sinh bản thân mình cho đồng loại. Vô vị lợi.

Chợt nhớ Trịnh Công Sơn có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...”. Vâng, chỉ để gió cuốn đi.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có bài thơ:

Tôi hỏi đất: - Ðất sống với đất như thế nào?

- Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: - Nước sống với nước như thế nào?

- Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với cỏ như thế nào?

- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?.

Nếu nhà thơ Hữu Thỉnh đã một lần đến Bệnh viện Nhân Ái, chắc chắn sẽ không lặp đi lặp lại câu hỏi “Người sống với người như thế nào?” đến 3 lần một cách chua chát như vậy. Mà sẽ trả lời ngay rằng: Người với người sống trong TìnhNghĩa bằng trái tim Nhân Ái.

Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây