Hành trình lên đỉnh Langbiang

Thứ sáu - 24/04/2020 06:50 |   596
Sáng thứ 5, ngày 11.8.2011, chúng tôi khởi hành từ Banmêthuột trên chiếc xe Ford – Everest của Huấn.
GX Ba Làng
GX Ba Làng
Hành trình lên đỉnh Langbiang

Lẽ ra trong chuyến đi này chúng tôi sẽ băng qua nhiều tỉnh thành, từ Banmêthuột qua Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai, Vũng Tàu rồi ngược mới ngược về Madagui, qua đèo Bảo Lộc để đến Langbian hùng vĩ, Đà Lạt mộng mơ. Nhưng trên đường đi, nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng hấp dẫn, nơi nào cũng muốn dừng chân mà thời gian thì có hạn, vì thế hành trình lên đỉnh Langbiang phải đi đường tắt, ngắn hơn so với dự định.

Sáng thứ 5, ngày 11.8.2011, chúng tôi khởi hành từ Banmêthuột trên chiếc xe Ford – Everest của Huấn. Hành trang lên đường là một bầu rượu và mấy bộ quần áo thường dùng. Xe chạy ngang Chủng viện Lê Bảo Tịnh (bây giờ là Trường chính trị), gợi nhớ thời anh em cùng chung mái trường, kỷ niệm ngày loạn lạc, ngày ly tán mỗi người một phương, kỷ niệm những ngày lao động XHCN, đói khát… Sực nhớ từ sáng đến giờ chưa ai có gì bỏ bụng!? Xe dừng tại chợ Km52. Công đi mua thực phẩm, nước uống… dự trữ cho chuyến lữ hành. Anh em tranh thủ điểm tâm ổ bánh mì cho chắc dạ.

 

Xe tiếp tục lăn bánh. Trên xe, mỗi người (trừ tài xế) làm thêm một cút rượu cho… đủ lễ bộ. Rượu vào lời ra, bao nhiêu câu chuyện hay từ ta đến Úc thi nhau kể. (Bác Điệp đã ghi chép cẩn thận, sẽ kể lại sau).

Nhờ những câu chuyện mà đoạn đường dường như ngắn lại. 12 giờ trưa, xe vào đến cửa ngõ thành Nha Trang, vượt qua cầu Xóm Bóng đến nhà hàng Nhã Trang. Nhà hàng rộng rãi, khang trang, thoáng mát, có các cô phục vụ nho nhỏ, xinh xinh, dễ mến. Cơm ở đây có mùi biển, khác cơm ở Banmê.



Ăn uống xong, chúng tôi quay trở lại giáo xứ Ba Làng để hỏi thăm nhà anh Linh Ba Làng. Nhà thờ, nhà xứ rộng mênh mông, sạch đẹp, ngăn nắp, thế mà không một bóng người. Chúng tôi vòng ra cả phía hội trường, nhà sinh thái (nhà wc ở đây gọi là nhà sinh thái)… cũng chẳng thấy ai. Gọi điện sang mãi tận bên Úc cho Linh Ba Làng: “Chúng tớ đang ở nhà thờ Ba Làng, muốn đến nhà Linh Ba Làng tại Việt Nam, cái nơi chôn nhau cắt rốn của hắn, xem hồi nhỏ hắn sống ở đó ra sao? Được không?”

Chắc hẳn Linh Ba Làng ngạc nhiên lắm! Chỉ 3 phút sau, có một người giống Linh Ba Làng y đúc xuất hiện. Anh ta giới thiệu tên Bài, anh ruột Linh Ba Làng, mời cha Phương và cả nhóm về nhà. Anh Bài đã có lần sang Úc, đã từng đi câu với cha Phương nên hai người gặp nhau mừng rỡ, thân thiết lắm! Nhà anh trước đây sát biển nhưng do Nhà nước lấn biển xây dựng đường sá, khu nghỉ mát nên bây giờ từ nhà anh ra biển phải đi vòng.



Hai vợ chồng anh Bài hiền lành, vui vẻ và hiếu khách. Sau khi tiếp đãi chúng tôi bằng đủ loại trái cây đặc sản Nha Trang, anh Bài dẫn chúng tôi đi tắm biển. Biển thật đẹp sát ngay chân núi Cô Tiên. Từ đây, có thể nhìn thấy Hòn Rùa, Hòn Yến, Hòn Chồng, xa xa là cáp treo sang Vinpearl Land.

Biển nước trong xanh, sạch sẽ, thoai thoải, lội được ra xa khoảng 200m. Bãi tắm lúc này vắng người, không có khách du lịch, chỉ có tốp thanh niên địa phương đang tắm. Nhóm chúng tôi tha hồ vẫy vùng, tha hồ tạo dáng chụp hình thỏa thích. Xem hình chắc Linh Ba Làng thèm lắm!




Tắm xong, về nhà đã thấy chị Bài dọn sẵn giữa sân một bàn ghẹ luộc bốc khói nghi ngút, mùi thơm béo ngậy rất hấp dẫn. Chà! Tắm biển lên, bụng đang đói mà nhậu món này thì quả là tuyệt! Lôi bầu rượu ra, mỗi người một cút. Ngửa mặt lên trời khà một tiếng. Đã ơi là đã! Sơn ‘dở hơi’ đòi dựng 3 lều. Cha Phương bảo: “Còn phải đi tiếp con ạ!”.

Vâng! Thế là lại phải đi tiếp. Trước khi lên đường, anh em cũng không quên đến đúng cái nới Linh Ba Làng… đái khi xưa để anh em tập trung đái ngay chỗ ấy. Thế mới là… Tình !!!

Chiếc Everest lại chuyển bánh hướng về Cam Ranh.

***

Chiếc Everest lại chuyển bánh hướng về Cam Ranh.


Hồi năm ngoái, cũng vào giờ này, anh em Ban truyền thông Giáo phận do cha Trưởng ban, Antôn Vũ Thanh Lịch, dẫn đầu cũng đã đến nơi này nhân dịp vĩnh khấn của dòng Xitô. Kỷ niệm lại ùa về như lũ đầu mùa. Thế nhưng, con người không phải chỉ sống bằng kỷ niệm mà còn phải sống bằng thực tế. Xe lại bon bon trên đường, mặc dù trời đã về chiều.

Hỏi thăm nhiều chặng, gọi điện nhiều lần, biết rằng xe đi vẫn đúng hướng, nhưng đã có sự ái ngại, e dè trong anh em. Đích đến là nhà Ông cố cha Huy (cha Huy cũng ở tận bên Úc). Đường vào nhà Ông cố thì gập ghềnh, khúc khuỷu, ổ gà ổ vịt giăng mắc, chẳng biết đâu mà lần. Đèn đường không có, xe trùm Huấn dò từng bước. Bất chợt… (lại bất chợt), có người đi xe máy thò đầu vào hỏi: “Có phải cha Phương đó không? Đi theo con!”. Được đà nói phét, cha Phương bảo: “Ông cứ đi trước đi. Tôi biết đường rồi!”. Trùm Huấn ung dung cho chiếc Everest bám theo xe máy.

Vào đến sân, mấy con chó nhép ra oai sủa inh ỏi. Nhìn thấy cha Phương to con, bệ vệ là thế cũng chẳng coi ra gì. Láo thế? Cả nhà chạy ra đón, đông lắm, tíu ta tíu tít. Ông cố thật hiền, nắm tay cha Phương kéo vào nhà. Dáng Ông cố nhỏ nhắn sóng đôi với cha Phương… thấy mà thương?!



Sau một ngày rong ruổi đường dài, vui, thú vị nhưng chắc chắn ai cũng mệt. Cơm nước xong, cả nhóm tìm chỗ ngủ. Riêng cha Phương ngồi nói chuyện với gia đình Ông cố đến 2 giờ sáng.

Gió núi ràn rạt, hơi biển nồng nồng đánh thức anh em dậy. Ông mặt trời đã lên cao, dọi những tia nắng ngọt trên khắp vùng, vậy mà mới có 5 giờ sáng. Ăn sáng xong, trùm Huấn chở anh em về phía cuối làng, dừng chân tại nghĩa trang thanh vắng. Nơi ấy có mộ chí thân tộc của Huấn. Dành đôi ba phút linh thiêng đầu ngày dâng nén hương trầm, hát câu kinh nguyện, thông công cùng người quá cố trước khi tiếp bước cuộc hành trình lên đỉnh Langbian.



Hành trình lên đỉnh Langbian chẳng có gì đáng nói, bởi tất cả đều suôn sẻ. Cụ Nguyễn Công Trứ nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai!”. Thế nhưng, ngồi trên xe ai cũng thì thầm cầu nguyện cho đường đời thật bằng phẳng.

Xe dừng lại tại địa danh Ba Tháp, còn có tên gọi khác là Cụm tháp Hòa Lai, nằm ngay sát quốc lộ 1A, cách Phan Rang 14km về phía bắc. Cụm tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ IX. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là kiến trúc tháp cổ đẹp nhất của dân tộc Champa, những hoa văn được điêu khắc rất tỉ mỉ, tinh xảo và nghệ thuật trên vòm cửa, trụ ốp, diềm mái... Đáng tiếc là hiện nay chỉ còn lại tháp Bắc và tháp Nam, tháp chính đã bị sụp đổ từ lâu, không còn dấu tích. Mấy anh em đứng tạo dáng chụp vài pô hình làm kỷ niệm rồi tiếp tục đi đến bãi biển Ninh Chữ.



Ninh Chữ là một bãi biển tuyệt đẹp, làn nước trong xanh sạch sẽ. Bờ biển cong cong hình lưỡi liềm có dải cát vàng óng, mịn màng trải dài, có rừng dương xanh ngát mát mẻ mọc ra sát biển, tạo nên không gian yên tĩnh, thơ mộng. Phía bờ xa xa là một bãi biển hoang sơ, cũng xanh mát rừng dương, ở đó có những tảng đá hình thù kỳ dị, nằm chơ vơ trên cát. Nhìn sang bên kia là thôn Tri Thủy, nơi núi và biển nằm cạnh bên nhau, núi ở đây không um tùm cây cỏ mà có dáng dấp như một non bộ, gồm nhiều hòn cao thấp khác nhau màu xám trắng, chen giữa lơ thơ cây lá. Đây đó trên sườn núi là vài ngôi chùa cổ, vài xóm nhà ngói chơ vơ. Tức cảnh sinh tình! Định lôi bầu rượu ra, mỗi người một cút. Ngửa mặt lên trời khà một tiếng cho đã thèm! Nhưng Sơn ‘dở hơi’ nói: “Ở đây vắng vẻ quá. Ta đi thôi!”

 

Thế là lại lên đường.

Chiếc Everest chuyển hướng chạy theo quốc lộ 27 ngược lên Đà Lạt. Đường sá ở đây quá tệ. Trùm Huấn cứ lẩm bà lẩm bẩm như xẩm dò đường. Cha Phương chẳng bảo sao, vẫn ngủ. Tiến ‘địa’ chịu không nổi đòi dừng xe cho… ngộ lái! Xe dừng ngay khu dân cư, dân ở đây nghèo lắm, vẫn còn nhà tranh vách đất. Thấy xe ôtô lạ, trẻ con người lớn xúm lại dòm. Sơn ‘dở hơi’ phải giả vờ thăm hỏi để che mắt thiên hạ cho anh em giải quyết nỗi buồn riêng. Xong việc, Công Nguyên cao hứng quyết định đeo gông kéo cày. Cha Phương bảo: “Không còn trò gì hay hơn nữa hả con?”. Trẻ con người lớn cười rần rần, vui vẻ cả làng. Công Nguyên móc túi cho trẻ con tờ mười ngàn, trẻ con mừng rơn, người lớn cũng khoái, tiễn anh em ra tận xe, tay vẫy vẫy. Thiệt cảm động.

 

Xe lại lóc xóc lên đường. Không thấy trùm Huấn lẩm bẩm nữa. Mỗi người có một suy tư riêng. Sơn ‘dở hơi’ kêu đói. Đói cũng chịu vì ở đây có cái gì mà ăn. Mãi đến gần chân đèo Sông Pha mới có quán. Trùm Huấn tinh mắt chọn ngay nhà hàng Sông Pha. Cái tên nhà hàng nghe hay đấy nhỉ!?

Nhà hàng vắng khách, không gian thoáng mát, bài trí tiện dụng mà lạ mắt. Ngay giữa nhà có một hồ cá lớn, giữa hồ cá có một đảo nhỏ trang trí khá sinh động. Thực khách có thể tự chọn chú cá nào tùy ý để làm món ăn cho mình. Các cô nhân viên phục vụ rất nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ, dễ mến. Chỉ loáng cái mà trên bàn đã đầy các món ăn nóng sốt, thơm lừng. Lôi bầu rượu ra, mỗi người một cút. Ngửa mặt lên trời khà một tiếng. Đã ơi là đã! Có người gọi điện thoại cho Tiến ‘địa’ trách móc chi đó. Tiến ‘địa’ trả lời: “Khổ lắm! chúng nó ép quá đành phải đi chứ sung sướng chi mô!”.



Mà khổ thật! Bắt đầu từ đây là phải leo đèo rồi. Đèo Sông Pha mà Công Nguyên cứ gọi là đèo Xông Pha! Xông pha thì đương nhiên là gian khổ. Thực ra tên nó là Krông Pha hay còn gọi là Đèo Ngoạn Mục, người Pháp gọi là Belle Vue (Ngoạn Mục) là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang, nằm ở độ cao 980m, dài khoảng 8km. Đèo càng lúc càng lên cao, có nhiều đoạn cua khuỷu tay rất gấp. Nhìn xuống thấy đường sá ngoằn ngoèo như rắn bò. Những đám mây trắng lơ lửng ngay trên đầu tưởng như có thể giơ tay ra bắt được.

Xe vừa “chui” qua 2 ống dẫn nước khổng lồ của thủy điện Đa Nhim thì trời đổ mưa. Cơn mưa bất chợt của núi rừng Đà Lạt như xóa sạch cái nóng hầm hập còn xót lại của vùng cát trắng Phan Rang. Càng lên cao, mưa càng nặng hạt. Xung quanh chỉ còn một mầu trắng bạc nhạt nhòa. Trùm Huấn phải căng mắt ra để nhìn đường. May mà đường vắng, họa hoằn lắm mới có xe ngược chiều. Lên gần đến đỉnh đèo thì mưa cũng dần tạnh. Trên đỉnh đèo có mấy quán lều bạt bán nước và trái cây, có lẽ do mưa nên vắng khách. Mấy cô bán hàng đội áo mưa ngồi túm tụm chuyện trò chi đó. Thấy xe trùm Huấn ghé lại, một cô nhanh nhẹn lấy khúc gỗ căn sau bánh xe, động tác rất thành thục.

 

Đứng trên đỉnh đèo nhìn cảnh vật sau cơn mưa tuyệt đẹp. Nhâm nhi tách cà phê nóng bốc khói được mấy cô sơn nữ pha bằng bếp gas dã chiến giữa thiên nhiên núi rừng lúc này tưởng không còn gì thú vị bằng. Vậy mà còn một thứ thú vị hơn: Lôi bầu rượu ra, mỗi người một cút. Ngửa mặt lên trời khà một tiếng. Đã ơi là đã! Sơn ‘dở hơi’ cất giọng khàn khàn hát: “Ta đứng trên đỉnh đèo… này ta hát vang với gió”. Cha Phương bảo: “Giữ sức lên đỉnh Langbian hãy hát! Đường còn xa lắm con ạ!”.

Uống xong ly cà phê, lại lên đường…

***

Uống xong ly cà phê, lại lên đường…


Thành phố Đà Lạt chẳng còn xa là mấy. Vượt qua 10km đèo Dran với những khúc cua không tưởng, những rừng thông bạt ngàn, già cỗi lẩn khuất trong mây; Vượt qua địa danh Cầu Đất, Trại Mát…; Vượt qua những nương chè xanh rì bất tận thoang thoảng hương thơm, chúng tôi đã đến thành phố hoa thơ mộng. Cũng may là trời đẹp, không mưa. Xe Trùm Huấn chạy vòng quanh bờ hồ Xuân Hương ngắm thiên hạ dạo mát. Ghé chợ Đà Lạt mua sắm vài thứ cần dùng. Quanh quẩn mà trời đã tối hẳn. Thành phố Đà Lạt về đêm thật tuyệt.

Kế hoạch tối nay cả đoàn phải có mặt tại Lạc Dương để sáng mai leo núi Langbian sớm. Ở Lạc Dương, Công Nguyên có quen một người do tình cờ. Anh tên là K’ Breo Cil, người dân tộc Kơ Ho. Lần ấy, Anh K’ Breo đưa cả nhà qua Đăk Lăk, không may xe ôtô chết máy trên QL.27 vắng vẻ, chẳng biết cậy nhờ ai. Công Nguyên ra tay nghĩa hiệp, chỉ vài thao tác chuyên nghiệp chiếc xe ngoan ngoãn nổ giòn. Vậy là quen nhau!


 

Công Nguyên báo tin cả đoàn sẽ nghỉ lại nhà anh đêm nay. Anh mừng lắm, ra tận đầu làng đón. Nhà anh cạnh nhà thờ Langbian nên cũng dễ nhớ. Những người trong gia đình anh vui vẻ thân thiết như người trong nhà. Anh kể chuyện về tập tục và đời sống người dân Kơ Ho. Người dân Kơ Ho hiền hòa, trung thực, mến khách, họ có bùa ngải để tự bảo vệ mình, bảo vệ hoa màu. Có đoàn khách du lịch thấy trái ngon trong vườn vắng chủ, thuận tay hái trộm, nên bị nhiễm bùa, cứ đi quanh quẩn mãi trong vườn không sao thoát ra được! Chiều tối, chủ nhà về mới giải bùa cho họ. Anh nói: “Loại bùa đó rất linh thiêng, người Kơ Ho chỉ truyền lại cho các trưởng bon, trưởng tộc. Tôi là tộc trưởng người Cil nên có loại bùa này và quý vị đã bị nhiễm bùa ấy. Nếu muốn được giải bùa vào sáng hôm sau thì xin mời quý vị phải tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu của tôi”.

Thế là tiêu đời! Bác Điệp nói nhỏ với cha Phương: “Cha có phép nào cứu cả bọn ra khỏi đây được không?”.

Cha Phương bảo: “Hãy cầu nguyện và vâng theo gia chủ”.

Gia chủ dẫn chúng tôi sang một gian nhà khá rộng, giữa nhà là một đống củi lớn dường như họ chuẩn bị đốt lửa trại, phía trước là dàn cồng chiêng, cờ quạt giống như người Êđê trong lễ hội đâm trâu. Gia chủ lâm râm khấn vái rồi cầm chiếc tù và bằng sừng trâu thổi một hơi thật dài như thể kêu gọi âm binh. Tiếng tù và rúc trong đêm nghe đến rợn người. Chủ nhà nói: “Lẽ ra chúng ta sẽ nhảy múa suốt đêm theo tục lệ của tộc người Cil, nhưng thấy cha Phương đi đường xa có vẻ thấm mệt nên đặc xá cho quý vị”.

Bác Điệp thầm thì: “Tạ ơn Chúa”.

Chúng tôi lại được dẫn sang một phòng khác, ấm cúng hơn, sàn nhà trải chiếu sạch sẽ. Anh K’ Breo mời chúng tôi ngồi xung quanh chóe rượu cần, rồi nói: “Rượu cần là tinh hoa đất trời, do bàn tay con người tạo ra. Người Cil dù nghèo, dù đói lúc nào cũng có rượu cần trong nhà.” Anh mở miệng chóe lấy búi lá tranh bỏ ra ngoài, cắm cây cần vào, tay phải nắm lấy cần, tay trái đặt lên miệng chóe lâm râm khấn vái. Anh múc nước đổ tràn miệng chóe rồi nói: “Lẽ ra khách quý được mời uống đầu tiên, nhưng để chứng tỏ trong rượu không có thuốc độc nên tôi sẽ uống trước, tiếp theo tôi sẽ đổ nước mời cha Phương, hết ca nước cha Phương sẽ đổ nước cho  người khác uống, cứ thế lần lượt”.



Mọi người vừa uống rượu cần vừa chuyện trò rôm rả, quên mất chuyện bùa ngải. Giờ thì không thấy bác Điệp cầu nguyện nữa. Người nhà anh K’ Breo đưa thịt nướng lên. Công Nguyên mang bánh mì, thịt nguội mua lúc chiều bày ra mâm, cả bầu rượu nữa. Công Nguyên rót rượu mời chủ nhà. Để chứng tỏ rượu trong bầu rất ngon, Công Nguyên uống trước một cút, ngửa mặt lên trời khà một tiếng. Đã ơi là đã! Cứ thế lần lượt, rượu cần hòa lẫn rượu… bầu tạo nên men say ngất ngây. Mấy cô cháu gái chủ nhà rất dễ thương, mến khách, nhiệt tình lại múa hát rất hay. Cả chủ lẫn khách đều chuếnh choáng:

Ta vin cần uống núi rừng thiêng
Em múc trăng vàng về tan đáy rượu
Giọt mắt hòa vào men chuếnh choáng
Tôi chìm trong hương tóc trăng em...

Thật là một đêm tuyệt diệu. Giá như không có cha Phương thì tôi đã hát:

Anh ở bên này chóe rượu,
Vít cần trúc cong cong thành một nửa bầu trời
Thành một nửa trái tim mơ hồ gọi
Một nửa còn bên ấy
Bạn tình ơi!
Bên này trái tim, bên ấy trái tim
Vòng ngực nổi cồn trên miệng chóe
Rượu chảy về hai bên, men say còn ở giữa.
Lửa phừng phừng bứt tượt áo nuk-kiar...
Ơi chân trời lửa bên em sao mà xa ngái thế
Đường gấp khúc trái tim sâu thăm thẳm đáy men nồng.


Có lẽ vừa mới chợp mắt thì chuông nhà thờ đổ. Tiếng chuông ngân nga quyện theo gió lẫn trong tiếng thông reo vi vu đánh thức mọi người dậy. Ngoài trời se lạnh đủ để quyến rũ tôi đắm mình trong sương sớm bước sang nhà thờ. Cái se lạnh cũng vừa đủ để các cô gái khoác thêm chiếc khăn choàng điệu đà mà duyên dáng làm ngẩn ngơ, mê mẩn khách phương xa.



Chương trình leo núi bị trì hoãn mãi đến gần 8 giờ. Có lẽ do bùa ngải tối qua còn vương vấn!?  Anh K’ Breo “thanh minh thanh nga” mãi rằng chuyện bùa ngải chỉ là đùa thôi. Kể cả những chiếc vòng cổ, vòng tay… mấy chị phụ nữ tặng cha Phương tối qua chỉ là do tình cảm thương mến thôi, không phải như những chiếc vòng “bắt chồng” trong truyền thuyết đâu. Anh tâm sự: “Chính tôi và người trong gia đình tôi mới là người bị cha Phương và các anh bỏ bùa. Bởi vì từ lúc gặp các anh, chúng tôi cứ quyến luyến, lẩn quẩn mãi không muốn chia tay”.

Công bằng mà nói, chính tôi mới là người dính bùa. Vì từ đêm qua đầu óc sao cứ lơ mơ vướng vất. Mãi khi về đến Banmêthuột, kiểm tra lại hành lý mới biết mình chỉ vác mỗi cái ba lô không về nhà, còn cái ruột thì để lại Langbian! Chẳng là gì, chỉ là mấy bộ quần áo ướt thôi. Nhưng cũng làm phiền anh K’ Breo phải đóng gói gửi trả theo đường bưu điện!

Bởi đầu óc cứ lơ mơ vướng vất nên lúc lên núi, xuống núi thế nào cũng chẳng nhớ. Đến khi xe về Đak Lak ghé thăm hồ Lạc Thiện mới sực tỉnh. Langbian ơi! Tôi đã rời xa em thực rồi sao?...

Chào em nhé Langbiang thánh thiện
Đà Lạt ơi, mây trắng đến nao lòng
Ta khẽ hỏi giữa đại ngàn lộng gió
Có bao giờ em đẹp thế này chăng?



***
Đọc xong bài Hành trình lên đỉnh Langbian, mấy anh bạn ở Banmêthuột thắc mắc: “Đỉnh Langbian có gì hay đâu? Sao không thấy kể ra gì hết dzậy???”.

Vâng:

LangBian - câu chuyện tình núi mẹ (*)
Cứ xanh tươi như một cuộc tình
Người Lạch, người Cil... bao đời vẫn thế
Gieo hạt mầm xanh trên vùng đất yên bình!

Cô sơn nữ bên chóe rượu cần
Em giấu gì trong nụ cười lúng liếng
Hình như tình yêu vừa chợt đến?
Đêm qua. Trai - gái hội hè!...

Đỉnh Langbian còn đó lời thề
Hẹn gặp em sang năm mùa lúa mới
Rượu cần lên men anh về mở hội
Đêm đại ngàn lên đỉnh tận cung mây…
 
(*) Núi LangBian còn gọi là núi Mẹ
 
HÌNH ẢNH
Xin mời xem hình TẠI ĐÂY

Binhbalme
 Tags: Langbiang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây