Cà phê cứt chồn

Thứ hai - 21/12/2020 22:25 |   812
Bạn có bao giờ được thưởng thức một loại cà phê thật đặc biệt chưa?
CÀ PHÊ CỨT CHỒN, MỘT HUYỀN THOẠI…

cà phê chồn

Bạn có bao giờ được thưởng thức một loại cà phê thật đặc biệt chưa?

Ở thành phố Hồ chí Minh hay Hà Nội cũng như bao tỉnh thành khác, người ta đến quán cà phê để tìm một không gian thoáng đãng nhưng đầy ấm cúng. Có lẽ không có gì lý tưởng hơn là ngồi trầm mặc nhìn cà phê nhỏ giọt, thả hồn trong khói thuốc. Ở góc khác, hai ba người tụm lại bên chiếc bàn nhỏ nhấm nháp từng ngụm cà phê, tán gẫu chuyện đời. Nơi không gian này thật yên tĩnh, không ai dám lớn tiếng chỉ sợ làm tan đi không khí linh thiêng vốn ở những hàng quán khác không có được mà chỉ tồn tại nơi những quán cà phê đích thực mang phong cách Ban-mê-thuột.

Ban-mê-thuột được biết đến nhờ vào cà phê hơn là những điều khác. Người Pháp đã đưa cà phê vào trồng ở Ban-mê-thuột năm 1937, trên miền đất đỏ bazan mầu mỡ nguyên là vùng nham thạch núi lửa. Nơi giải đất phì nhiêu này thích hợp với rất nhiều loại cây trồng mà cà phê đã trở thành đặc sản và mang lại tiếng tăm cho miền đất xa xôi hẻo lánh mà vào thập niên 30, 40 là nơi lưu đày của các tội phạm chính trị. Tại Ban-mê-thuột, cà phê cứt chồn cũng chỉ được truyền tụng như một huyền thoại. Thế hệ trẻ hôm nay nhiều người cất công tìm kiếm và chỉ được kể lại loáng thoáng nhưng cũng đã đủ làm cho lòng người ngây ngất, ước mơ sẽ có lần thưởng thức một tách cà phê tuyệt hảo có một không hai trên cõi đời này.

Tôi có diễm phúc được sống tại Ban-mê-thuột từ năm 1960, tôi lớn lên được hít thở không gian ngào ngạt hương thơm của mùa hoa cà phê. Khi mùa hoa cà phê nở, cả một vùng đồi núi bao la trắng xoá cánh đồng, chập chùng như sóng tuyết, hương thơm của hoa cà phê ngào ngạt làm cho vạn vật say đắm. Những con thú hoang như bị quyến rũ bởi hương thơm độc đáo. Tại vùng cao nguyên này, không hẳn chỉ có con người mới bị hương vị của cà phê quyến rũ mà cả muông thú cũng biết thưởng thức hương vị tuyệt vời của cà phê mà hầu như không có loại cây trái nào có thể qua mặt được. Khi mùa cà phê chín đỏ, muôn chim bay lượn và lựa chọn những trái cà phê ngon nhất để thưởng thức. Chúng tụ lại từng đàn, nhấm nháp vị ngọt của trái chín và nhả ra từng bãi cà phê dưới tán những bóng cây rậm rạp. Người ta lượm thứ cà phê này về và chế biến thành loại cà phê chim, một loại cà phê đậm đà, chất lượng mà những loại cà phê thông thường không thể ngon hơn được, bởi vì muôn chim đã chọn thay cho con người những trái cà phê đặc biệt nhất trong vườn cây. Tuy nhiên cà phê cứt chồn mới là thứ hảo hạng…
 
Chồn là loại động vật hoang dã sống ẩn nấp dưới những tán rừng, là loại thú ăn thịt nhưng lại thích nhấm nháp vị ngọt của trái cà phê chín đỏ. Chồn Đèn có màu hung nâu nhanh nhẹn và hay lẻn vào các chuồng trại của nhà nông để bắt trộm gà. Chồn Ngận hay còn gọi là Chồn Hương tỏa ra một mùi hương đặc biệt, thường bị con người săn bắt lấy Ngận làm thuốc hầu như là tuyệt chủng. Chồn Mồng màu xám, có hai sọc trên lưng là loại chồn lớn và nặng ký nhất. Con lớn thông thường cũng từ 6 tới 7 kg. Trong các rẫy cà phê, chồn đi lại tự nhiên vì đó chính là giang sơn của loại thú hoang dã này. Chúng tìm những cây cà phê ngon nhất, chọn những trái no tròn, căng mọng và chín đỏ. Chúng ăn trái và nhả vỏ, những hạt cà phê đầy dần trong dạ dày của chúng được co bóp, nhào trộn với dịch vị như được tẩm một chất men đặc biệt, sau đó thì được thải ra ngoài. Mùa thu hoạch người ta lượm những thỏi cà phê do chồn thải ra đem về để riêng và chuẩn bị chế biến một loại cà phê độc nhất vô nhị trên thế giới. Những người làm cà phê sành điệu ở Banmêthuột trước đây đều có những bí quyêt để chế biến loại cà phê này. Trong các chuồng trại của họ, đàn gà không thể thiếu, những con gà trống được thiến chỉ để lại duy nhất một con làm giống. Sáng sớm đàn gà được thả, chúng bươi những đống lá khô mục dưới gốc cây cà phê, tìm những con mối ăn no nê thoả thích. Những chú gà trống thiến núc na, núc ních đi lại một cách nặng nhọc chung quanh các vườn trại, mỡ của chúng chính là nguyên liệu để tẩm khi chế biến cà phê. Cà phê Cứt Chồn được tẩm với mỡ gà trống thiến sẽ tạo ra một loại cà phê hảo hạng không có một loại cà phê nào trên thế giới sánh kịp. Rang cà phê lại là một nghệ thuật cao cấp nữa, người rang cà phê có thể được coi như những nghệ nhân. Ngồi bên bếp lửa, họ cảm nhận được sự chuyển biến của mùi hương để điều chỉnh ngọn lửa lúc nhỏ lúc to và lúc nào là cà phê tới. Có những người mày mò tìm kiếm biết bao nhiêu năm trời mới tìm ra bí quyết, nhưng không phải tay nghề nào cũng giống tay nghề nào…
 
Cà phê Ban-mê-thuột vốn nổi tiếng trên thế giới, người Âu Châu cũng đang tìm về một phong cách cà phê mà chỉ có xứ “Buồn Muôn Thưở” mới tạo ra một phong cách độc đáo đó là phong cách Ban-mê-thuột. Cà phê cứt chồn hôm nay chỉ còn tồn tại như một huyền thoại, chỉ có những người may mắn diễm phúc thì mới được thưởng thức loại cà phê độc nhất vô nhị này. Loài chồn không hẳn là diệt chủng nhưng ngày nay quả thật rất hiếm, thỉnh thoảng người có duyên mới lượm được một vài thỏi cứt chồn đem về cất kỹ lưỡng, nhưng để chế biến thì phải là tay sành điệu mà ngày nay những nghệ nhân này hiếm vô cùng. Người ta đồn đại nhạc sỹ Nguyễn Cường nhờ được thưởng thức loại cà phê hảo hạng có một không hai, đã tạo cảm hứng cho ông đánh thức cả đại ngàn Tây Nguyên. Mời bạn ghé thăm Ban-mê-thuột, biết đâu bạn là người may mắn và bạn hãy cùng tôi thưởng thức một tách cà phê chính hiệu.
 
48423932 2454801424535370 6168869378445017088 n

 
Hoàng Công Nga
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây