6 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh
MỤC 3: TIN MỪNG THÁNH MARCO VÀ THÁNH GIOAN
Trong Tân Ước, chỉ có hai cuốn Tin Mừng Thánh Matthew và Luca cung cấp nhiều dữ kiện hơn cả về Thánh Giuse. Hai cuốn Tin Mừng còn lại thì sao?
I. TIN MỪNG THÁNH MARCO
Theo ý kiến các học giả, đây là cuốn Tin Mừng ra đời sớm nhất, và mở đầu với sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Tin Mừng Marco không đề cập đến thời thơ ấu của Đức Giêsu, vì thế không nhắc đến Thánh Giuse.
Tuy nhiên, cũng có hai chi tiết đáng để ý:
1/. Thánh sử Marco đã 5 lần gắn liền “Nazareth” với thân thế của Đức Giêsu: Nazareth không những ám chỉ nguyên quán (1,9; 14,67) mà còn trở thành biệt hiệu của Người (1,24; 10,47; 16,6).
2/. Thánh sử Marco là người duy nhất cho biết Đức Giêsu làm nghề “thợ mộc” (Mc 6,3).
Cả hai chi tiết này đều gián tiếp nói lên mối liên hệ với Thánh Giuse: “cha nào con nấy”. Tuy nhiên, dưới một phương diện khác, liền sau khi nói đến “Đức Giêsu là thợ mộc”, thánh sử thêm rằng, “con bà Maria” (6,3). Lối nói này hơi ngược đời, bởi vì tục lệ thường gắn con với người cha chứ không gắn với bà mẹ (thí dụ như: Simon con ông Gioan). Phải chăng, bởi vì thánh sử muốn nêu bật việc sinh hạ khác thường của Đức Giêsu?
II. TIN MỪNG THÁNH GIOAN
Tin Mừng Thánh Gioan chú trọng đến Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” hơn là “con của ông Adam”. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, hiện hữu từ muôn thuở, đã đến cắm lều ở giữa loài người (Ga 1,1.14).
Trong tác phẩm này, tên ông Giuse được nhắc đến hai lần:
1/. Vào lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ và thâu nhận môn đệ, ông Philipphe mô tả thân thế của Người như sau: “Chúng tôi đã gặp ông Giêsu Nazareth, con ông Giuse” (1,45). Đây không phải là một chức tước danh giá gì, bởi vì ông Nathanael vặn lại: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được”. Ông Philipphe ôn tồn mời anh bạn: “Đến mà xem!”. Qua cuộc đối đáp này, ta có thể ghi nhận rằng, người đương thời khinh rẻ làng Nazareth. Đàng sau não trạng dân gian này, có lẽ còn có một quan điểm thần học nữa, đó là dân Do Thái không thể nào chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, bởi vì vị này được tiên báo như là con vua David, xuất thân từ Bethlehem miền Judea. [20]
2/. Điều này càng rõ hơn nữa khi Đức Giêsu tự xưng là “Bánh từ trời xuống”. Người nghe liền xầm xì: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42).
Hai trường hợp nhắc đến Đức Giêsu như là “con ông Giuse” đều nằm trong bối cảnh người Do Thái đặt vấn nạn về thiên tính của Đức Giêsu. Xem ra Thánh Gioan muốn đối chọi giữa hai cái nhìn về nguồn gốc của Đức Giêsu: người đời chỉ có thể biết được nguồn gốc nhân tính của Người như là con ông Giuse và xuất thân từ Nazareth; cần phải có ơn trên thì mới nhận ra Người từ trời xuống (Ga 6,44; 7,28-29). Sự thay đổi viễn tượng có thể nhận thấy nơi Nathanael. Vào lúc đầu, ông tỏ ra thái độ ngờ vực cách tự nhiên: “Từ Nazareth, có cái gì hay được?” (Ga 1,46); nhưng sau khi đã gặp gỡ Đức Giêsu, ông thốt lên: “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” (Ga 1,49).
https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/than-hoc/su-mang-cua-thanh-giuse-trong-cuoc-doi-chua-kito-va-hoi-thanh.html/2
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn