3 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh

Thứ bảy - 23/01/2021 09:51 |   899
Như đã nói trên đây, trong hai chương đầu, Matthew trưng dẫn 5 “lời” của Cựu Ước, nhưng không hoàn toàn lấy nguyên văn: có lúc ông sửa đổi đôi chút (Mt 1,23 = Is 7,14), có lúc ghép hai ba câu làm một (thí dụ: Mt 2,6 = Mk 5,1tt + 2 Sm 5,2. Mt 2,22 = Tl 13,5.7+ Is 11,1).
3 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh

 

 
 

 
3 Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh


III. TRUYỀN TIN CHO THÁNH GIUSE (1,18-25)

 

Đoạn văn này thường được phân tích từ phía Đức Maria, nhưng ít khi được nhìn từ phía ông Giuse. Dù sao, Thánh Luca nói đến thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria về việc sinh hạ Đức Giêsu; còn Thánh Matthew nói đến việc thiên sứ truyền tin cho Thánh Giuse, không những để đánh tan một mối nghi ngờ nhưng còn mặc khải sứ mạng của ông trong mầu nhiệm Nhập thể. Thực vậy, việc truyền tin cho Thánh Giuse không chỉ nhằm giải thích nguồn gốc của sự kiện Đức Maria có thai, nhưng còn mời gọi ông hãy tham gia vào việc hoàn tất chương trình của Thiên Chúa, đó là Đấng Messia thuộc dòng vua David.
 
Trước khi đi vào nội dung, chúng ta nên nhớ rằng sách Tin Mừng của Thánh Matthew được viết cho dân Do Thái và sử dụng nhiều cách lập luận dựa theo nền văn hóa của họ. Người đọc phải làm quen với não trạng của họ, xét về mặt tín ngưỡng (dựa trên giao ước của Thiên Chúa với các tổ phụ), cũng như xét về phong tục xã hội. Sự hiểu biết tục lệ người Do Thái cần thiết để hiểu nhiều vấn đề liên quan đến hôn nhân giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria.
 
Tại nhiều dân tộc, trước khi cử hành lễ thành hôn (lễ cưới) thì có lễ đính hôn (lễ hỏi). Giá trị pháp lý của việc đính hôn thay đổi tùy nơi tùy thời. Ngày nay, việc đính hôn chỉ mang tính cách một lời hứa danh dự, chứ không có giá trị ràng buộc như là việc thành hôn. [10] Tuy nhiên, trong xã hội Do Thái thời xưa, việc đính hôn không những đặt ra nghĩa vụ ràng buộc đôi bên phải tiến tới việc kết hôn, mà còn mang theo nghĩa vụ chung thủy với nhau nữa. Luật pháp coi hai người đính hôn như là “vợ”và “chồng”. Vì thế, sự ngoại tình được coi như tội phạm ngay từ lúc đính hôn, chứ không phải từ lúc thành hôn (xc. Đnl 20,7; 22,23-25). Đàng khác, trong thời gian đính hôn, luật pháp cũng dự trù hai thủ tục để ly dị. Thủ tục thứ nhất mang tính cách công khai, khi người chồng tố cáo bà vợ ngoại tình, và như vậy bà phải chịu những hình phạt dành cho tôị ngoại tình(ném đá: xc. Ga 8,5). Thủ tục thứ hai mang tính cách tư riêng: trước mặt hai nhân chứng, ông trao cho bà một tờ tuyên bố từ hôn.

Chuyện xảy ra là: “bà Maria… đã đính hôn với ông Giuse; nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do Chúa Thánh Thần” (1,18). Thánh Matthew nói rằng, bà Maria chỉ mới đính hôn với ông Giuse mà thôi. Nên lưu ý là không tài liệu lịch sử nào nói đến tuổi tác của ông Giuse. Hình ảnh về ông Giuse đầu tóc bạc phơ là do ảnh hưởng của một ngụy thư “Tin Mừng tiên khởi Thánh Jacobe” sẽ nói trong chương tới. Cũng không có tài liệu nào cho biết hai người đã đính hôn với nhau từ hồi nào và chừng nào tính chuyện về chung sống với nhau. Dù sao, thì ông đã là chồng của bà Maria rồi (Mt 1,16.19) và bà là vợ (Mt 1,20). Bỗng nhiên, bà Maria đã mang thai. Theo lối hành văn của Matthew (1,19), ông Giuse không muốn làm to chuyện, và đi tới quyết định từ hôn theo thủ tục thứ hai nói trên đây. Tuy nhiên, lý do gì thúc đẩy ông hành động như vậy? Đây là đề tài tranh luận sôi nổi ngay từ thời các Giáo phụ.
 
A. Lý do ly dị
 
Nói chung, các ý kiến của các nhà chú giải được xếp thành hai nhóm: một nhóm cho rằng ông Giuse không biết gì về nguồn gốc siêu nhiên của việc bà Maria mang thai, vì thế ông đâm ra nghi ngờ; nhóm thứ hai chủ trương rằng ông đã rõ đầu đuôi sự việc, nhưng không biết phải xử trí thế nào.
 
1/. Dựa theo nhóm ý kiến thứ nhất (chẳng hạn các Giáo phụ: Giustino, Gioan Kim Khẩu, Ambrosio, Augustino, có lẽ chịu ảnh hưởng của “Tin Mừng tiên khởi Thánh Jacobe”), ông Giuse đã nghi ngờ về sự chung thủy của vợ mình, vì thế ông quyết định ly dị. Họ cũng nghĩ rằng, Đức Maria giữ thái độ thinh lặng, hoặc vì dè dặt khiêm tốn, hoặc vì biết rằng không thể nào thuyết phục được ông Giuse.
 
2/. Nhóm thứ hai (đại diện bởi thánh Hieronimo thời Giáo phụ, thánh Benardo và Thánh Thomas Aquinas thời Trung cổ) cho rằng, Thánh Giuse đã biết nguyên nhân khác thường của việc cưu mang của Đức Maria. Vào thời nay, ý kiến này được củng cố nhờ sự nghiên cứu ngữ học: Thánh Matthew viết rằng: “trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, thì thấy bà có thai”, ở thể văn không có chủ từ. Như vậy, có thể là tác giả chỉ trưng dẫn sự kiện, chứ không khẳng định “ai đã thấy”? Hơn nữa, câu văn không dứt ở chỗ “thấy bà có thai”, nhưng còn tiếp tục “do Chúa Thánh Thần”. Phải chăng, dụng ý của Matthew ở đây là muốn đề cao một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của bà Maria cũng như của ông Giuse?
 
Thánh sử không xác định bằng cách nào ông Giuse biết được vợ mình có thai: tại vì sự kiện trờ trờ ra đó? Hay là do họ hàng bên vợ kháo láo? Hoặc vì chính bà đã tâm sự với chồng về sự lúng túng của mình?
 
B. Ông Giuse là người công chính
 
“Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
Tại sao ông Giuse được gọi là công chính?
 
1/. Những ai chủ trương ông đã nghi ngờ bà Maria ngoại tình thì giải thích “công chính” theo nghĩa là tôn trọng luật pháp (công minh chính trực). Nếu người vợ (dù chỉ mới đính hôn)phạm tội ngoại tình, thì chồng buộc phải từ hôn (xc. Đnl 22, 23-27). Ông ta có quyền lựa chọn một trong hai thủ tục như đã nói. Trường hợp này, ông Giuse chọn thủ tục tư riêng, bởi vì không muốn làm mất thanh danh của vợ. Như vậy, ông vừa tuân hành luật pháp, vừa tôn trọng sự công bằng với bà vợ (xét vì ông chưa nắm vững các tình tiết của câu chuyện).
 
2/. Tuy nhiên, các nhà chú giải cận đại muốn đào sâu vấn đề hơn nữa, nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa của từ “công chính” (Dikaios) theo truyền thống Kinh Thánh. Hạn từ “công chính” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Matthew, áp dụng cho những người mong chờ Thiên Chúa thực hiện những lời hứa (Mt 13,17; 23,29), hoặc cho các môn đệ sẽ được gia nhập Nước Thiên Chúa (Mt 13,43.49; 25,37.46). Thực vậy, theo Kinh Thánh, người công chính là kẻ đi theo đường lối của Chúa, như sách Khôn Ngoan đã liệt kê những gương mẫu ở chương 10,4-20: Noe, Abraham, Lot, Jacob, Giuse. Thánh Vịnh ca ngợi người công chính vì họ sẽ lãnh được đất hứa (Tv 37,29), họ sẽ tươi tốt như cây dừa (Tv 92,12), họ sẽ được ánh sáng Chúa chiếu dọi (Tv 112,4).
 
Trong bối cảnh này, ông Giuse được gọi là “công chính” bởi vì ông mong đợi Chúa thực hiện những lời hứa. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Ngài. Dự tính muốn bỏ bà Maria cách kín đáo không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự của bà thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Ta có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lùi lại vì kính sợ, tựa như ông Moses đã cởi dép khi tiến đến bụi gai cháy rực (St 3,5), tựa như ông Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh (Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ lưới lạ thường (Lc 5,8). Ông Giuse được biết là bà Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Vì thế ông toan tính rút lui.
 
Để củng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie[11] nhận xét rằng, cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ [mầu nhiệm], quyết định rời bỏ bà kín đáo”. Động từ “Deigmatisai” (ít được sử dụng trong tiếng Hy Lạp) tự nó chỉ có nghĩa là “thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng” (theo sự giải thích của Eusebio Cesarea), và tùy theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu),“bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse được bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này.
 
C. Sứ điệp của thiên sứ
 
Thánh Matthew mô tả việc thiên sứ hiện ra với ông Giuse dựa theo những khuôn mẫu trong Cựu Ước về việc ủy thác sứ mạng (chẳng hạn Giđêon Tl 6,11-24), hoặc tiên báo về tương lai của đứa trẻ (chẳng hạn Ismael trong St 16,11; Isaac trong St 17,19; Samson trong Tl 13,3-5.7).
 
– Trình thuật bắt đầu với việc gọi tên và danh hiệu mang theo một ơn gọi: “Này Giuse là con cháu David” (1,20), cũng tựa như trước đây: “Này Giđêon, người dũng sĩ” (Tl 6,12).
 
– “Đừng sợ”. Tân Ước thường dùng những lời này mỗi lần thiên sứ hiện ra, chẳng hạn để loan báo sự sinh hạ của ông Gioan Tiền Hô và Đức Giêsu (Lc 1,13.30), để ủy thác cho các phụ nữ loan báo việc Chúa Phục sinh (Mt 28,5.10), để cổ động tinh thần cho Thánh Phaolô(Cv 18,9). Một cách tương tự như vậy, thiên sứ sắp sửa tỏ lộ cho ông Giuse một sứ mạng.
 
– Nội dung mặc khải: thiên sứ muốn nói gì với ông Giuse?
 
1/. Theo nhóm ý kiến thứ nhất, ông Giuse nghi ngờ về sự chung thủy của vợ mình bởi vì ông không biết nguồn gốc của bào thai mà vợ mình đang mang. Vì thế thiên sứ đến giải thích nguyên nhân ngõ hầu đánh tan sự ngộ nhận. Như vậy, nội dung của mặc khải là: “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do Chúa Thánh Thần”.
 
2/. Tuy nhiên, lối giải thích ấy một đàng dựa trên giả thiết là ông Giuse nghi ngờ về vợ mình, đàng khác đã cắt ngang lời của thiên sứ. Sứ điệp không chỉ nhằm giải thích nguồn gốc của sự cưu mang, nhưng còn mang theo một sứ mạng về phía ông Giuse nữa: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (1,21). Có lẽ ông Giuse đã biết là bà Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần(chứ không phải vì ngoại tình), nhưng ông không biết phải xử trí thế nào, vì thế ông định tâm sẽ rút lui. Thiên sứ đến xác nhận rằng bà Maria mang thai do Chúa Thánh Thần; đồng thời bảo ông Giuse đừng rút lui nhưng cứ đưa bà Maria về với mình, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng, đó là đặt tên cho con trẻ, nghĩa là làm cha của con trẻ.
 
D. Vai trò của ông Giuse
 
Qua lời của thiên sứ, ta thấy nổi bật hai vai trò của ông Giuse trong chương trình của Thiên Chúa: chồng của bà Maria và cha của Đức Giêsu.
 
1/. Ông Giuse là chồng của bà Maria (1,16.19.20)
 
Hai người tiếp tục thủ tục hôn phối: từ chỗ đính hôn đến chỗ kết hôn (Mt 1,24). Tuy nhiên, hai người không ăn ở với nhau: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai” (1,25). Điều này không nhất thiết hàm ngụ rằng sau khi sinh con, thì hai ông bà lại ăn ở với nhau! Tác giả chỉ muốn nói rằng Đức Giêsu sinh ra không do sự giao hợp thường tình, có thế thôi. Cụm từ “cho đến khi” không giả thiết một sự thay đổi tình trạng sau đó; chẳng hạn như, khi Kinh Thánh viết rằng, “bà Michal không có con cho đến khi chết” (2Sm 6,23), hoặc Đức Giêsu hứa sẽ hiện diện với các môn đệ cho đến ngày tận thế (Mt 28,20). Không ai tưởng tượng được rằng bà Michal sẽ có con sau khi chết, hoặc là Đức Giêsu chỉ hiện diện với các môn đệ cho đến ngày tận thế mà thôi!
2/. Ông Giuse là cha của Đức Giêsu
 
Thiên hạ nhìn nhận Đức Giêsu là “con ông Giuse” (Mt 13,55). Tuy Đức Giêsu được sinh ra không do sự giao hợp vợ chồng, nhưng ông Giuse thực sự là cha của Người, bởi vì ông là chồng của bà mẹ. Vai trò làm cha được biểu lộ qua việc “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (1,25), cũng như những hành động sẽ nói tiếp theo. Ở đây, theo lời của sứ thần, ông cần phải làm cha của hài nhi bởi vì ông là “con cháu David”, nhờ vậy hài nhi Giêsu được nhận vào hàng miêu duệ vua David (Mt 1,16-17).
 
Hơn nữa, việc đặt tên cho con trẻ là Giêsu không chỉ là một hành vi hộ tịch (cha đặt tên cho con), mà còn là một hành vi đức tin. Con trẻ sinh ra được xưng là “Giêsu”, “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,22).
 
“Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (1,23). Đoạn văn này được trích từ ngôn sứ Isaia 7,14. Thường người ta chú ý đến ý tưởng “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai” và từ đó nảy ra nhiều cuộc tranh luận, bởi vì nguyên bản Hippri không nói đến “trinh nữ” (betulah) mà chỉ là “thiếu nữ” (almah: một cô gái). Bản dịch Hy Lạp chuyển nghĩa là “trinh nữ”.
 
Tuy nhiên, cũng có nhà chú giải nêu thắc mắc: đâu là điểm nhấn của Matthew? Có phải là“trinh nữ thụ thai”, hay tên con trẻ là “Emmanuel” – Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Có lý do để nghiêng về vế thứ hai, bởi vì Tin Mừng Matthew kết thúc với lời tuyên xưng rằng: “Này, Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28): Đức Giêsu đích thực là Emmanuel, bởi vì là Thiên Chúa đến ở với nhân loại kể từ lúc nhập thể cho đến tận cùng lịch sử. Dù sao đi nữa, Thánh Matthew không trích dẫn nguyên văn lời Isaia, nhưng đã thích nghi với thực tại mà vị ngôn sứ sống trước đó 8 thế kỷ không thể nào mường tượng được. Có lẽ, ông Isaia không thể tưởng tượng nổi một trinh nữ sinh con! Điều này chỉ có thể xảy đến do sự can thiệp độc đáo của Thiên Chúa. Các Kitô hữu đã tin như vậy; rồi từ niềm xác tín đó, họ đã đọc lại Cựu Ước và khám phá ra những sự chuẩn bị mà nay trở nên trọn vẹn.

Phương pháp này gặp thấy nhiều lần trong Tân Ước, đặc biệt nơi Tin Mừng Matthew (41 lần). Như đã nói trên đây, trong hai chương đầu, Matthew trưng dẫn 5 “lời” của Cựu Ước, nhưng không hoàn toàn lấy nguyên văn: có lúc ông sửa đổi đôi chút (Mt 1,23 = Is 7,14), có lúc ghép hai ba câu làm một (thí dụ: Mt 2,6 = Mk 5,1tt + 2 Sm 5,2. Mt 2,22 = Tl 13,5.7+ Is 11,1).


Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở mục 4 (những đoạn văn Cựu Ước nói về Thánh Giuse).
 

https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/than-hoc/su-mang-cua-thanh-giuse-trong-cuoc-doi-chua-kito-va-hoi-thanh.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây