Ba ngàn thế giới

Thứ tư - 22/11/2023 07:03 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   283
Tôi viết những kỷ niệm này để nhớ về ông
Ba ngàn thế giới
Ba ngàn thế giới
 
Viết về một người bạn, một người thầy, tôi nhớ mãi về đề tài, ông (Hoàng Hữu Đản) có lần trao đổi về “ba ngàn thế giới” trong thơ (Hàn Mặc Tử). Bây giờ ông đã về với “ba ngàn thế giới” trong buổi tinh khôi của một ngày mới. Tôi viết những kỷ niệm này để nhớ về ông.

Ngày đầu tiên tôi biết ông, cũng là một buổi sáng Chúa Nhật, cách nay nhiều năm. Sau lễ sáng 6 giờ, ông vào chỗ tôi. Câu chuyện đầu tiên, bao giờ cũng là những lời giới thiệu, nhưng ở nơi ông, một người biểu hiện một sự hiểu biết đáng phục, nhất là trong lãnh vực kịch nghệ, thơ văn. Ngay buổi đầu ấy, ông và tôi đã thấy một sự gắn kết vô hình nào đó  trong câu chuyện của ông.

Hồi đầu tiên, ông kể đến câu chuyện “Lệ Chi Viên”, tôi nhớ lại câu chuyện này khi tôi còn học ở Khoa Học Nhân Văn, bàn luận với một tăng sinh cùng trường. Kỷ niệm cũ giảng đường xưa gợi về những khúc mắc trong câu chuyện mà chúng tôi chưa hiểu. Nhiều tuần liền ông kể câu chuyện lịch sử, ông dẫn chứng bà  Nguyễn Thị Anh lập mưu để đưa Bang Cơ lên ngôi, vấy họa cho Nguyễn Trãi... Câu chuyện của ông về “Lệ Chi Viên”, ông viết thành kịch “Bí nật vườn Lệ Chi”. Trong những hôm diễn tại Idecaf, ông đưa vé mời tôi đi. Thật là ấn tượng, vở kịch do nhóm Thành Lộc đóng, những chi tiết vở kịch đầy bi hùng, những tâm hồn cao thượng không phải vì mình mà vì tương lai của quốc gia. Tôi cứ nhớ mãi về buổi tối hôm ấy và câu hát ngâm: “Ta yêu Tùng, vì Tùng vươn cao mọc thẳng. Ta yêu Tùng, vì Tùng trong phong ba đứng vững”

Dường như, sau khi xem vở kịch đó, tôi thấy nơi ông những điều tôi chưa khám phá ra. Trong con người nghiêm trang kín đáo ấy, ông có một tâm hồn rộng mở, muốn ôm lấy cả hồn dân tộc, đem giới thiệu cho khắp bốn phương được biết những tinh túy của nền văn chương Việt. Cao quý của con người ông, như tâm sự của Nguyễn Trãi: “Cho Đời thơm hôm nay. Cho Nước trẻ muôn xuân”, ông nỗ lực đem văn hóa Việt giới thiệu vào văn hóa Pháp và đem văn hóa Pháp điểm tô nền văn hóa Việt. Ông đối với tôi như người “thầy” mà tôi thường xưng hô với ông. Rất hiếm gặp một vị “thầy” như thế, lặng lẽ trong công việc của mình, không khoa trương, không ồn ào lên tiếng. Cẩn trọng, nghiêm trang trong từng bước đi, lời nói. Khiêm nhường, hiền hậu trong trao đổi.

Ông dịch nhiều kịch thơ văn từ Pháp sang Việt và từ Việt sang Pháp, những nguồn tài liệu của ông thật quý giá, mà tôi hằng khâm phục sức làm việc của ông.

Rồi những đề tài được chuyển tiếp, đặc biệt nữa tôi khám phá ra nơi ông, ông rất yêu thơ, từ kịch nghệ sang đến thơ, những dòng thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặt Tử... Tôi nhớ nhất về diễn giải của ông “ba ngàn thế giới” trong thơ Hàn Mặc Tử, ở bài “Ave Maria”. Cõi “ba ngàn thế giới” ấy là cõi tâm linh, cõi của những tâm hồn bay cao vượt qua mọi thấp hèn dưới thế, cõi của những tâm hồn sống cả một đời phụng sự cho nhân loại. Tôi nhớ đến trong “Thiền Lâm thi tập” một dòng thơ thiền cổ: “Hoa mơ một chút nhụy. Ba nghìn thế giới thơm (nhất điểm mai hoa nhụy, tam thiên thế giới hương). Bây giờ viết về điều này, tôi còn như đang thấy đôi mắt ông rạng ngời lên, khi vừa nhâm nhi ly cà phê sữa vừa trao đổi. Một cõi siêu việt đang cuốn hút lấy con người ông, một điều gì đấy rất khó diễn tả cho đúng nghĩa với điều ông đang chiêm ngắm một khoảnh khắc của “ba ngàn thế giới”. Tôi còn nhớ, sau buổi nói chuyện ấy tôi cũng đọc lại tâm tình của ông trong bài thơ “Ave Maria” và tôi cũng đã viết lại một bài cùng tên tựa. Dầu thế, trong suy nghĩ của tôi về “ba ngàn thế giới” vẫn còn khắc khoải, chắc cho đến khi tôi cũng về chỗ như ông.

Trong những bài thơ ông dịch sang Pháp ngữ, ông chia sẻ nhiều về hình ảnh nhà thơ Nguyễn Bính, không biết có phải ông nhớ về ngày xưa trên đất Bắc, hình ảnh “Cô lái đò” của một dịp nào đó qua bến sông hoặc ông nhớ đến hình ảnh “cô gái chân quê”, quanh năm bờ xôi, ruộng mật. Dầu sao đi nữa, ông cũng sống lại và cho tôi thấy những tình cảm rất đơn sơ, mộc mạc và trong sáng của tình yêu. Cứ nhìn ông trong thái độ giao tiếp cũng đã biết một con người đã trưởng thành thế nào trong tư cách. Thật hiếm thấy một con người ở giữa đời mà không lấm lem bụi đời. Ông kể cho tôi nghe ngày ấy một thời ở trong nhà chung (tu viện), tập tành từng bước đi, uốn từng câu nói, nắn từng nếp nghĩ, để khi trở về ông đã mang cả thói quen ây để sống một cuộc đời thanh cao và tốt đẹp.

Có những chuyện chẳng bao giờ ông kể, đó là những câu chuyện về những giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp, những bài báo ca ngợi. Cũng là thường tình với người khiêm tốn, chỉ biết làm những gì mình có thể làm và với một tâm tình của người Kitô hữu: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi." (Lc 17, 10)

Có lẽ, tôi nợ ông rất nhiều, nhất là những lần gặp gỡ. Khi ông nói ông đi chữa bệnh, có lẽ tôi nghe nhầm thế nào hay hiểu ý khác là ông ra nước ngoài chữa bệnh. Sáng hôm đó, tôi nghĩ “mình đang mất đi một người chia sẻ”. Tôi cầu mong ông đi sớm ngày lành bệnh, rồi trở lại.

Bẵng đi một thời gian, ông gởi tới tôi một người học trò của ông để giúp cô ấy trong việc hôn phối. Tôi hỏi thăm về ông và biết ông cũng đang bệnh, lại một nữa tôi đã quên không hỏi “ông đang ở đâu?”. Chính vì điều này, tôi thấy mình thiều sót, có lỗi với ông.

Rồi một buổi chiều 24 tháng 3 năm 2012, người con gái trưởng của ông vào nhà xứ gặp tôi, giới thiệu là con gái của ông Hoàng Hữu Đản, tôi đưa tấm danh thiếp của ông và hỏi thật kỹ, phải chăng là ông? Và quả thực đó là chính con gái ông xin tôi vào bệnh viện Nguyễn Trãi để ban những bí tích cần thiết cho ông. Chiều đó tôi vào ngay, vì biết gặp lại người thầy, người bạn lâu nay. Tôi đến bên giường gặp ông, hỏi han, nói chuyện, ông viết giấy nói ông muốn xưng tội, rước lễ và xức dầu. Ông rất vui và bình thản để lãnh nhận tất cả bí tích cần thiết, ông thì thào qua hơi thở còn đang chụp mũ phụ thở Oxy: “tôi không ân hận điều gì và bình an đón nhận tất cả”. Rất cảm động, một cụ già đã ngoài tuổi chín mươi, đến những ngày cuối vẫn còn minh mẫn, vẫn còn “thư thái bình an”, tôi rất cảm phục, tôi nói với ông những điều suy nghĩ sau những tháng năm không gặp và vui mừng gặp lại ông. Bấy giờ bác sỹ trực nhắc tôi: “cụ mệt đấy, đừng nên nói chuyện nhiều!”, lúc này tôi mới nhận ra, nãy giờ mải mê hàn huyên quên mất tình rạng bệnh của cụ.

Ra về tôi cứ nghĩ mãi về ông, ngoài chín mươi, chưa bao giờ ân hận điều gì, thật là một con người tốt lành ít gặp. Tôi nguyện cầu cho ông.

Ngày hôm sau, chiều Chúa Nhật, tôi có cuộc hẹn đi làm phép một căn nhà mới ở Gò Vấp lúc 3 giờ chiều. Ngay trước giờ đó, người con gái của ông nhắn với tôi, ông muốn gặp tôi. Nghĩ tới tuổi của ông, căn bệnh ông, tôi thu xếp cái hẹn kia trễ hơn để đến gặp ông tại bệnh viện. Lần này ông viết để lại cho tôi một nguyện ước cuối đời của ông: Dâng cho ông một Thánh lễ tạ ơn và dâng Lễ an táng cầu nguyện cho ông. Tôi sốt sắng nhận lời, vì đây là dịp tôi có thể làm những gì tốt đẹp nhất dành cho ông. Tôi hứa với ông yên tâm về những cử hành trong đạo cho người ra đi về phần mộ. Ông nắm lấy tay tôi như một lời giã từ và tôi hiểu: “Đây là một cuộc đời tạ ơn”. Tôi nhớ đến bài thơ của thi hào Tagore: “Tôi đã được phép giã từ. Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường. Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân. Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm; nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em. Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt. Lệnh triệu ban rồi, tôi đi đây”. ( 93, Lời dâng, R.Tagore)

Và rồi sáng này 26 tháng 3, được tin ông đã ra đi như một người đã hoàn thành công việc của mình, tôi ngưỡng mộ trước sự ra đi của ông. Như một người đã kiên vững trong đức tin trong chặng chạy cuối cùng, ông ôm lấy thập giá Chúa và yên bình ra đi. Hình ảnh của Thánh Phaolô nên thật trong đời ông: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2Tm 4, 7 – 8).

Viết lại những dòng này, xin ông cũng cầu nguyện trước Chúa, cho tôi sống được những ngày tươi đẹp như ông đã sống trong hành trình trần thế này. Xin Chúa đón nhận ông và chúc phúc cho gia đình, thân bằng quyến thuộc, mọi người đã biết ông, đã gặp được ông.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây