Bị xem thường

Thứ sáu - 05/07/2024 08:49 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   158
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình” (Mc 6, 4).
B14Vs (1)
B14Vs (1)
Bị xem thường



 “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình” (Mc 6, 4). Bị người khác xem thường là một cảm xúc khó chịu, nhiều khi dẫn đến việc suy sụp tinh thần. Trong tình cảnh này Chúa Giêsu mời gọi ta hãy tiếp tục với sứ vụ mà ta đang thi hành.

Thông thường khi ta bị xem thường, ta hay trở nên rụt rè, mất tự tin, bỏ bê công việc đang làm. Bị dồn nén như thế càng làm cho ta tự ti mặc cảm, thu mình vào trong vỏ ốc. Theo gương Chúa Giêsu, Người tiếp tục chữa trị cho các người đau yếu dù không được nhiều người, vì phần lớn họ thiếu lòng tin.

Căn bệnh xem thường người khác làm cho ta mất nhiều đi cơ hội trong cuộc sống. Nhất là khi ta cứ bên ngoài mà nhận xét, bao nhiêu chuyện bị lọc lừa bởi cái hào nhoáng, quảng cáo.

Chúa Giêsu không làm được phép lạ nào, nếu ta kiêu căng, ngạo mạn không cần gì phải kêu cầu. Cái vấp ngã của lòng kiêu căng đã có từ thời Adam – Eva. Kiêu căng và xem thường người khác là một biểu hiện của sự thiếu hiểu biết.

Khiêm tốn là bài học cần thiết cho cuộc đời. Không xem thường ai, dù nghèo hay rách rưới. Vì ngày nào đó họ có thể đổi vận mà ta lại cần đến họ giúp đỡ. Người xưa thường hay khuyên: “Kẻ trên đỉnh núi, đừng chê người dưới chân núi”. Ở đỉnh vinh quang, ắt có ngày sẽ xuống, kẻ ở thấp có thể ngày nào sẽ lên.

Lòng khiêm nhường còn cho ta bài học bác ái yêu thương. Chúa dạy: “Hãy yêu thương như Thầy yêu thương”. Lòng yêu thương đó là cách sống “nên như người anh em, mang lấy khổ đau của người anh chị em và sẵn sàng nếu phải “chết cho người anh chị em”. Tình yêu như Thầy là một tình yêu của lòng khiêm hạ, tình yêu cúi xuống để người anh chị em được đứng lên.

Người rao giảng có lúc bị xem thường, vì ta nói những điều họ không thích nghe. Ngôn sứ Edekiel được sai đi, cùng chịu số phận lưu đày tại Babilon. Thời không còn thánh điện, không còn nghi thức tế tự, cũng chẳng còn ngôn sứ. Một mình Edêkiel rao giảng củng cố niềm tin, chống lại việc thờ ngẫu tượng. Dù không có nhiều người ủng hộ, nhiều kẻ phản loạn, nhưng Chúa bảo: “Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng. Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tư bề, hay ngồi trên bò cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ; có phải giáp mặt chúng, cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn. Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta, dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn.” (Ed 2, 5 – 7)

Bị xem thường, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ của mình, Thánh Phaolô ứng dụng trong cuộc đời ra giảng của ngài: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.” (2 Tm 4, 2- 5).  

Kiên trì làm nên sức mạnh, sức mạnh minh chứng cho tình yêu. Ta không tự nhốt mình vào trong vỏ ốc khi bị xem thường. Mạnh dạn rao giảng như Thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi” (2 Cor 12, 9). Chu toàn sứ vụ Chúa trao một cách khiêm nhường nhưng mạnh mẽ.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây