Chúng ta là Đền Thờ của Chúa

Thứ sáu - 01/03/2024 19:00 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   276
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

Chúa Nhật III – MC – B
Chúng ta là Đền Thờ của Chúa

tbd 020324a

 

Tết! Vâng, tết âm lịch của Việt Nam đã trôi qua. Thế nhưng, có vẻ như dư âm của tết vẫn còn đó. Còn đó bởi những buổi lễ hội, những cuộc hành hương trên khắp vùng miền Nam - Trung - Bắc. Điều đó, không lạ, vì đó là một truyền thống đẹp. Thế nhưng, trong nét đẹp đó lại xuất hiện không ít những nét xấu.

Nói tới những “nét xấu” của những buổi lễ hội, Lm. Hoài Bắc.OP, qua một bài chia sẻ Tin Mừng, đã ngao ngán thốt lên rằng: “Càng ngày, chúng ta thấy những lễ hội truyền thống văn hóa của người Việt Nam, càng nhiều. Và, thật sự cũng có phần tích cực giúp con người hướng thiện. Tuy nhiên, không ít lễ hội nhuốm màu thương mại, mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp, do cách hành xử thiếu văn hóa. Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng. Và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.”

Còn nói về những cuộc hành hương ư! Thưa, đó cũng là một truyền thống đẹp gắn liền với đời sống của mọi tôn giáo. Là một truyền thống đẹp, thế nhưng, thật đáng buồn vì ngày nay, một số ít người đã trần tục hóa việc hành hương, xem đó như là một cuộc du lịch, một cuộc du lịch được gắn bởi cái “mác” rất mỹ miều “du lịch tâm linh”. Chính vì bị trần tục hóa, nên không ít điểm hành hương đã xảy ra biết bao là tệ nạn, như: buôn thần bán thánh, chặt chém du khách, tranh cướp lộc dẫn đến đổ máu, một vài nơi đã xảy ra chết chóc, chỉ vì một bông hoa.

Những chuyện như thế, tưởng rằng chỉ xảy ra nơi các tôn giáo bạn. Thực tế thì, buồn thay! Những chuyện như thế vẫn xảy ra đó đây ngay trong những nơi hành hương của đạo Công Giáo chúng ta, mà không tiện nêu tên ở đây.

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, nơi mọi tín hữu Do Thái phải hành hương ba lần mỗi năm, cũng bị lạm dụng, cũng bị trần tục hóa. Điều đó đã khiến Đức Giê-su giận dữ và Ngài đã cho những kẻ lạm dụng một bài học nhớ đời, trong một dịp hành hương tại đây nhân ngày lễ Vượt Qua.

Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 2, 13-25).

**
Chuyện kể rằng: Hôm ấy, “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Và, theo đúng luật dạy: “Đức Giêsu lên thành Giêrusalem”.

Rồi, khi Đức Giê-su vào Đền Thờ, chuyện kể tiếp rằng: “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang đổi tiền.”

Rồi sao nữa! Thưa, không chấp nhận khung cảnh Đền Thờ, nói theo cách nói hôm nay, chẳng khác nào một ngôi chợ “chồm hổm”, Đức Giê-su “liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ… còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.” (Ga 2, 15).

Rất quyết liệt, Đức Giê-su đã nói với những kẻ bán bồ câu, rằng: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Trước sự quyết liệt của Đức Giê-su, các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.

Vâng, đúng là vậy. Hôm đó, người Do Thái đã đụng chạm đến “thân phận” của Đức Giê-su bằng một câu chất vấn, rằng “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”

Dấu lạ ư! Nhiều lắm… Các ông muốn nhìn thấy “dấu lạ”! Thì đây, bữa tiệc cưới tại Cana với “dấu lạ” nước hóa thành rượu còn sờ sờ ra đó, nay còn thắc mắc mà chi!

Thật ra, hôm ấy Đức Giê-su đã không kể ra một dấu lạ nào mà Ngài đã thực hiện. Bởi vì, Ngài đến thế gian không phải là để “hóa đá thành bánh”, nhưng là để thực hiện “ơn cứu độ chứa chan của Thiên Chúa” qua “cái chết và sự Phục Sinh” của Ngài.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã dõng dạc tuyên bố rằng: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” (x.Ga 2, 19).

Xây… xây lại Đền Thờ nội-ba-ngày! Đúng là “dấu lạ”, nhưng ai mà tin nổi! Vâng, hôm ấy, không một người nào tin. Và, những người Do Thái đã nhao nhao lên nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”.

Chúng ta hôm nay, chắc hẳn cũng không thể tin lời công bố của Đức Giê-su, nếu thánh sử Gio-an không có lời giải thích, rằng: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”. (x.Ga 2, 21).

Vâng, thánh sử Gio-an không chỉ giải thích, mà ngài tông đồ còn cho chúng ta biết rằng: “Khi (Đức Giê-su) từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.”

***
Có không ít người (chắc chắn là vậy) sau khi biết được những gì Đức Giê-su làm tại Đền Thờ, đã thắc mắc và tự hỏi rằng, Đức Giê-su từng nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu…” có-lòng-hiền-hậu, sao hôm ấy Ngài lại “hung hăng” xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ, cũng như lật nhào bàn ghế, của những người đổi bạc, vậy!

Thưa, chuyện là thế này. Luật Do-thái vào thời đó, những người trưởng thành (20 tuổi) đều phải đến Đền Thờ, đặc biệt trong lễ Vượt Qua.

Đến Đền Thờ thì phải “dâng một phần tài sản của mình lên Chúa.” Thế nhưng, có một vấn đề là: nhiều người từ phương xa đem theo tiền xứ mình (tiền Roma, chẳng hạn). Trên đồng tiền này có hình ảnh của những vị hoàng đế. Thế nên, loại tiền đó không được chấp nhận trong việc dâng cúng cho Đền Thờ. Vì thế, người ta có một dịch vụ đổi tiền ngoại quốc ra tiền Do-thái, tại đó.

Một vấn đề khác, theo luật Mô-sê, những người lên Đền Thờ phải đem chiên, bồ câu, hay bò để dâng hiến. Có những người ở xa không tiện đem thú vật từ làng mình đến Đền Thờ, nên họ phải mua thú vật ngay tại Đền Thờ. Ðó là lý do tại sao lại có dịch vụ mua bán chiên bò.

(Câu chuyện “Tiến dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa” trong Tin Mừng thánh Luca (x. 2, 22-24), cũng có nói đến việc “bà Maria và ông Giu-se… dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”).

Những việc buôn bán gia súc hay đổi tiền là những việc làm tốt. Thế nhưng, theo thời gian, việc làm tốt này biến thành việc làm xấu.

Việc làm xấu thứ nhất, đó là tệ nạn buôn bán cắt cổ trắng trợn. Một con chiên chỉ đáng giá một đồng, thế mà có đôi lúc bị nâng giá lên hàng chục đồng.

Tại sao lại có chuyện này? Thưa, là do nạn tham nhũng. Đó là việc làm xấu thứ hai.

Theo luật, các thầy tế lễ phải chứng nhận những con thú vật dâng lên Chúa là không tì vết. Thế nhưng, vì chẳng có lợi lộc gì, nên “quý thầy” không hứng thú để chứng nhận những thú vật “đem từ nhà đến” là những con vật không tì vết. Chỉ những con vật được mua trong Đền Thờ mới được bảo đảm là không bị rắc rối về vấn đề tì vết.

Cuối cùng, thoạt đầu, người ta buôn bán ở xa Đền Thờ. Rồi từ từ, các phiên chợ xích dần đến Đền Thờ. Ðến thời của Đức Giê-su, việc buôn bán này xảy ra ngay “trong Đền Thờ”.

Thì đây, thánh sử Gio-an chẳng phải là đã cho chúng ta biết: “Người thấy ‘trong Đền Thờ’ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang đổi tiền”, đó sao!

Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su đã có hành động như thế cũng là điều dễ hiểu, phải không, thưa quý vị!
****
Câu chuyện về ngôi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thời Đức Giê-su còn tại thế, là thế đó! Và, sẽ thật đáng buồn, nếu ngôi thánh đường của chúng ta, hôm nay, cũng “là thế đó”.

Nói lên điều “cảnh báo” này để làm gì? Thưa, để chúng ta nghiêm túc nghiệm lại bài học Đức Giê-su đã dạy năm xưa. Bài học rằng: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

Phải nghiêm túc nghiệm lại, bởi vì bài học này, vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta.

Thế nên, hãy tự hỏi, chúng ta sẽ “đem” cái gì ra khỏi “nhà thờ”, để nơi đây không biến thánh nơi đáng chê, đáng trách!?

Nên chăng, mỗi khi tham dự thánh lễ, hãy “đem cái iphone” cất vào nơi mà nó không thể làm bận tâm bận trí chúng ta, cũng như những người chung quanh, bởi vì nếu chúng ta cứ khư khư cầm trên tay, e rằng nó sẽ “Biến nhà thờ thành câu lạc bộ chơi game” hoặc “biến thành trung tâm viễn thông của mobifone”!

Nên chăng, hãy “đem những show ca nhạc” (nhạc đời) ra khỏi “sân nhà thờ”, nếu không, e rằng sân nhà thờ sẽ biến thành sân khấu ca vũ nhạc kịch!? “Vụ việc” này đã có xảy ra.

Tôi (người viết) không biết nên buồn hay nên vui, khi có một nhà thờ, tọa lạc bên ven kênh Nhiêu Lộc ở Saigon - quận ba, đã cho phép một cô ca sĩ rất nổi danh trước năm 1975, “đứng trên cung thánh” nghêu ngao hát một bài tình ca, bài tình ca mang tên “Gọi Tên Bốn Mùa”, tác giả là chàng nhạc sĩ họ Trịnh.

Không biết hôm đó, Đức Giê-su, nơi ngôi nhà tạm, qua hình hài Mình Thánh Chúa, có được vị Lm. quản xứ “di tản chiến thuật” không! Nếu không, thì thật ngại quá! Ngại vì khi không tự nhiên Ngài phải trở thành một vị khán giả bất đắc dĩ, bất đắc dĩ phải nghe những lời rên rỉ của nàng ca sĩ được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất” đầy u uất, nghẹn ngào: “Em đứng lên gọi mưa vào hạ. Từng cơn mưa, từng cơn mưa. Từng cơn mưa, mưa… mưa… mưa”.

Nói chung, tất cả những gì có nguy cơ thế-tục-hóa, trần-tục-hóa, đại loại như múa lân nơi nhà thờ, thì nên “đem” ra khỏi nhà thờ.

Phải đem tất cả những gì có nguy cơ trần tục hóa, thế tục hóa, ra khỏi nhà thờ. Nếu không, chúng ta sẽ là những kẻ “làm tôi hai chủ”. Đức Giê-su chẳng phải là đã khuyến cáo rằng: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này và yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lại làm tôi Tiền Của được”, đó sao! (Mt 6, 24).

*****
Ngôi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, thời Đức Giê-su tại thế, không còn nữa. Ngôi đền này “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Những ngôi Đền Thờ hay những ngôi nhà thờ bằng gỗ đá của chúng ta, ngày nay, rồi cũng sẽ không còn.

Thế nhưng, có một ngôi đền thờ vẫn tồn tại, đó chính là chúng ta. Thánh Phao-Lô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, có nói “Anh em há chẳng biết mình là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (x.1Cor 3, 16).

Vì thế, chúng ta phải thận trọng gìn giữ ngôi Đền Thờ này. Bởi nếu không gìn giữ, thánh Phao-lô khuyến cáo: “…thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.”

Làm thế nào để “gìn giữ” ngôi Đền Thờ này! Thưa, đó là chúng ta hãy-đem-tất-cả “những việc do tính xác thịt gây ra, (đại loại) là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy”, ra khỏi “Tâm Hồn” của chúng ta.

Vâng, đây là một việc làm khẩn thiết. Chúng ta, cứ từng bước, từng bước mà thực hiện. Chúng ta sẽ thực hiện được, khi chúng ta “nhờ Thần Khí mà tiến bước” (1Cor 5, 25).

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay. Mà, Mùa chay là mùa của sám hối và trở về. Vì thế, thật phải đạo khi chúng ta “dọn dẹp” lại ngôi đền tâm hồn của chúng ta.

Phải dọn dẹp những thói hư tật xấu, những điều không làm đẹp lòng Chúa. Nếu không, theo thời gian, những thói hư tật xấu, những điều không làm đẹp lòng Chúa, sẽ chiếm hữu ngôi đền tâm hồn của chúng ta. Kết quả là, ngồi đền tâm hồn của chúng ta không còn có Chúa. Không còn có Chúa sẽ dẫn đến việc quên lãng Ngài.

Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Roma, có lời dạy, rằng: “Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được”. Thánh nhân nói tiếp: khi đã thuộc về Đức Giê-su, chúng ta phải “Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để… thờ phượng Người” (x.Rm 12, 1).

Do vậy, mỗi khi ngôi đền tâm hồn của chúng ta, lấm lem bởi những thói hư tật xấu, bởi những điều không làm đẹp lòng Chúa, hãy đến với Ngài, để Ngài “lấy roi” đuổi những tội lỗi đó đi.

“Roi” chính là Bí Tích Hòa Giải, một ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chính Bí Tích Hòa Giải sẽ “dọn dẹp” lại ngôi đền tâm hồn chúng ta, ngõ hầu đem lại cho ngôi đền tâm hồn chúng ta ánh sáng Chúa Thánh Thần.

Điều cuối cùng, và cũng là điều rất quan trọng, đó là: để cho sự dọn dẹp ngôi đền tâm hồn của chúng ta “thành công tốt đẹp”, hãy ý thức, chúng ta là Đền Thờ của Chúa.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây