Tình người cha và hai người con

Thứ bảy - 02/03/2024 05:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   248
Tình yêu là chờ đợi như ông đã từng chờ đợi đứa con thứ trở về. Một tình yêu, khoan dung, nhẫn nại, chịu đựng như đã từng chịu đựng từng người chúng ta.
Tình người cha và hai người con
Tình người cha và hai người con
 




Người cha có hai người con. Người con thứ đòi chia gia tài và trẩy đi phương xa. Người con trưởng ở nhà chăm sóc cha và cũng được chia gia tài.

Người con thứ ăn chơi hết tiền sám hối và trở về. Điều này ai cũng rõ về tội của nó. Có điều đặc biệt là sau khi hết tiền, đi làm công và đói rách. Nhận ra tội lỗi đã phạm và tự chịu trách nhiệm như tội nó phải chịu. Đó là điểm son, khi nó thưa với cha nó: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15, 18 – 19). Khi lỗi phạm ta thường hay quanh co, chạy tội, như cách tự bảo vệ danh giá của ta. Ta chưa thực sự khiêm nhường thú tội, chưa dốc lòng chừa, nên ta còn tái phạm.

Người con trưởng tưởng như không có gì để sám hối: Anh ta không ăn chơi đàng điếm, không bỏ nhà đi hoang, chăm chỉ làm ăn, phụ giúp cha mọi việc trong nhà. Một người con ngoan theo như ta đánh giá.

Thực ra, tội của anh ta lại là thứ tội ích kỷ khó thấy, cho đến khi anh ta bộc lộ ra. “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 15, 28 – 30).

Cái ích kỷ trong ta khó thấy đó là: Ghen tỵ, suy đoán quy chụp, trong nhà mà như người làm công.

Người anh trưởng ghen tỵ với đứa em của mình. Rõ ràng hơn, nếu ta xem lại dụ ngôn thuê những người làm vườn nho, từ giờ thứ nhất đến người cuối cùng mỗi người lãnh một đồng (Mt 20, 1 – 16). Lòng ghen tỵ sẽ làm mất đi những tương quan tốt lành với người chung quanh, ngay cả tình cha con, tình anh chị em cũng sứt mẻ.

Kết tội, quy chụp: Tức tối, mất kiểm soát lời nói, ngôn từ, thường gây ra hậu quả kết tội, quy chụp người khác. Người con trưởng thưa với cha: “ Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm”. Ý của câu nói rất chua chát khi anh nói với cha mình: “Thằng con của cha đó!”. Anh ta đã tách mình ra không phải là cùng cha với đứa em với một thành ngữ ác ý: “Cha nào con nấy!”. “Nó ăn chơi đàng điếm”. Không biết có hay không về tội này, nhưng khi đố kỵ, người ta thường trút cho đối thủ những thứ tội nhơ bẩn, mất danh giá.

Như người làm công trong nhà cha. Ta thường coi gia đình ta như một nơi ta phải sống, ta không xem đó là máu thịt ta. Ta dừa việc cho người khác, không phải việc của ta. Ta trốn trách nhiệm chung và phải làm chỉ vì bắt buộc. Ta sống đạo đức để được người khác khen thưởng. Ta tự hào về công đức của ta…

Tâm tình người cha thật nhân hậu.
Với người con thứ, ông không để nó nói hết câu, ông đã ôm nó vào lòng, hôn lấy, hôn để. Ông không lên án tội của con, ông mặc lại cho con chiếc áo mới, nhẫn mới, như lập lại một giao ước mới và mở tiệc ăn mừng. Chúa đã từng nói khi tha tội: “Thôi, từ nay con đừng phạm tội nữa!” như mời gọi sống lại giao ước khi ta được tha thứ.

Với người con trưởng: Ông năn nỉ người con với một tình yêu cúi xuống mời gọi: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31).

Ông không cưỡng ép người con phải vào ăn tiệc, ông chờ đợi: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy." (Lc 15, 32).

Tình yêu là chờ đợi như ông đã từng chờ đợi đứa con thứ trở về. Một tình yêu, khoan dung, nhẫn nại, chịu đựng như đã từng chịu đựng từng người chúng ta. “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 5)
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây