Công Ăn Việc Làm (Mt 25, 14-30)

Chủ nhật - 11/02/2024 03:57 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   294
“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126).

Công Ăn Việc Làm
Mồng Ba Tết: Mt 25, 14-30

LmTN 110224b

 

Suy niệm

Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng Ba Tết để “thánh hoá công ăn việc làm”, nghĩa là để công việc làm ăn của người tín hữu được Chúa chúc phúc, đem lại ý nghĩa thiêng liêng và giá trị cứu rỗi. Vì chúng ta biết rằng, mọi hoạt động của con người đều tùy thuộc vào Thiên Chúa: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126). Nhân gian ai cũng biết: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Điều này nói lên mối tương quan linh thánh giữa Tạo Hóa và loài thụ tạo. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (St 1, 26). Sau đó, chính Ngài đã đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai“ (St 2, 15). Trao mọi sự vào tay con người, để con người làm chủ, đồng thời Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng và tiếp tục chăm sóc không ngừng, như Đức Giêsu đã cho biết: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).

Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Đây là một vinh dự lớn lao cho con người. Chúng ta làm việc không chỉ vì mình hay vì gia đình, mà còn vì ích lợi chung cho xã hội, cho mọi người. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS 34).

Lao động như thế không chỉ giúp con người có của ăn nuôi thân, mà còn làm tăng giá trị nhân phẩm, góp phần xây dựng một thế giới yêu thương, huynh đệ và hòa bình. Chính vì vậy mà Đức Giêsu coi việc góp phần của mỗi người là một điều hệ trọng, là một trách nhiệm lớn lao mang tính quyết định về số phận của một con người. Ngài nói rõ điều đó qua dụ ngôn những nén bạc, mà ông chủ giao cho các tôi tớ để sinh lợi khi ông đi xa. Số nén bạc trao tuy không đồng đều như nhau, nhưng ai cũng phải cố gắng để sinh lợi tối đa. Ngày ông chủ trở về và tính sổ, hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi xứng đáng với kỳ vọng của ông chủ, được coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín”.

Còn người thứ ba lại đào lỗ chôn giấu nén bạc mình đã nhận. Khi ông chủ trở về, anh trả lại nén bạc còn nguyên, không hề đầu tư sinh lợi, vì anh sợ ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Vì nghi ngờ ông chủ là người xấu, nên anh không dại gì bỏ công sức ra để phục vụ. Thật ra, đó cũng chỉ là lý do ngụy biện để che lấp tính cách của một “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng”. Sự thật là ông chủ không hà khắc như anh nghĩ, mà lại rất hào phóng, vì nén bạc của anh được lấy lại để trao cho người đã có mười nén. Tiếc xót cho anh, vì lười biếng, muốn sống an nhàn, nên trong phút chốc đã đánh mất cơ hội ngàn đời. Quả thật: “Một phút sa chân là ngàn đời ân hận”.

Ông chủ đi xa là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã nhập thể làm người, đã chết, đã sống lại hiển vinh và đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại vào ngày tận thế để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Các Kitô hữu chúng ta đang sống trong niềm hy vọng ngày Chúa sẽ Quang Lâm. Trong khi chờ đợi, Ngài đòi chúng ta phải đầu tư số vốn là chính cuộc đời mình với mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên. Dù vốn nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề chính yếu là làm sao nỗ lực hết mình để sinh lợi từ những gì Chúa đã trao ban. Điều này đòi chúng ta phải mạnh dạn, sáng kiến, dám mạo hiểm, và đôi khi liều lĩnh để dấn thân vào những công việc mới mẻ, khó khăn. Đã làm thì không sợ lỗ lã hay thất bại, vì đối với Chúa, sự thành công của chúng ta đã nằm ngay trong chính sự trung thành và hy sinh tận tụy của mình. 

Chúa đòi chúng ta phải làm việc để sinh lợi không phải vì Ngài nhưng vì chúng ta. Chẳng ai có thể thêm gì cho Chúa. Ngài không đòi ta phải nộp cho Ngài cả vốn lẫn lời. Dâng hiến cho Chúa chỉ là nói lên tình yêu mến đã ngập tràn trong trái tim ta. Hạnh phúc của Chúa là thấy ta trưởng thành qua việc góp phần với Ngài cho ngôi nhà trái đất này tươi tốt hơn, cho cuộc sống con người trở nên phong phú và dồi dào hơn. Và rằng: mọi thành quả do công khó của con người làm nên sẽ không mất đi, nhưng được biến đổi trong ngày sau hết, trong “trời mới đất mới”, nơi Thiên Chúa hiển trị ngàn đời, và Ngài là tất cả cho tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Dấu hiệu trưởng thành của người trẻ,
là khi mạnh mẽ bước vào nghề,
biết đứng lên đưa mình vào cuộc sống,
không còn ngồi mà mơ tưởng viễn vông.


Thánh Phao-lô đã nói lên rằng:
“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục thân,
mà còn hủy hoại khả năng tinh thần,
cũng như người đi chôn nén bạc,
khiến cho đời mình ra tan tác.


Làm việc để con thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho đời con những cơ hội triển nở,
biết xoay sở và sáng tạo đời mình.


Làm việc giúp cho con nên giống Chúa,
Đấng không ngừng quan phòng và sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo,
cho tình yêu và cuộc sống được nâng cao.


Nhưng lạy Chúa xin cho con biết rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
trong thế giới rất dễ bị vong thân,
vì tất cả bị lôi vào sản xuất,
kinh tế coi như cứu cánh mọi thành phần,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân.


Xin cho con luôn làm việc tận tình,
như đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban,
bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
để mọi người vui hưởng sự bình an. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây