Lời Tạ Ơn Nào Của Tôi?

Thứ bảy - 17/02/2024 20:29 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   318
Những ngày cuối năm chờ xuân đến: gió lạnh. Những ngày đầu năm tiễn xuân đi: gió lạnh.

Lời Tạ Ơn Nào Của Tôi?

tbd 180224a


Những ngày cuối năm chờ xuân đến: gió lạnh. Những ngày đầu năm tiễn xuân đi: gió lạnh. Gió lạnh kèm theo vài hạt mưa làm cho nỗi nhớ thương thêm da diết. Nỗi nhớ mẹ già đã khuất xa ngàn trùng.

Người Mẹ Của Biên Giới Sống Và Chết

Tôi cũng nhớ đến câu chuyện Người Mẹ Của Biên Giới Sống Và Chết của Lm. Nguyễn Tầm Thường, Dòng Tên (Trích trong sách “Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục”).

“Sáu năm làm việc tại trại tỵ nạn Palawan, Philippines 1989 – 1995, tôi gặp ông ở đấy. Một người đàn ông im lặng, ít nói. Ông lúc nào cũng như có chuyện khổ tâm. Ngày ngày ngồi tráng bánh ở một góc đường trong khu trại tỵ nạn. Ngâm gạo đêm trước, dậy tráng bánh từ hai giờ sáng bên vỉa đường. Mỗi ngày vài chục pesos. Ngày ấy, 1 US dollar được 25 pesos tiền Philippines.

Hoàn cảnh tỵ nạn bấy giờ nhiều người túng cực. Ông phải đùm bọc hai người gốc Chàm không người quen với bốn em bé không thân nhân. Mấy người sống chung với nhau trong căn nhà tỵ nạn. Kẻ xách nước, người kiếm củi, ông tráng bánh… Khoảng ba tháng ông góp được hai chục đô la, lại nhờ cha Crawford, một cha già người Mỹ trước ở Việt Nam, sau qua trại tỵ nạn giúp đồng bào, gởi qua trại tỵ nạn Hongkong cho vợ.


 

 
Ông rời cửa biển Cam Ranh ngày 2.9.1988 vào đất Philippines. Một năm sau, tháng 9 năm 1989, ghe của vợ ông rời Vạn Ninh, Nha Trang được hai ngày bị bể máy. Ghe lênh đênh trên Biển Đông, rồi lâm nạn. Vợ ông đem theo ba con nhỏ. Hết lương thực, nhờ mưa gió có nước uống mới sống sót. Sau nhiều ngày bão táp, một chủ ghe đánh cá người Tầu ở đảo Hải Nam bắt gặp chiếc ghe lâm nạn này. Ông ta chỉ đồng ý tiếp tế gạo, cho nước và kéo ghe ra khỏi vùng lâm nạn san hô với điều kiện cho ông ta bé cháu trai trên ghe. Cháu bé chính là con của người đàn ông này.”


Kể từ ngày rời bờ biển Vạn Ninh đến khi gặp chiếc ghe người Tầu rồi cập được vào đất liền là 25 ngày. Nước Tầu hạn chế sinh sản. Ông chủ ghe người Tầu mong một cháu trai mà không được. Cuộc mặc cả là xé ruột gan người mẹ. Trước biên giới sống và chết, họ phải chọn sống. Vấn đề ở đây là sự sống của toàn thể 44 người trên chiếc ghe. Nếu không mất đứa bé, toàn ghe có thể chết.

Chiếc ghe đánh cá người Tầu mang theo cháu bé rồ máy chạy vội vã biến mất hút về phía Trung Quốc. Rồi tin ấy đưa đến cho người đàn ông này ở Palawan. Mỗi ngày ông cứ lặng lẽ tráng bánh, kiếm ăn gởi qua cho vợ ở trại tỵ nạn Hongkong. Ðau thương vì mất con. Con tôi trôi giạt nơi đâu? Vợ chồng mỗi người một ngả… Ðứa con mất tích sẽ ra sao? Dáng ông buồn lắm. Cháu bé lúc đó mới hơn ba tuổi. [… …]”
(http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/nguoi-me-cua-bien-gioi-song-va-chet-lm-nguyen-tam-thuong.html)

Câu chuyện thật có hậu cũng nhờ một người mẹ khác: Mẹ Têrêxa Calcutta. Nhờ Mẹ Têrêxa mà người mẹ đã hy sinh con mình trong đớn đau để cứu sống 44 mạng người giữa biển khơi đã tìm lại được con mình. Giữa biển khơi mênh mông, con người thật mỏng manh. Phù du. Vô thường. Cái chết và sự sống chỉ trong tích tắc. Tôi cũng đã từng có kinh nghiệm như thế. Điều tôi muốn hỏi ở đây là 44 người được cứu sống nhờ việc trao đổi này đã có tâm tình nào với người mẹ đã hy sinh đứa con yêu dấu của mình không? Hôm đó và hôm nay? Họ có cử chỉ hành động nào để tỏ lòng biết ơn người đã hy sinh cứu sống mình khỏi chết? Câu chuyện Người Mẹ Của Biên Giới Sống Và Chết không đề cập gì đến việc này!

Mười Người Phung Hủi

 

 
Khi đọc câu chuyện này, tôi nhớ đến trình thuật thánh sử Luca kể về Mười Người Phung Hủi được Chúa Giêsu chữa lành (Lc 17,11-18):


11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”.19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Trong mười người phung hủi chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta lại là người Samari mà Chúa Giêsu gọi là người ngoại bang. Tại sao lại như thế nhỉ?

Trở lại lịch sử dân tộc Do-thái, sau khi vua Đavít thống nhất 12 chi tộc và chiếm thành Giêrusalem của dân Jebusite. Vua Đavít đã chọn Giêrusalem làm thủ đô tôn giáo và chính trị. Vua trị vì được 40 năm và băng hà năm 970 TCN. Salomon lên kế vị cha và xây dựng Đền Thờ Giêrusalem.

Nhưng cuối đời vua Salomon, sau gần 40 năm trị vì (970-931 TCN), vua không còn tuân giữ các giao ước của Đức Chúa, nên khi vua Salomon băng hà, vương quốc thống nhất của vua cha bị chia làm hai. Mười chi tộc miền Bắc chọn Giarópam làm vua, đặt thủ đô tại Samari và gọi là vương quốc Ítraen. Hai chi tộc miền Nam dưới quyền kế vị của Rơkhápam, gọi là vương quốc Giuđa.


 

 
Vương quốc Ítraen tồn tại từ năm 931 đến năm 721, trải qua 19 triều vua với nhiều cuộc đảo chính đẫm máu. Vương quốc Ítraen bị đế quốc Átsua, thủ đô là Ninivê, của Vua Sanmanexe xâm chiếm. Thủ đô Samari bị tàn phá. Vương gia và thân hòa cùng dân chúng bị bắt đi lưu đầy (2V 17,1-18).


Để gìn giữ và canh tác vùng đất Samari, vua Átsua đã đưa các dân tộc khác từ Babylon, Cutha, Ava, Khamát và Xơphácvagim đến định cư ở các thành xứ Samari. Họ chiếm Samari và ở trong các thành của xứ này thế chỗ cho những người đã đi lưu đầy. Từ đó những người Ítraen còn lại, sống cùng với các dân tộc khác và họ không còn thuần chủng nữa.

Vương quốc Giuđa tồn tại đến năm 587, trải qua 20 đười vua, thì bị vua Nabucôđônôxo, vua Babylon xâm chiếm và tàn phá. Đền Thờ bị phá hủy. Thành Giêrusalem bị triệt hạ. Vương gia và thân hòa cùng dân chúng bị bắt đi lưu đầy tại Babylon (2V 24,10-25,21).

Khoảng 50 năm sau, vua Kyrô, nước Ba Tư, chiến thắng quân Ai cập. Vua cho mọi dân tộc bị đi lưu đầy được trở về quê quán của mình. Dân tộc Do thái cũng trở về xây dựng lên Đền Thờ và tường thành Giêrusalem (Er 1,1…). Họ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc những người ở Samari quấy phá, không cho họ hoàn thành sửa sang Đền Thờ và thành thánh Giêrusalem. Sau nhiều khó khăn, Đền Thờ cũng được dựng lại và cung hiến vào năm 515 TCN (Er 5,1-6,2). Có lẽ từ đó, người Do-thái và người Samari không còn nhận nhau là anh em.

Trong thời Chúa Giêsu, sự khinh miệt và ghét bỏ nhau vẫn còn tồn tại như câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-42), hay như chuyện tông đồ Gioan và Giacôbê xin lửa từ trời xuống thiêu hủy làng đã không tiếp đón thầy trò Chúa Giêsu (Lc 9,51-56)…

Bệnh phung trong Thánh Kinh

Khi ngang qua biên giới Galilê và Samari, Chúa Giêsu gặp một nhóm người phung hủi, gồm cả người Samari lẫn người Do-thái. Tại sao họ sống chung với nhau như vậy? Phải chăng sự đau khổ gắn kết họ với nhau? Sự loại bỏ, lòng khinh miệt và xua đuổi của đồng loại giúp họ xích lại gần nhau? Gắn kết với nhau cho đến hơi thở cuối cùng?

Bệnh phung còn được gọi là bệnh Hansen do bác sĩ Hansen (1841-1912, người Na uy) có công tìm ra trực khuẩn leprae là nguyên nhân gây ra bệnh phung vào năm 1873. Nhờ vậy, y học mới có phương pháp điều trị.

Bệnh phung hiếm gặp ở phương Tây nhưng được biết đến rộng rã qua các tài liệu khảo cổ Thánh Kinh. Theo đó bệnh phung là một loạt các bệnh về da, rất ít trong đó là bệnh Hansen. Ở dạng này hay dạng khác, bệnh phung luôn khiến người bệnh đau khổ, bị tẩy chay khỏi cộng đồng và khuyến khích niềm tin rằng họ những người bị trừng phạt. Cựu Ước coi đây là một dạng ô uế về thể chất và tinh thần cần phải loại trừ khỏi cộng đồng (x. Lv 13-14). Sự kết án đến từ cộng đồng và cảm thức tội lỗi đã buộc người phung cùi phải sống cách ly. Phải sống bên ngoài thành. Cựu Ước kể cho chúng ta nhiều trường hợp như vua Útdigiahu mắc bệnh cùi trong Sử biên niên quyển thứ 2 (2Sbn 26,19-23). Người Ai-cập với bệnh phung cùi (x. Xh 9,8-12; Đnl 28,27.35); kể cả trường hợp của bà Mariam, chị ông Môsê (Ds 12,9-15), hoặc như 4 người cùi được sách 2 V 7,3-11 thuật lại…

Sách Lêvi nêu rõ như sau: “Người mắc bệnh phung hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13-45-46).

Các Ráppi Do-thái còn đặt nhiều luật cấm bất kỳ ai đến gần người phung cùi trong vòng 2 mét, kể cả những người thân thích. Nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng 45 mét. Vì vậy, khi thấy một người phung cùi, một Ráppi sẽ ném đá vào người ấy và nói: “Ngươi hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác.” Hay bản án của các văn bản ráppi đã nói “Người phung cùi nào vào thành Giêrusalem sẽ bị đánh 40 roi…” (Tosephta, Kelim I,8).

Một thi sĩ nổi tiếng mắc bệnh phung là Hàn Mặc Tử (1912-1940). Hàn Mặc Tử tên thật là Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Mỹ Lệ, Đồng Hới và được rửa tội tại nhà thờ Tam Tòa. Những ngày cuối đời, Hàn Mặc Tử vào trại phung Quy Hòa, thuộc tỉnh Bình Định và qua đời tại đó.
 
Một người mà tôi đã có ấn tượng ngay từ thưở nhỏ qua tác phẩm: Cha Đamiêng, Tông Đồ Người Cùi. Cha Josepe Damien de Veuster, người Bỉ, sinh năm 1840. Ngài vào dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Louvain, Bỉ, năm 1859. Ngài chịu chức linh mục năm 1864.


 


Năm 1873, cha xung phong đi Molokai thuộc quần đảo Hawaii, giữa Thái Bình Dương mênh mông sóng nước, phục vụ những người phung cùi bị biệt giam. Những ngày đầu tiên đến Molokai, những người cùi bị biệt giam cứ nghĩ ngài là một “thiên thần” đến sống giữa những con người bất hạnh, bị thế giới bỏ rơi. Ngài đã ở với họ cho đến hơi thở cuối cùng. Cha mất ngày 15.4.1889 sau hơn 25 năm phục vụ tận tình người cùi. Cha được phong chân phước năm 1995 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và được phong hiển thánh ngày 21.10.2009 bởi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Một vị tồng đồ người cùi khác rất gần gũi với người Việt: Giám mục Gioan Cassaigne (1895-1973), vị tông đồ truyền giáo cho anh chị em Kơho và sáng lập trại phong Di Linh.

Gioan Cassaigne sinh ngày 30.01.1895, tai Grenade-sur-l’Adour Landes, giáo phận Air et Dax, Pháp.

 


Năm 1919, Gioan nhập học chủng viện Thừa Sai Paris (MEP) và thụ phong linh mục ngày 19.12.1925. Cha Cassaigne đến Việt Nam năm 1926. Ngài được đức cha Isidore Marie Joseph Dumortier Đượm sai làm cha sở Di Linh.

Ngày 20.02.1941, ngài được Tòa Thánh chọn làm Giám mục Sài-gòn với khẩu hiệu là Bác Ái và Tình Yêu (Caritas et Amor). Năm 1955 ngài xin từ chức Giám mục và ngài trở lại trại phong Di Linh vào ngày 03.12.1955. Đức cha Gioan Cassaigne mất ngày 31.10.1973.

Câu nói của Đức Cha làm nhiều người xúc động: ‘‘Quê hương Việt Nam chính là quê hương tôi’’ (La patrie Vietnamienne, c’est ma patrie à moi).

Hiện nay Giáo phận Đà Lạt đã khởi sự tiến trình xin mở án phong chân phước và hiển thánh cho Đức cha Jean Cassaigne.

Trở lại mười người phung cùi, đau khổ và bất hạnh khiến họ quên đi hàng rào ngăn cách quốc gia, chủng tộc; quên đi mình là Do-thái hay Samari. Nhu cầu được sống, được hòa nhập với cộng đồng giúp họ có sức mạnh kêu xin được cứu chữa.

“Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”

Theo luật của người Do-thái, để được tái hòa nhập với cộng đồng cần phải có xác nhận của tư tế và phải thanh tẩy chính mình như sách Lêvi qui định: “Đây là luật về người phung hủi, trong ngày nó được thanh tẩy. Nó sẽ được đưa đến với tư tế; tư tế sẽ ra khỏi trại. Tư tế sẽ khám. […] Tư tế sẽ làm lễ tạ tội và sẽ cử hành lễ xá tội cho người đang được thanh tẩy khỏi sự ô uế, sau đó sẽ sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm trên bàn thờ; tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ thanh sạch.” (Lv 14, 2-3.19-20).

Với niềm tin mãnh liệt vào lời của Chúa Giêsu, họ lên đường đi trình diện với các tư tế. Trên đường đi họ được lành bệnh. Một người thấy mình lành bệnh liền quay lại tạ ơn Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa. Tại sao? Vì ông vô cùng biết ơn Chúa Giêsu đã chữa ông lành bệnh. Còn chín người kia đâu? Họ có lành bệnh không? Tôi nghĩ, họ cũng được chữa lành. Nhưng lòng đạo đức gắn bó với truyền thống Do-thái giáo của mình cùng với việc giữ luật một cách nghiêm khắc, hình thức bên ngoài khiến họ không còn nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mà tạ ơn Ngài. Họ phải trình diện với tư tế để xác nhận mình đã được lành bệnh. Họ phải được thanh tẩy để được hòa nhập với cộng đồng. Họ phải dâng của lễ xá tội như lề luật đã qui định. Họ phải... Họ phải…

“Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.” Trong nhóm có ai là người Samari nữa không? Tôi nghĩ không có ai. Nếu có, anh ta đã quay trở lại với bạn mình mà tạ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói : “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” như bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ; hay “Hãy chỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.” như bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn.

Trong tiếng Anh, câu này như sau: “Stand up and go; your faith has saved you.” Nhưng một bản khác là: “Arise, go thy way: thy faith hath made thee whole. Hãy đứng dậy, đi đi: đức tin của ngươi đã làm cho ngươi được trọn vẹn.”

Đức tin của ngươi đã làm cho ngươi được trọn vẹn. Đức tin đã làm cho toàn vẹn cả tâm hồn lẫn thể xác. Tiếp xúc với Chúa Giêsu, con người không chỉ được chữa lành bệnh tật bên ngoài nhưng cả tâm hồn cũng được thanh tẩy. Những phép lạ Chúa Giêsu làm đã chứng minh điều ấy. Chín người kia chắc chắn đã lành bệnh phung hủi, song có một thứ phong hủi khác mà họ chưa chắc đã được chữa lành. Phong hủi trong đời sống thiêng liêng của họ khi họ chỉ sống hình thức, bên ngoài.

Lời tạ ơn cuối năm đã trở thành quá khứ. Lời tạ ơn đầu năm đang qua và lời tạ ơn nào dành cho những tháng ngày sắp tới?? 44 người được cứu sống giữa biển khơi muôn trùng có bao giờ nghĩ tới “Hài Nhi” đã thế mạng cho mình? Chín người phung hủi được chữa khỏi bệnh, sau khi trở về nhà, được tái hòa nhập với cộng đồng, có bao giờ quay trở lại tạ ơn thầy Giêsu đã ban ơn cho mình và tôn vinh Thiên Chúa? Thọ ơn và vô ơn?

Lời tạ ơn nào của tôi? Còn bạn thì sao?

Lạy Chúa, xin giúp con đừng quên Ngài, và môi miệng con luôn ca ngợi Chúa.

“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.” (Tv 103,2)

 

Nguyễn Thái Hùng
2.2024

 Tags: Lời Tạ Ơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây