Hãy sống như Đức Giê-su

Thứ sáu - 02/02/2024 19:34 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   216
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, (Đức Giê-su) đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Chúa Nhật V – TN – B
Hãy sống như Đức Giê-su

tbd 030224a


Trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, thánh Phao-lô có lời khuyến cáo rằng: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này, thời gian chẳng còn bao lâu… Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1Cor 7, 29…31).

Có thể nói, lời khuyên này như một tín hiệu cảnh báo về một ngày Chúa sẽ quang lâm. Mà, ngày Chúa sẽ quang lâm đó là một sự thật. Và, sự thật này đã được chúng ta tuyên xưng, rằng: Đức Giê-su “sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Đức Giê-su sẽ trở lại và nếu đó là ngày mai, chúng ta sẽ làm gì? Nói cách khác, chúng ta sẽ làm gì, nếu chỉ còn một ngày để sống!
Vâng, một bạn trẻ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm, trong bài chia sẻ: “nếu chỉ còn một ngày để sống”, có lời ưu tư rằng: “Sẽ là một ngày không như mọi ngày. Không đủ thời gian để nói lời cảm ơn. Không đủ thời gian để nói lời xin lỗi. Không đủ thời gian để nói lời chia tay. Không đủ thời gian để làm những gì mình muốn. Không đủ thời gian để yêu nhiều hơn. Không đủ thời gian để bớt giận hờn…” (nguồn: tonggiaophanhanoi).

Với nhạc sĩ Hoài An, ông có lời tâm tình, rằng: “Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha… Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người cho tôi một khúc kinh cầu. Để tôi thương êm ấm môi cười. Cho con tôi bước đời yên vui.”

Sau, sau những lời kể lể: “Nếu chỉ còn một ngày để sống…” Ông Hoài An cất lên những lời thổn thức: “Làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người… Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm. Làm sao ta thanh thản tâm hồn. Xuôi đôi tay đi giữa hừng đông.”
Cuối cùng, ông ta ao ước, ước rằng: “Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi mây. Cho tôi được ngắm sao trên trời, giữa hương đồng cỏ nội. Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa. Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.”

Cho tôi được… Cho tôi như… được như... thế thôi sao!

Vâng, những ưu tư và tâm tình của hai nhân vật nêu trên, có lẽ cũng là những ưu tư và tâm tình thường tình, của con người ở thế gian này. Nơi, mà con người luôn quy hướng về thân phận của chính mình.

Là một Ki-tô hữu, nếu chỉ còn một ngày để sống, ta sẽ làm gì? Phải chăng là, hãy sống cho ngày đó một cách tích cực. Sống không phải cho chính bản thân mình, nhưng là cho tha nhân, và đừng quên quy hướng về Thiên Chúa!

Đúng vậy. Phải, phải sống cho tha nhân và quy hướng về Thiên Chúa, vì đó chính là điều được Đức Giê-su thể hiện “mỗi ngày trong đời” của mình. Câu chuyện Đức Giê-su “chữa nhạc mẫu ông Si-môn (đồng thời) chữa cho nhiều người (khác nữa)”, và được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như là điển hình. (Mc 1, 29-39).

**
Chuyện được kể rằng: “Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê.” Ngoài hai ông này ra, “Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.”

Cuộc viếng thăm này là một sự tình cờ hay đã có chủ ý? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì. Chỉ thấy rằng, nhờ cuộc thăm viếng này, gia đình hai ông Si-môn và An-rê được Thầy Giê-su ban cho một ơn phước.

Chuyện là thế này. Hôm ấy, “bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường.” Và khi thấy Đức Giêsu vào nhà, thân nhân của ông Simôn không bỏ lỡ cơ hội: “Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà”. Nghe thế, Đức Giê-su, “…lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy…”

Chỉ đỡ dậy thôi! Lạ thay! “cơn sốt dứt ngay…” Người ta thấy “bà mẹ vợ ông Simon” đi lại như chưa hề bị cơn sốt hành hạ. Bà ta lại còn lăng xăng lui tới “phục vụ các ngài”.

Đức Giê-su đã hướng về tha nhân. Tha nhân hôm ấy là “nhạc mẫu ông Si-môn”. Nói theo ngôn ngữ Công Giáo, hôm ấy: Ngài đã “viếng kẻ liệt”.

Chưa hết, Đức Giê-su còn hướng về tất cả những ai tìm đến mình. Cũng ngày hôm ấy, chuyện kể tiếp rằng: “Chiều đến… người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Người”.

Hôm ấy, tuy lúc đó “mặt trời đã lặn” thế mà không hiểu tại sao lại xảy ra hiện tượng “cả thành xúm lại trước cửa”. Xúm lại trước cửa để làm gì? Thưa, thì ra… thì ra để xem Đức Giê-su tiếp tục, tiếp tục “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ...” (x.Mc 1, 34).

Sáng hôm sau. Thánh sử Mác-cô cho biết: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, (Đức Giê-su) đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Vâng, câu chuyện trong Tin Mừng không cho biết Đức Giê-su cầu nguyện điều gì. Nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng: Ngài tạ ơn cho một ngày đã làm việc, đã thực thi sứ vụ của mình một cách trọn hảo. Ngài cầu nguyện cho những sứ vụ tiếp theo, những sứ vụ ở “các làng xã chung quanh”, như lời Ngài đã nói với các môn đệ mình, rằng: “Thầy ra đi cốt để làm các việc đó.”

Qua lời thánh sử Mác-cô ghi lại, chúng ta được biết: “Đức Giê-su (đã) đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường… và trừ quỷ.”

***
Những gì Đức Giê-su đã làm “mỗi ngày trong đời” của mình, là thế đó! Là cầu nguyện, thăm viếng, và rao giảng Tin Mừng. Thánh Phao-lô, người đã từng bắt bớ các Ki-tô hữu, nhưng khi trở lại, đã thấm đậm dấu ấn mỗi-ngày-trong-đời của Đức Giê-su. Đó là dấu ấn “cầu nguyện, thăm viếng và rao giảng Tin Mừng.”

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corinto, ngài Phao-lô đã có lời rằng: “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.’ (1Cor 9, 16).

“Thế còn chúng ta thì sao!” Lm.Charles E. Miller đã đặt câu hỏi như thế đấy! Ngài Lm. còn hỏi tiếp rằng: “Chúng ta có thể giống như Đức Giê-su trong việc thi hành bổn phận của mình, đối với ơn gọi trong cuộc sống, bất luận ơn đó là gì, chăng?”

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, nếu đã là một Ki-tô hữu, “cầu nguyện, thăm viếng và rao giảng Tin Mừng” phải là dấu ấn được đóng ấn trong tâm hồn chúng ta.

Hãy nhớ rằng, việc cầu nguyện của ta không đem lại cho Thiên Chúa điều gì cả, trái lại, nó đem lại cho ta nhiều ơn ích. Ơn ích đầu tiên, đó chính là “sự bình an”.

Thánh Phao-lô có sự trải nghiệm này, và ngài đã chia sẻ cho cộng đoàn Phi-lip-phê, lời chia sẻ rằng: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô” (x.Pl 4, 6-7).

Nói tới sự thăm viếng. Vâng, đây không phải là một việc quá khó để chúng ta thực hiện. Chỉ cần có một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương, chúng ta sẽ không ngần ngại: ra đi, đi để tìm… tìm an ủi người… tìm hiểu biết người… tìm yêu mến người v.v… Chỉ cần có một tấm lòng bao dung, chúng ta đủ dũng cảm thực hiện sứ vụ “Đem an hòa vào nơi tranh chấp.”

Cuối cùng, đó là “ra đi rao giảng Tin Mừng”. Danh hiệu Ki-tô hữu của chúng ta sẽ là “hữu danh vô thực”, nếu chúng ta không theo gương Đức Giê-su “đến các làng xã chung quanh… để rao giảng tại đó”.

Đừng nghĩ rằng, “đến các làng xã chung quanh”, là phải đến xã Qui Đức, xã Hưng Long, xã Tân Kiên, xã Bình Chánh v.v... Làng-xã-xung-quanh chính là gia đình, là hàng xóm láng giềng, là nơi ta làm việc, là những người mà ta gặp gỡ hàng ngày.

Đừng nghĩ rằng chúng ta phải “rao giảng” bằng những lời lẽ cao siêu, những lời lẽ mà chỉ có những thần học gia, những lý luận gia mới có thể thực hiện được.

Chỉ cần… chỉ cần sống một đời sống tốt lành, một đời sống “mến Chúa – yêu người”, một đời sống như một tấm gương sáng, trước bàn dân thiên hạ. Bởi, như người ta thường nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”.

“Không rao giảng Tin Mừng, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu bại liệt”. Lm Đa minh Nguyễn Đức Thông DCCT, đã có lời khuyến cáo như thế. Thế nên, để không nằm trong danh sách những kẻ bại liệt, chúng ta phải thấm đậm dấu ấn mỗi-ngày-trong-đời của Đức Giê-su. Đó là dấu ấn “cầu nguyện, thăm viếng và rao giảng Tin Mừng.”

Nói tắt một lời: Hãy sống như Đức Giê-su.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây