Điều kiện được tha tội
Tội lỗi là một vấn đề của con người dễ mắc phải khi không canh chừng trước những cám dỗ của con mắt, lời nói, việc làm. Tội nhân được thương xót và tội lỗi thì luôn bị lên án. Vì tội lỗi làm cho con người đổ vỡ tương quan với Chúa, với anh chị em và nguyên do với chính mình.
Khi phạm tội Chúa có tha ngay cho không? “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.” (Tv 85, 15). Người đã tha thứ khi ta phạm tội, đó là Chúa đi bước trước trong tình yêu tha thứ. Liệu con người có sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ ấy không? Khi đến thú tội với cha trong toà giải tội như người con thứ trở về thưa với cha: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15, 22). Chúa không đặt điều kiện với ta, nhưng ta cần có trách nhiệm về điều ta đã phạm. Ta cần tỏ lòng sám hối bằng việc thú nhận với Chúa, để chính ta thấy ta đã được chữa lành. Như đứa con cần trở về vì nó đã biết cha nó đã tha cho nó rồi, chỉ cần nó về thưa với cha nó: “Con đã sai rồi, xin cha tha cho con!”.
Chịu trách nhiệm về lỗi phạm ta đã gây ra. Ta đã làm phiền lòng anh chị em ta, bằng những lời vu cáo, đặt điều. Tội của Giuđa thật ra cũng chẳng lớn gì. Khi anh dùng nụ hôn nộp Chúa, Chúa đã tha cho anh rồi, chỉ có điều anh ta không nhận trách nhiệm về việc mình nhỏ to mua bán Chúa, nụ hôn anh trao nộp. Anh vất trả ba mươi đồng, nhưng anh lại không nhận trách nhiệm việc anh đã nộp Chúa. Lời nói, việc làm của ta đã trao nộp anh chị em ta cho sự dữ, ta có thấy trách nhiệm của ta ở đó chăng?. Nhận trách nhiệm về lỗi của mình gây ra là hành vi quan trọng của một con người. Từ đó, ta mới dốc lòng chừa, mới có quyết tâm không lỗi phạm, ta mới thấy cần đến lòng thương xót của Chúa. Cần nhận trách nhiệm về mình để được tha thứ như tên trộm lành, trộm được cả thiên đàng.
Có người không muốn xưng tội vì cứ xưng rồi lại phạm. Ta không biết rằng Chúa đã nói: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận", thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17, 4). Điều kiện để thấy mình được tha vẫn là nhận trách nhiệm qua lời xưng thú. Ta không đến toà giải tội để xưng tội, cứ ngâm hết tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, lòng ta có yên không? Ta sẽ mãi gặm nhấm lòng đau của ta và chán ghét chính ta. Ta đã để vết thương thành khối u, nhiễm trùng, hoại thư vì không chịu đến khám chữa. Chúa chữa lành, nhưng cần ta đến để Chúa chữa. “Hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa, anh em đừng chớ cứng lòng” (Tv 84, 7)
“Khi một người quỳ gối trong tòa giải tội vì họ đã phạm tội, thì ngay lúc đó người ấy tự tôn thêm phẩm giá của mình như một con người. Cho dù tội lỗi của người ấy đè nặng lên lương tâm đến đâu, dù chúng đã làm giảm phẩm giá của người ấy nghiêm trọng đến mức nào, thì chính hành động thành thật xưng thú, hành động quay lại với Thiên Chúa, là một biểu hiện của phẩm giá đặc biệt của con người, sự cao cả về tinh thần của người ấy” (Cardinal Wojtyła, Sources of Renewal, 142).
Đền tội những lỗi ta đã phạm. Vua Đavid đền tội của mình rất đáng làm gương cho ta. Đavit phạm tội rất nặng, giết chồng, cướp vợ người khác, nhưng ông đã không để mình tha hoá về sự tội. Nathal đến nói với vua về tội ông phải chết, ông dã khiêm hạ ăn năn hối lỗi. Chưa đủ ông còn bị tên Sim y chửi rủa dọc đường: “Cút đi, cút đi, tên khát máu, thằng vô lại! Đức Chúa đã đổ xuống đầu mày tất cả máu của nhà Sa-un, người đã bị mày chiếm ngôi, và Đức Chúa đã trao vương quyền vào tay Áp-sa-lôm, con mày. Và này, mày phải tai hoạ, vì mày là tên khát máu!” (2Sm 15, 7 – 8). Người cận vệ của vua Đavit nói để ông qua chặt đầu cái thằng chửi rủa kia. Vua Đavit lại bảo với mọi người: “Này con trai ta, do chính ta sinh ra mà còn tìm hại mạng sống ta, huống chi là tên Ben-gia-min này! Cứ để nó nguyền rủa, nếu Đức Chúa đã bảo nó. May ra Đức Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và Đức Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của nó hôm nay” (2 Sm 15, 11 – 12). Có người trách móc ta, vu cáo ta, nói xấu ta, thậm chí ghét ta, trả thù ta. Tất cả đều có thể trở nên của lễ đền tội của ta, may ra Chúa còn xót thương ta, trả lại cho ta niềm vui, hạnh phúc.
Mùa hoán cải: “Ước gì hôm nay chúng ta nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa”
L.m Giuse Hoàng Kim Toan