Linh mục, người là ai? -kỳ 3

Thứ ba - 18/01/2022 20:05 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   472
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 3

Linh mục, người là ai?


Linh mục, người là ai? Linh mục làm gì trong những ngày cách ly? Linh mục trở nên Alter Christus như thế nào? Luôn là chủ đề nhiều người quan tâm.

Tuần tĩnh tâm linh mục -2021 tại Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản xác định Linh mục là người xây dựng Giáo Hội. Linh mục là con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51).

Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều linh mục đã có những sáng kiến nhằm phục vụ dân Chúa cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất bằng sự hy sinh quên mình. Nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài những khó khăn về giao tiếp, khác nhau về phong tục tập quán, Cha Lành (nhân vật chính) còn trải qua biết bao thách đố, cám dỗ, cạm bẫy giăng mắc trên bước đường linh mục nơi xứ người.

Linh mục, người là ai? do tác giả Lm Lã Mộng Thường phát hành vào năm 1991 tại Hoa Kỳ, nay được tái bản và lưu hành nội bộ tại Ban Mê Thuột với số lượng có hạn, ưu tiên cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể.

Xin vui lòng liên hệ SĐT: 0905 266 328 (Vũ Đình Bình)
Hoặc email: binhbalme@gmail.com

Trân trọng giới thiệu.

 
LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I

(Kỳ 3)

 

Như một cuốn phim sống động quay lại nơi tâm tư cha Lành - dáng người nhỏ con - quì thinh lặng hướng về nhà tạm. Thi thoảng tiếng xe chạy trên con lộ ngay trước nhà thờ vọng vô chừng như nhắc nhở linh mục trẻ, cha phó xứ đạo bao gồm 1500 gia đình này, thế giới bên ngoài hãy còn đang sinh động. Đôi khi tiếng rú cuồng bạo của xe “sport” vượt ngang cố nhắc nhở ngài đêm đã khuya. Thế nhưng dường như những dòng tâm tư nặng nề vẫn cố kéo ngài chùng xuống không cho trở về nhà xứ. Chỉ thấy ngài quì hồi lâu dường như bất động. Bỗng ngài từ từ đứng dậy, tưởng rằng ra về... thì ra ngài đứng lên để ngồi xuống. Hai động tác phân biệt rõ ràng, đứng dậy từ thế quì rồi mới từ từ ngồi xuống ghế dựa, mắt vẫn chăm chăm hướng về nhà tạm, chân bắt chéo và hai tay nhịp nhàng khoanh lại như đã thường quen làm.

 

Ánh đèn rọi từ trần làm nổi bật sắc hoa màu trắng của bình bông phía sau nhà tạm được kê cao hẳn lên. Mầu mạ vàng của nhà tạm bóng lên đối nghịch sắc hoa dưới ánh đèn bao quanh bởi cả một vùng tối của ngôi thánh đường rộng lớn càng tạo thêm nét linh thiêng thần bí thu hút tâm tư. Phía xa về bên trái trong khung tối, một chùm ánh nến đỏ đua nhau linh động như cố đẩy lời nguyện cầu của những người đốt nến theo sức nóng bay mãi lên cao xuyên tới cõi thiêng liêng.

 

Bàn thờ tế lễ đứng âm thầm thinh lặng chặn giữa cha Lành và nhà tạm. Cứ mỗi khi trông đến bàn thờ, ngài tự cảm thấy đó là chính mình, chính cuộc đời mình, nơi tế lễ, nơi dâng lên những niềm vui cùng những nỗi u buồn trong cuộc đời không những của chính ngài mà của con chiên bổn đạo, của cả Giáo Hội. Tâm tình này mỗi lần đến với ngài là tất cả những ưu phiền tự giảm dần để được thay thế bằng sự cam tâm chấp nhận. Chấp nhận vì con đường đã được gọi, chọn và đã được chọn. Đôi khi có những cay đắng khó thể mang bùng lên đối diện, ngài chỉ chép miệng tự nhủ: “Cuộc đời nào không có chông gai.” Chính nhận thức thực tế này đã giúp ngài sống vui tươi, cởi mở và chấp nhận nhiều hơn.

 

Cha Lành một mình nơi nhà thờ trong đêm vắng không phải là chuyện lạ, nhưng đêm nay ngài ngồi đó lâu hơn, dường như quên bẵng thời gian. Những sự việc xảy ra cứ tuần tự diễn qua tâm tưởng khiến hiện tại dừng lại, dừng lại để chuyển mình dẫn đưa về quá khứ, một quá khứ có chú Lành khắc khoải với niềm tin, với những ước mơ, và thắc mắc về giá trị của kiếp người.

***

Khi còn đang học lớp đệ tam (lớp 10), nhân buổi nói chuyện của mấy người lớn, ông cậu khuyến khích chú Lành đi tu làm linh mục. Chẳng kịp suy nghĩ, chú đồng ý và rồi từ ngày ấy, ý tưởng đi tu thi thoảng trở lại như một động lực thúc đẩy chú đặt vấn đề tìm giá trị cho cuộc đời của mình khi so sánh với cuộc sống thực tại nơi những người chung quanh. Có một lần đứng dựa vào tường cuối nhà thờ xếp hàng chờ vô tòa cáo giải, ngay phía trước là một ông gần nhà cỡ chừng 45 đến 50 tuổi. Ông thấp hơn chú một cái đầu. Chú Lành đã chẳng cao gì mà ông còn lùn, lại nhỏ người hơn kèm thêm nước da cháy nắng bởi làm việc cực nhọc ngoài trời. Chú thầm nghĩ, với một thân xác nhỏ bé như thế này, tuổi đời chồng chất theo năm tháng làm ăn cực nhọc để nuôi dưỡng một đàn con 6 đứa; suộc sống còn gì khi xuôi tay nhắm mắt? Phải chăng con người được sinh ra, lớn lên, lập gia đình, sinh ra một đàn con; rồi đàn con cũng thế, cũng lấy vợ, lấy chồng... rồi chết đi... và còn gì? Giá trị cuộc sống ở đâu, và chú sẽ chấp nhận cuộc đời của mình sau này thế nào?

 

Nếu đem so sánh cuộc đời một con người trong phạm vi sinh tồn, bảo toàn giống nòi với một con thú, con thú sung sướng hơn con người vì chúng không phải lo lắng cho ngày mai. Nếu chỉ xét riêng về sự sống thì con người được sinh ra, lớn lên, già rồi chết. Phải còn gì nữa! Thế giá trị của cuộc sống con người khác và hơn con thú ở chỗ nào? Chẳng lẽ cuộc đời của một con người chỉ lo sao cho có miếng ăn để sống, nghĩa là đi làm, ăn, ngủ, rồi lại đi làm... tiếp tục một cách buồn tẻ như sự luân chuyển của chiếc nhông trong bộ phận nơi cái máy và chờ ngày hao mòn bị quăng đi. Chắc chắn phải còn gì nữa mà chú Lành chẳng biết đặt tên nó ra sao. Chú chỉ biết mù mờ rằng giá trị cuộc sống con người phải hơn con thú trong khi chú không thích lối sống lặp đi lặp lại vì nó bình thường quá, một ngày như mọi ngày... Chú muốn mình phải là một cái gì nhưng cái gì thật mơ hồ, chỉ có trong mộng ước mà chú không xác định được.

Sau năm thứ I đại học, chú được nhận vô chủng viện; để rồi qua hai năm được huấn luyện, chú Lành nghiễm nhiên trở thành thày Lành nhưng lòng đầy thắc mắc, nghi ngờ sự cầu nguyện của chính mình. Nghi ngờ vì cầu nguyện mà không thấy chi hết; cứ như bị rơi vào khoảng không vì thày suy luận, nếu có Chúa thì Chúa đã nghe, và nếu Chúa đã nghe thì thày cầu phải được, xin phải có. Cầu nguyện không thấy ai trả lời, thày xin chẳng gì xảy đến; như thế đối với bản năng thường tình, sự suy nghĩ đơn giản cho thày giải đáp: không có Chúa, và giả sử nếu có Chúa thì Chúa cũng chẳng làm được gì, chỉ như những hồn ma bóng quế còn sót lại lang thang sau cuộc sống, chẳng giúp được ích chi.

Nghe những câu chuyện ma từ những người dân quê mộc mạc mà thày biết rõ không bao giờ họ có ý nghĩ đánh lừa người khác khuyến khích thày đặt vấn đề. Họ là người Công Giáo; họ gặp sự thật và sự thật là họ đã gặp ma. Anh thày, như lời bố mẹ và những người sống cùng thời kể rõ từng chi tiết, bị sài tréo. Khi còn nhỏ, hai chân cứ bắt tréo qua nhau không đi đứng được. Ông thày lang lúc bấy giờ bảo bố thày phải đi lấy tổ quạ, lấy đất trên mả người bị sét đánh trăm ngày và nhiều thứ khác nữa về nhào lộn lại, nặn thành hình nhân, rồi nấu nước tắm; điều kiện là lúc đi đường không được gặp bất cứ gì dù là người hay con vật. Tháng chạp ở miền bắc Việt Nam, trời rét, thế mà bố thày phải lội dưới sông đi lấy đất mả người bị sét đánh vì đi trên đường cứ bị gặp con chó bông. Rồi anh thày khỏi bịnh, đang ở Mỹ.

Những chuyện bùa ngãi, nuôi hồn để bói toán, có thật nhưng thày không thể giải thích lý do, chỉ biết nó xảy ra khiến mọi người phải công nhận rằng con người chết đi không phải là hết; tức là còn có sự sống đời sau. Ông bà có câu, “Tin ma, ma bắt, tin cọp, cọp tha.” Không hiểu có đúng hay không, nhưng khi thày đi chặt cây bán cho “nhà nước” làm nhà kinh tế mới và để ý sau mấy lần lỡ miệng. Đúng tám lần chuyện xảy ra làm thày ớn da gà. Không biết lý do, không tin cũng phải sợ, là nếu đi rừng chặt cây, bất cứ vì lý do nào đó, chỉ một người trong bọn đề nghị về, dù chỉ là giỡn chơi, mà cứ tiếp tục kiếm cây để chặt, không chuyện nọ cũng chuyện kia xảy tới cho người trong nhóm. Những người đi rừng có lẽ giải thích không đúng, nhưng họ tin là rừng rất thiêng.

Trước năm 1975, bên cạnh nhà thày có một anh chàng rất hoang đàng, không biết sợ trời sợ đất là gì, vô nghĩa trang, đứng tiểu trên một ngôi mộ rồi thách thức người đã chết. Đêm đó, anh ta bị vật như trời giáng, xùi bọt mép khi bước ra phía sau nhà để đi tiểu. Đến sáng, nghe kể lại chuyện hôm trước, mọi người đều cho rằng anh ta bị như thế vì dám hỗn với người đã chết; thế rồi từ đó anh ta chừa.

Những người đã chết mà họ còn thiêng, còn làm thế này, thế nọ vậy sao Chúa cứ như không? Đôi khi thày nghĩ rằng các cha hù con chiên vì không thế, lấy ai theo đạo. Không có người theo đạo, các cha chết đói. “Bà phước” cũng vậy, họ có phận sự nói như cái máy; họ nói những điều họ phải nói thôi, vì có Chúa thật chăng và Chúa có nghe cũng như có làm gì được cho họ chăng sao không xin Chúa tiền mà chi phí cho cuộc sống, khỏi phải làm gì. Bao nhiêu người chung quanh theo đạo Công Giáo, lại sùng đạo, thế mà khi những sự việc không đúng theo ý muốn của họ, có thể gọi là tai họa xảy ra, họ than trách Chúa. Thày nghĩ, thật nực cười! Chúa đâu làm được gì mà than trách; Chúa chỉ không có cái miệng để phản đối những lời than trách nên họ đổ vạ cho. Họ đâu dám đổ vạ cho hồn ma ông bà họ, cho người khác vì họ sợ bị vật chết; ai mà không sợ chết!

Khi còn nhỏ, nghe nhiều về đức tin bởi học giáo lý nơi nhà thờ, bởi mẹ thày bảo khi gặp chuyện gì khó khăn, hãy cầu xin Chúa soi sáng dẫn đường, rồi cũng cầu nhưng không thấy chi. Ông cha dậy giáo lý thêm sức định nghĩa một cách đơn giản: Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Thày Lành hài lòng vì sự định nghĩa này. Làm sao có thể chấp nhận được sự giảng dạy của các cha già khi các ngài đứng nơi tòa giảng phán rằng phải biết kính sợ Chúa. Chúa đâu có làm gì được mà phải sợ; thày đâu có sợ! Đâu có bao giờ Chúa nghe thấy gì khi thày cầu, thày nói mà phải ngán! Nếu Chúa có nghe chăng thì đã có những chuyện cần thiết thày xin xảy ra. Ừ thì giả sử Chúa nghe được đi; nghe được mà chẳng làm chi được thì cũng như cuội, coi như không có!

Lớn dần, thày Lành theo đạo Công Giáo như một sự di truyền của hoàn cảnh, bởi những người chung quanh theo đạo nên phải theo cho giống với họ, bởi những sáng không dậy đi lễ, không kiếm được cớ ốm đau gì mà nằm lỳ là bị ăn roi. Ăn roi thì không thể ngủ thêm được lại bị giật mình khi cái roi quất đau điếng nơi người. Thày nghĩ, theo chi cái đạo khổ sở này! Thày chỉ dám nghĩ trong sự hậm hực vì phải đi lễ buổi sáng làm mất giấc ngủ. Thày đâu dám nói, nói ra là ăn đòn. Không có sự trừng phạt nào lớn lao hơn nếu nói vì bố mẹ thày sùng đạo lắm. Chúa của bố mẹ thày được bênh vực bằng những ngọn roi trong khi sự xúc phạm chỉ là lời nói. Đổi lời nói lấy những roi đòn, thày đâu có dại.

Thày Lành cảm thấy Chúa đã chẳng bổ ích gì dầu đã 28 tuổi. Già rồi, nếu như bạn bè thì đã vài con, đã đang mang trên vai gánh nặng gia đình. Sau khi Cộng Sản chiếm miền nam Việt Nam, thày có cơ hội về Sài Gòn ở nhờ nhà một người quen rồi buồn buồn theo dự khóa Thánh Linh. Thày dự có một khóa vì không thể có thì giờ theo tiếp khóa hai. Những sự kiện xảy ra nơi khóa học như rên la, ngất xỉu, làm chứng Chúa đến với những người theo học được thày coi như hiện trạng tâm lý vì quá tưởng tượng. Hai ông cha lên thú nhận rằng họ đã là linh mục mười mấy năm nhưng cũng nghi ngờ, không tin, giờ mới nhận biết. Có người kể rằng họ quăng cả ảnh tượng Chúa đi rồi được ơn trở lại; kẻ thế nọ, người thế kia. Ông cha diễn giảng khóa học thì dường như giả bộ đóng kịch theo sự nhận xét của thày. Đức tin gì mà kỳ thế; Chúa mà cầu dễ dàng như vậy à? Bao nhiêu năm rồi, thày cầu; thày lại đạo gốc nữa, đạo nằm ngửa từ khi mới chui từ bụng mẹ ra mà cầu đâu thấy gì! Chỉ thấy đủ mọi thứ; nào sợ bị đòn, sợ bị xuống hỏa ngục, sợ hình phạt tưởng tượng. Chúa ngày ấy đối với thày chỉ là những sự đe dọa bị khốn khổ đầy ải vì chấp nhận con người chết đi còn một sự gì nữa tiếp theo; cái đó như là những hồn ma.

Tuy nhiên, những sự kiện xảy ra nơi khóa học thánh linh cũng ảnh hưởng thày không ít khiến có ý thử. Thử thôi vì muốn biết thực sự thế nào bởi có gì xảy đến với thày trong suốt khóa đó đâu. Hơn nữa, thày đâu có yếu tim, đâu có dễ dàng bị lừa bởi một vài lời nói, bởi sự mê hoặc của kẻ khác. Chúa phải thực sự chứng minh cho thày biết mới thèm tin, không có sự chứng minh, không thể chấp nhận được. Tin một cách mù mờ như đã phải tin, đó là cuồng tín; đó là sợ bị phạt sau này; đó cũng là ảnh hưởng bởi những roi đòn, bởi thói quen đi dự lễ mỗi sáng, bởi đã bị tiêm nhiễm rằng chúng ta phải kính sợ Chúa, và bởi vì thày đã tưởng tượng Chúa như con hổ giấy đang nhăm nhe vồ phía sau. Chúa sao mà ghê gớm thế!

Sau ngày 30 tháng 4, 1975 thày Lành về một miền kinh tế mới sống với một người bạn cũng tu muộn nơi chủng viện Phú Quí, Sài Gòn. Thày thường tập hát cho ca đoàn gồm 32 người lớn nhỏ từ 14 dến 33 tuổi. Với tính chất lè phè, sống bạt mạng, ca đoàn và mọi người chung quanh dễ cảm thấy mến. Họ mến thày vì thấy tính chất lè phè, gần gũi với họ mặc dầu chẳng giúp ích gì ngoại trừ giúp đọc kinh mỗi sáng chủ nhật. Thử sự cầu nguyện với nhóm ca đoàn, lúc đó thày lại đứng vào vị thế của người khuyến khích đức tin nơi kẻ khác. Thày Lành đưa những chứng minh thật đơn giản trong cuộc sống hàng ngày một cách ngây ngô để nói cho họ biết rằng họ cũng chẳng tin gì, chỉ mù mờ như thày. Chẳng hạn khi thày hỏi họ có tin rằng Chúa nghe lời cầu của họ mà cho họ những gì họ xin không; mọi người đều nói rằng tin. Thày hỏi lại từng người để chính họ xác nhận rõ ràng điều tự họ vừa chấp nhận, thày nói tiếp:
- Nào, mọi người đều tin rằng chúng ta cầu; Chúa nghe; bây giờ chúng ta thử. Chẳng cần gì chuyện to tát, chúng ta xin ngay điều cần thiết. Mọi người biết chúng ta đang đói, không có gì để ăn ngoài khoai lang và bắp, lâu ngày thèm ăn thịt. Bây giờ, xin Chúa cho chúng ta một con nai chạy vào đây, đóng cửa lại, bắt nó làm thịt ăn. Mọi người có tin rằng Chúa cho hay không? Và chúng ta có chắc chắn có con nai ngay bây giờ không?

Tất cả im lặng! Họ vừa xác nhận cầu Chúa nghe, xin Chúa cho mà bây giờ xin con nai, ai cũng nghi ngờ. Mọi người giương mắt ếch nhìn nhau đầy vẻ ngỡ ngàng... Thày hỏi lại, không ai nói thêm được câu nào; tất cả đều ngậm tăm, bất động. Đến lượt một chú nhỏ, tốt lành nhưng cũng thuộc lại ngổ ngáo không thua gì thày; chú ta trả lời:
- Thưa thày, em thấy hơi nghi nghi!
- Đức tin chúng ta là thế đó. Hơi nghi nghi! Tất nhiên chúng ta luôn nghi ngờ.

Thày Lành nói thế nhưng lại biết chắc không bao giờ có chuyện có con nai chạy vào nhà bắt làm thịt. Chuyện phi lý, có gì để mà tin, mà cầu cách vớ vẩn. Tuy nhiên, từ đó thày dẫn họ đi sâu hơn vào Tân Ước, khởi đầu rằng Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 18, và theo thứ tự giống như khóa thánh linh mà thày mới dự qua. Dĩ nhiên có những thêm nếm khác với khóa học vì khác thành phần tham dự. Nào thực tập cầu nguyện lớn tiếng trong khi một tay đặt trên vai người khác, một tay giơ lên trời. Thày phải tắt đèn, dùng ánh sáng lờ mờ của buổi tối để những người cầu nguyện đỡ cảm thấy ngại ngùng vì không quen cầu nguyện lớn tiếng trước mặt mọi người. Bắt đầu với sự nhận lỗi, xin Chúa thứ tha; cảm tạ Chúa vì Ngài đã đổ máu mình ra để chuộc tội cho mọi người; nhắc lại lời Chúa hứa ai làm gì, xin gì bởi danh Ngài, Ngài sẽ thực hiện; nhân danh Chúa Kitô xin cùng Chúa Cha điều cần thiết; và đoan hứa tin chắc rằng Chúa nghe rồi cảm tạ Ngài vì Ngài sẽ thực hiện lời cầu.

Thế rồi những sự việc xảy ra liên tiếp khiến thày Lành bàng hoàng và đặt rất nhiều nghi vấn. Trong thời gian đó, nơi miền thày ở mưa liên miên. Tại miền nam Việt Nam quanh vùng thày ở trước, chưa bao giờ thấy mưa như thế trong suốt hơn 10 năm kể từ ngày có trí khôn. Vùng kinh tế mới cũng gần nơi ở cũ, cỡ 20 cây số đường chim bay; thế mà mưa cả tuần lễ, dường như không dứt đến độ bắp, cây mì, khoai lang đỏ hết trong khi đất thuộc loại cát pha đất sét. Tối hôm trước mọi người cùng nhau hợp ý cầu xin cho ngưng mưa. Từ ngày hôm sau, trời mây và mây, che kín cả bầu trời, không một chút ánh nắng, nhưng không mưa dù chỉ một giọt trong suốt cả tuần lễ tiếp theo.

Khoai lang hư bởi mưa; bắp mới lên được sáu tuần lễ; mì chưa có củ; dân chúng không biết kiếm chi ăn. Gạo đào đâu ra trong khi tiền không có. Sống trong vùng kinh tế mới, xác xơ, lấy ai cho vay? Có một gia đình gồm hai vợ chồng trẻ, năm con; đứa con gái lớn nhất mới chín tuổi. Hôm ấy bất chợt thày ghé qua, gặp gia đình đang ăn. Chỉ một rổ lớn rau luộc, gồm có đọt cây mì, đọt dây lang, đọt cây hồng tiên, đọt cỏ hôi (người Bắc gọi cây cứt lợn) và một chén muối đâm với củ xả và ớt. Vợ chồng con cái bảy người ngồi quấn đọt cây luộc chấm với muối xả, ngoài ra không còn gì khác. Thày Lành cảm thấy thổn thức vì cảnh lầm than mà miếng ăn cũng không có. Ngồi xuống, cũng quấn đọt cây chấm muối với họ trong khi nói chuyện thăm hỏi; tối đến, thày nói với nhóm cầu nguyện:
- Mọi người đều biết hiện giờ không ai có thể kiếm gì ăn để mà sống, tiền lại không có, chỉ còn cách xin Chúa cứu đói; nếu không, dân làng sẽ chết hết.

Tất cả cùng nhau cầu nguyện như thường lệ, cầu lớn tiếng; sau đó mọi người ra về. Hai ngày sau, một xe trọng tải khoai lang tới bán chịu cho những gia đình đi chặt cây bán cho nhà nước; những người không đi chặt cây cũng có thể nhờ những người đi chặt cây mua chịu cho được một bao 50kg khoai lang ăn cầm cự lấy sức. Ngày hôm sau nữa cũng thế, thêm một xe trọng tải khoai lang về bán chịu. Nạn đói được giải quyết cấp thời; số khoai lang dân làng mua chịu để ăn vừa kịp cho những trái bắp non mới đơm sữa, có thể ăn cả cùi; củ mì đã lớn bằng ngón chân cái và dây lang kịp làm củ sau đó. Đường bắt đầu khô, xe mới có thể vô bốc cây; xe bốc cây dân mới có tiền. Tuy nhiên, thày biết, hai xe trọng tải khoai lang bán chịu cho dân chúng lại do hai chủ đề bô cây xuất vốn mua về...
Thày Lành vẫn cứ cho rằng những sự việc xảy ra chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên trùng hợp; chẳng lẽ Chúa lại làm những cái vớ vẩn thế! Tối tiếp theo, một trong những người cầu nguyện bước ra giữa vòng tròn xin mọi người cầu cho bàn tay anh ta, nó đau cả tháng rồi không khỏi. Thày thầm nghĩ, sao mà khùng thế, tay đau rồi tự nó khỏi; vết thương đâu có làm chết người được mà xin với xỏ bởi có thể chết thì đã chết rồi. Có lẽ chúng mê tín hoặc cuồng tín quá đỗi nên cứ xin những chuyện vặt vãnh chẳng ra gì! Nhưng biết sao hơn, anh ta đã xin cầu nguyện; mọi người đặt một tay lên anh ta, tay kia giơ lên trời và nhân danh Chúa Kitô cầu lớn tiếng sau khi ăn năn tội như thường lệ. Thày Lành cũng đành đặt tay lên anh ta và giả đò cầu “lấy lệ” như mọi người nhưng cảm thấy bực bội lẫn ngại ngùng vì chính thày đã dạy nhóm người này cầu nguyện. Suốt thời gian còn lại của buổi tối, sau khi mọi người đã ra về, thày hậm hực với cái “ngu xuẩn cuồng tín” của anh chàng xin cầu nguyện.

Mới sáng hôm sau, khi thày Lành vừa ăn xong mấy củ khoai lang luộc to bằng mấy ngón chân cái và ngồi hút thuốc lào nơi một cửa sổ đang định đi lang thang, anh chàng xin cầu nguyện tối qua bước vô nhà và nói:
- Thầy, tay em khỏi rồi.
- Vậy em có tin không?
- Có chứ thầy. - Trong khi đưa bàn tay trái lên, nơi gò kim tinh dưới ngón cái ở lòng bàn tay, chỉ vào đó và nói:
- Hơn một tháng rồi, một chiếc gai “ngành ngạnh” đâm vào đây khi em róc gai; em rút ra và nó cứ khỏi bên ngoài nhưng vẫn đau bên trong, được ít bữa rồi lại phá ra mâng mủ lại. Tối hôm qua, em không biết làm sao hơn, đành liều xin cầu nguyện để mặc Chúa chữa nó. Mới sáng nay dậy rửa mặt, em cảm thấy nó ngưa ngứa, lấy tay bóp một cái, một đoạn gai phọt ra, thế là không còn gì đau đớn nữa.

Thày Lành thầm nghĩ, thì tất nhiên cái dằm thoát ra được là tự nhiên khỏi, nào có chi đâu! Chúa với cha cái gì, vớ vẩn, nhưng không nói ra, lờ đi và hỏi hôm nay anh ta định làm gì, có đi câu không!

Chưa hết, những chuyện bình thường, lăng nhăng hằng ngày thiên hạ cũng cứ đưa ra xin cầu nguyện khiến thày khó chịu, nhưng chỉ nhăn nhó một mình. Thày đâu dám nói ra, nói ra làm nhụt đức tin họ thì sao! Mặc dầu thày dậy họ cầu nguyện nhưng sao mà họ ngụy tín đến thế! Thế nhưng, người đã xin cầu nguyện, cứ mới tối hôm trước, là hôm sau đã bước ra làm chứng rằng điều họ xin đã được như ý muốn. Nó mất chiếc bút máy Pilot, nó hỏi thày biết làm sao kiếm lại; mất chỗ đông người nữa, không ai nhận trông thấy; không ai vớ được; chiếc bút máy kỷ niệm quí giá! Cái gì cũng thầy, làm như thầy là ông thánh sống! Thày nghĩ, mình cũng phải ăn như mọi người, cầu nguyện nào thày có thèm tin đâu mà cứ thày với bà! Thày trả lời không thèm suy nghĩ:
- Vậy em không tin “Cha” em có thể kiếm lại cho em hay sao? Nói với Ngài, xin Ngài cho người đưa nó tới nhà cho em.

Cỡ bốn tiếng đồng hồ sau khi trả lời như thế, chủ nhân chiếc bút đã rối rít đến khoe và cảm ơn.
- Em cầu xin và Chúa cho người đưa tới nhà như thày nói.
Thày trả lời với giọng chán nản vì sự cuồng tín của thiên hạ:
- Em tin thì em được chứ có mắc mớ gì tôi đâu! Tôi cũng như mọi người thôi!
Tuy thày Lành nói với người ấy nhưng thực ra là nói với chính mình vì có tin đâu! Vả lại, những chuyện cỏn con ấy nào có đáng gì để tin, để cầu nguyện với cầu xin; chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Có một người bệnh đã hai tháng, bệnh gì không biết mà cứ nhổ nước bọt liên miên. Thày Lành ăn cơm ở gia đình đó vì không tiện nấu nướng. Ông thày bạn lại là y tá bất đắc dĩ của cái vùng khỉ ho cò gáy này; y tá đôi khi phải cho thêm tiền bệnh nhân để mua gạo nấu cháo vì ăn củ mì làm sao chữa bệnh được. Tiền thuốc không tính, tiền công không lấy, cho nên ai cũng chạy tới; hơn nữa chẳng còn ai khác. Bạn thày ra sức chạy chữa cho con bệnh nhưng chẳng thấm gì! Nào thuốc nọ thuốc kia, nước biển, nước suối, hết bình này đến bình khác, thứ này sang thứ nọ, con bệnh cứ mỗi ngày một gầy như que củi và tiếp tục nhổ nước miếng. Mặc dầu thày ăn cơm ở nhà ông bố con bệnh nhưng không ưa ông ta vì có lần ông nói xấc, hoạch họe thày trong khi vấn đề xảy ra không phải việc của thày vào một buổi tối văn nghệ giáng sinh 1976. Trước khi rời vùng kinh tế mới để về quê cũ, thày đề nghị mọi người trong nhóm cầu nguyện đến nhà đặt tay và cầu xin Chúa chữa bệnh anh ta. Tối đó mọi người đến, không thèm báo trước, mặc ai muốn nói gì thì nói; họ cứ cầu cho anh ta bởi thày biết rằng nói trước ông chủ nhà sẽ phản đối vì ông cũng không ưa thày, chỉ có thế!

Thày Lành kêu gọi mọi người trong nhà hợp ý cầu nguyện, và như thường lệ, nối tiếp đặt tay trên anh ta; người đứng sau đặt tay trên vai người đứng trước; ai nấy ăn năn tội, kêu nài lớn tiếng, rồi giơ tay lên tha thiết xin Chúa chữa con bệnh, xác tín lớn tiếng rằng Chúa sẽ làm, cảm ơn và về. Đúng là một cảnh hỗn độn, cầu nguyện gì mà mạnh ai nấy nói, tay giơ, đầu ngẩng, đầu cúi lộn xộn giống như một lũ điên kêu gào.

Sáng hôm sau, khi tới ăn sáng, thấy anh ta đang ngồi, nét mặt tươi tỉnh cầm ly nước nóng uống, thày hỏi:
- Sao, cảm thấy thế nào?
- Cảm ơn thầy, em khỏe rồi, hôm nay em ăn được hai chén cháo thấy ngon miệng.
- Còn mọi lần thì sao?
- Ăn đâu có được, như uống thuốc độc vậy!
- Còn nhổ nước miếng nữa không?
- Từ lúc thức dậy đến giờ thấy hết hẳn, chẳng biết sao nữa.
- Tin vững rằng Chúa chữa, khỏi cần lo lắng thì sẽ khỏi.

Bạn thày bảo rằng bệnh khỏi nhờ mới đổi hai chai nước biển; nó làm mát máu. Nhóm cầu nguyện thì như lũ quỉ ám. Thày cũng nghi ngờ, chỉ mình thày thôi; có lẽ nước suối chữa anh ta! Nhưng không sao, có quỉ ám thì thày cũng sắp rời đây rồi; họ nói gì thày đâu có phải nghe. Vấn đề cầu nguyện cũng chẳng đánh động gì lại chỉ làm thêm sợ vì có vài người đã nói rằng thày cầu nguyện Chúa mới nghe. Thày e ngại họ tin vào lời thày cầu chứ không phải tin vào Chúa trong khi thày cho là trùng hợp. Chúa làm sao lại cứ dính con người vào làm gì? Còn anh chàng bệnh, hiện đang ở vùng Houston, Texas, Hoa Kỳ (năm 1985).

Nơi vùng kinh tế mới cũng có một anh muốn tham gia nhóm cầu nguyện nhưng vì quá bận bịu với gia đình, anh ta không đến được tối cầu nguyện nào. Anh kể rằng khi anh ta còn là học sinh tại trường thánh Giuse Đà Nẵng, vào mùa hè, các thày dòng muốn làm hai sân bóng rổ nhưng đất cứng quá không thể làm gì được phải cần nhiều nước mà nước đâu cho thấu nên ra giải thưởng lớp nào cầu xin mưa được sẽ có một ngày nghỉ đi chơi. Mỗi lớp theo thứ tự cầu nguyện nhưng chẳng thấy gì. Đến lớp anh ta, thày dòng phụ trách cùng với cả lớp nhất trí cầu nguyện cho tới khi mưa mới thôi, chưa mưa, không ngưng cầu nguyện. Ba ngày sau, trời mưa một trận nên hồn. Đà Nẵng vào mùa hè, nóng gay gắt đến cháy da người, và có bao giờ mưa. Thế mà mưa! Lớp anh ta có một ngày du lịch trên một chuyến xe đò. Tới khi đầm sân cho phẳng và đổ xi măng, cần nhiều nước, lớp anh ta đã có kinh nghiệm lại thắng một keo nữa. Theo như anh ta kể, lớp anh ta cầu xin được mưa vì thày dòng phụ trách và cả lớp tin chắc rằng nhất định Chúa cho mưa bởi lời cầu của họ. Nghe những người trong nhóm kể về những điều họ xin được, anh ta đoan chắc rằng tại họ tin nên được. Thày Lành thầm đặt câu hỏi, tin là được ư? Thế thì đã bao lâu rồi, thực ra thày chẳng tin vững rằng Chúa nghe, tại vì nghi ngờ! Nhưng những việc đã xảy ra lại cứ như những sự trùng hợp ngẫu nhiên trong cuộc sống bình thường.

So sánh với những phép lạ, ơn xin được loan truyền đây đó thì những biến cố xảy ra đâu có trùng hợp như những trường hợp đã xảy ra trong nhóm cầu nguyện nơi thày ở. Thày Lành suy nghĩ nhiều về vấn đề này, đặt nhiều câu hỏi tại sao, thế nào. Thật khó có thể trả lời được, tất cả cứ như mây mù, mờ mờ ảo ảo. Mọi sự kiện theo ngày tháng dần chìm vào quên lãng đến nỗi thày không nghĩ gì về sự cầu nguyện hoặc Chúa nghe hay không nữa bởi sau thời gian đó thày thay đổi chỗ ở, trở về xứ nhà quê, chạy ăn từng bữa và vất vưởng với ngày tháng dần trôi trong khi lên giường ngủ vào buổi tối với một bụng nước lã, ngủ không được vì cơn đói hành hạ, lại thêm một bụng nước nữa và mong sao cho trời mau sáng để rồi thiếp dần vào giấc ngủ trong sự dằn vặt nơi cái bụng rỗng không. Khi trời sáng, lại mong sao cho mau tối vì cuộc sống kéo dài mang đến nơi thày cảm giác một chuỗi ngày tháng vô vị, và thày có cảm nghĩ rằng con người mình chỉ như con thú lần mò cho no cái dạ dày.

Tương lai mịt mù, thày Lành còn gì để tính chuyện tương lai, để dám mơ ước đến cái ngày nào đó. Hai bàn tay trắng có gì có thể làm vốn liếng kiếm tiền; dù chỉ một bữa ăn còn chưa đủ sao có thể tính toán nọ kia. Đôi khi thày nghĩ, hay là lấy vợ. Lấy vợ đối với trường hợp thày không khó chút nào nhưng lại tự cảm thấy lấy vợ là sẽ bị mang cái nhục suốt đời. Không tiền, không nghề nghiệp, không chi hết vẫn lấy được vợ nhưng sau đó sẽ ra sao? Dĩ nhiên phải nhờ vả vào gia đình vợ! Tiếng đời không bao giờ rửa sạch, và về sau sẽ bị vợ khinh vì phải nhờ vả vào gia đình nó... “ăn bám gấu quần vợ.” Lúc êm ấm còn dễ chịu, nhưng khi bất hòa xảy đến, chỗ nào cho thày độn thổ? Niềm cay đắng và cảm nghĩ bó tay bó chân thường dồn đến nơi tâm tư mỗi khi thời giờ của bữa ăn một ngày hai lần tuần tự kéo tới. Sáng đã nhịn, trưa vớ vẩn gì cũng được hay chạy quanh kiếm chén cơm ở một nhà nào đó và tối đến, đa số là không có chi, nước lã và nước lã. Hôm nào may mắn lắm thì có tiền mua được miếng bánh mì kẹp vài lát thịt mỏng như tờ giấy, thế là hạnh phúc! Dầu anh em họ hàng đông nhưng họ còn phải lo cho họ; có vác miệng ăn rình thì cũng phải nghĩ đến cái nhục của một người đầy tự ái! Chỉ một cái nhìn vô tình, một thái độ bình thường, hoặc một câu nói quá quen thuộc của người trong gia đình với nhau cũng khơi dậy nơi thày Lành mặc cảm rằng họ sợ mình ghé tới nhờ vả hoặc trở thành gánh nặng cho gia đình họ vào cái thời buổi người khôn của khó ấy.

Một người bạn giới thiệu thày đến ở nhà mẹ vợ anh ta nơi vùng biển. Thày chỉ xoay đủ tiền để trả nửa tháng tiền cơm; rồi leo núi đốt than... không thể chịu nổi! Thày đành xin tiền một người bạn mới quen để về xe trở lại chốn quê nhà rình ăn từng bữa. Có một lần theo người bạn đi rọc lá chuối; gọi là rọc nhưng thực ra ăn cướp. Những cây chuối trong dẫy tư nhân sắp đến lúc trổ buồng hoặc đang có trái, có được tàu lá nào lành, cắt trộm, rọc lấy lá đem về bán. Lỡ một lần, sợ quá vì làm như thế còn chi buồng chuối, chắc chắn sẽ bị chột. Trong thời gian này, một nhận xét rõ ràng đến với tâm tư; thày không còn biết trông cậy vào đâu! Thôi thì chỉ còn có Chúa. Mỗi lần vô nhà thờ, để cho mặc cảm đắng cay dâng lên, và thầm thĩ rằng thày không còn hy vọng chút nào nữa; chỉ có Chúa mới giúp được. Hai tuần sau, có người nhắn ra đi làm ghe. Thày phải nói dối bà cô ruột để vay tiền đi xe! Đâu ai dám tin mình mà chẳng nói dối.

Mới được sáu tháng, chủ ghe tính chuyện vượt biên, có thày Lành trong đó canh chừng con anh ta. Chuyến đi bị lừa, chiếc “hai xanh” vừa bắt đầu vô bốc khách thì công an, du kích bắn xối xả. Một người chết; một người bị thương; ghe lên cạn. 11 giờ đêm, thày nhảy khỏi ghe lao mình xuống nước thoát trong đêm tối. Con nước dâng cao, thày bất kể sống chết nhoài, bơi, chuyền từ cụm cây nọ qua cụm cây kia, sao cho tránh xa nơi chiếc ghe mắc cạn. Sợ, đói, khát! Nước mênh mông mà thày khát bỏng cổ. Cố gắng tránh xa tiếng nói nơi chiếc ghe vọng tới; hồn vía tồn vào lời thầm thĩ cầu xin; chính lúc này thày mới biết thế nào là đặt hết niềm tin vào lời cầu. Còn gì để bám víu nữa đâu! Thày lại không thông thuộc đường lối rừng đước nên bài học đức tin xem ra hữu ích nhưng khá mắc mỏ.

Mờ sáng, hai chân thày nát bấy với những vết thương do gốc đước bị chặt vát ống dầu chìm sâu dưới nước như những tác phẩm còn sót lại của những người lấy củi cắt rách. Bùn, rác kẹt vào những vết rách nơi hai bàn chân trong khi nước ngập tới thắt lưng; dợm bước là phải rụt chân lại bởi đau thấu xương! Một chiếc xuồng máy với ba tên du kích võ trang súng ống trờ tới hỏi thày có phải là người vượt biên chạy lạc không thì họ rước. Thày chối phắt, nói là mới đi đánh xịch với một người bạn lần đầu; anh ta đẩy xịch đi đâu mất nên thày lạc luôn cả xịch vì tìm kiếm anh ta. Ba tên du kích nói nếu thày nhận vượt biên hụt, họ vớt, nhưng thày vẫn chối trong khi tim đập loạn lên! Chết! Vào tù, ai thăm nom. Thày nhất định không nhận; vả lại du kích cũng nhận ra rằng không còn đường nào cho thày thoát khỏi bàn tay họ; họ để mặc đó, lái xuồng đi chỗ khác kiếm mồi béo bở hơn và nói là sẽ trở lại bắt thày sau.

Phải thoát, không thoát được thì tù! Cảm giác đau đớn nơi hai bàn chân cũng không làm cho thày Lành chấp nhận vô tù được. Thày tiếp tục lần từng bước dọc theo dòng nước đang hạ dần. Một chiếc tam bản đi xịch chèo ngang qua; thày năn nỉ họ, hai anh em cỡ 16 đến 18 tuổi. Thày định giá trả 40 đồng. Tiền đâu, họ hỏi! Chỉ còn biết hứa về nhà trả và chỉ cần họ đưa thày tới khoảng lạch bên kia để tránh sự theo đuổi của du kích. Năn nỉ, cam đoan, cuối cùng họ nhận và đưa thày tới một bờ khác, cỡ mười phút chèo xuôi dòng nước. Thày Lành đành cởi áo ngoài hy vọng đánh lạc hướng ba tên du kích nếu chúng trở lại bắt và tìm lối xuyên trong các lùm cây đước rậm rạp để kiếm đường ra. Một con lạch khá lớn chận hướng đi tới quốc lộ 15; bùn lội tới đầu gối, chân đau, sợ, mất sức khát, và đói... sao thày có thể bơi! Bên kia, 7 tên du kích bắn ầm ầm và lục soát khắp nơi bắt người vượt biên. Bên này, thày nửa sống nửa chết nhưng vẫn phải mò từng rước một cách vô cùng mệt mỏi, đau đớn. Thày thầm thĩ: “Lạy Cha, thà rằng Ngài để con bị bắt ngay khi đêm, con còn đủ sức đi theo họ, chứ giờ này, nếu chúng bắt được, sao con có thể lết theo chúng!” Chẳng hiểu tại sao, bao nhiêu người, nào du kích, nào những người đi đãi hến bên kia bờ mà không ai để ý đến thày vật vờ bên này bìa rừng đước...

Trời gắt nắng, đôi khi thày Lành phải nhoài người trên bùn vì bước không nổi; bùn lại ngập tới thắt lưng; lầm lũi tới được con đê ngăn nước mặn thì cũng đã là giờ không ai nghĩ rằng còn có người vượt biên hụt nào còn sót lại. Bước qua bên kia con đê, thày lội xuống ruộng lúa vớt nước lên giặt quần áo, rửa mặt và ngồi nghỉ một lúc. Cơn khát lúc đó làm thày cảm thấy thoải mái với vài vốc nước lờ lợ của ruộng lúa nơi vùng nước mặn. Chẳng cần để ý đến quần áo khô hay không, thày lang thang dọc theo con đê tiến dần về phía bến ghe. Độ nửa tiếng sau, vừa bước chân xuống chiếc ghe “hai bạc”, ông chủ ghe, người thày đã ở nhờ ít bữa, hỏi một câu lạ lùng:
- Sao, tôm tép phơi thế nào? Thuốc hút nơi phòng máy, lấy mà hút.

Không hiểu ất giáp gì, chỉ ậm ừ cho qua bởi quá mệt, mệt đến độ không muốn nói và tiến gần tới cửa phòng máy thì ông lấy chân đẩy mạnh thày vào. Thày kiếm một chỗ nằm để ngủ; mấy phút sau, ông chui vô nói:
- Thằng trưởng công an xã đang ngồi nhậu, thay quần áo đi! - Trong khi ông đưa cho thày bộ đồ của ông và một ít lòng heo sau khi sớt ra một nửa mang lên cho nhóm người đang nhậu.

Sau giấc ngủ, thày Lành ngô nghê dậy tát nước chiếc ghe đi làm còn đang cắm sào ở đó thì công an tới lấy. Mọi người nhìn thày dị kỳ; họ không nói nhưng ai cũng e sợ... Thày cố làm ra vẻ bình tĩnh chống ghe ra cho công an như một người vô tình giúp và sau đó leo lên phía sau chiếc xe đạp của một người quen vượt 7 cây số ngàn về chỗ ở.
 Không ai tin được thày không bị bắt; chỉ mình thày hiểu; tất cả như một cuộn phim xác thực, vạch rõ cho thấy từng chi tiết, những nguy hiểm kề sát và hiệu lực của lời cầu. Thày không thể nào chối cãi được, không còn có thể nghi ngờ về giá trị của lời cầu trong những lúc cấp bách dồn dập. Ba tên du kích, hai chàng đi xịch, du kích lùng bắt, công an ngồi tại ghe, thế mà thày về tới nơi ở an bình. Dường như có một bàn tay ngăn chận tất cả và bịt mắt công an, du kích để không ai để ý đến thày trong khi ai mà không nghi ngờ rằng vượt biên là có vàng mang theo.

Từ dạo đó, càng ngày thày Lành càng nhận ra giá trị của lời cầu. Bất cứ trường hợp nào, khi cảm thấy không còn bám víu vào đâu được, tài năng, sức lực của mình không giải quyết nổi; thày kêu cầu tới Chúa, để mặc Ngài lo liệu và tin chắc rằng mọi sự sẽ qua. Kết quả thường làm thày lạ lùng. Đến nỗi thày cũng phải nhiều lần ngạc nhiên bởi chỉ vài lời thầm thĩ, phó thác cho Ngài mà có được những sự ngoài cả ý muốn. Sau này, kể lại cho một vài người, họ cũng khó có thể tin được như thế. Họ hồ nghi rằng thày nói dối hoặc phóng đại để tỏ ra mình quan trọng. Thày là gì mà Chúa nghe; vì họ cũng thế, cầu nhiều rồi mà có thấy Chúa làm gì đâu!

Những lần vượt biên sau, 4 ngày 4 đêm lênh đênh trên biển; người trên ghe đông nghẹt trở về giữa ban ngày; các ghe đánh lưới trên biển trông thấy mà rồi không ai bị bắt, cũng chỉ lời cầu. Rồi những chuyện nho nhỏ, thày chẳng biết làm thế nào, tiền đâu, giờ đâu, thày cũng chỉ còn biết để cho Ngài lo, và rồi được như ý muốn. Từ đó thày nghiệm ra rằng nếu bất cứ gì, ngoài khả năng, nếu nó là ý hướng tốt, xin Ngài thực hiện; tin chắc Ngài làm; cảm tạ Ngài; thế là xong, không cách nọ thì cách kia cũng xong; không những như ý mà còn tốt đẹp hơn điều mình mong muốn. Bất cứ gì còn có thể làm được, thày Lành cầu nhưng vì biết rằng mình còn nghi ngại, không gì xảy đến; chẳng những thế mà sự việc đôi khi còn trở nên tối tăm hơn; tối tăm chỉ vì nghi ngại!

Kinh nghiệm cho biết, không phải mọi sự khó là không có thể làm; vì còn có Chúa để trông cậy. Tin, Ngài làm; nghi ngờ, không chi xảy đến. Khi cầu nguyện, Chúa không trả lời đó là tại không tin đủ, không chắc Ngài làm. Chỉ một chút xíu nghi ngờ rằng chẳng biết Chúa có làm hay không là cầu cũng như cuội. Kêu cầu Chúa không nghe là tại không tin mà chớ; chỉ có nghi ngờ Ngài mới không làm. Tuy nhiên, tin vào Chúa không phải chỉ tin suông là đủ mà phải có sự cố gắng của chính mình, dùng khả năng Chúa đã ban cho để cùng Chúa thực hiện công việc nơi mình.

Mặc dầu tin khi cầu nguyện và những lời cầu đã được đáp ứng... nhưng thày Lành vẫn còn mặc cả: “Nếu Chúa muốn con trở thành linh mục, Chúa đưa con đi. Con chấp nhận bỏ ra 5 năm tìm đường vượt biên; tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm thứ 6 là ngày hết ‘giao kèo.’ Ngày đó cũng là ngày con bắt đầu chấp nhận cuộc sống buồn tẻ bình thường cho qua năm tháng như mọi người chung quanh...”

...Hai năm rưỡi sau, thày Lành đặt chân trên đất Mỹ và sống với người anh ruột ở Roanoke, Virginia, USA.
(còn tiếp)

 

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây