Ý Thức – Trưởng Thành

Thứ bảy - 15/01/2022 23:36 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   472
Chính vì thế khi ăn chay họ thường tỏ vẻ rầu rĩ bên ngoài để cho thiên hạ biết mình ăn chay (x.Mt 6,16).
Ý Thức – Trưởng Thành

Ý THỨC – TRƯỞNG THÀNH
(Thứ Hai sau Chúa Nhật II TN – Mc 2,18-22)

Dù chỉ là một luật của Giáo hội, nhưng không hiểu vì sao tín hữu Công giáo lại quá áy náy khi “giữ chay không trọn” hay còn gọi là phá chay? Phải chăng vì được hướng dẫn cách giữ chay quá tỉ mỉ với những cấm đoán rất ư là hình thức bên ngoài? Nào là ăn đói, ăn no, nào là không được ăn thịt này thịt kia khiến có người dí dỏm: “không được ăn thịt thôi đành ăn tôm hùm vậy!”.

Chắc hẳn các mục tử không quên lời ngôn sứ Isaia mà Giáo hội thường cho nghe trích đọc mỗi khi mùa Chay thánh về. “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa.” (Is 58, 3-5). Và lời ngôn sứ Gioel: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta… Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13).

Thiên Chúa muốn chúng ta sống như những người con trưởng thành. Một trong những dấu chỉ của sự trưởng thành là sống có ý thức, nghĩa là biết việc mình làm là gì, vì sao làm việc ấy, làm với mục đích gì… Khi có người chất vấn Chúa Giêsu vì sao các môn đệ Gioan và các người biệt phái ăn chay mà môn đệ của Người lại không ăn chay thì Chúa Giêsu đã nhân cơ hội ấy giúp họ hiểu rõ ăn chay là gì, vì sao phải ăn chay và dĩ nhiên sẽ biết ăn chay như thế nào.

Nhiều biệt phái thời bấy giờ những tưởng rằng ăn chay là một cách thế thu tích công đức trước mặt Thiên Chúa và qua đó tỏ cho thiên hạ thấy mình “đạo đức”. Chính vì thế khi ăn chay họ thường tỏ vẻ rầu rĩ bên ngoài để cho thiên hạ biết mình ăn chay (x.Mt 6,16). Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện một người biệt phái vào đền thờ cầu nguyện kể lể công trạng ăn chay trước Thiên Chúa và khinh thường người thu thuế tội lỗi (x.Lc 18,9-14).

Ăn chay là một hình thức khổ chế để tỏ bày lòng sám hối ăn năn về tội mình đã phạm. Xưa vua quan và dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của ngôn sứ Giona đã ăn chay tỏ dấu sám hối ăn năn về tội lỗi của họ, những tội lỗi tày trời khiến Thiên Chúa đe phạt hủy diệt (x.Gn 3,1-10). Chúa Giêsu minh nhiên nói rằng người ta không thể ăn chay khi đang ở trong tình trạng ân sủng. “Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Khi nào chàng rể bị đem đi thì bấy giờ họ mới ăn chay” (x.Mc 2,19-20). Chàng rể mà Chúa Giêsu nói ở trên là chính Người. Theo thần học Thánh Kinh thì khi phạm thứ tội chưa đưa đến sự chết (tội nhẹ) là lúc chúng ta để Thiên Chúa ra một bên. Còn khi cố tình đẩy Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi lòng mình, ra khỏi cuộc đời mình thì chúng ta phạm “thứ tội đưa đến sự chết” (tội nặng). Để bày tỏ lòng sám hối ăn năn về các tội nặng nề thì thiết nghĩ rằng những hành vi khổ chế bên ngoài như kiêng khem ăn uống thì không thể cân xứng mà phải ăn chay như ngôn sứ Gioel nói là “phải xé lòng” và như ngôn sứ Isaia nói: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7).

Chuyện ăn chay là chuyện nhỏ. Giáo hội khẳng định trung tâm của đời sống đức tin Kitô hữu là Thánh Lễ, cách riêng Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Giúp cho đoàn tín hữu hiểu Thánh lễ là gì, vì sao phải tham dự Thánh Lễ, tham dự Thánh lễ có mục đích gì và tham dự Thánh lễ như thế nào cho đúng và đẹp ý Chúa thì hẳn còn nhiều việc phải làm từ phía mục tử lẫn giáo dân. Đời sống đức tin của Kitô hệ tại ở những điểm căn bản nào? Thiết nghĩ rằng cần phải ý thức rõ điều này để có thể sống đức tin cách trưởng thành vì đây chính là một trong những mục tiêu của Thượng Hội Đồng đang mở ra.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây