NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU
WGPMT (02.10.2023) – “Các môn đệ lại gần hỏi Chúa Giêsu rằng: Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Chúa Giêsu gọi một em nhỏ đến, đặt giữa các ông và nói: Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không hạ mình xuống mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-4).
Cuộc đời Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu lại chẳng phải là minh họa cụ thể cho Lời Chúa sao? Têrêxa chỉ là “trẻ nhỏ” trong Hội Thánh, vì thánh nữ không có chức quyền hay địa vị nào trong Hội Thánh cả; ngài chỉ là nữ tu sống âm thầm trong dòng kín Carmel, qua đời khi tuổi còn rất trẻ, mới 24 tuổi, hầu như không ai biết đến. Thế nhưng “trẻ nhỏ” ấy trở thành người “vĩ đại” trong Nước Trời: được Đức Piô XI tuyên thánh năm 1925, được đặt làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, được tôn vinh là Tiến sĩ Hội Thánh.
Thánh Têrêxa Hài đồng
Tại sao lại có sự đảo ngược kỳ lạ này? Câu trả lời duy nhất là vì ngài đã chọn Tình Yêu như ngài bày tỏ trong thư gửi cho Soeur Marie du Sacré-Coeur: “Tôi hiểu rằng Hội Thánh có một Trái tim và Trái tim này bừng cháy tình yêu. Tôi hiểu rằng chính Tình yêu làm cho các chi thể của Hội Thánh hoạt động, và nếu Tình yêu bị giập tắt, các Tông đồ sẽ không loan báo Tin Mừng, các vị Tử đạo chối từ đổ máu… Tôi hiểu rằng Tình yêu hàm chứa mọi ơn gọi, tình yêu là tất cả, tình yêu ôm trọn thời gian và không gian… tắt một lời, tình yêu là vĩnh cửu! Khi đó, trong niềm vui tràn ngập, tôi kêu lên: Ôi Giêsu, Tình yêu của con… cuối cùng con đã tìm được ơn gọi của con, ơn gọi của con là tình yêu” (Lettre de St Therese à Soeur Marie du Sacré-Coeur,8/9/1896).
Cũng vì thế, ngày 19/10/1997, khi Đức Gioan Phaolô II tôn thánh nữ Têrêxa làm Tiến sĩ Hội Thánh, ngài nói thêm thánh nữ là Tiến sĩ về sự hiểu biết tình yêu Thiên Chúa (Divini amoris scientia). Vị Tiến sĩ này dạy cho các môn đệ Chúa và cho cả nhân loại ngôn ngữ tình yêu.
Ngôn ngữ của tình yêu là ngôn ngữ cao siêu nhất vì là ngôn ngữ của chính Thiên Chúa. “Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình” đã tự mặc khải mình là Tình Yêu: “Thiên Chúa là Tình yêu và ai ở trong tình yêu, người ấy ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Là ngôn ngữ cao siêu nhất, tình yêu cũng là ngôn ngữ sâu xa nhất vì có thể chạm tới cõi thâm sâu nhất của lòng người, làm thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm trong tâm hồn nhân thế.
Đồng thời tình yêu còn là ngôn ngữ trải rộng và vươn xa nhất. UNESCO (Tổ chức Liên hiệp quốc về giáo dục, khoa học và văn hóa) quyết định dành năm 2022 - 2023 để tôn vinh thánh Têrêxa Hài đồng, nhìn nhận sự đóng góp về tâm linh, văn hóa và giáo dục của thánh nữ cho nhân loại. Cuốn sách tự thuật của thánh nữ, Truyện một tâm hồn đã được dịch ra hơn 80 thứ tiếng và có mặt khắp nơi, kể cả người ngoài Công giáo cũng đọc. Sự kiện đó cho thấy ngôn ngữ tình yêu là ngôn ngữ có khả năng vượt qua mọi biên giới không gian và thời gian, mọi rào cản văn hóa và chủng tộc, để đến với tất cả mọi người, và như thế, kết nối mọi người trong hòa bình và tự do.
Thánh nữ Têrêxa là vị Tiến sĩ dạy chúng ta học ngôn ngữ tình yêu ấy. Ngài dạy chúng ta sử dụng ngôn ngữ ấy trong giao tiếp với Thiên Chúa, đến với Chúa trong tâm tình đứa con thơ, tuyệt đối tin tưởng phó thác nơi tình thương của Cha trên trời. Niềm tín thác ấy giúp ta tránh được hai thái cực trong đời sống đức tin: một là giữ đạo như người làm công cho chủ chứ không như người con trong nhà (x. Lc 15); hai là chán nản, thất vọng khi thấy mình quá tội lỗi, không dám tin tưởng vào tình thương tha thứ của cha, rồi ngày càng lún sâu trong tội lỗi.
Thánh Têrêxa cũng dạy chúng ta nói ngôn ngữ tình yêu trong giao tiếp với nhau và với mọi người. Ngôn ngữ ấy thật cần thiết cho thời đại hiện nay là thời đại đề cao chủ nghĩa cá nhân đến nỗi người ta diễn đạt bằng tên gọi me-ism (chủ nghĩa cái tôi), dẫn đến sự vô cảm và lối sống gọi là “văn hóa vứt bỏ”: vứt bỏ thai nhi, vứt bỏ người già, vứt bỏ người nghèo, người khuyết tật…miễn sao tôi được thoải mái!
Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng học một ngoại ngữ, điều cần thiết là phải thực hành. Dù đọc hay viết, nghe hay nói, phải thực hành thì mới khá được. Cũng thế, cách học ngôn ngữ tình yêu là phải thực hành, thường xuyên và từ những việc nhỏ nhất. Phải chăng đó là linh đạo Têrêxa, được gọi thật dễ thương là Đường thơ ấu thiêng liêng?
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn