Trong Giáo Hội Việt Nam, chúng ta gọi Thánh Giuse là Thánh Cả. Danh hiệu này gắn liền vào tên gọi của Người làm thành gần như là một biệt danh. Dựa vào Lời Chúa, chúng ta hoàn toàn có lý để làm như thế. Nhưng từ thời đầu Giáo Hội đến tận ngày nay, vẫn không thiếu người cho rằng những gì các sách Phúc Âm viết về Thánh Giuse là chưa đủ để nói lên sự cao cả, thánh thiện của Người. Quả thực, Phúc Âm nói rất ít về Ðức Maria, lại càng ít hơn nhiều về Thánh Giuse, và trong 4 Phúc Âm thì chỉ có Luca và Matthêu nói tới Người, còn Gioan thì chỉ nhắc đến một lần duy nhất (1, 45) và Maccô thì tuyệt nhiên không đả động tới. Không những ít oi, mà những chỗ viết về thánh nhân lại quá đơn sơ, quá cô đọng; nếu đọc qua một cách hời hợt, người ta không khỏi hình dung ra một Thánh Giuse mờ nhạt, xuất hiện như một cái bóng âm thầm, đóng một vai trò tăm tối, bạc bẽo một thời gian nào đó, rồi lặng lẽ biến đi, không mấy ai để ý tới. Có vẻ như Thiên Chúa dùng Người cho công việc của mình theo kiểu người ta vắt chanh bỏ vỏ vậy. Vì không hài lòng về các tài liệu lịch sử “nghèo nàn” đó nên một số tác giả thời Kitô giáo sơ khai, đã viết thêm mấy cuốn Phúc Âm mà Giáo Hội không nhìn nhận, và bởi thế quen gọi là Phúc Âm ngụy thư (Phúc Âm giả). Vào thế kỷ thứ V, có người dựa theo đó, đã viết ra cuốn : Tiểu sử Giuse, người thợ mộc.
Trong các sách loại đó, người ta tưởng tượng ra nhiều chuyện ly kỳ hoặc khác thường về cuộc sống Thánh Giuse, Ðức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Chẳng hạn: Khi đính hôn với Maria thì Giuse đã gần 90 tuổi, còn Maria thì mới khoảng 13-14. Khi Maria sắp sinh con, ông “chồng” già chạy đi tìm được một bà đỡ. Trong nghề thợ mộc, khi hai cha con cưa gỗ lỡ hụt mất thì mỗi người cầm một đầu khúc gỗ kéo ra cho đủ kích thước. Thánh Giuse sống ở Nazareth chừng 20 năm và mất vào lúc 110 tuổi. Lúc ấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha sai hai thiên thần rước linh hồn Người về trời và hai thiên thần khác giữ gìn xác Người nguyên vẹn cho đến tận thế… (x. Léon Cristiani: Saint Joseph, Paris 1962). Căn cứ vào những chuyện đó thì đời sống của Thánh Giuse và của Thánh Gia là không bình thường như những người khác vì thường xuyên “sống” nhờ phép lạ và những việc ly kỳ. Thật ra các tác giả hoàn toàn có ý tốt. Họ cho Giuse là một ông già lọm khọm đầu tóc bạc phơ khi kết bạn với cô Maria trẻ măng chẳng hạn, là có ý “chứng minh” sự trinh khiết của hai đấng thánh… Có ý tốt, nhưng xem ra họ không hiểu đúng mầu nhiệm Nhập Thể và cách thức Thiên Chúa thường hành động trong lịch cử cứu độ.
Phần chúng ta, không cần phải ca ngợi sự cao cả, thánh thiện của Thánh Giuse bằng những chuyện tưởng tượng, nhưng bằng cách dựa sát theo Phúc Âm và theo lịch sử cứu độ.
Trước hết, Phụng Vụ lễ mừng thánh nhân ngày 19 tháng 3 hằng năm cho ta thấy sự liên tục trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: cùng một lời hứa với Tổ phụ Abraham, được nhắc lại một cách long trọng với vua Ðavit qua miệng ngôn sứ Nathan và được thực hiện từ từ qua dòng lịch sử cho tới thời Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã đến hoàn thành một cách quyết định ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Phụng vụ còn cho thấy rằng những người cuối cùng đã đóng một vai trò thiết yếu trong công cuộc Nhập thể của Chúa Cứu Thế, đó là Ðức Maria và Thánh cả Giuse.
Vai trò cốt yếu của Giuse là làm cho Ðức Giêsu có một lý lịch hợp pháp và được gắn liền vào dòng họ vua Ðavit. Ngôi Hai đầu thai trong lòng Ðức Trinh Nữ là do quyền năng Chúa Thánh Thần; nếu không có ai đứng ra làm người cha hợp pháp, thì Người sẽ không được thừa nhận, và theo luật, Mẹ Người sẽ bị ném đá. Ðàng khác, Giuse thuộc dòng họ Ðavit, nếu luật pháp nhận người là cha của Ðức Giêsu, thì rõ ràng Ðức Giêsu là “con vua Ðavit” (theo kiểu nói của người Do Thái), là Ðấng thực hiện lời hứa mà ngôn sứ Nathan đã nhắc lại với chính vua này thuở trước: ”Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được bền vững … Ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Samuel, 7, 12. 16). Ðó là nét cao cả đầu tiên của Thánh Giuse.
Nhưng đọc kỹ Phúc Âm, ta sẽ thấy: Thánh nhân không chỉ cao cả nhờ vai trò Thiên Chúa đã giao cho trong chương trình cứu độ mà thôi, mà chính bản thân của người cũng đã là cao cả, thánh thiện. Trước hết, chúng ta nhận thấy Thánh Giuse không bao giờ nói một lời nào. Người không hỏi Maria về cái thai trong lòng bà, dù rất thắc mắc. Không nghi ngờ về sự chính trực của bạn mình, phải chăng Giuse đã mơ hồ đoán thấy một điều nhiệm mầu gì đó đã xảy đến với Maria? Có một chỗ đáng lẽ chính Giuse phải nói, đó là khi tìm lại được Ðức Giêsu trong Ðền thờ. Thì ở đây người cất tiếng hỏi con, lại là Ðức Maria:”Tại sao con làm như thế? …” Trong gia đình Do Thái, vai trò của người cha rất lớn, đến nỗi người vợ gọi ông là “chủ” của bà và ông có quyền bán con cái làm nô lệ. Trong diễn tiến cụ thể, chắc chắn Giuse cũng đã nói với Ðức Giêsu trong Ðền thờ, nhưng Phúc Âm không nhấn mạnh vì muốn nêu lên chân lý này là: Thánh Giuse không phải là con người nói nhưng làm. Bao giờ cũng làm, và làm thật trung thành.
Ðang toan tính bỏ Maria cách kín đáo, thì được sứ thần Chúa đến báo mộng: “Này ông Giuse là con cháu Ðavit, đừng ngại đón Maria vợ ông về …”, thế là không nói không rằng, không thắc mắc, người đã làm theo lời sứ thần dạy. Khi vua Hêrôđê định tìm cách giết hại Hài nhi Giêsu, lại có báo mộng và Phúc Âm chép rằng ngay lập tức Giuse chỗi dậy và đem Hài nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập giữa ban đêm. Ở lại Ai Cập một thời gian thì Hêrôđê chết, một lần nữa Người lại được Chúa dạy bảo trong giấc mơ, và Giuse lặng lẽ nhưng mau mắn vâng lời, sửa soạn hành lý lên đường trở về quê cũ. Một cuộc hành trình 4-5 ngày đi bộ, nhưng Giuse không phàn nàn.
Có thể nói: nơi Thánh Giuse có hai cơ năng hoạt động mạnh nhất là: TAI nghe và TAY làm. Nghe Lời Chúa để thi hành. Ðó là đặc điểm của người môn đệ Chúa Giêsu, của con cái Cha trên trời.
Qua các đoạn Phúc Âm nói về Thánh Giuse, ta thấy người thật là tôi tớ trung thành và khôn ngoan, và có một lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Người hoàn toàn tuân phục, hoàn toàn để cho Chúa hành động và mau mắn làm điều Chúa muốn. Tổ phụ Abraham đã làm như thế. Mẹ Maria đã làm như thế. Thánh cả Giuse đã làm như thế. Ðó là những kiểu mẫu tuyệt với về lòng tin tưởng, phó thác. Phụng vụ lấy lại lời Phúc Âm, gọi thánh nhân là “người công chính”. Bề ngoài Giuse có vẻ tầm thường, kỳ thực người cao cả biết bao trước mặt Thiên Chúa!
Mỗi người trong ta đều có một chỗ đứng trong ý nghĩ và trong cõi lòng của Thiên Chúa. Mỗi người trong ta đều phải hoàn thành một dự định nào đó của Thiên Chúa về cuộc đời mình để làm cho nó thành tựu cách tốt nhất. Không phải vì ta có giá trị nên Chúa mới nghĩ đến ta, nhưng chính vì Chúa nghĩ tới ta trước nên ta mới thực sự có giá trị. Không ai là vô danh tiểu tốt trước mặt Thiên Chúa cả.
Trong bước đi dò dẫm của lòng tin, ta phải khám phá ra dần dần những điều Chúa chờ đợi nơi ta và mau mắn thực hiện. Vai trò của ta có khi có vẻ tối tăm, bạc bẽo, và thường không làm cho ta nổi bật. Nhưng sự cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa không nằm nơi các thứ bề ngoài như dòng tộc, danh tiếng, chức vị, giàu sang … nhưng nằm trong tâm hồn, trong phẩm chất của một cuộc đời phù hợp với Thánh Ý của Chúa.
Ta hãy nên cao cả, nên thánh thiện qua cả những cái bình thường của cuộc sống!
Lm. Guy Maria Nguyễn Hồng Giáo, ofm
http://giaophanvinh.net/su-cao-ca-cua-thanh-ca-giuse-4943
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn