Tâm Hồn Cao Thượng – NVMN 5.9
Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
NVMN 5.9.
Tâm Hồn Cao Thượng
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Tháng 9. Mùa thu về.
Nhìn những bước chân của những em nhỏ đến trường lòng tôi lại nôn nao. Tiếng trống trường rộn rã. Bước chân nô nức của các em nhỏ làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh.
Thanh Tịnh tên khai sinh là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh). Ông sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911 tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế.
Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán. Đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học Đông Ba và trung học Pellerin của Giáo hội Công giáo, Huế.
Các tác phẩm của ông: Hận chiến trường (thơ, 1937), Quê mẹ (truyện ngắn, 1941), Tôi đi học (truyện ngắn, 1941), Chị và em (truyện ngắn, 1942), Con so về nhà mẹ (truyện ngắn, 1943), Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943) … (1)
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”(2)
Nhìn những em nhỏ nô nức đến trường, tôi lại nhớ tuổi thơ đi học của mình và bạn bè, những học sinh của những năm trước 1975. Một tác phẩm mà tôi nhớ nhất có tựa đề là “Tâm Hồn Cao Thượng” (Cuore / Les Grands Coeurs) của Edmondo De Amicis, sinh ngày 31 tháng 10 năm 1846 và mất 12 tháng 3 năm 1908, một nhà văn, nhà báo và nhà thơ người Ý.
Tác phẩm “Cuore” được xuất bản nhân mùa tựu trường năm 1889 tại Ý và nhanh chóng trở thành kim chỉ nam cho nhiều học sinh. Tác phẩm “Cuore” được nhà văn Hà Mai Anh dịch qua bản tiếng Pháp Les Grands Coeurs – Tâm Hồn Cao Thượng. Một tác phẩm đầy tính giáo dục về lòng yêu tổ quốc, quê hương, ông bà, cha mẹ, con cái, bạn bè, tình người, tình nhân loại, yêu người nghèo khổ, vv … có thể nói được là, sách gối đầu giường của bao thế hệ học sinh như tôi.
“Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi “chầu” lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ: xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng: chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi “xe trượt” trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.
Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.
Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ: ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.
Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.” (3)
Hôm nay giữa đại dịch đang diễn ra khắp đất nước, chúng ta cũng thấy có rất nhiều “tâm hồn cao thượng”. Họ là những bác sĩ, nhân viên y tế, những chiến sĩ áo trắng, những người tình nguyện … trực tiếp chiến đấu với đại dịch, gác lại những tình cảm cha mẹ, vợ chồng, con cái ... mà chăm sóc, lo lắng cho người người mắc bệnh. Họ là những tình nguyện viên, cùng chung tay chống dịch trước bao nguy hiểm cận kề. Họ là những người nhìn thấy đồng loại thiếu thốn, khó khăn, dù mình cũng khó khăn nhưng đã dang tay giúp đỡ… Và trong số đó, có những người ra đi mãi mãi… vì “tâm hồn cao thượng” của mình, vì tình yêu thương đồng loại.
Ôi tâm hồn cao thượng của người dân Việt giữa bao khó khăn vẫn ngời sáng. Cầu chúc đất nước thân yêu của chúng ta mau vượt qua đại dịch này.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
Nguyễn Thái Hùng
2021
+++++++++++++
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_T%E1%BB%8Bnh
2. http://www.saigonline.com/truc_huy/tdh_tt.htm
3. E. De Amicis, Tâm Hồn Cao Thượng, Hà Mai Anh dịch, chương 8: Học Đường