Thánh Đường trong nỗi nhớ

Thứ hai - 08/11/2021 07:10 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   790
nỗi nhớ về nơi Thánh Đường, tiếng chuông sớm chiều. Nơi đong đầy kỷ niệm từ những ngày ấu thơ đến khi lìa trần.
Thánh Đường trong nỗi nhớ

Thánh Đường trong nỗi nhớ


 Thường khi ta nhớ, không chỉ nhớ về ngôi nhà, làng quê, dòng sông. Nỗi nhớ ẩn sâu trong tâm thức còn hơn bao nỗi nhớ khác, nỗi nhớ về nơi Thánh Đường, tiếng chuông sớm chiều. Nơi đong đầy kỷ niệm từ những ngày ấu thơ đến khi lìa trần.

Thánh đường Laterano ghi dấu chiều dài lịch sử hơn 1700 năm Giáo hội sau thời kỳ cấm cách. Bao thăng trầm, bao biến cố lịch sử, triều đại, bao cuộc chiến tranh tương tàn thế chiến đã qua. Từng lớp người, qua bao thế hệ, Thánh Đường còn đó in dấu ấn vào lịch sử của từng cá nhân, của bao trang sử bi hùng, một lịch sử cứu độ, Thiên Chúa bước chân vào trong trần gian.

Mỗi người gần như trong ký ức đều ghi dấu một hình ảnh khó phai về một vài Thánh Đường. Nơi đó với người Công Giáo, ngày đầu tiên cha mẹ bế vào Thánh Đường chịu phép rửa tội, những năm tháng lớn lên theo cha mẹ đi dự Thánh Lễ. Rồi những năm tháng theo học Giáo Lý, bao nhiêu bạn bè cùng xóm, nhớ từng chỗ ngồi, từng cha đến giúp, những khuôn mặt trìu mền của phụ huynh, anh chị Giáo Lý Viên. Nỗi nhớ cứ tràn về khi xa cách Thánh Đường tuổi thơ. Những gốc cây, những vườn cây, những hàng ghế ngồi, đền đài thờ Chúa, kính Mẹ, các Thánh.

Có lẽ vẫn là những kỷ niệm của những ngày đó mang theo trên những nẻo đường đi qua, cả những khi quên Chúa, quên cả Thánh Đường. Nhưng không thể quên mãi vì đi đâu, ở nơi nào đó, vẫn tiếng chuông sớm chiều, vẫn những tháp Thánh Đường cao vút, như kéo tâm hồn lại để đưa lên cao khỏi thế trần.   

Khi đến tuổi yêu đương, Thánh Đường không chỉ nhớ Chúa mà còn nhớ một ai đó ghi khắc trong tim. Những ngày Chúa Nhật, tham dự Thánh Lễ, đưa mắt nhìn về phía nào đó để nhìn ngắm ai đó trong trang phục, thầm nhớ, thầm thương. Nhớ từng chỗ ngồi, nhớ từng bước chân quen khi vào Thánh Dường, khi lên rước Mình Thánh. Khi đứng ngoài sân cầu nguyện trước tượng Mẹ Maria. Những lời cầu nguyện như ghi lại trong lời hát: "Xin cho con lấy được người con yêu" hoặc như tiếng buồn gửi vào lời thơ, những ngày xa nhau, thiếu nhau trong đời: "Cúi mặt âm thầm giấu nỗi đau. Chắp đôi tay nhỏ em nguyện cầu.Tình thương Thiên Chúa cho rũ sạch. Hạt bụi gian trần xa xót nhau." (Thugiangvu). Hay như vần thơ cũ: "Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông. Làm thơ sầu mộng dệt tình thương. Để nghe khe khẽ lời em nguyện. Thơ thẩn chờ em trước thánh đường. (Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Kiên Giang)

Thánh Đường, nếu như ở góc nhìn của người linh mục. Nỗi nhớ như nỗi nhớ quê hương rất sâu đậm. Ở đó bao nhiêu năm, bấy nhiêu trăm ngàn nỗi nhớ miên man. Nhớ từng cháu bé từ ngày rửa tội rồi lớn lên. Nhớ từng thanh nam, thiếu nữ vui tươi, chạy nhảy, hồn nhiên như thiên thần dưới thế. Bao nhiêu nỗi nhớ từng chỗ ngồi của những cụ già, những góc ngồi trầm tư cầu nguyện. Những ánh mắt hướng nhìn về Chúa, buồn vui, đau khổ, hay hạnh phúc, bao nhiêu khuôn mặt bấy nhiêu tâm tình dâng Chúa.

Thánh Đường của những ngày vui mừng bổn mạng, đám cưới của các bạn trẻ. Hân hoan những bước chân vui vào đời, những lời cầu nguyện ngày hạnh phúc. Những lời ngỏ yêu thương, cam kết chung sống trọn đời. Bao là nỗi nhớ để lại trong tâm trí người linh mục, hằng ngày cầu nguyện cho các đôi trẻ vượt những khó khăn, giữ niềm vui hạnh phúc.

Thấy vui khi đôi bạn hạnh phúc năm này qua năm khác, đưa con tới Thánh đường rửa tội, học giáo lý, chịu các phép. Người linh mục vui mừng tạ ơn Chúa, khi gia đình sống vui hạnh phúc, khi gia đình sống trong yêu thương, tham gia hội đoàn thêm lòng đạo sâu.

Rồi khi các đôi bạn hôn nhân khúc mắc, người linh mục cũng muộn phiền lo lắng, gỡ rối tơ lòng, đem lời sẻ chia, dâng lời cầu nguyện. Người linh mục đôi khi cũng mất ngủ khi nỗi buồn gia đình họ ly tán, bởi thương những trẻ nhỏ trong gia đình, thiếu cha hay vắng mẹ.

Rồi thời gian qua mau, vắng bóng người đi xa định cư, di chuyển chỗ ở, người lìa cõi thế về với Chúa, Thánh Đường vắng đi một gia đình, vắng đi một người, người linh mục tâm hồn thêm trĩu nặng. Thương mến nhiều nên cũng nhiều ưu tư trầm lắng.

Thánh Đường chỉ nghe hai từ đã thấy bao điều muốn sống lại bao kỷ niệm. Bao nỗi nhớ ùa về từng ngôi Thánh Đường ghi lại dấu yêu một thời đã sống, đã lớn lên trong cuộc đời.

Cuộc đời người linh mục gắn liền với những ngôi Thánh Đường cho đến lúc về nhà hưu, tuổi già còn lưu luyến biết bao khi rời xa.

Xin Chúa là niềm vui cho cuộc đời chúng con, vì Chúa mới đích thực là nơi Thánh Điện nơi chúng con nương tựa.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây