Từ tuyến sau đến tuyến đầu

Thứ tư - 03/11/2021 08:34 |   497
Trong truyền giáo, cả những người ở tiền tuyến làm công việc loan báo Tin Mừng, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và tại những đất nước rất khác biệt nhau, cũng như những người có thể đóng góp một cách gián tiếp bằng lời cầu nguyện, của dâng hiến, hy sinh, lòng bác ái huynh đệ, dù không rời khỏi quê hương họ đang sống, tất cả họ đều quan trọng.
Từ tuyến sau đến tuyến đầu

 

 
 Từ tuyến sau đến tuyến đầu

 Từ tuyến sau đến tuyến đầu

osservatoreromano.va/ít, Nicola Gori, 2021-10-28

 

Trong truyền giáo, cả những người ở tiền tuyến làm công việc loan báo Tin Mừng, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và tại những đất nước rất khác biệt nhau, cũng như những người có thể đóng góp một cách gián tiếp bằng lời cầu nguyện, của dâng hiến, hy sinh, lòng bác ái huynh đệ, dù không rời khỏi quê hương họ đang sống, tất cả họ đều quan trọng. Đó là điều được linh mục Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, tu sĩ Dòng Phan Sinh, nhấn mạnh ngay sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay trong cuộc phỏng vấn dưới đây với nhật báo L’Osservatore Romano. Tháng 5 vừa qua, cha được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo (PUM) – một trong 4 Hội Truyền giáo thuộc quyền Giáo hoàng (POM) – và ngài cũng là Giám đốc Trung Tâm Quốc Tế sinh động hóa truyền giáo (CIAM) và Giám đốc hãng tin Agenzia Fides.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày chúa nhật vừa qua đã bày tỏ lòng biết ơn đối với đông đảo những người truyền giáo: “Các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các giáo dân dâng hiến sức lực ở tuyến đầu cho việc phục vụ Hội Thánh, lấy chính bản thân họ để trả giá – có khi rất đắt – cho việc làm chứng của họ”. Các tín hữu có thể làm gì để nâng đỡ công việc của các nhà truyền giáo?

Linh mục Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Trước hết, với tư cách là các Công Cuộc Truyền Giáo Thuộc Quyền Giáo Hoàng (POM), chúng tôi nhân danh giáo hoàng tham gia vào việc cổ vũ và sinh động hóa sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh trên khắp thế giới, chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì những lời cám ơn rất cảm động ngài dành cho các nhà truyền giáo, và chúng tôi cũng sẵn sàng hợp ý với ngài bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với những người quảng đại hy sinh bản thân mình “nơi tiền tuyến”. Còn chúng tôi, không ở “nơi tiền tuyến”, chúng tôi có thể làm gì để lòng biết ơn này trở nên cụ thể hơn nữa? Tôi chợt nghĩ đến suy tư của một nhà vô địch trong công việc sinh động hóa truyền giáo: Chân Phước Paolo Manna, người sáng lập Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (PUM), một trong bốn công cuộc giáo hoàng truyền giáo (POM). Bằng một hình ảnh và với ngôn từ riêng của thời ngài (đó là vào năm 1918, cuối thế chiến thứ nhất), ngài viết: “Trong chiến tranh, luôn luôn có người ở tiền tuyến và người ở hậu phương.

Những người ở hậu phương này làm gì cho những chiến binh đang ở tiền tuyến? Họ nói về những chiến binh ấy với tất cả sự ngưỡng mộ. Còn các Kitô hữu nói thế nào về các nhà truyền giáo? Họ có dành cho các vị ấy lòng mến yêu cảm phục không?

Ở hậu phương, họ cầu nguyện cho các chiến binh ngoài mặt trận và gửi cho họ nhiều thứ. Còn anh em, anh em có cầu nguyện cho các chiến sĩ của Chúa Giêsu Kitô, cho các nhà truyền giáo, để Chúa ban cho họ sức mạnh, sự dũng cảm, lòng kiên nhẫn, và mọi ơn cần thiết không? Anh chị em là các Kitô hữu ở hậu phương gửi gì cho các công cuộc truyền giáo?” Những lời nói thánh thiện này vẫn không hoàn toàn mất đi tính thời sự của nó. Đúng thế, nâng đỡ các nhà truyền giáo “nơi tiền tuyến” bằng lời cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ sẽ phải là bổn phận đầu tiên, và đồng thời là một hành vi biết ơn của tất cả những người đang “ở hậu phương”, theo cách nói của Chân Phước Manna. Và rồi, khi nói về họ với tất cả lòng mến yêu cảm phục, chúng ta cũng phải tìm cách quyên góp những sự trợ giúp vật chất cần thiết để gửi cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của họ. Đây là những trực giác đã được theo đuổi bởi một nhà vô địch sinh động truyền giáo khác: bà Pauline Jaricot, người sáng lập công cuộc giáo hoàng truyền giáo đầu tiên, Hội Truyền Bá Đức Tin, có nghĩa là “cầu nguyện và bác ái” để trợ giúp các xứ truyền giáo và các nhà truyền giáo ở hải ngoại. Chính nhờ hoạt động của Hội này do bà sáng lập mà Ngày Thế Giới Truyền Giáo đã được thiết lập năm 1926 và bây giờ chúng ta cử hành lễ này hằng năm vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng Mười.

Mục tiêu của Ngày Thế Giới Truyền Giáo là gì?

Vào ngày lễ này, mọi tín hữu “được mời gọi mở rộng lòng mình ra trước các nhu cầu thiêng liêng của việc truyền giáo và dấn thân bằng những nghĩa cử cụ thể của tình liên đới để trợ giúp tất cả các giáo hội trẻ”, như được cắt nghĩa trên trang mạng của Missio Italia, cơ quan mục vụ được thiết lập bởi Hội đồng Giám mục Ý CEI, bao gồm cả Ban Điều Hành quốc gia Ý thuộc POM. Và Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận lại sự sắp đặt của các giáo hoàng tiền nhiệm rằng “mọi của dâng cúng mà mỗi giáo phận, giáo xứ, dòng tu, hiệp hội và phong trào Hội Thánh trên khắp thế giới” có thể quyên góp được “để trợ giúp các cộng đoàn Kitô hữu cần trợ giúp và để tạo sức mạnh cho việc loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất” sẽ được dành cho Hội Truyền Bá Đức Tin. Ngoài ra, Ngày Thế Giới Truyền Giáo cũng là cơ hội để khẳng định lại và khám phá lại ơn gọi của mỗi tín hữu là người truyền giáo trong chính môi trường sống của mình, nghĩa là làm chứng cho Chúa Kitô và cho tình yêu của Người, cũng như để canh tân nhiệt tình truyền giáo nơi mọi người Kitô hữu chúng ta. Đây chính là những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium, số 120 :“Do phép Rửa Tội, mọi thành viên của Dân Chúa được trở nên những môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19)”. Với những mục tiêu này, rất nhiều sáng kiến cổ vũ và sinh động hóa truyền giáo cho Ngày Truyền Giáo và tháng mười đã được thực hiện bởi các ban điều hành quốc gia khác nhau của POM, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với họ. Về phần mình, Văn Phòng Tổng Thư Ký chúng tôi cũng đã tổ chức một hội thảo trực tuyến về truyền giáo tại Trung Á (12-13 tháng 10), với sự tham dự của rất nhiều thành viên trên khắp thế giới, và chúng tôi đã lên một chương trình hội thảo trực tuyến về tinh thần truyền giáo trong truyền thống Philíppin vào ngày thứ bảy tới, 30 tháng này, để kết thúc tháng truyền giáo. Đương nhiên chúng tôi hy vọng mọi người sẽ vẫn tiếp tục nói và hành động cho truyền giáo cả sau đó nữa, và chúng tôi quyết tâm làm cho việc sinh động hóa và cổ vũ các hoạt động truyền giáo và việc truyền giáo của Hội Thánh được tiếp tục suốt năm, vì tinh thần truyền giáo là khía cạnh cơ bản của Hội Thánh, theo lời dạy của Huấn Quyền.

Hình ảnh của chân phước Pauline Jaricot vẫn còn đóng vai trò gì trong việc cổ vũ các hoạt động truyền giáo hôm nay?

Hình ảnh tuyệt vời của Pauline Jaricot – người sẽ được phong chân phước ngày 22 tháng 5, 2022 – sẽ mãi mãi là điều cơ bản trong việc cổ vũ và sinh động hóa các hoạt động truyền giáo. Như nhận định của Tổng Giám Mục Giovanni Pietro Dal Toso, chủ tịch các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (POM), tại cuộc họp báo giới thiệu Ngày Thế Giới Truyền Giáo, có ba khía cạnh đặc sủng của chân phước Jaricot xem ra vẫn còn có tính chất thời sự hôm nay. Trước hết, sự kiện một phụ nữ trẻ mới chỉ 23 tuổi đã sáng lập ra cái mà sau này trở thành Hội Truyền bá Đức Tin “chứng minh rằng một nguồn cảm hứng đích thực tìm được một chỗ đứng trong Hội Thánh như thế nào, có lẽ chính là vì nó đến từ một phụ nữ”. Do đó, Jaricot nhắc nhớ vai trò cơ bản của các phụ nữ, hay nói chung là của các tín hữu đơn sơ hơn, đối với sứ vụ của Hội Thánh. Thứ hai, những gì người phụ nữ trẻ này đã làm đều xuất phát từ “mối ưu tư truyền giáo của bà”. Ngoài Hội Truyền bá Đức Tin, bà đã lập các nhóm cầu nguyện cho truyền giáo, Chuỗi Mân Côi sống, v.v… Và “tất cả đều đã được làm để phúc âm hóa môi trường nước Pháp và nâng đỡ việc truyền giáo trong một thời kỳ giải-Kitô-hóa mạnh mẽ sau cuộc Cách Mạng Pháp. (…) Bà đã muốn đưa mọi người tham gia vào việc truyền giáo tại các miền đất xa xôi để tân Phúc Âm hóa những miền đất gần”. Do đó, chúng ta ước mơ rằng cả hôm nay, có hàng trăm, hàng ngàn Jaricot khác cho việc canh tân truyền giáo trên khắp thế giới. Sau cùng, Pauline “là một hạt giống từ đó phát sinh một cây lớn”. Bà không chỉ phi thường vì đời sống thánh thiện của bà, nhưng cũng vì các kết quả vĩ đại từ công cuộc của bà. Bà đã làm chuyển động một phong trào truyền giáo thiêng liêng nhờ Hội Truyền Bá Đức tin, hội này đã được phổ biến ngay lập tức và lan tỏa, cũng là vì nó được xây dựng trên một hệ thống đơn sơ nhưng tài tình: những nhóm từng mười người, rồi quy tụ thành một trăm, rồi một ngàn, với một người chịu trách nhiệm ở mỗi cấp”. Như vậy, giữa công cuộc của bà, Pauline Jaricot tiếp tục công việc cổ vũ các hoạt động truyền giáo của Hội Thánh.

Hoạt động chuyên biệt nào được dành riêng cho Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo?

Là một trong bốn công cuộc giáo hoàng truyền giáo, Hội Liên hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo (PUM) sát cánh cùng với ba hội kia – Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Nhi Đồng Thánh, và Hội Thánh Phêrô Tông Đồ – và cùng nhau tiến bước trong việc cổ vũ và sinh động hóa truyền giáo trên khắp thế giới. Như được nhấn mạnh trong bản Điều Lệ các Công Cuộc Giáo Hoàng Truyền Giáo, “mục tiêu của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là đào tạo và cung cấp thông tin truyền giáo cho các linh mục, các hội viên của các tu hội thánh hiến và tông đồ, các giáo dân thánh hiến, các ứng sinh cho đời sống linh mục và tu sĩ dưới mọi hình thức, cũng như tất cả những người khác tham gia vào thừa tác mục vụ của Hội Thánh” (số 20). Do đó, “Hội này nhắm đến tất cả những ai được kêu gọi hoạt động hầu làm cho Dân Chúa được linh hoạt bởi một tinh thần truyền giáo và một sự mẫn cảm đối với việc hợp tác truyền giáo”. Đáng chú ý là bản Điều Lệ sử dụng thường xuyên tính từ “tất cả” cũng như liệt kê đầy đủ những người mà hoạt động của Hội nhắm đến: các linh mục, tu sĩ, giáo dân. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu của chúng tôi là “Tất cả Hội Thánh cho tất cả thế giới”, lấy lại chính những lời tuyên bố của Chân Phước Paolo Manna. Đặc biệt, khi nói về các linh mục và các tu sĩ, bản Điều Lệ nhấn mạnh rằng “Hội sẽ giúp những người này ý thức trách nhiệm của họ đối với việc truyền giáo phổ quát của Hội Thánh. Hội sẽ khuyến khích họ sử dụng các phương thế mục vụ thích hợp nhất cho mục tiêu này và tìm cách giữ cho cam kết tông đồ của họ luôn luôn sinh động. Để đạt mục đích này, Hội cũng sẽ cổ vũ những sự trao đổi huynh đệ và những chứng tá về tình liên đới giữa mọi tác nhân tông đồ nhằm phục vụ Hội Thánh trên khắp thế giới”. Tắt một lời, chúng tôi làm thành “Hội” từ tất cả các lực lượng trên thực địa để phục vụ sứ vụ phúc âm hóa chung của Hội Thánh, tập trung vào các hoạt động đào luyện, cung cấp thông tin, gây ý thức truyền giáo giữa những sáng kiến khác nhau với các khóa học đào sâu và cập nhật về các chủ đề truyền giáo, các cuộc hội họp để học tập, suy tư và cầu nguyện (như tam nhật truyền giáo mà chúng tôi dự kiến sắp phát động), các cuộc hội thảo, hội luận chuyên đề, hội nghị, trực tiếp hay cả trực tuyến (trước kia có các khóa học từ xa), ở các cấp địa phương, vùng hay quốc tế. Tất cả các hoạt động này được thực hiện trong tinh thần hợp tác với mọi người, nhất là với các giám đốc quốc gia của các Công Cuộc Giáo Hoàng Truyền Giáo (POM), và với các Thư ký của ba Hội khác, với sự đơn sơ, theo phong cách huynh đệ và cả tinh thần đồng nghị. Chúng tôi làm thành “Hội” từ chính chúng tôi và chúng tôi cố gắng luôn luôn sống xứng tầm với ơn gọi của mình là “linh hồn của các Công Cuộc Giáo Hoàng Truyền Giáo khác”, như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã gọi như thế.

Bản dịch tiếng Việt: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

Ủy ban Loan báo Tin Mừng, Hội đồng Giám mục Việt Nam

http://phanxico.vn/2021/11/03/tu-tuyen-sau-den-tuyen-dau/

 Tags: Truyền giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây