Tĩnh Tâm trong Hoàn cảnh Dịch Bệnh

Thứ sáu - 05/11/2021 03:12 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   563
Năm nay (2021), vì tình hình dịch bệnh, không thể quy tụ tại Tòa Giám Mục theo thông lệ, nhưng các linh mục vẫn được yêu cầu tham dự tuần tĩnh tâm năm theo từng nhóm
Tĩnh Tâm trong Hoàn cảnh Dịch Bệnh

Linh Mục Tĩnh Tâm Năm trong Hoàn cảnh Dịch Bệnh

Tại giáo triều Rôma thì hằng năm vào dịp Mùa Chay các giáo sĩ từ Đức Giáo Hoàng trở xuống đểu tham dự tuần tĩnh tâm năm. Năm Phụng Vụ sắp kết thúc, để chuẩn bị bước vào một niên lịch Phụng Vụ mới, nhiều Giáo phận tại Việt Nam lại sắp xếp lịch để các linh mục tham dự tuần tĩnh tâm năm theo Giáo Luật trong dịp này. Đây là một luật buộc theo Giáo Luật để giúp các linh mục biết noi gương Chúa Giêsu là cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ. Các linh mục buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương (Điều 276 §4).

Năm nay (2021), vì tình hình dịch bệnh, không thể quy tụ tại Tòa Giám Mục theo thông lệ, nhưng các linh mục vẫn được yêu cầu tham dự tuần tĩnh tâm năm theo từng nhóm nhỏ vài người hoặc nếu điều kiện không thể tụ họp thì từng cá nhân tĩnh tâm trong tình hiệp thông chung và theo dõi sự hướng dẫn (nghe giảng) bằng hình thức trực tuyến. Bỗng nghe một nhận định: “Năm nay, không chỉ trong giáo phận mà các linh mục trên cả nước đã có một kỳ tĩnh tâm ròng rã bốn năm tháng rồi mà!” Ái chà chà, một nhận xét xem ra cũng có lý cách nào đó.

Các linh mục vốn hiểu rằng tĩnh tâm là dành riêng một khoảng thời gian tạm ngưng nghỉ các hoạt động mục vụ để chuyên chăm hơn trong việc kết hiệp với Thiên Chúa hầu qua đó xem xét lại nhiều khía cạnh của cuộc đời, nhất là thẩm định và xác định rõ căn tính cũng như sứ mạng của mình. Dĩ nhiên với nhiều mục đích, nhưng thường có mục đích là để điều chỉnh lại cung cách sống và đường lối hoạt động của mình cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Không dám to gan khẳng định rằng có đó nhiều linh mục đã lãng phí khoảng thời gian dài gấp ba hay gấp bốn mươi lần tuần tĩnh tâm năm. Cũng không dám mạo phạm bề trên khi cho rằng tổ chức thêm vài ba ngày tĩnh tâm là quá vụ luật, vì các linh mục đã và đang tĩnh tâm dài dài. Chỉ xin có một vài nghĩ suy thiển cận về chủ đề căn tính và sứ mạng của linh mục trong hoàn cảnh được xem là “không bình thường”, là hoàn cảnh dịch bệnh đang xảy ra trên thế giới và trên quê nhà.

Thiết nghĩ rằng đây có lẽ là chủ đề mà nhiều linh mục phải suy tư để có thể chu toàn sứ vụ theo căn tính của mình đúng và đẹp ý Thiên Chúa. Trong tình cảnh nhà thờ, nhà xứ đóng cửa, không có các cử hành Phụng vụ, bí tích tập trung đông người, không có các sinh hoạt hội đoàn, các lớp giáo lý… và các linh mục thì như giam mình giữa các bức tường, các khuôn viên an toàn tránh dịch thì rất có thể làm biến dạng chân dung người mục tử nơi tâm trí đoàn tín hữu. Thậm chí với nhiều anh chị em khác đạo hay bà con lương dân thì các linh mục cũng chỉ là những vị cử hành các lễ nghi tôn giáo. Khi luật cho phép thì làm, khi luật không cho thì nghỉ.

Giáo Hội khẳng định: “Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các giám mục và linh mục cũng như chức tư tế cộng đồng của các tín hữu đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình và bổ túc cho nhau” (GLCG số 1547). Tuy nhiên hai chức tư tế khác nhau về bản chất. Và Giáo Hội khẳng định sự khác nhau ở điểm là các vị tư tế thừa tác khi thay mặt Chúa Kitô, thi hành chức vụ thì với tư cách là đầu, là người lãnh đạo (x.GLCG số 1548-1549). Theo viễn kiến này, chúng ta cùng ngẫm suy đôi điều về vai trò của giám mục, linh mục trong hoàn cảnh hiện nay.

Qua tình cảnh dịch bệnh Covid 19 gần cả hai năm nay, chúng ta càng nhận ra tầm quan trọng của người lãnh đạo đối với sự bình an về thể lý và tinh thần của người dân. Ở xã hội nào, quốc gia nào mà có người lãnh đạo vừa có tâm vừa đủ tầm thì người dân được hưởng sự an bình và ổn định trong nhiều phương diện. Cũng là hứng phải dịch bệnh như nhau nhưng hậu quả mà người dân gánh chịu không nguyên chỉ về sức khỏe, tính mạng mà cả về tinh thần, tâm lý thì rõ ràng có sự khác nhau giữa các quốc gia, thậm chí là giữa các vùng miền trong một nước. Và nguyên nhân chính là ở những người lãnh đạo qua các chính sách ban bố, áp dụng. Trong hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của người đứng đầu như cha ông chúng ta thường nói: “mạnh ở tướng, chứ mạnh gì quân”.

Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, các giám mục, linh mục là những tư tế trong vị trí vai trò lãnh đạo đoàn dân Chúa. Mong sao không chỉ trong vài ba ngày tĩnh tâm mà suốt những ngày phải chấp hành lệnh giãn cách các ngài biết hồi tâm để xác định lại căn tính của mình, nhất là xác định vai trò vị trí của mình trong hoàn cảnh hiện nay đối với chiên trong đàn lẫn chiên ngoài đàn.

Trong vai trò là lãnh đạo các ngài đã thi hành nhiệm vụ ngôn sứ ra sao để đoàn chiên an bình vừa kháng dịch vừa sống tình liên đới hiệp thông với nhiều nạn nhân của dịch bệnh? Các ngài đã dùng lời ngôn sứ thế nào để góp phần với các vị lãnh đạo ngoài xã hội có được những quyết sách vừa mang tính khoa học vừa đậm tính nhân văn? Và khi cần các ngài có can đảm dùng lời ngôn sứ để phê phán nhiều lãnh đạo xã hội có thể vì thiếu tầm nhìn hoặc vì quá chủ quan, duy ý chí mà ra những quyết sách tắc trách, thiếu tình người? Người dân, đoàn chiên là phận dưới, thấp cổ thì bé miệng, vì thế họ luôn mong có những tiếng nói chân thành và trực ngôn của những vị lãnh đạo.

Trong vai trò lãnh đạo, các ngài, giám mục, linh mục đã thi hành nhiệm vụ thánh hóa thế nào? Phải chăng hằng ngày dâng Thánh Lễ một mình hay với một vài người là đủ phận tư tế? Người giáo dân trong Hội Thánh thi hành chức Tư tế phổ quát khi họ cộng tác dâng thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, cầu nguyện và tạ ơn; khi họ sống chứng tá thánh thiện, khi họ từ bỏ mình mà sống bác ái (x.LG số 10). Còn các vị tư tế thừa tác, ngoài Hy tế Thánh Thể hằng ngày và lời Kinh Thần Vụ, các ngài có thể làm gì để thánh hóa đoàn chiên, thánh hóa nhân trần cách thiết thực? Dĩ nhiên có nhiều cách thế, nhưng chắc chắn phải hiệp thông với Đấng Cứu Độ để hiến dâng bản thân mình làm của lễ giao hòa.

Trong vai trò lãnh đạo, các ngài thi hành nhiệm vụ mục tử thế nào đây? Thiển nghĩ rằng dù khó khăn nhiều mặt nhưng luôn có đó nhu cầu của đoàn chiên cần đáp ứng. Nhu cầu thiết thực của chiên trong lẫn ngoài đàn trong hoàn cảnh hiện nay đó là sự bình an. Có được những mục tử nhiệt thành gắn bó với chiên, nói theo lời của Đức Phanxicô là nhuốm mùi chiên thì chắc chắn đàn chiên sẽ cảm nhận được sự an bình. Các chuyên gia tâm lý cũng như các y bác sĩ đều chân nhận hiện thực này: sự bình an tâm hồn là liều thuốc kháng dịch bệnh trên dưới 50 %. Có đó nhiều nam nữ tu sĩ, linh mục ra tuyến đầu, dù không có chuyên môn cao về y học nhưng các vị đều cảm nhận nhiều điều tích cực cho bệnh nhân qua sự hiện diện của mình.

Hy vọng rằng hình ảnh của vị mục tử nhân lành, Giêsu, không chỉ đón lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của tha nhân mà còn sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên được tái hiện qua đấng này, tu sĩ nọ, nơi này, nơi kia. Vị cha chung của toàn giáo hội, Đức Phanxicô, tuổi đời đã gần chín mươi, phổi chỉ còn một lá ngay từ thời thanh niên, vẫn miệt mài vuông tròn phận vụ người mục tử. Dù phải khôn ngoan và cẩn trọng, nhưng nếu quá chú trọng đến sức khỏe và an nguy của bản thân thì dường như đang thiếu “tính mục tử” cách nào đó. Tháng 9/2021 vừa qua, sau khi công du từ Slovakia về, người ta báo cho Tòa Thánh biết có một Tổng Giám Mục, người tiếp xúc rất gần với Đức Giáo Hoàng, đã nhiễm virus corona. Thế mà qua thông tin chúng ta vẫn thấy vị cha chung Giáo hội an bình tiếp tục sứ mạng. Không biết Ngài có lo lắng không nhưng bên ngoài thì không thấy hốt hoảng. Và nhất là cánh cửa sổ trước quảng trường vẫn mở trong giờ Kinh Truyền Tin hằng tuần mỗi Chúa Nhật.

Một vài câu tự kiểm cho bản thân. Mình đã làm gì để giúp tha nhân có thêm được chút an bình? Tình liên đới của tôi với tha nhân, nhất là với những người khốn khổ về thể lý cũng như tinh thần trong hoàn cảnh dịch bệnh này như thế nào? Tôi có phải là đối tượng của Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkiel: “Khốn cho các ngươi là những mục tử chỉ biết lo cho an nguy của bản thân?” (x.Ed 34,2-6).

Dù rằng đã và đang “tĩnh tâm” dài dài. Nhưng có được vài ba ngày hồi tâm theo sự sắp xếp của Đấng Bản Quyền thật là quý giá. Mong sao khoảng thời gian gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn sinh quả kết trái tốt lành nơi các vị mục tử, các tư tế thừa tác của Giáo hội.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây