Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 27/06/2023 08:40 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
331
Tôi cũng muốn nói ngay với chị: đó là điều không được phép chia sẻ! Nhưng giữa nhà thờ, tôi đành bất lực. Một sự bất kính hay một sự không hiểu biết về giáo lý?
Thánh Thể Chúa
Ngày Chúa Nhật kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi được tham dự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài gòn. Trong giờ thánh này, tôi nhớ đến bi kịch của cô bé Trung Hoa.
Bi kịch của một cô bé Trung Hoa
Ngày 13 tháng 5 năm 2018, Giáo Hội cử hành ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52, trong dịp này một nhân vật được coi là huyền thoại về truyền thông của Công Giáo Hoa Kỳ lại được nhắc đến như một gương sáng cho các ký giả Công Giáo : Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen.
Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen sinh ngày 8 tháng 5 năm 1895 và qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 1979. Án tuyên thánh cho ngài đang được xúc tiến.
Một vài tháng trước khi ngài qua đời, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã được phỏng vấn trên truyền hình quốc gia. Một trong những câu hỏi được đặt ra với ngài là: “Đức Cha đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Vậy ai là người truyền cảm hứng cho Đức Cha? Có phải đó là một giáo hoàng không?”
Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục đã gây kinh ngạc cho nhiều người:
“Đó không phải là một giáo hoàng, Hồng Y, một giám mục khác, hay thậm chí là một linh mục hay nữ tu, mà là một cô gái Trung Hoa mười một tuổi.”
Trong thời kỳ Cách Mạng văn hóa, một thừa sai đã bị giam cầm trong nhà xứ của mình sát bên ngôi thánh đường. Một ngày kia, trong khi bị nhốt trong nhà mình, vị linh mục nhìn ra ngoài cửa sổ và kinh hoàng khi thấy lính tráng rầm rập bước vào thánh đường. Chúng tiến lên cung thánh, mở cửa Nhà Tạm và trong một hành động đầy hận thù, đã quăng chiếc chén thánh xuống làm vung vãi Mình Thánh Chúa trên sàn nhà. Giữa hoàn cảnh nguy ngập của tình hình đã từ lâu, bị cô lập tứ bề, nhà thờ không còn nhận được bánh lễ và rượu lễ nên vị linh mục biết chính xác có bao nhiêu bánh thánh còn trong chén: ba mươi hai chiếc.
Rồi thì chúng bỏ đi, không chú ý đến một cô gái nhỏ đang núp trong những hàng ghế trong nhà thờ, là người đã thấy mọi thứ. Đêm đó, cô trở lại, và lén lút vượt qua tên lính vẫn ngồi canh trước cửa nhà xứ. Cô bước vào nhà thờ, nơi cô đã làm một giờ thánh có lẽ để đền tạ cho sự khinh miệt Thánh Thể mà cô đã chứng kiến.
Sau giờ thánh của mình, cô lên cung thánh, và quỳ gối xuống, cô đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh bằng lưỡi mình vì vào thời điểm đó, Giáo Hội không cho phép người giáo dân chạm vào Hình Bánh bằng tay của họ.
Mỗi đêm, cô gái trở lại nhà thờ để làm giờ thánh của mình và đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh trên lưỡi của mình cũng giống như cô đã làm đêm đầu tiên. Vào đêm thứ ba mươi hai, sau khi rước chiếc bánh cuối cùng, cô vô tình tạo ra tiếng động đánh thức tên lính canh đang ngủ gật trước nhà xứ của vị linh mục. Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, vị linh mục chứng kiến một cảnh tượng quá đau đớn đang mở ra trước mắt ngài. Cô gái cố gắng chạy nhưng tên lính bắt kịp cô và dùng báng súng đánh cô đến chết.
Khi Đức Giám Mục Sheen nghe câu chuyện được chính vị thừa sai kể lại trong một Đại Hội Thánh Thể, ngài cảm động đến rơi lệ, và đã hứa với Chúa, ngài sẽ làm một giờ thánh trước Thánh Thể mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại của mình … Và không chỉ trung tín với lời hứa của mình, nhưng trong mọi cơ hội có thể có, ngài luôn truyền bá lòng tôn sùng Thánh Thể. (1)
Cũng trong buổi chiều ngày lễ kính trọng thể Mình Máu Chúa Kitô, sau khi rước kiệu và Chầu Thánh Thể xong, tôi ở lại tham dự thánh lễ. Thánh lễ trang nhiêm và sốt sắng. Điều kinh ngạc là khi lên rước lễ, tôi thấy một người mẹ sau khi nhận Thánh Thể Chúa ở tay, đặt vào miệng, bẻ một góc và đưa cho đứa trẻ khoảng hai, ba tuổi đang đòi lấy. Tôi nhìn rất rõ, vì người mẹ này là người rước lễ áp cuối, còn tôi đứng ngay sau lưng chị cách khoảng hai hay ba người nên mọi cử chỉ của chị tôi thấy rõ ràng. Tôi cũng muốn nói ngay với chị: đó là điều không được phép chia sẻ! Nhưng giữa nhà thờ, tôi đành bất lực. Một sự bất kính hay một sự không hiểu biết về giáo lý?
Giáo Huấn Về Bí Tích Thánh Thể
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy về Thánh Thể:
1378 Tôn thờ Thánh Thể. Trong thánh lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh rượu, bằng cách bái gối hay cúi đầu để tỏ lòng tôn thờ Chúa. “Hội Thánh Công giáo luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài thánh lễ nữa, bằng cách bảo quản cẩn thận bánh rượu đã truyền phép, đặt Mình Thánh cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng, rước kiệu Mình Thánh” (MF 56).
1382Thánh lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa; hai ý nghĩa này đi đôi với nhau và không thể tách rời. Nhưng cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Kitô nhờ rước lễ. Rước lễ là đón nhận chính Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta.
1387 Để chuẩn bị đón nhận bí tích Thánh Thể cách xứng đáng, các tín hữu phải giữ chay theo qui định của Hội Thánh (x. CIC khoản 919). Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được Chúa ngự đến trong tâm hồn.
1388 Căn cứ vào ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, các tín hữu rước lễ khi tham dự thánh lễ (Trong cùng một ngày, tín hữu có thể rước lễ hai lần, và chỉ hai lần mà thôi, nếu hội đủ các điều kiện cần thiết).
1389 Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng (x. OE 15), rước lễ mỗi năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm (x. CIC, khoản 920), trước đó phải chuẩn bị tâm hồn bằng Bí tích Giao Hòa. Hội Thánh hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, hay thường xuyên hơn nữa, rước lễ hằng ngày.
1390 Chúa Kitô hiện diện dưới mỗi hình Bánh hình Rượu, vì thế rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn đem lại cho ta trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể.
1391 Việc rước lễ tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô. Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô. Chúa đã phán : “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy”. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể : “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).
1392 Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi các tín hữu rước lấy Mình của Đấng Phục Sinh, “Mình đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống”(x. PO 5), đời sống ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy được gìn giữ, phát triển và canh tân. Để đời sống ân sủng tăng triển, người Kitô hữu phải được Bí tích Thánh Thể là Bánh dành cho kẻ lữ hành trần thế, dưỡng nuôi cho đến giờ lâm tử; lúc ấy họ sẽ đón nhận như Của Ăn Đàng.
1393 Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, “đã phó nộp vì chúng ta”, và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, Bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi.
1394 Như của ăn vật chất phục hồi sức lực đã tiêu hao, Bí tích Thánh Thể củng cố đức mến mà trong đời sống hằng ngày có xu hướng suy yếu đi. Đức mến sống động này có thể xóa đi các tội nhẹ (x. CĐ Trentô : DS 1638).
Giáo luật của Hội Thánh qui định vài việc tham dự Thánh Thể như sau:
Ðiều 913: (1) Ðể được rước lễ, các trẻ em phải có ý thức đầy đủ và được chuẩn bị chu đáo ngõ hầu các em nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô tùy theo khả năng của mình, và có thể lãnh lấy Mình Chúa với lòng tin và sùng kính.
(2) Tuy nhiên, có thể cho trẻ em lâm cơn nguy tử rước lễ, nếu các em có thể phân biệt Mình Chúa Kitô khác với của ăn thông thường, và kính cẩn rước lễ.
Ðiều 914: Trước tiên là cha mẹ, rồi đến những người thay quyền cha mẹ và kể cả Cha Sở, có bổn phận lo cho các trẻ em đã đủ trí khôn dọn mình thích đáng để có thể, sau khi đã xưng tội, các em được bổ dưỡng nhờ của ăn thần linh này càng sớm càng tốt. Cha Sở cũng có bổn phận canh chừng không cho các trẻ em rước lễ khi chúng chưa đủ trí khôn hoặc chưa chuẩn bị đủ.
Tôn Thờ Thánh Thể
Bí Tích Thánh thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. Do đó, người tín hữu được kêu mời và khuyến khích tận dụng mọi phương tiện để tận hưởng những phúc lành do Bí Tích Thánh Thể mang lại. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Khi nhìn lên thánh giá, chúng ta biết Chúa Giêsu đã yêu chúng ta dường bao. Khi nhìn lên Nhà Tạm, chúng ta biết Người đang yêu chúng ta dường nào”.
Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ chính là sự kéo dài thánh lễ chúng ta cử hành, đưa ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh
Sau đây là một vài thực hành trong đời sống thiêng liêng để chúng ta được hưởng những ơn lành từ việc tôn thờ Thánh Thể.
1. Việc Rước lễ ngoài Thánh lễ
Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, lý do tiên quyết và căn nguyên của việc lưu giữ Thánh Thể ngoài Thánh lễ là để trao ban “của ăn đàng” cho các bệnh nhân.
Những tín hữu không thể tham dự Thánh lễ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ, “để họ được liên kết với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài được cử hành trong Thánh lễ” (Huấn thị Eucharisticum Mysterium, số 3e). Người nhà của bệnh nhân không thể dự lễ, nên dọn lòng rước lễ cùng với bệnh nhân, để nhờ hiệp nhất với Chúa, họ hiệp thông sâu xa hơn với người bệnh trong lời khẩn nguyện và lễ dâng thập giá.
2. Rước lễ thiêng liêng
Rước lễ thiêng liêng là việc sùng kính riêng tư. Một người yêu mến Chúa Thánh Thể sẽ liên lỉ ước ao kết hiệp với Chúa và vì không thể rước cách Bí tích (rước lễ) thì lòng họ khao khát rước Chúa cách thiêng liêng.
Hiệu quả của việc sùng kính này tùy thuộc lòng nhân từ của Chúa đối với lòng yêu mến khao khát nơi mỗi người. Thực hành này đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ gìn giữ họ luôn sống trong ân sủng và ban ơn giúp họ ngày càng kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết: “Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự Thánh lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành đem lại nhiều ơn ích; qua đó tình yêu của Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên bạn”.
Một điểm thuận lợi là ta có thể rước lễ thiêng liêng mỗi ngày nhiều lần, ở bất cứ nơi nào, lúc nào, làm cả ngày sống của ta luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, thành lời cầu nguyện liên lỉ như Chúa dạy (x. Lc 18,1; 21,36).
Kinh rước lễ thiêng liêng
“Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ, con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa, xin hãy ngự vào lòng con”. Amen
3. Viếng Thánh Thể
“Viếng Thánh Thể lưu giữ trong nhà tạm là việc gặp gỡ Chúa cách ngắn ngủi, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Chúa đang hiện diện tại đây và có đặc điểm là cầu nguyện trong thinh lặng.”( Huấn thị Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 165). “Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng của lòng tri ân, một dấu hiệu của tình yêu mến và một bổn phận tôn thờ của ta đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta” (GLCG 1418). Thánh Anphonsô Liguori viết: “Trong số các việc đạo đức, việc thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta”. (2)
4. Chầu Thánh Thể
Chầu Thánh Thể là một hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ được Giáo Hội nhìn nhận là việc phụng vụ tức là việc tôn thờ công cộng của Giáo Hội. “Trong Phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong hình bánh và hình rượu bằng nhiều cách, như bái gối hoặc cúi mình sâu để tỏ dấu tôn thờ Chúa. ‘Giáo Hội Công Giáo đã và vẫn dành sự phụng tự tôn thờ cho Bí tích Thánh Thể, không những trong Thánh Lễ, nhưng còn ngoài lúc cử hành Thánh Lễ, bằng cách giữ gìn các tấm bánh đã thánh hiến cách rất cẩn trọng, và bằng cách đưa Mình Thánh cho các tín hữu tôn kính cách trọng thể, và bằng cách tổ chức rước Thánh Thể’” (GLCG 1378).
Việc Chầu Thánh Thể có ba mục đích: 1) Nhìn nhận sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô trong Bí Tích; 2) Dẫn ta tiến đến sự tham dự đầy đủ hơn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, tột đỉnh trong việc hiệp lễ; 3) Nuôi dưỡng việc phụng thờ xứng hợp đối với Chúa Kitô trong tinh thần và chân lý.
Thực ra, giữa Thánh Lễ và việc Tôn Thờ hay Chầu Thánh Thể có một mối liên hệ nội tại. Thánh Lễ chính là hành vi tôn thờ lớn lao nhất. Việc tôn thờ Chúa ngoài Thánh Lễ chính là sự kéo dài và đề cao Thánh Lễ chúng ta cử hành, kéo chúng ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Augustinô nói: “Không ai ăn Lương Thực này (Thánh Thể) nếu không tôn thờ trước”. (3)