Lời Chúa CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – A

Thứ sáu - 25/11/2022 04:26 |   362
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24, 42)

27/11/2022
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – A

Mt 24, 37-44


CANH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG
Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.(Mt 24, 42)

Suy niệm: Mùa Vọng như đặt chúng ta đứng trên chòi canh cuộc đời, nhìn lên khoảng không gian vô tận của bầu trời, nhận ra sự mênh mông của biển cả, sự vô thường của cuộc sống. Trong sự to lớn này, mỗi người tựa như hạt cát trên bãi biển, nếu không muốn nói là hư vô. Nhưng đối với Chúa, mỗi chúng ta là một nhân vị cao quý, được dựng nên theo hình ảnh Chúa, có giá trị vô song trước mặt Ngài, với một định mệnh cao cả, chứ không phải nơi trần thế này. Chúa không ngừng nhắc ta ngày Ngài đến đem ta vào cõi mênh mông đời đời: Đó là Nước Trời. Muốn vào được Nước đó, phải nỗ lực chiến đấu (x. Lc 13, 24), dùng của cải đời này để mua (x. Lc 16, 8), vác thập giá mỗi ngày (x. Lc 9, 23)…

Mời Bạn: Thái độ thường xuyên phải có để vào Nước Trời ấy là tỉnh thức. Tỉnh thức là không mê ngủ, không bị cuốn hút do của cải, tiện nghi vật chất, mãi mê với đời sống tại thế. Tỉnh thức là biết nhận ra Đấng đang đến là ai để đón Ngài vào cuộc đời, làm chủ quả tim mình. Tỉnh thức là kiên trì làm việc lành phúc đức, chiến đấu chống lại bản năng xác thịt, các khuynh hướng xấu. Xem ra bạn có nhiều việc phải làm để có thể tỉnh thức, không phải ngày một ngày hai, mà là mọi ngày.

Sống Lời Chúa: “Hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Thư gởi tín hữu Rôma, bài đọc II Thánh lễ hôm nay).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ, tỉnh thức để nhận ra Chúa hiện diện với con trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Vọng – A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mếnBài Tin Mừng mở đầu cho Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng năm A, là một phần trong bài diễn từ của Chúa Giêsu nói về thời cuối cùng và lúc Ngài trở lại ( đoạn 24-25 trong Tin Mừng Mathêu). Ngay từ giây phút đầu tiên của năm Phụng vụ, Hội Thánh kêu mời tất cả chúng ta hãy hướng mọi nỗ lực, hãy mở rộng tâm hồn, hãy thức dậy khỏi giấc ng mê man trong tội lỗi.

Thiên Chúa đến với từng người không kèn không trng nên chúng ta phải luôn ở trong tư thế chuẩn bị sn sàng, “vì lúc các con không ngờ Con Người sẽ đến”.

Vậy để bước vào năm Phụng vụ mới chúng ta hãy xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót trong năm Phụng vụ đã qua. Trong tâm tình ấy chúng ta cùng nhau thng hối.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa, con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con, vì tất cả những ai trông cậy Chúa, sẽ chẳng hổ người.

Không đọc Kinh Vinh Danh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 2, 1-5

“Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðiềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Ðiềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó.

Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem.

Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. 

Xướng: Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. 

Xướng: Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. 

Bài Ðọc II: Rm 13, 11-14

“Phần rỗi chúng ta gần đến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 24, 37-44

“Hãy tỉnh thức để sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

“Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa đến, cũng như dân Do Thái xưa đã van xin “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu độ. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Chính ngày ông Nôe vào tầu mà người ta cũng không ngờ” – Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn yêu mến Hội Thánh, vì đây chính là con tàu hy vọng, được Chúa ban cho nhân loại để mọi người hưởng ơn cứu độ

2. “Chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” – Xin cho những ai đang gặp đau khổ nhận ra rằng: Những thử thách sẽ dẫn đưa vào việc tái sinh trong sự sống mới.

3. “Chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt– Xin cho các tín hữu biết loại bỏ những dam mê dục vọng và cầm lấy vũ khí của sự sáng là Lời Chúa để chiến đấu.

4. “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng – Xin cho lời mời gọi khẩn thiết của Chúa, được mọi người trong giáo xứ chúng ta hưởng ứng, để không ngừng canh tân đời sống, chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Con Người giáng lâm vinh hiển.

Chủ tế: Lạy Cha, xin cho chúng con biết sông yêu thương, quên mình, đồng thời biết cảm thông với những đau khổ cũng như những yếu đuối của tha nhân, để chúng con biết ra tay cứu giúp, biết tha thứ những lỗi lầm của họ. Chúng con nghĩ đó là cách thức đón chờ Chúa đến một cách khôn ngoan nhất. Xin cho chúng con thực hiện được những điều đó, để ngày ấy Cha sẽ hài lòng về chúng con và ngày ấy cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất của chúng con, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho Thánh Lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúa sẽ ban cho mọi điều thiên hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Chúa đến

Mùa Vọng là mùa trông chờ Chúa đến. Chúng ta trông chờ Chúa đến là bởi vì chúng ta không được thoả mãn với tình trạng hiện tại của chúng ta. Dầu có tận tâm tận lực, chúng ta vẫn gặp phải không biết bao nhiêu điều trái ý, chẳng hạn như bệnh tật, nghèo đói, cô đơn, chia ly và chết chóc. Chúng ta tin rằng Chúa sẽ đến để lấp đầy những khát vọng chính đáng của chúng ta, đồng thời sẽ mang lại một đời sống hạnh phúc:

Sẽ không còn chiến tranh, thù hận và hao tốn tiền của nữa, vì thời đại của Chúa là thời đại hoà bình. Bản thân Chúa chính là sự bình an như lời các thiên thần hát vang trên cánh đồng Bêlem: Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Thời đại của Chúa là thời đại hòa bình như tiên tri Isaia đã diễn tả: Khi Chúa đến, người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo mà rèn nên lưỡi hái. Nước này sẽ không còn tuốt gươm ra xông đánh nước kia. Mọi người sẽ chung sống với nhau trong hoà thuận và yêu thương. Sẽ không còn cái cảnh cá đớp cá, người trói người. Sẽ không còn cái cung cách người với người là chó sói của nhau bởi vì tứ hai giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em ruột thịt vì cùng là con của Cha trên trời.

Người ta sẽ không còn tranh chấp lừa đảo nhau nữa bởi vì Chúa sẽ dạy chúng ta đường lối của Ngài và chúng ta sẽ tuân theo ý định của Ngài. Mọi mơ ước của con người sẽ được thoả mãn, sẽ trở thành sự thật. Vậy cảnh địa đàng này bao giờ sẽ tới? Bao giờ Chúa mới ban cho chúng ta hoà bình và hạnh phúc đích thực và lâu dài?

Điều đó chúng ta không hay biết bởi vì Chúa đã phán: Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến. Lúc Chúa đến có thể hiểu là giờ chết của mỗi người chúng ta, hay là ngày tận thế. Chúng ta không biết lúc nào sẽ xảy ra hai việc ấy. Do đó, lo lắng tìm biết lúc nào mình sẽ chết hay lúc nào sẽ là ngày tận thế? Đó là một việc làm luống công và vô ích. Trái lại hãy phó thác tương lai cho Chúa như lời Ngài đã phán: Chớ áy náy về ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai, ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy, nhưng tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài.

Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta không phải là tìm biết ngày giờ lìa đời, hay ngày giờ tận thế, nhưng là chuẩn bị tâm hồn để có thể đứng vững trước mặt Con Người, khi Ngài đến. Hay như lời thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang lấy khí giới của ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tỵ. Nhưng hãy mặc lấy Đức Kitô và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng của xác thịt.

Có sống như vậy thì khi Chúa đến, chúng ta sẽ được nghe những lời nói đầy êm dịu ngọt ngào và yêu thương của Chúa: Hỡi những người đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến, lãnh lấy phần gia nghiệp Nước Trời, đã được dọn sẵn cho các con từ muôn ngàn thuở trước.

Hãy sẵn sàng

Qua phần phụng vụ Lời Chúa sáng hôm nay, Giáo Hội muốn đặt chúng ta trước số phận đời đời đang chờ đón. Thực vậy, Giáo Hội đã lên tiếng khuyên nhủ chúng ta: đừng để cho những vui thú ru ngủ, trái lại hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì Đức Kitô sẽ đến vào ngày chúng ta không ngờ và giờ chúng ta không biết. Nhất là qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trình bày về ngày sau hết như là một biến cố bất ngờ, không ai nắm vững. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại nghĩ rằng: Ngày ấy còn xa và có lẽ sẽ chẳng bao giờ xảy đến.

Trong phạm vi cá nhân, thì ngày sau hết chính là ngày cái chết gõ cửa. Đúng thế. Cái chết là một sự kiện vừa chắc chắn lại vừa gần gũi. Với cái chết chúng ta sẽ phải ra trước toà án tối cao của Thiên Chúa, để chịu phán xét về những việc lành dữ mình đã làm khi còn sống ở trần gian này.

Bài Phúc Âm đã cho chúng ta thấy hai giới tuyến rõ rệt: Bấy giờ, hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận còn một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay, một người được tiếp nhận còn một người bị bỏ rơi. Vậy thì Lời Chúa có ý nghĩa gì?

Cả hai trường hợp đều cho chúng ta thấy hai người đang làm việc trong ngày Đức Kitô trở lại, thế nhưng số phận đời đời của họ thì lại hoàn toàn khác biệt nhau. Một người thì sẽ được đưa về trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, còn một người thì sẽ bị đày đoạ trong hoả ngục với muôn vàn khổ đau. Bởi vì họ đã chống đối ơn sủng và tình thương của Chúa cho đến cùng. Chính vì thế mà vấn đề quan trọng nhất đó là sống trong tình thương và ơn sủng của Chúa.

Vì yêu thương chúng ta và muốn cho chúng ta được cứu rỗi, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Trong một ngày mà thôi, có biết bao nhiêu người đã phải vĩnh viễn ra đi vào lúc họ nghĩ rằng ngày ấy còn xa, nên chẳng kịp chuẩn bị và sửa soạn. Một tai nạn xe hơi. Một cơn đau tim hay một ngọn gió độc bất ngờ nào đó.

Chúng ta phải cảm phục thái độ can đảm của những người tín hữu trưởng thành, khi phải đối đầu với cái chết. Họ đã giục lòng ăn năn ám hối xin Chúa xoá bỏ tội lỗi. Họ coi đó như là một hồng ân Chúa ban bởi vì họ đã kịp chuẩn bị cho mình một cái chết tốt lành và thánh thiện. Cái chết là một biến cố quan trọng nhất của cuộc sống, còn quan trọng hơn cả ngày chúng ta mở mắt chào đời, bởi vì kể từ đó, số phận đời đời của chúng ta được ấn định.

Vì thế, bằng mọi cách chúng ta phải chuẩn bị cho giờ chết, và phải được chết đi trong tình thương và ơn sủng của Chúa. Để đạt tới mục đích này, không gì hơn là hãy thực hiện lời khuyên của thánh Phaolô: Đừng ngủ quên, cũng đừng chìm đắm trong vui thú. Ngài nói: Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Hãy từ bỏ những hành vị ám muội và mang lấy khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ghen tỵ. Chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt. Nhưng hãy mặc lấy Đức Kitô.

Bởi vì chỉ mình Ngài mới là đường, là sự thật và là sự sống của chúng ta mà thôi.

SỐNG TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
Chúa Nhật I Mùa Vọng năm A - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Một năm Phụng Vụ lại đến. Bắt đầu một chu kỳ mới, được gọi là năm dựa trên vòng xoay của vũ trụ nói chung, của thái dương hệ mặt trời và trái đất chúng ta nói riêng hay khởi đầu một chu kỳ lịch sử ơn cứu độ theo niên lịch Phụng Vụ Kitô giáo, hẳn nhiên luôn tiềm tàng một khao khát, ước mơ, hy vọng nào đó. Chắc chắn đó là những hy vọng, mơ ước về nhiều điều tốt đẹp, có thể là hợp lý và phải đạo, cũng có thể là chưa. Mong sao có thật nhiều những ước vọng cao cả.

Bước vào một chu kỳ mới của niên lịch Phụng Vụ, Hội Thánh mẹ, trong năm Phụng Vụ năm A này có vẻ hơi lạ thường khi mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến ngày chung cục của thế giới, của đời người chúng ta. Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật những lời cảnh báo của Chúa Giêsu về tính bất ngờ, đột ngột của cái ngày chung cục ấy. Đồng thời Người kêu gọi khán thính giả lúc bấy giờ cũng như chúng ta hôm nay là hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Quy luật tự nhiên giúp ta thêm xác tín rằng sự gì khi đã có khởi đầu thì hẳn có lúc kết thúc.

Vòng đời “thành, trụ, hoại, không” của nhiều vật, nhiều loài hữu hình trước mắt chúng ta là một dấu chứng cho sự kết thúc của vạn vật nói chung và của đời người chúng ta nói riêng. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là tính bất ngờ. Hình ảnh cơn lụt đại hồng thủy thời Noe hay hình ảnh hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người đàn bà đang xay bột, thì một người bị đem đi, một người bị để lại, tất thảy đều muốn mô tả sự bất ngờ. Khi nói đến sự bất ngờ người ta thường nói đến hệ quả của nó là sự mất mát, sự thiệt hại hơn là sự may mắn hay là được lợi, cho dù thỉnh thoảng nhiều sự may mắn có xảy đến cách bất ngờ như chuyện trúng số độc đắc. Để tránh những hệ quả xấu, di hại cho hạnh phúc chúng ta đời này, nhất là cho hạnh phúc vĩnh cửu mai sau, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại là hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Vậy thế nào là thái độ biết sẵn sàng và tỉnh thức? Hội Thánh, qua bài đọc thứ nhất trích Sách Tiên tri Isaia và bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Roma, muốn trình bày hai phương thế sống tỉnh thức sẵn sàng, xét theo phương diện tiêu cực và tích cực.

1. Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tiêu cực: Hãy loại bỏ những việc làm đen tối. Hãy dứt khoát với việc chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương. Không chìu theo tính tự nhiên mà thỏa mãn các dục vọng bất chính, đê hèn. Những hành vi bất chính, những thái độ bất xứng, những việc làm ám muội thường là những thái độ, hành vi, việc làm mà ta ít dám thể hiện công khai và thường không muốn cho ai hay, ai biết, ngoại trừ người đồng lõa, người tòng phạm.

Để sống tỉnh thức sẵn sàng theo nghĩa này thì xin hãy nhớ rằng không có sự gì mà sẽ không bị tỏ lộ. Chúng ta có thể che giấu một người nhiều lần. Chúng ta cũng có thể che giấu nhiều người một vài lần. Nhưng chúng ta khó mà che giấu mọi người nhiều lần. Nhất là chúng ta không thể nào che giấu được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can con người, từng người và mọi người (x.Tv 139).

Để sống sẵn sàng tỉnh thức theo ý hướng này không gì hơn hãy minh bạch hóa các việc làm của ta. Một người không ngần ngại công khai hóa các lời nói, tâm tư và hành động của mình thì sẽ tránh được nhiều sai sót, lỗi lầm. Và nếu có lỡ lầm hay sai sót thì cũng sẽ dễ có cơ hội khắc phục, sửa sai nhờ tha nhân góp ý, nhận định, phê bình.

2. Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tích cực: Lấy gươm đao rèn thành cuốc thành cày; lấy giáo mác đúc thành liềm, lưỡi hái. Một động thái tích cực thật tuyệt vời. Đó là quay ngược 180 độ các xu hướng xấu xa, các việc làm ám muội, các hành vi gian ác. Một ngày kia, người ta hỏi văn hào Bernard Shaw, một văn hào rất thông minh và dí dỏm trong lối ứng xử: Nhờ đâu, và bằng cách nào ngài có được những câu ứng xử vừa thông minh vừa dí dỏm như thế? Có gì đâu. Tôi cứ tưởng tượng ra một câu nói thật ngu ngốc và nhạt nhẽo, rồi tôi tìm cách nói ngược lại.

Ai trong chúng ta lại không có những điểm yếu, những nghiêng chiều bất chính, những thói quen không tốt, chẳng hay, nếu chưa muốn nói là xấu xa? Ai trong chúng ta lại không có những tội lỗi mà nếu công khai ra thì thật ngượng ngùng? Ai trong chúng ta lại không có nhũng lầm lỗi hay tái phạm nhiều lần, khó chữa, khó chừa? Cứ vạch rõ chúng ra rồi hãy làm điều ngược lại. Giả như tôi có tật xấu hay bủn xỉn, keo kiệt về tiền bạc thì ước gì tôi tích cực tập chia sẻ cho tha nhân cách cụ thể bằng những đồng tiền rút từ hầu bao của tôi.

Kinh “Cải tội bảy mối, có bảy đức” chúng ta dường như thuộc nằm lòng. Kinh ấy có ra không phải là để chỉ đọc trong các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng mà là để chúng ta sống. Có thể nói một cách chắc chắn rằng những ai sống nội dung kinh “Cải tội bảy mối…” là đang thật sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Người đang sẵn sàng và tỉnh thức thì không có gì là đột ngột hay bất ngờ mà là luôn trong tư thế chuẩn bị và đón chờ. Người biết đón chờ trong tư thế chuẩn bị thì hẳn sẽ gặp nhiều may lành khi giờ Chúa đến. Nói đến giờ Chúa gọi thì có thể có người cho là còn xa. Nhưng chắc chắn người biết chuẩn bị và đón chờ thì sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong dịp kỷ niệm Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất là Đại Lễ mừng Chúa Giáng Sinh.

Chúa Nhật I Mùa Vọng -A

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 24, 37-44).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.
"Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".

Suy niệm

Hôm nay, hoà chung cùng toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào một năm Phụng vụ mới với Chúa nhật thứ nhất Mùa vọng. Khi nhắc đến Mùa vọng, chúng ta thấy màu tím phụng vụ cách nào đó làm cho bầu khí thoáng buồn trong sự trông đợi, nhưng khi trở về với phụng vụ Lời Chúa, màu tím đó như được khoác lên một ý nghĩa khác, đó là màu của hy vọng, màu của niềm vui ẩn hiện trong sự đợi chờ như đang đợi ngày trở về quê hương.

Niềm vui đợi chờ, niềm vui trở về quê hương được tiên tri Isaia tái hoạ rõ nét qua những âm vang niềm vui: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người"; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem”. Niềm vui đang hiển lộ trên khuôn mặt mỗi người khi được mời gọi lên núi Chúa, nơi con người có thể gặp gỡ, trò chuyện với Ngài, và cũng nơi đó, con người không còn chứng kiến những cảnh chiến tranh hoang tàn, máu đổ lênh láng, bệnh tật và thiên tai vắng bóng, bởi đó là nhà của Thiên Chúa, là quê hương đích thực của con người: “Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa”. Hình ảnh của sự thái bình, của sự bình an ngập tràn, bên cạnh đó niềm hạnh phúc của những người đã trải qua những đau khổ, những tháng ngày bất hạnh, nay được cảm nếm hương vị của hạnh phúc, của tình thương và của sự sống đời đời. Một quang cảnh thật thanh bình, đó là hình ảnh được gợi mở để hướng con người về quê hương đích thực là Nước Trời, là gia đình của Thiên Chúa.

Lời nhắc của thánh Tông đồ dân ngoại gởi tới con cái thành Roma, cũng là một lời mời hướng về quê hương đích thực với tâm tình tỉnh thức mỗi ngày. Để bước vào thế giới của hoà bình, thế giới của tình yêu, con người mỗi ngày cần cố gắng làm việc trong niềm tin, cần có một thái độ sống tỉnh thức và cần có sự cố gắng đổi thay bản thân. Lời nhắc gợi lên rằng: “giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt”. Hành vi đức tin sẽ là hoa trái của sự cố gắng nơi mỗi người, hành vi đó được cộng góp từ những hy sinh mọi nhu cầu của bản thân, hy sinh cả những lời mời hấp dẫn đến từ cuộc sống của thế gian. Tất cả như là những hoa thơm trái ngọt, như là của lễ dâng về Thiên Chúa trong ngày các dân tề tựu với nhau trước toà Con Chiên. Nơi đó, mọi người sẽ được định đoạt về số phận cuộc đời. Nếu mỗi người đều mặc lấy tâm tình Kitô, sống tâm tình Kitô và ở lại trong Kitô, chắc chắn sẽ là những công dân gương mẫu trong vương quốc của Ngài, vương quốc của sự sống, vương quốc của chân lý, vương quốc của thái bình và hoan lạc trong Thánh Thần.

Khi con người mải mê với công ăn việc làm, với những toan tính cuộc sống hàng ngày, họ dễ bị xao nhãng tinh thần và xa dần với sự tỉnh thức. Dù biết rằng mọi cố gắng của con người để lo lắng cuộc sống không có gì là xấu xa, nhưng niềm tin và sự trông đợi ngày Chúa đến, tất sẽ ảnh hưởng và lắm lúc con người không còn tưởng nghĩ đến nữa. Câu chuyện thời ông Noe được tác giả thánh Matthêu gợi nhắc, để đưa con người trở về với tinh thần của Mùa vọng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy”.  Lắm lúc giữa cuộc sống ồn ào, con người tỉnh nhưng không thức, tỉnh táo trước mọi dấu hiệu của thời cuộc, tỉnh táo trong sự biến động của nhân loại, tỉnh táo trong sự bấp bênh của đời sống kinh tế nhưng họ không thức. Bởi họ bị cuốn vào những nhu cầu đó, cuốn vào những sinh hoạt hàng ngày, tâm hồn họ ngập chìm trong những tính toán cuộc sống, để rồi quên đi một sự tính toán cần thiết là chọn lựa giá trị nào cho tương lai mình. Họ không thức đủ để có sự minh mẫn trong chọn lựa, hoặc không thức đủ để biện phân giữa giá trị của Nước Trời và giá trị của trần thế, điểm đến nào cần thiết và quan trọng cho cuộc đời. Đọc được những mối nguy đang tiềm tàng trong con người, Đức Giêsu đã lên tiếng nhắc nhở: “Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”. Vì bị cuốn vào trong hấp lực của vật chất và chủ nghĩa cá nhân, con người dễ mất đi tâm tình sống trong sự sẵn sàng và tỉnh thức, bởi khi con người không tỉnh thức, không sẵn sàng, sẽ dễ bị rơi vào trong tình trạng phản Kitô, hoặc giả Kitô, hoặc không quy Kitô mà quy vào cái tôi bản thân. Vì lợi ích của gia đình, của bản thân, nhiều Kitô hữu sẵn sàng quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng, sẵn sàng chối bỏ chân lý và sự thật đến trong Tin Mừng, những giá trị từ tám mối phúc mà mỗi người đang đối diện hàng ngày, nơi đó không thiếu những giá trị phản Kitô. Tính nhân văn, tình yêu thương, phục vụ là những giá trị nhân bản được Đức Giêsu đề cập nhiều, nhưng hôm nay, con người nhân danh những giá trị đó để phá thai, để giết hại thai nhi, chấp nhận ly dị, chấp nhận hôn nhân đồng tính. Tất cả những giá trị đó có phải là những giá trị đối nghịch với nhân bản Kitô giáo, nhưng được con người biện hộ và hợp pháp hoá cho tất cả, một khía cạnh cần tỉnh thức.

Trong một xã hội đầy những chủ thuyết có liên quan về tâm linh, về tôn giáo, người Kitô hữu cảm thấy lúng túng, có phải đã đến ngày giờ chung cuộc của thế giới này không? Có phải đã đến lúc, lời tiên báo của Tin Mừng trở thành hiện thực không? Tất cả làm cho đức tin người tín hữu Kitô bị dao động, cùng với đó là những quan niệm về giá trị con người, giá trị tinh thần bị đảo ngược, tất cả như đang chống lại những giá trị đến từ Tin Mừng. Bởi thế, môi trường gia đình ngày hôm nay đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những quan niệm hiện đại mang màu sắc của vật chất và thực dụng. Nền tảng luân lý Tin Mừng đang dần được bị thay thế bởi những giá trị thực dụng, và khi những nhu cầu cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải chạy theo nó, thì những giá trị tôn giáo sẽ không còn trong suy nghĩ nữa. Một lúc nào đó, người tín hữu Kitô sống ơn gọi hôn nhân, có cần tỉnh thức, trong ơn gọi hôn nhân và gia đình nữa không?

Bên cạnh ơn gọi hôn nhân và gia đình, những ơn gọi khác cũng bị ảnh hưởng không ít từ những giá trị thực dụng của xã hội. Những ảnh hưởng đó phần nào tác động trực tiếp tới mỗi linh đạo của mỗi hội dòng, mỗi cộng đoàn. Nhân danh cuộc sống thì phải làm việc, nhiều ơn gọi hôm nay đã âm thầm rời cộng đoàn vì không còn đủ thời gian để người tu sĩ kín múc dưỡng chất cho tâm hồn, cho ơn gọi, và tìm gặp Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện. Công việc, những kế hoạch để mở rộng điều kiện phục vụ theo cách lý luận của người đương thời, như đang chiếm hết thời gian của người Tu sĩ, vì thế mọi nhu cầu tâm linh được thực hiện vì sợ phạm lỗi chứ không đến từ lòng mến và khát khao ân sủng, đến một lúc nào đó, tất cả mọi sinh hoạt tâm linh, mọi giá trị của Bí tích và đặc biệt là Thánh lễ, chỉ dừng lại hình thức lễ hội và cơ hội quảng bá những thành tựu về kinh tế và thành công của một nhóm, một cá nhân, chứ không do bởi Thánh Thần Thiên Chúa. Như vậy, những giá trị đó là phản Kitô, hay giả Kitô, hay quy về cái tôi của bản thân, chứ không quy về Kitô. Quả là những thách đố lớn trong hoàn cảnh cuộc sống hôm nay. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động và hoạt động liên lỉ trong lòng Giáo hội, để thức tỉnh con người và hướng dẫn con người sống theo chân lý và sự thật của Tin Mừng, nhưng thử hỏi tiếng nói của Ngài còn được đón nhận và lắng nghe với sự khiêm tốn đủ và sự chân thành cần thiết không?

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, sau khi Ngài sống lại, Ngài đã đưa nhân loại đi vào một thế giới mới, thế giới của sự sống, của chân lý và sự thật, nhưng con người đã và đang đánh mất dần những giá trị tâm linh cần thiết, xin Chúa sai Chúa Thánh Thần, một lần nữa đến với mỗi người, để hướng dẫn chúng con trở về với Thiên Chúa, Cha tình yêu. Chúa đã chấp nhận những thất bại khi làm người, để cho thánh ý Chúa Cha được vẹn toàn, xin giúp chúng con biết chấp nhận những yếu đuối trong cuộc đời, để luôn bước đi trong Chúa Thánh Thần, bởi Ngài là Thần Chân lý và Sự thật. Xin giúp chúng con can đảm hoàn trả những gì thuộc về Thiên Chúa, cho Thiên Chúa và những gì thuộc về thế gian, cho thế gian. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây