Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – B

Thứ năm - 05/09/2024 19:07 |   62
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. (Mc 7, 31-37)

08.09.2024
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – B

cn t23 TNb

Mc 7,31-37


quyền năng của đức giê-su
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7,31-37)

Suy niệm: Một số học giả nhận xét dân ta có tinh thần tôn giáo cao độ nhưng đồng thời cũng pha lẫn óc thực dụng. Điều đó được thể hiện qua nét tâm lý thường tình: mỗi khi có những “sự cố, vấn đề” đụng chạm đến cuộc sống như bị bệnh hoạn tật nguyền chẳng hạn, thì “hữu sự vái tứ phương”, thầy thuốc nào cũng chạy chữa, thần phật nào cũng cúng vái, đền chùa nào cũng khấn xin. Dân Do Thái cũng mang tâm trạng đó: có ai đau ốm tật nguyền đều đem đến Chúa Giêsu mong được chữa lành. Phúc Âm Mác-cô ghi lại tâm trạng “kinh ngạc” kèm theo lời tán tụng: “Ngài làm việc mọi việc đều tốt đẹp” như một lời vang vọng từ sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp.” Hiểu được điều này chúng ta mới nhận thấy Chúa Giê-su chứng tỏ thần tính của mình khi Ngài thực thi sứ vụ cứu thế như một cuộc sáng tạo mới: Ngài không chỉ chữa lành thân xác, cứu giúp những nhu cầu thể chất mà còn phục hồi con người toàn diện và biến đổi họ thành con người mới trong Nước Thánh Tẩy.

Mời Bạn: Hãy nhìn lên thập giá để tìm gặp “Đấng chữa lành”, nơi đó, chúng ta gặp được Đức Ki-tô, Đấng có khả năng chữa lành những thương tích, đặc biệt là những thương tích do tội lỗi gây ra là tiêu huỷ nơi chúng ta cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tiếp tục “những việc tốt đẹp của Thiên Chúa” bằng việc phục vụ nhằm nâng cao phẩm giá con người nhất là nơi người nghèo, bị bỏ rơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con góp phần bày tỏ vinh quang của Chúa qua những công việc bác ái yêu thương của chúng con với anh em đồng loại.

Ngày 8: Lạy Chúa! Chúng con, những con người bằng xương bằng thịt, khó tránh khỏi những lúc sức cùng, lực kiệt. Một trái tim nhỏ bé, yếu đuối, sẽ có khi cảm thấy thương tổn đau lòng, nhưng, không phải hễ có bao nhiêu uất ức, thì chúng con đều phải phơi bày lên khuôn mặt; càng không thể, hễ gặp khó khăn, là chúng con phải tìm người kể khổ. Nếu mọi nỗi đau đều có thể quên đi được, thì chẳng ai muốn giữ mình thanh thản. Nếu mọi vết thương đều có thể liền sẹo được, thì cần chi những cấm kỵ trên đời. Xin cho chúng con biết chấp nhận những giới hạn của bản thân và điều hợp chúng theo thánh ý Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Chỉ có Thánh Marcô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị câm điếc tại miền Thập Tỉnh, là nơi hầu hết cư dân là người ngoại. Người đã chữa bệnh câm điếc này bằng những cử chỉ cụ thể như: đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi và nói “Ephata ! Hãy mở ra”, và anh được chữa lành.

Việc Chúa chữa lành một người câm điếc như thế, không chỉ bày tỏ lòng xót thương của Chúa đối với người bệnh, mà còn là dấu chỉ của thời Thiên Sai đã đến, và ngày cứu độ đã kề bên, như các tiên tri đã báo trước: ngày ấy kẻ què được đi, người câm nói được.

Phép lạ đó cũng nói cho ông Gioan Tẩy Giả và mọi người biết những dấu chỉ, những điềm đã báo trước nay được thực hiện. Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ, đang ở giữa nhân loại…

Trong hân hoan đón mừng Chúa, chúng ta hãy tẩy sạch tâm hồn bằng lòng thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a

“Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5

“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?

Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 31-37

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giờ đây mỗi người chúng ta hãy thành tâm mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón Chúa vào lòng và xin Người đến chữa bệnh câm điếc thiêng liêng trong chúng ta:

1. “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên và tai người điếc sẽ mở ra” –  Xin cho các vị chủ chăn được tinh thần yêu thương của Chúa Kitô, sẵn sàng xả thân vì con chiên câm điếc thiêng liêng, để săn sóc, dạy dỗ, dẫn đưa họ về lắng nghe và ca tụng Chúa, nhờ gương mẫu thánh thiện của các ngài.

2. “Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo, để nhờ đức tin họ được nên giầu có và được hưởng nước Người đó sao?”.- Xin cho tín hữu luôn ỷ thức rằng: qua Bí tích Rửa Tội, họ đã trở nên Con Thiên Chúa, được thừa hưởng Nước Trời, cùng hiệp thông đời sống mới nhờ đức tin,cậy, mến, mà nên giầu có về mặt thiêng liêng.

3. “Người làm cho kẻ điếc nghe và người câm nói được”. —Xin cho những người khổ đau vì cô đơn, túng nghèo, bệnh tật, lao tù, được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người, để họ xác tín được tình thương Chúa dành cho họ.

4. Sự huyên náo ồn ào môi trường hôm nay, là căn nguyên tạo ra sự câm điếc thiêng liêng, khiến con người không nghe và đáp trả tiếng Chúa.- Xin cộng đoàn giáo xứ chúng ta dù đang sống giữa những giao động và xáo trộn của cuộc sống, vẫn biết duy trì một tâm hồn cầu nguyện, để sống gắn bó với Chúa Kitô.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã tách người bệnh khỏi đám đông rồi chữa lành. Xin cho chúng con thích sống âm thầm ẩn dật với Chúa, để chúng con có thể lắng nghe Lời Chúa và tâm sự với Chúa, Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

 Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

Câm và điếc

Tám thế kỷ về trước, tiên tri Isaia đã loan báo một thời đại mới, khi Đấng cứu thế đến, Ngài sẽ canh tân và đổi mới. Sẽ không còn đui mù, câm điếc, bệnh tật. Và phép lạ hôm nay chứng minh thời gian cứu độ đã đến, và Đức Kitô chính là Đấng giải phóng thiên hạ đợi trông, bởi vì Ngài đã thực hiện lời tiên tri Isaia: Cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được và người què quặt được nhảy như nai.

Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ chữa lành những tật bệnh phần xác, điều quan trọng là Ngài chữa lành những tật bệnh phần hồn. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội Ngài vẫn tiếp tục mở mắt mở tai cho một nhân loại câm điếc đối với lời Chúa, đối với Tin Mừng Phúc Âm.

Chúa Giêsu đem người câm điếc ra một nơi và Ngài chữa lành cho anh ta. Với chúng ta, Ngài cũng chăm sóc đến mọi người như thế, Ngài lo lắng cho mọi người như người mẹ lo lắng cho con mình. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời chúng ta trong bàn tay quyền năng và đầy tình thương xót của Ngài. Đồng thời chúng ta hãy kêu cầu Ngài: Lạy Chúa, xin mở miệng con để con không nói lời vu khống, phạm thượng, nhưng để ca ngợi Thiên Chúa và xây dựng tình bác ái huynh đệ.

Ngày xưa, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, vị linh mục đã diễn lại động tác của Chúa, khi ngài đặt tay trên tai và trên miệng chúng ta rồi bảo: Ephata, nghĩa là hãy mở ra, để chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và biết tuyên xưng những kỳ công của Ngài. Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần tăng cười nghị lực để chúng ta có đủ can đảm làm chứng cho đức tin.

Thế nhưng chúng ta đã sử dụng miệng lưỡi chúng ta như thế nào? Một giáo dân đã phải đau khổ thốt lên: Có những người cho đến cuối đời đã chẳng mở miệng nói về Chúa Giêsu cho một ai, ngay cả cho những người muốn tìm hiểu về Ngài. Chúng ta đã thua những người quảng cáo hàng hoá trên vỉa hè thành phố và những em bé bán báo, cũng như những người cổ động cho một nhân vật chính trị hay một thiên đàng trần thế.

Chúng ta hãy có can đảm như Bazin, một tiểu thuyết gia, trong một bài diễn văn đọc giữa hàn lâm nước Pháp, đã long trọng tuyên xưng đức tin của mình như sau: Với triệu triệu sinh linh, tôi sung sướng và tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa.

Tuy nhiên trước khi nói với người khác về Chúa, thì trong âm thầm chúng ta phải biết lắng nghe tiếng Chúa, qua những giây phút tâm sự và cầu nguyện, vì chúng ta chỉ có thể cho cái chúng ta đã có, chúng ta chỉ có thể nói về những cái chúng ta đã biết và đã kinh nghiệm. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố: Nếu không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, làm sao người công giáo, giữa muôn vàn tiếng nói ô hợp của thế giới, có thể lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa, làm cho mọi người phải xao xuyến và được cứu rỗi. Và hơn nữa, thế giới đang mong đợi nơi chúng ta một thứ ngôn ngữ được diễn tả bằng hành động, tức là một đời sống trong sạch và ngay thẳng, một đời sống đạo đức và thánh thiện, một đời sống bác ái và yêu thương.

Bởi vì đời sống gương mẫu của chúng ta cũng chính là một tiếng nói hùng hồn nhất để giới thiệu Đức Kitô cho những người chung quanh.

Lắng nghe

Trong một cuộc hội thảo, anh bạn ngồi bên tôi, không hiểu vì ngủ gật hay vì chia trí lo ra những chuyện đâu đâu, nên khi được mời lên phát biểu, anh đã đưa ra một ý kiến và để trình bày ý kiến này, anh đã đi vòng vo tam quốc, từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất, từ chuyện bên tây đến chuyện bên tàu, trong khi đó mọi người thì cứ tủm tỉm cười thầm. Cuối cùng, người điều khiển phải tạm ngắt ý kiến của anh ta và nói: Tất cả những điều anh diễn tả, cũng như đề nghị, chúng tôi đã trao đổi và bác bỏ ngay từ lúc mới bắt đầu cuộc hội thảo này rồi. Lúc bấy giờ, mọi người mới dám cười ồ lên.

Lâu ngày có người bạn tới chơi vào ban tối, chúng tôi đã nằm tâm sự với nhau về những ngày tháng xa xưa. Tôi nói và anh bạn gợi lại. Cứ thế cho tới một lúc tôi cảm thấy hình như chỉ còn mình tôi nói, ngó sang bên cạnh thì anh bạn tôi đã ngủ thiếp từ lúc nào không biết.

Từ hai mẩu chuyện trên chúng ta nhận thấy hai anh bạn yêu quí của tôi đã không biết lắng nghe hay không chịu lắng nghe nữa, cho nên một anh thì tưởng rằng ý kiến của mình là ý kiến đầu tiên được đề nghị. Còn anh bạn kia thì lại để tôi nói chuyện một mình với đêm tối.

Trong cuộc sống, có biết bao nhiêu người cũng đã không biết lắng nghe như thế. Phải chăng không biết lắng nghe đã trở nên như một lầm lỗi, một cơn bệnh thông thường.

Qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành cho một người không thể lắng nghe vì anh ta điếc. Cái điếc này không đáng trách. Điều đáng trách, đó là biết bao nhiêu người có đôi tai thính, nhưng họ lại không nghe thấy bởi vì họ không lắng nghe.

Kinh nghiệm cho thấy lắng nghe là một điều kiện rất quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thực vậy, đời sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu mọi người đều biết lắng nghe, để cố gắng hiểu được điều người khác muốn nói.

Sự cảm thông không phải là con đường một chiều. Nói và nghe đúng cách sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn và sẽ bắc được nhịp cầu cảm thông giữa chúng ta với những người chung quanh.

Dĩ nhiên dưới mái ấm gia đình, con cái phải lắng nghe cha mẹ nhưng đồng thời cha mẹ cũng phải lắng nghe con cái. Hãy bình tĩnh lắng nghe con cái mình nghĩ gì, cảm gì, muốn gì để rồi từ đó có những hướng dẫn, vừa không mang tính cách độc đoán, nhưng lại vừa hợp tình lại và hợp lý.

Ở trường, học trò phải lắng nghe thày cô, bởi vì nếu không lắng nghe thì chẳng hiểu được chi về bài vở của mình. Nhưng đồng thời thày cô cũng phải lắng nghe học trò trả lời hay đặt câu hỏi, nhờ đó mà trắc nghiệm được sự hiểu biết của học trò mà đổi mới cách thức giảng dạy.

Và nhất là ở đây, trong nhà thờ này, lắng nghe lời Chúa là một việc hết sức quan trọng. Lời Chúa muốn nói gì với tôi và Ngài mong muốn nơi tôi điều chi. Điểm chính của bài giảng hôm nay là gì? Phải chăng là hai chữ lắng nghe. Chúng ta cần nói với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải lắng nghe tiếng Chúa qua những giây phút thinh lặng. Chúng ta hãy thưa lên với Chúa như Samuel ngày xưa: Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe…

RAO GIẢNG & CHỮA LÀNH
(CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 23 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cứu chuộc và nhận chúng ta làm nghĩa tử, xin Chúa lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn chúng ta, là những kẻ tin kính Đức Kitô, xin Chúa cho chúng ta được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.

Tự do đích thực, ngay cả khi, đang bị bắt bớ, tù đày, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, từ nhà tù, Giêrêmia đã góp ý với vua. Cũng như Isaia, Giêrêmia làm cố vấn cho vua, nhưng, sứ mạng của ông không phải là khơi dậy các năng lực, mà là, thuyết phục những người còn ngần ngại, chưa chấp nhận rằng: phải chịu thảm bại trước mới được cứu thoát sau. Chính vì không tin lời đó mà Xítkigiahu đã chết trong lúc bị lưu đày. Chúng ta hãy chứng tỏ mình là người phục vụ Thiên Chúa trong mọi cơn gian nan, khốn quẫn, cả những lúc lo âu, những lúc chịu đòn vọt, tù tội. Tất cả những ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa, đều phải trải qua nhiều nỗi gian truân, mà vẫn một mực trung thành.

Tự do đích thực, khi khao khát đức công chính và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Yêu mến Thiên Chúa đòi phải săn sóc tha nhân, khao khát đức công chính cũng đòi phải xót thương đồng loại… Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài. Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, thì Chúa đã thi thố trước mặt phàm nhân cho ai tìm đến Ngài nương náu.

Tự do đích thực, khi tuyệt đối tin tưởng, và chỉ trông chờ vào sự giải thoát của một mình Chúa mà thôi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 145, vịnh gia đã cho thấy: Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù lòa. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Đừng đối xử thiên vị... Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Trong bài Tin Mừng, dân chúng nói: Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. Đức Giêsu rao giảngchữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, khiến dân chúng phải tán thán: ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp. Lời rao giảng của Chúa là Tin Mừng giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ lầm than. Việc làm của Chúa cứu chữa con người khỏi tình trạng đau khổ và phải chết. Chúa dùng ngón tay đặt vào lỗ tai người điếc, ngón tay mà Chúa dùng để trừ quỷ, để những kẻ tin, nhận ra Nước Thiên Chúa đang ở giữa họ, chúng ta đang tiến gần tới vực thẳm sự chết, nhưng vì điếc lác, cho nên, chúng ta không nghe được tiếng gọi dừng lại, giờ đây, ngón tay Thiên Chúa đã chữa lành đôi tai điếc lác của chúng ta, để chúng ta có thể nghe được tiếng gọi từ trời, mà kịp quay trở về. Nước miếng của Chúa bôi vào đầu lưỡi của chúng ta, để cởi trói và trao ban cho chúng ta thần khí mới, sự sống mới. Chúng ta sẽ được tự do đích thực khi đôi tai của chúng ta nghe được tiếng sự thật của Chúa, và lưỡi của chúng ta nói được lời sự sống của Người. Chúa đã cứu chuộc và nhận chúng ta làm nghĩa tử, ước gì chúng ta được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIII Thường niên -Năm B

CN23TNb 2

Mc 7, 31-37
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
        
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephata!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng.
        
Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm



HÃY MỞ RA!

(Chúa Nhật XXIII TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Loài vật vốn có tính bầy đàn. Con người thì có tính xã hội. Con người là hữu thể trong tương quan liên vị. Tôi chỉ thực sự là tôi trong tương quan với một ai đó. Chính vì thế sự tương quan liên vị là một nhu cầu sinh tồn của con người. Sự tương quan này được thể hiện rõ nét qua sự tiếp xúc. Một trong những cách thế để tiếp xúc hữu hiệu với tha nhân là đối thoại tức là nghe và nói. Thật bất hạnh cho những ai thiếu hay mất khả năng nói và nghe. Thoạt sinh ra mà bị câm điếc thì đúng là kém may mắn. Dân gian truyền miệng rằng hễ một người câm, không nói được thì trời cho điếc luôn để khỏi uất ức, tức tối khi nghe những lời không hay về mình mà không phản bác lại được. Thế nhưng y học thì cho thấy ngược lại: chính vì bị điếc nên người ta mới bị câm. Vì không nghe được nên con người không thể tập nói. Trẻ nói được là nhờ bắt chước, lặp lại những gì đã nghe.
        
Bài Tin mừng Chúa Nhật XXIII TN B tường thuật chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm điếc mà dịch chính xác hơn là điếc và ngọng. Đây là một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai mà Thánh kinh đã loan báo. Mất đi khả năng nghe và nói xét về thể lý là một khốn khổ và bất hạnh. Thế nhưng sự bất hạnh và khốn khổ ấy dường như chỉ hạn hẹp ở đương sự và có chăng là nơi vài người thân thích. Tuy nhiên nếu xét về bệnh điếc, câm hay ngọng về tinh thần thì sự khốn khổ và bất hạnh nó di hại cho nhiều người và hậu quả cũng khó mà khắc phục. Dù hai lãnh vực thể lý và tinh thần tuy khác nhau nhưng có sự trùng hợp đó là do bởi điếc (không nghe được, không chịu nghe, nghe không rõ, không đúng, không chính xác) nên người ta đâm ra điếc hay ngọng là không nói được, không được nói hay nói không được những điều cần nói, nên nói và phải nói. Ở đây chúng ta đặc biệt phân tích về căn bệnh tinh thần. Với các bài Thánh Kinh được trích đọc trong Chúa Nhật XXIII TN B này, chúng ta có thể tìm ra một vài nguyên nhân chính của căn bệnh câm điếc.

        
1. Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế, tuy nhiên cách thế thông thường mà Người phán dạy chúng ta là qua con người. Đọc lịch sử thánh, chúng ta nhận ra điều này: ngoài những dấu lạ điềm thiêng thì Thiên Chúa thường phán dạy qua những con người bé mọn, nghèo hèn cụ thể là các ngôn sứ, những người nghèo của Giavê. Đến thời kỳ viên mãn Thiên Chúa lại phán dạy chúng ta qua Người Con. Đó là một người thợ mộc bình thường xuất thân từ Nagiaret là một xứ sở không có gì đáng nói và từ một gia cảnh không có gì đáng trọng vọng.

        
Chúa Giêsu chọn gọi mười hai người cộng tác đặt làm tông đồ để rao giảng Lời Thiên Chúa thì cũng là những người thấp cổ, bé phận. Thánh Giacôbê Tông đồ qua bài đọc thứ hai cảnh tỉnh ta về cái lề thói thích thiên tư, gần gũi với những người sang giàu. Đây là một trong những nguyên cớ khiến ta bị điếc về tâm linh. Rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo vẫn có nghe nhưng họ thường nghe lời từ những người thuộc quyền, kém chức. Họ chỉ nghe thuộc hạ báo cáo và thế là có nghe cũng như không. Để khỏi bị điếc, tức là để nghe đúng, nghe chính xác thì không gì hơn là biết cúi xuống, gần dân, gần những người thấp cổ, bé phận, gần những người nghèo khổ lầm than.

        
2. Vẫn có đó nhiều người nghe rõ, nghe đúng, nhưng làm như không nghe, không biết. Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hay nói kiểu nói ngọng. Bài đọc thứ nhất cho ta chìa khoá tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này đó là sự sợ hãi, thiếu can đảm. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!”. Đức cố Gioan Phaolô II đã khai mở triều đại Giáo hoàng của Ngài với đoàn tín hữu bằng chính lời của Chúa Kitô: “Các con đừng sợ!” Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, không ít lần Chúa Kitô nhắn nhủ các môn đệ rằng hãy can đảm lên, đừng sợ! Và sau khi từ cõi chết sống lại thì hai từ “đừng sợ” vẫn được Người lặp đi lặp lại nhiều lần.

        
Sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại… là những cái sợ khiến nhiều người hành xử như chẳng thấy, chẳng nghe và họ đã không dám mở miệng bảo vệ công lý, rao truyền chân lý, nhất là không dám tố giác tội lỗi, cách riêng tội lỗi của những người đang nắm trong tay quyền cao, chức trọng, cả ngoài xã hội lẫn trong Giáo hội. Ngoài ra cũng cần kể đến một vài nguyên cớ khiến người ta dù có nghe đúng hoặc thấy rõ mà vẫn sợ không dám nói. Chẳng hạn như trường hợp vì có tật thì giật mình hoặc há miệng thì sợ mắc quai. Có thể do lầm lỗi hay khiếm khuyết nào đó của ta khiến ta thấy ngượng miệng khi phải nói điều gì đó phải nói. Đây là dữ kiện không mới, vì nó không chỉ là kinh nghiệm của người xưa mà còn là chuyện hiện sinh của kiếp người. Dễ dàng thông cảm với người còn chút tự trọng và chút liêm sỉ, ngại ngần lấy cái rác trong mắt tha nhân khi mà cái xà nhà đang ở trong mắt mình. Ta cũng có thể kể đến những trường hợp “ăn xôi chùa, ngọng miệng”. Ta nói không được vì đã hưởng nhận chút lợi lộc nào đó thiếu trong sáng. Tệ nạn cũng là quốc nạn của nhiều nước hiện nay là tham nhũng – hối lộ. Và hệ quả kéo theo là những vị hữu trách “nói không được”, những điều cần nói, phải nói hay nên nói theo bổn phận và trách nhiệm của mình.

        
“Ephata: Hãy mở ra!” Không chỉ hãy mở tai, mở mắt để thấy và để nghe hiện trạng của đất nước, của xã hội, của Giáo hội mà còn phải mở lòng ra để biết cảm thông với tha nhân trong sự liên đới trách nhiệm. Vẫn còn quá nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội vẫn chưa chu toàn chức vụ “công bộc” của nhân dân hay vẫn còn nhiều vị mục tử chưa xứng là tôi tớ của đoàn Dân Thiên Chúa. Những mặt trái hay những tồn tại ấy chắc hẳn có phần lỗi của chúng ta.

        
Dù khuyết tật về thể lý, nhưng người câm vẫn có thể nói bằng thái độ, cử chỉ hay bằng văn tự. Là Kitô hữu, chúng ta đã được Chúa Kitô thông chia nhiệm vụ ngôn sứ. Nếu vì lẽ gì đó mà chúng ta vẫn chưa can đảm lên tiếng hoặc có nói mà như không nói, vì chỉ nói chung chung, một kiểu nói ở đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng chẳng sai mà lại chẳng nhắm cho ai cả, thì chúng ta chưa hẳn thực sự là con người và chắc chắn không thể nào là con cái Chúa chính danh, đúng phận. Chính vì thế Chúa Kitô vẫn đang mãi phán truyền lớn tiếng: EPHATA! HÃY MỞ RA!


Tin Mừng Chúa nhật 23 Thường Niên -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 7, 31-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephata!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”.

Suy niệm

Có niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui được hồi sinh, được trở về sống trong vòng tay của gia đình, của bạn hữu và của cộng đoàn. Ngụp lặn trong niềm vui của gia đình và cộng đoàn, chính là lúc tìm lại được chính mình, tìm lại được vị thế của mình và hơn nữa, tìm lại được sự kết nối về tinh thần và cuộc sống với nhau. Người thanh niên câm và điếc bị chia cắt với gia đình, với bạn hữu và với cộng đoàn, bởi anh không thể hiểu người khác đang nói gì, đang mong gì và đang chia sẻ điều gì với anh, đồng thời, anh cũng không thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi nơi mọi người những gì anh cần cho cuộc sống, cho phận làm người. Con Thiên Chúa đã giúp anh vượt qua những rào cản đó, đưa anh trở về với giá trị của một con người, giúp anh tìm lại được chính mình, tìm lại được người thân, tìm lại được niềm vui cộng đoàn, đặc biệt là tìm gặp lại Thiên Chúa tình yêu.

Với một hành trình đầy thăng trầm của dân Do-thái, dù đang ở trên mảnh đất Ai-cập, hay đang rảo bước trong sa mạc Sinai, và ngay cả khi đã vào tới mảnh đất chảy sữa và mật, đời sống tôn giáo của họ chưa thể làm an lòng Đấng đã yêu thương và chăm sóc họ trên từng nẻo đường. Trước những đổi thay của cuộc đời, tiên tri I-sa-i-a đã lên tiếng, báo tin vui cho mọi người, Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ mỗi ngày và mọi ngày, luôn ở bên cạnh, chăm sóc và giữ gìn họ, đổi lại, họ hãy tin tưởng vào một mình Ngài: “Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng”. Thiên Chúa không phải là một vị thần ích kỷ và ghen tuông, trái lại, Ngài là Đấng giàu tình thương, luôn chăm sóc và bảo vệ con người mọi lúc mọi nơi, vì thế, thay vì buồn tủi, hay vui lên và cố gắng đổi thay mọi suy nghĩ và thái độ sống của mỗi người. Đó là điều làm cho Thiên Chúa vui thích khi ở giữa dân của Ngài.

Trước một mối tình thủy chung như thế, con người phải đáp lại bằng cách nào để cho cân xứng, thay vì sống thủy chung với Thiên Chúa, con người đã quay lưng lại, đã chạy theo những nhu cầu thực dụng với những hình thức tôn giáo bên ngoài, đó là những buổi cầu kinh với các thần ngoại, đó là những ngày tham dự các lễ hội từ các dân lân bang, có phải họ đã đóng cánh cửa tâm hồn của mình lại, có phải họ đã bịt tai, đã ngậm miệng nín câm đối với Thiên Chúa. Còn Thiên Chúa thì sao: “Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng”. Thiên Chúa luôn cố gắng chữa lành tất cả những vết thương từ tâm hồn cho đến thể xác của con người, chỉ mong sao con người sống tử tế với Ngài, chỉ mong sao con người đừng sống hai lòng, đừng lừa dối chính mình.

Cảm nghiệm được niềm vui khi Thiên Chúa chữa lành những nỗi đau của con người, thánh Gia-cô-bê đã khuyên nhủ anh chị em trong các cộng đoàn Giáo hội sơ khai, hãy luôn trân quý nhau trong tình huynh đệ, hãy cùng nhau xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn, bởi đó nguồn sống thiêng liêng và là động lực giúp mỗi người trung thành với Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Sự xuất hiện của Con Thiên Chúa làm người như một lời minh định về quyền làm người của mỗi người, Thiên Chúa không phân biệt kẻ giàu người nghèo, không coi trọng người khôn ngoan và bỏ qua những người thấp kém, Ngài luôn đề cao đến giá trị của mỗi tạo vật, bởi trong mỗi tạo vật luôn mang họa ảnh và hơi thở của Thiên Chúa. Đó thực sự là giá trị của mỗi người, đừng bịt tai và im tiếng khi Thiên Chúa đang dạy bảo con người.

Những căn bệnh thể lý luôn làm gián đoạn mọi sinh hoạt của con người, có những căn bệnh làm cho con người như mất kết nối với tha nhân, một tương quan với cộng đoàn, như căn bệnh câm và điếc. Đây là những căn bệnh liên quan đến ngũ quan của con người. Đó là những cánh cửa giúp con người mở ra với tha nhân, với thế giới, đồng thời cũng từ đó, bản thân đón nhận được nhiều nguồn năng lượng cả về tinh thần lẫn thể chất, giúp con người phát triển cách quân bình. Anh chàng bị câm điếc trong câu chuyện của bài Tin mừng, không phải để kể khổ về cuộc đời anh ta, nhưng cho người đọc thấy nỗi đau tinh thần khi anh ta bị mất kết nối với mọi người, với thế giới, đặc biệt với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa làm người đã mở lại những cánh cửa nặng nề đó cho chàng thanh niên, giúp anh ta tìm lại được chính mình, giúp anh ta tìm lại được người thân và niềm vui cộng đoàn. Thiên Chúa luôn thực hiện những gì con người không có khả năng thực hiện, Ngài luôn mở cho con người cánh cửa sự sống và niềm vui của tình Trời.

Tại sao ông nầy có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được? Đó là một phản ứng của đám đông khi nghe Đức Giêsu giới thiệu về lương thực trường sinh, về bánh hằng sống. Lời này chói tai quá, ai mà nghe được!? thêm một phản ứng từ các môn đệ, những người đi theo Đức Giêsu bấy lâu, và đó cũng là những suy nghĩ của đám đông khi nghe những bài giáo lý về Bánh hằng sống, về sự sống mai sau. Có phải căn bệnh điếc và câm đang đóng kín mọi cánh cửa tâm hồn của những người đang đi theo Chúa, đang nghe Chúa dạy bảo. Họ cố tình hay vô ý để rồi không hiểu được ý nghĩa của các bài giáo lý đó. Khi con người cố chấp, đóng hết mọi lối nẻo để Thiên Chúa có thể đến với mình và mọi người, họ sẽ trở nên những người khuyết tật tâm hồn, họ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt sự thánh thiện công chính, tình trạng đó đưa con người tới chỗ mất tương quan với Thiên Chúa và mất kết nối với anh chị em chung quanh. Thiên Chúa mong muốn được chữa lành những tâm hồn, những con người như thế, khi họ mở lòng đón Ngài vào trong cuộc đời của mình.

Lạy Chúa, sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trong thế giới đã đem lại cho nhân loại một niềm vui và nguồn hy vọng, bởi Ngài đã mở toang mọi cánh cửa bấy lâu bị khép chặt vì tội lỗi, xin giúp chúng con luôn sẵn sàng cộng tác với Con Thiên Chúa, mở toang mọi cánh cửa trong cuộc đời của mình, để mình sống nhưng không phải là mình sống mà là Đức Kitô sống trong mỗi người. Chữa lành những vết thương tâm hồn cho con người bằng tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, xin chữa lành những căn bệnh cố hữu trong mỗi chúng con, đó là hẹp hòi, ích kỷ và nhỏ nhen, để chúng con can đảm đứng lên, đi tới với những ai đang mong, đang chờ niềm vui chữa lành và nguồn hy vọng của cuộc sống hôm nay và mai sau. Amen.

VƯỜN GIÊSU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh!”.

Trong “Khu Vườn Bí Mật”, “The Secret Garden”, Burnett viết về một khu vườn khoá kín suốt 10 năm, cho đến khi cô bé Mary tình cờ có được chìa khoá. Cô đã chăm sóc, hồi sinh nó với tình yêu. Khu vườn sống lại với sự đổi thay của những đứa trẻ khác. Colin, một cậu trai èo uột luôn nghĩ mình sắp chết; Dickon, một cậu bé chỉ kết thân với động vật. Nhờ khu vườn, Mary không còn là một tiểu thư trái khoáy; Colin và Dickon tràn đầy hy vọng, “sẽ sống mãi”. Khu vườn bừng sức sống bởi ‘tình yêu cuộc sống’ của lũ trẻ!

Kính thưa Anh Chị em,

Qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, một người câm điếc được Chúa Giêsu ‘kéo riêng ra khỏi đám đông’, đưa vào một ‘khu vườn bí mật’ khác, ‘vườn Giêsu’; ở đó, Ngài chữa anh. ‘Kéo riêng ra’, một chi tiết khá bất ngờ, đầy thú vị, giàu ý nghĩa và không ít thời sự!

Tại sao Chúa Giêsu ‘kéo riêng’ người câm điếc khỏi đám đông? Phải chăng Ngài muốn anh ở một mình với Ngài, muốn ngỏ riêng với anh một điều gì đó? Ngài đưa anh vào vườn bí mật “Giêsu”, chính Ngài! Ở đó, Ngài chữa lành anh để tai anh nghe được “Lời Giêsu”, miệng anh kêu được “Tên Giêsu”, mắt anh thấy được “Ánh Sáng Giêsu”, và trái tim anh cảm nếm được “Lòng Thương Xót Giêsu”.

Có lẽ không ai trong chúng ta phải câm điếc thể lý, nhưng có lẽ, không ít người trong chúng ta câm điếc thiêng liêng, câm điếc tinh thần. Vì thế, chúng ta trục trặc trong việc hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Nguyên nhân của những khiếm khuyết trong việc nói năng thường là hệ quả khuyết tật của việc lắng nghe. Điều này đúng cả về thể lý lẫn thiêng liêng. Hôm nay, trong khu vườn linh hồn mình, Chúa Giêsu không chỉ đặt tay vào tai, nhưng đặt tay Ngài vào tim mỗi người chúng ta để chữa lành. Ngài cầu xin Chúa Cha mở lòng chúng ta để chúng ta có thể đón nhận ân sủng Ngài; đồng thời, mở ra với tấm lòng bác ái trước những nhu cầu của tha nhân, những người đang đau khổ cần trợ giúp - bài đọc hai. Chúa Giêsu muốn “mở ra” chính trái tim của chúng ta mà Ngài là Lương Y Chúa Cha sai đến sẽ chữa lành, “Mắt người mù sáng lên, và tai người điếc mở ra!” - bài đọc một.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ephphatha!”, “Hãy mở ra!”. Đức Phanxicô nói, “Chúa Giêsu đã tiết lộ cho chúng ta bí mật của một phép lạ mà chúng ta cũng có thể noi theo để ‘trở thành nhân vật chính’ của “Ephphatha” mà Ngài đã dùng để phục hồi khả năng nghe nói cho người câm điếc. Điều đó có nghĩa là mở lòng mình ra với những anh chị em đau khổ cần được giúp đỡ, bằng cách tránh xa sự ích kỷ và cứng lòng. Chính trái tim - cốt lõi sâu thẳm của con người - mà Chúa Giêsu đã đến để “mở ra”, để giải thoát, để làm cho chúng ta có khả năng sống trọn vẹn mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Ngài đã trở thành con người để con người, bị tội lỗi làm cho điếc và câm lặng bên trong, có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của Tình Yêu ngỏ với trái tim mình; và qua đó, có thể học nói ngôn ngữ của tình yêu, biến nó thành những cử chỉ quảng đại và tự hiến!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày hay ít nữa mỗi tuần, con được Chúa dẫn vào ‘vườn Giêsu’ khi tham dự Thánh Lễ hay những giờ cầu nguyện, xin chữa lành ‘hồn xác trí tri’ con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây