03/11/2024
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - B
Mc 12,28b-34
đạo chúa là đạo yêu nhau
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,28b-34)
Suy niệm: Trong cuốn “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (nxb Tôn Giáo, 2008), cha Đỗ Quang Chính ghi lại bức thư của linh mục thừa sai Gaspar d’Amaral viết ngày 31/12/1632, trong đó cho biết “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (tr. 61). Thật tuyệt vời! Đạo Chúa dạy đúng là đạo yêu nhau. Chúa Giê-su cho biết mọi giới răn của Ngài được tóm lại trong giới răn “mến Chúa, yêu người.” Gần 400 năm trước đây, các Ki-tô hữu cha ông chúng ta, đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương của Chúa và trở thành chứng nhân mạnh mẽ đầy thuyết phục trước anh em lương dân.
Mời Bạn: Tiếc thay, 400 năm sau, không còn nghe thấy “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” nữa. Vì sao và từ bao giờ danh xưng ấy bị mai một vậy? Phải chăng vì các “bổn đạo” không còn thực thi giới răn mến Chúa yêu người nữa? Là hậu duệ của các bậc tiền nhân đáng kính đó, chúng ta phải thành tâm kiểm điểm mình đã sống đạo yêu nhau như thế nào: Gia đình, cộng đoàn chúng ta đã loại bỏ hết mọi ghen ghét, tỵ hiềm, xúc phạm lẫn nhau… để chân thành cảm thông và quan tâm phục vụ nhau chưa? Chúng ta đã biết nhận ra và đón nhận những người bé nhỏ nghèo hèn quanh ta đang cần sự cảm thông chia sẻ chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một quyết tâm làm một việc phục vụ, dù âm thầm nhỏ bé, cho một người anh em bé mọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra Chúa nơi những anh chị em mà con gặp gỡ mỗi ngày, và cho con biết yêu thương họ như yêu mến Chúa.
Ngày 3 tháng 11: Lạy Chúa! Khi dâng các việc hy sinh hãm mình, và cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng con tuyên xưng niềm tin (1) vào sự sống lại và sự sống đời đời, (2) vào mầu nhiệm các thánh thông công, và (3) vào lòng thương xót của Chúa. Chúng con cũng bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng bác ái đối với những người đã ra đi trước chúng con. Chúng con cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của mình, để biết ra công tìm kiếm Chúa, là hạnh phúc đích thực. Xin cho chúng con ý thức rằng: Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời không chỉ là tháng của những người chết, mà còn là tháng của những người sống, đang trên đường: bước vào ánh sáng vinh quang. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù giúp tôi.
Dẫn nhập Thánh lễ
Anh chị em thân mến! Trong bối cảnh các dân tộc vùng Cận Đông thời Cựu ước thờ đa thần, như các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nước ta, thì dân tộc Israel luôn phải trung thành với một vị thần duy nhất là Giavê Thiên Chúa. Đó cũng là một hiện tượng khác thường: “Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất, ngươi chỉ được tôn thờ một mình Ngài”.
Ngày nay người tín hữu phải thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức, không chỉ trên môi miệng, trong nhà thờ, mà còn phải dùng hết mọi năng quan, mọi khả năng, mọi hoàn cảnh có được, để làm vinh danh Chúa.
Như thế, trong những giây phút này, chúng ta cần tu chỉnh bản thân bằng việc thành tâm hối lỗi, để tôn thờ Chúa cho xứng đáng.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6
“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
Xướng: Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28
“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.
Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sinh ra trong thân phận làm người, Đức Kitô đã thực hành luật mến Chúa yêu người một cách tuyệt hảo. Chúng ta hãy sống giống như Người đã sống, biết yêu như Người, để những ước nguyện chúng ta dâng lên được Chúa Cha thương nhận:
1. “Yêu đi rồi làm”.- Xin cho tình yêu Chúa nồng nàn nơi các vị Chủ chăn, thúc bách các ngài hăng say hoạt động truyền giáo, để mọi người khắp mọi nơi sớm nhận biết Thiên Chúa và được ơn cứu độ.
2. “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi” Xin cho các tín hữu chu toàn luật thánh hóa ngày Chúa nhật, mà dành trọn thời giờ cho việc tôn thờ Chúa và lo phần rỗi linh hồn mình.
3. “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.- Xin cho nhân loại biết xóa bỏ hận thù chia rẽ, kỳ thị chủng tộc, những âm mưu bá chủ hoàn cầu bằng mọi hình thức chiến tranh, để mọi người luôn sống trong cảnh thái bình thịnh vượng.
4. “Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”,- Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta biết thực hành giới luật yêu thương trọn hảo, để Nước Chúa ngự trị trong lòng chúng ta.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con đáp ứng những đòi hỏi của đức ái, bằng chân thành yêu thương nhau, nỗ lực cải thiện bản thân, để không trở nên nguyên nhân gây mâu thuẫn và chia rẽ cho nhau, nhưng nên nhân chứng của Đức Kitô là Vua tình yêu và là Chúa an bình, Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.
Hoặc đọc:
Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….
Suy niệm
Mến Chúa yêu người
Qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hai khía cạnh của một giới răn, đó là lòng mến Chúa và tình thương người.
Trước hết là lòng mến Chúa.
Trong Cựu ước Chúa phán bảo người Do Thái: Ngươi hãy kính mến Chúa hết lòng và hết sức ngươi. Trong Tân ước Chúa Giêsu cũng bảo: Giới răn trọng nhất đó là ngươi hãy kính mến Thiên Chúa hết tâm hồn và trí khôn ngươi.
Thánh Gioan vị tông đồ, thấu triệt được đường lối của Chúa Giêsu, đã viết: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong tình yêu thì người ấy ở trong Thiên Chúa. Và thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: Anh em hãy mặc lấy đức ái, là giềng mối mọi sự trọn lành.
Như thế, chúng ta thấy lòng mến Chúa là mục đích chúng ta phải theo đuổi trong cuộc sống trần gian hay nói cách khác, đó chính là sự thánh thiện vậy. Qua giòng thời gian, các thánh, là những người đã xác tín được cái chân lý ấy và đã ra sức thực hiện trong lòng cuộc đời của mình.
Thánh nữ Têrêsa đã viết: Tôi hiểu rằng Giáo Hội có một trái tim, trái tim ấy bùng cháy ngọn lửa tình yêu… Tôi hiểu rằng chỉ tình yêu mới làm cho các chi thể hoạt động. Nếu tình yêu mà lịm tắt, thì các vị tông đồ không còn đi loan báo Tin mừng, các vị tử đạo không còn đổ máu ra để làm chứng cho Phúc âm. Lòng mến này được biểu lộ qua việc chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa bằng những tâm tình cầu nguyện. Nhất là được biểu lộ qua việc chúng ta thực thi thánh ý Chúa, mỗi khi chúng ta làm một việc dù là nhỏ mọn nhất. Chúng ta hãy biết thân thưa với Chúa như thánh nữ Bernadetta: Lạy Chúa, xin cho con biết chu toàn mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.
Người ta kể lại thánh Arcadio, khi bị dẫn tới pháp trường, ngài đã bình tĩnh chấp nhận bị khổ đau, rồi ngài nói với những người đứng chung quanh: Chết vì Chúa là được sống, khổ vì Chúa là được hạnh phúc.
Tiếp đến là tình thương người.
Trong Phúc âm Chúa phán: Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi. Các ngươi hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Thầy truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.
Thánh Augustinô đã giải thích tư tưởng của Chúa như sau: Tình thương là dấu chỉ duy nhất để phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỉ. Mặc cho những ai cứ làm dấu thánh giá trên trán, cứ chịu phép rửa tội, cứ vào nhà thờ, nhưng chỉ có tình thương mới phân biệt được ai là con cái Thiên Chúa.
Đức Giám mục Bossuet cũng nhấn mạnh: Ai chối bỏ tình thương là chối bỏ đức tin. Ai chối bỏ đức tin là sống ngoài Giáo Hội. Bởi vì như lời thánh Gioan đã diễn tả: Anh em là những người họ trông thấy mà họ chẳng yêu thương, thì làm sao họ có thể kính mến Thiên Chúa Đấng mà họ chẳng hề trông thấy bao giờ.
Bên Âu Mỹ, người ta thử nuôi những trẻ sơ sinh bằng máy dưỡng nhi thay cho người. Với những máy móc ấy, con trẻ được nuôi một cách rất khoa học. Ăn uống đầy đủ, vệ sinh chu đáo. Thế mà đứa trẻ cứ mỗi ngày một ốm o gầy mòn, biếng ăn kém ngủ. Thế nhưng, khi người ta thêm vào trong phòng một cái máy phát ra những tiếng động như nhịp đập của trái tim người mẹ, thì các em trở lại bình thường, ăn ngon ngủ kỹ, da dẻ hồng hào. Như vậy cái yếu tố thiết yếu trong cuộc sống là yêu và được yêu.
Kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Thực hiện được hai điều ấy là chúng ta đã chu toàn được mọi lề luật, và mọi lời Chúa truyền dạy.
Mến Chúa yêu người
Vào một buổi sáng mùa đông, nhóm tù công giáo quây quần bên nhau, chia sẻ Lời Chúa với dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành. Họ trao đổi với nhau và tìm cách áp dụng tinh thần yêu thương vào cuộc sống hằng ngày. Căn phòng không đủ ấm vì từng cơn gió lạnh thổi tới. Một tù nhân nghèo túng, trên người chỉ có một bộ quần áo mỏng manh, đang ngồi mà cứ run lập cập. Bên cạnh đó, một bạn tù khoác những hai chiếc mềm. Và thế là, trong lúc mọi người bàn luận về cách thức tương trợ lẫn nhau, người bạn tù đột nhiên đúng dậy, tiến đến và choàng một chiếc mềm lên người tù nghèo túng. Cử chỉ của người bạn tù đã gây được một ấn tượng mạnh mẽ cho cả nhóm hơn bất cứ lời nào họ nói ra để chia sẻ.
Và cũng từ mẩu chuyện này, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Thực vậy, chúng ta thường nói: Con người đầu đội trời, chân đạp đất, vì thế sống trên đời chúng ta có hai bổn phận phải chu toàn, đó là mến Chúa và yêu người. Hai bổn phận này phải luôn luôn đi đôi với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Nói cách khác, đó chỉ là hai phương diện của một giới luật duy nhất, giới luật yêu thương. Chúng ta không thể cầu nguyện và gắn bó mật thiết với Chúa, nếu như chúng ta không đối xử với những người bên cạnh chúng ta bằng những hành động bác ái. Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết: Nếu ai nói rằng mình kính mến Chúa là lại ghét bỏ anh em, thì quả thật kẻ ấy chỉ là một tên nói dối, bởi vì hắn ta không thể kính mến Chúa là Đấng hắn chẳng hề trông thấy bao giờ, nếu hắn không yêu thương anh em, là những người hắn luôn thấy được. Chính Đức Kitô cũng đã dạy: Ai kính mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em. Hai lệnh truyền này tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không yêu thương anh em thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn kính mến Thiên Chúa nữa. Có một câu danh ngôn đã bảo: Tôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng làm sao thấy được bởi vì Ngài là Đấng thiêng liêng. Thế nhưng khi tôi tìm kiếm người anh em, thì tôi sẽ gặp được chính Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người anh em nghèo khổ: mỗi khi chúng ta cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, người đau yếu và bị cầm tù được viếng thăm là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy.
Thế nhưng, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình của chúng ta. Không yêu thương những người thân cận ruột thịt, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ khó mà yêu thương những kẻ xa lạ cho được. Vậy chúng ta đã dành tình yêu thương cho những người thân cận trong gia đình thế nào? Nếu chúng ta trả lời là chưa đậm đà cho lắm, thì có lẽ tình yêu thương chúng ta dành cho bà con lối xóm cũng sẽ chẳng khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu thương bà con lối xóm cho mặn nồng thì chắc chắn chúng ta cũng không thể kính mến Thiên Chúa một cách nồng nàn được.
Trái lại, nếu chúng ta yêu quý những người thân cận trong gia đình, thì chúng ta mới có thể yêu quý những người bà con lối xóm. Và một khi đã yêu quý những người bà con lối xóm, thì chắc chắn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng kính mến Thiên Chúa. Dấu chỉ và bộ đồng phục của người môn đệ Chúa phải là lòng bác ái, và ngôn ngữ của người Kitô hữu, thứ ngôn ngữ mà nhờ đó bất cứ ai cũng có thể hiểu được về Thiên Chúa và về bản thân chúng ta, đó phải là ngôn ngữ của tình yêu thương.
Điều răn đứng đầu
Đối với một số bạn trẻ, yêu chẳng có gì khó. Yêu là gặp nhau, quen nhau, nhớ nhau. Yêu là hẹn hò, viết thư, tặng quà sinh nhật. Nhưng dần dần quan niệm về tình yêu trở nên sâu xa hơn. Các bạn nhận ra yêu là trao hiến bản thân, là hy sinh chính mình để sống cho người khác.
Tình yêu đích thực không dễ như nhiều người lầm tưởng. Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.
Một vị kinh sư tốt lành hỏi Đức Giêsu về điều răn đứng đầu trong số 613 khoản luật. Ngài trích Ngũ Thư để tóm lại trong hai điều răn chính: yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Tất cả lề luật cô đọng trong một thái độ là yêu mến.
Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật. Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu.
“Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Thánh Âu-tinh phàn nàn là mình đã yêu Chúa quá muộn. Còn chúng ta lại thấy mình yêu Chúa quá ít và hời hợt.
Khi nghe Đức Giêsu nhắc lại lời kinh của người Do Thái: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với trọn cả trái tim ngươi, với trọn cả linh hồn ngươi, với trọn cả trí khôn ngươi, với trọn cả sức lực ngươi…”, ta mới thấy đòi hỏi quyết liệt của Thiên Chúa. Ngài muốn ta yêu Ngài bằng tất cả con người mình.
Cụm từ “với trọn cả” được lặp lại nhiều lần như nhắc ta chẳng nên giữ điều gì lại.
Sống điều răn thứ nhất là đặt Chúa lên trên hết, là dành ưu tiên một cho Chúa giữa những ưu tiên. Coi Chúa là tất cả, mãn nguyện vì có Chúa. Dành cho Chúa tất cả, để Chúa chiếm trọn mình.
Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất: yêu người thân cận như chính mình. Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương đến vô cùng. Trong Chúa, tôi nhận ra tha nhân là anh em, con một Cha, là hình ảnh của Đức Kitô đang cần tôi giúp đỡ. Trong Chúa, tôi cảm nhận phẩm giá đích thực của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí.
Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa tôi về với anh em. Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục hiến trao. Đó là nhịp đập bình thường của trái tim người Kitô hữu, cứ đong đưa giữa hai tình yêu. Hay đúng hơn chỉ có một tình yêu: tôi yêu tha nhân trong Chúa và tôi yêu Chúa nơi tha nhân.
Đức Giêsu đã sống đến cùng hai điều răn Ngài dạy. Ngài sống để yêu và chết vì yêu. Tình yêu của Ngài là lễ toàn thiêu và hy tế.
Mỗi tối tôi lại xét mình về tình yêu để thấy mình còn yêu quá ít.
Gợi Ý Chia Sẻ
Đâu là chỗ đứng của Thiên Chúa trong đời bạn? Nếu bạn xếp hạng, bạn thấy Ngài bị đặt dưới những thụ tạo nào?
Bạn thấy yêu tha nhân có dễ không? Bạn làm gì khi phải sống với một người không hợp tính với bạn?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con. Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con. Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con. Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con. Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con. Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con. Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con. Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con. Trước khi con đặt Chúa lên trên hết, Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con, Chúa luôn đi trước con. Chúa làm trước khi Chúa dạy. Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi. Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.
Luật tối thượng
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Không có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do Thái. Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay. Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường. Hôm nay, nhân một thắc mắc rất hợp lý, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ những điểm then chốt trong lề luật. Đó là:
Thiên Chúa là độc nhất vô song. Đây là một chân lý nhưng nhiều khi bị lãng quên. Thiên Chúa là chủ tể muôn loài. Ngài là Đấng duy nhất cao cả. Không ai có thể sánh bằng. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống của muôn loài muôn vật. Ngài là mục đích của muôn loài muôn vật. Vũ trụ chỉ tồn tại trong Ngài. Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.
Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Tuy nhiên Chúa là chúa tể mọi loài. Quyền uy vô song tuyệt đối. Nhưng Ngài là Thiên Chúa rất mực yêu thương. Ngài ban cho ta sự sống. Ngài nhận ta làm con của Ngài. Ngài cai quản vũ trụ không bằng quyền uy nhưng bằng tình thương. Ngài là người cha luôn yêu thương con cái. Ngài mong muốn ta đáp lại bằng tình yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên Chúa không những là điều công bằng và hợp tình hợp lý, mà còn đem lại cho ta sự sống và hạnh phúc. Xa lìa Thiên Chúa đưa ta đến diệt vong vì mất sự sống và mất hạnh phúc. Nhưng con người yếu hèn, lại bị ma quỉ cám dỗ, nên thường lãng quên Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa và phản bội tình yêu của Ngài.
Yêu tha nhân như chính mình. Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.
Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng tình yêu là quan trọng nhất. Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười điều răn: Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy.
Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.
Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn giúp ta xây dựng một thế giới mới chan chứa tình người. Thế giới còn chiến tranh, xã hội còn nhiều bất công vì con người chưa tuân giữ luật Chúa. Nếu mọi người biết yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thế giới sẽ tươi đẹp, cuộc sống sẽ hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Bạn có thấy điều này là hợp tình hợp lý không?
2) Tại sao ta phải yêu mến tha nhân?
3) Bạn hãy tưởng tượng ra một thế giới trong đó mọi người giữ luật yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Bạn thấy thế giới đó thế nào?
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên -B
Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
HẾT CẢ TRÍ KHÔN
(Chúa Nhật XXXI TN B) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Mến Chúa và yêu người là một điệp khúc quá quen thuộc với Kitô hữu. Từ em bé đã qua tuổi “xưng tội rước lễ lần đầu” đến các cụ già mà chưa lẫn trí thì đều nằm lòng câu kết trong kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy – Amen”. Là người con cái Chúa trong Giáo Hội Công giáo, có thể khẳng định rằng, hiếm có ai tự nhận mình không yêu mến Thiên Chúa. Dù minh nhiên hay mặc nhiên, chúng ta đều xác nhận rằng mình phải yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên mức độ của lòng yêu mến ấy đến đâu cũng như cái cách thức yêu mến ấy có đúng hay không thì cần phải xem xét.
Trước câu hỏi của vị luật sĩ về giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã lấy lại đoạn sách Đệ Nhị Luật đồng thời có thêm một chút để trả lời: “Nghe đây, hỡi Israel! Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất! Người phải yêu mến Đức Chúa, Chúa các ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi…” (x.Mc 12,28-34; x.Đnl 6,2-6). Xin mạn bàn về yếu tố Chúa Giêsu thêm đó là “hết trí khôn”, cụm từ không có trong sách Đệ Nhị Luật.
Trí khôn là một trong hai cơ năng của linh hồn mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài thụ tạo hữu hình. Đã là người thì ai cũng chân nhận rằng nhờ trí khôn mà con người trỗi vượt các loài vật bậc thấp. Chuyện tích về bác nông phu mưu trí đánh thắng con hổ là một ví dụ. Cũng là làm việc nhưng nhờ trí khôn, con người ý thức mình làm việc gì với động cơ và mục đích gì. Chính vì thế cung cách làm việc của con người mỗi ngày mỗi mới, phát triển và hoàn thiện không ngừng. Trong khi đó loài vật vì thiếu khả năng này nên cách hoạt động của chúng hầu như không đổi thay mà nếu có thì cũng rất nhỏ và qua một thời gian rất dài chịu điều kiện hóa bởi các yếu tố của giới tự nhiên mà thôi.
Khi thêm vào yếu tố “trí khôn” chắc hẳn Chúa Giêsu không chỉ đề cập đến một nét cao quý của con người mà còn lưu ý đến cung cách “giữ đạo”, “sống đức tin” của dân Chúa xưa và chúng ta mọi thời, mọi nơi. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần hữu ý vi phạm luật sạch nhơ và luật ngày hưu lễ của Do Thái giáo thời bấy giờ. Người cố tình làm như vậy, vì người ta đã giữ luật cách máy móc, vụ hình thức mà quên mất mục đích và ý nghĩa của luật. Chẳng hạn luật sạch nhơ có ra là để dân Chúa biết giữ gìn tâm hồn trong sáng và làm thanh sạch cõi lòng khỏi các vết nhơ của tội lỗi, khỏi những tham lam và đam mê bất chính. Do đó cách thế giữ luật phải chú trọng đến tâm hồn hơn là quá tỉ mỉ, chi li với những nghi thức bên ngoài như rửa chén bát, rửa chân tay… Muốn tâm hồn được thanh sạch là phải loại khỏi tâm trí những ý định bất chính, xấu xa và Người đan cử một số điều như: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Bên cạnh đó để làm cho tâm hồn mình trinh trong thì Người dạy phải sống đức ái qua việc liên đới chia sẻ với tha nhân: “Hãy đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho các ngươi (Lc 11,41).
Với trí khôn thì khi thực hiện các hành vi đạo đức của tôn giáo, chúng ta phải biết rõ hành vi ấy là gì (What?) Vì sao phải thực hiện điều ấy là làm việc ấy để nhằm mục đích gì (Why?). Và rồi chúng ta sẽ biết làm việc ấy như thế nào (How?), ở đâu và trong hoàn cảnh nào (Where? When?). Khi một số biệt phái trách cứ rằng các môn đệ mình không ăn chay thì Chúa Giêsu nhân đó đã dạy họ phải sống đạo với cả trí khôn. Trước hết hãy ý thức ăn chay nghĩa là gì và vì sao ăn chay để rồi biết cách ăn chay đúng đẹp thánh ý Thiên Chúa. Ăn chay là một hình thức sám hối, thú nhận tội lỗi, nhất là tội nghiêm trọng.
Xưa vua quan dân thành Ninivê đã dùng sự ăn chay để bày tỏ sự ăn năn sám hối về tội lỗi tày trời họ đã phạm khiến Chúa đe phạt hủy diệt cả thành. Trong khi đó nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu không chỉ lầm mà còn giảng dạy sai lạc. Họ lầm tưởng rằng ăn chay là một trong những cách thế thu tích công đức trước mặt thiên hạ và cả trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện có người biệt phái vào đền thờ ngửa mặt kể lể công trạng ăn chay với cả Thiên Chúa. Để khẳng định điều này thì Người nói rõ: “Không lẽ thực khách hay các phù rể có thể ăn chay khi tân lang đang còn ở với họ. Khi nào tân lang bị đem đi thì bấy giờ họ mới ăn chay” (x.Lc 5,33-39). Khi đang còn ở với Thầy Giêsu thì cách nào đó các tông đồ đang còn ở trong ân sủng. Khi phạm trọng tội là lúc chúng ta xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình và lúc đó mới thực sự cần phải ăn chay.
Không dám hồ đồ nhưng có vẻ đến hôm nay còn không ít Kitô hữu từ giáo dân đến tu sĩ, giáo sĩ vẫn sống đạo một cách máy móc, nếu không muốn nói là thiếu ý thức đúng và đủ những gì mình thực hành. Vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra lệnh Kitô Hữu Công giáo ăn chay một ngày (22/10) và mời gọi đoàn tín hữu sống mùa dịch bệnh trong tinh thần chay tịnh. Nếu không được hướng dẫn thì đoàn tín hữu dễ lầm tưởng rằng vì nhân loại tội lỗi nên bị dịch bệnh, khiến cho một số người hiểu lầm như nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu. Và cũng có thể có nhiều người nghĩ rằng ăn chay hãm mình hy sinh như lễ vật dâng lên Thiên Chúa hầu mong Người đoái thương khử trừ dịch bệnh. Thế mà đã gần hai năm nay biết bao lễ vật hy sinh trên khắp thế giới cùng với lời cầu nguyện dâng lên mà như chưa thấu đến Đấng Toàn Năng. Tình cảnh này có thể làm cớ cho nhiều người hoài nghi và than thở như cố nhạc sĩ họ Trịnh là “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người…”.
Chuyện chay tịnh, hãm mình, hy sinh thì ai ai cũng mến phục. Tuy nhiên việc sống khắc khổ, kiêng khem trong tình cảnh mà người dân, nhất là người nghèo, người đang thiếu thốn lương thực cần phải có đủ sức đề kháng để chống dịch thì xem ra cần được giải thích và hướng dẫn cho thấu tình đạt lý dưới ánh sáng đức tin. Truyền thống là tốt. Thế nhưng nhiều khi nó cũng có thể kìm giữ chúng ta trong lối mòn của thứ rượu cũ. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới, nhưng người ta lại thích rượu cũ và giữ mãi cái bầu cũ hơn. Đức Phanxicô đã từng cảnh giác về kiểu biện bạch để khỏi canh tân, đổi mới đó là: “xưa đã là như vậy rồi”. Với cả trí khôn thì việc sống đức tin đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành mỗi ngày. Chắc hẳn có đó nhiều cơ chế, luật lệ và hình thức sống đạo trong Giáo hội cần đổi thay khi đoàn con cái Chúa biết sử dụng trí năng để sống đức tin cách ý thức trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm.
ĐỘNG LỰC YÊU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi!”.
“Tôi yêu nhân loại; đó là những con người mà tôi không thể chịu nổi!” - Charlie Brown.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhiều người sẽ đồng cảm với Charlie Brown - một nhân vật truyện tranh. Nhưng cuộc sống không phải là tập truyện tranh; cuộc sống là cuộc sống, sống các mối tương quan! Vậy làm sao có thể sống các mối tương quan? Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiết lộ cho chúng ta một động lực - ‘động lực yêu’ - đó là, “Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi!”.
Nhiều người cảm thấy không yêu nổi cuộc sống, nên ai cũng ngưỡng mộ một tình yêu trọn vẹn và trung thành. Tương tác của Chúa Giêsu với vị kinh sư chỉ cho chúng ta tình yêu này. Đây là một nguyên tắc đơn giản, bao trùm tất cả để sống. Hơn nữa, đây chính xác là điều mà thế giới hôm nay ‘đang thiếu, đang cần và đang muốn’. Chúng ta muốn đơn giản hoá cuộc sống mình và Chúa Kitô đã làm cho ‘bản đồ cuộc sống’ đó trở nên đơn giản. Chỉ cần hành động vì tình yêu dành cho Chúa và hợp nhất tất cả sức mạnh, trái tim, tâm hồn và trí óc của mình trong nỗ lực duy nhất này: Yêu mến Chúa. Thế là đủ! Bạn và tôi có đang làm phức tạp cuộc sống một cách không cần thiết không? Ý nghĩa thay, Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa là sức mạnh con, con yêu mến Ngài!”.
Muốn đến đích, đường ngắn nhất là đường thẳng. Khi yêu Chúa hết lòng, Ngài là ‘động lực yêu’, chúng ta sẽ đi thẳng con đường của mình. Tuy nhiên, khi chúng ta có những tình yêu khác, những tình yêu ‘cạnh tranh’ khiến Chúa không có trong hành động của chúng ta, chúng ta sẽ mất đà và ‘lang thang theo đủ mọi hướng’, và như thế sẽ không đến gần được Vương quốc. Chúng ta không thể hợp nhất mọi thứ trong một tình yêu đơn phương dành cho Chúa sao? Nếu làm được, thì mọi email, mọi cuộc điện thoại, bữa ăn gia đình, sự kiện, các cuộc họp và lớp học, mọi việc vặt - hoàn toàn là mọi thứ - sẽ đưa chúng ta đến Vương quốc chứ không phải rời xa nó.
Thư Do Thái hôm nay cho biết, Chúa Giêsu, “Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” hằng chuyển cầu cho chúng ta; cuộc sống của Ngài trở nên tấm gương toàn bích về cách sống của chúng ta. Ngài thể hiện một tình yêu không vẩn đục. Noi gương Ngài sống tình yêu đối với Chúa Cha, với nhân loại, chúng ta có ‘động lực yêu!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi!”. Nhìn lên thánh giá, chúng ta biết mình được yêu đến mức nào và phải đáp trả tình yêu đó thế nào. Chúa Kitô dành cho Chúa Cha và cho nhân loại tất cả khi Ngài phó dâng chính mình. Tình yêu của Ngài không là chịu đựng - như Charlie Brown - nhưng là ôm lấy, gánh lấy, mang lấy, yêu lấy, sống lấy cuộc sống nhân loại, và cứu lấy nó; trong đó, có cả những kẻ giết Ngài. Hãy đến với Ngài, kín múc sức mạnh hầu có thể tiếp tục yêu như Ngài yêu, ôm lấy như Ngài ôm lấy. Đó chính là ‘động lực yêu’ làm cho tình yêu trổ hoa sinh trái trong gia đình, trong cộng đoàn, làng xóm, công sở. “Yêu thương là hoa trái trổ sinh cả bốn mùa, ngang tầm với của mọi người” - Mẹ Têrêxa. Được như thế, bạn và tôi không còn xa Nước Thiên Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì tình yêu Chúa trong con đầy tràn đến mức con có thể yêu lấy bất cứ ai Chúa đặt trên đường đời, cả những người xem ra con không thể chịu nổi!”, Amen.
AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 31 Thường niên -B
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn