SNTM Chúa nhật 31 Thường niên -B

Thứ tư - 30/10/2024 21:38 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   32
“Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” (Mc 12, 28b-34)

Tin Mừng Chúa nhật tuần lễ 31 thường niên B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN31TNb a2


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 12, 28b-34)

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXXI Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 


Suy niệm

Dù sống trong một thế giới với nhiều sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, của mọi khía cạnh cuộc sống, nhưng không thiếu những phút giây con người cảm thấy lúng túng trước một khía cạnh khá đặc biệt là vấn đề tín ngưỡng và niềm tin. Càng giàu có, khá giả, con người càng lệ thuộc vào thế giới thần linh, càng có nhiều nghi thức mang tính bí ẩn, con người càng tạo ra cho mình nhiều thần linh, nhiều giáo phái có niềm tin lệch lạc. Câu chuyện này không chỉ xuất hiện trong thời đại này, nhưng đã ẩn hiện từ lâu, có thể nói từ lúc con người có mặt trên thế giới. Dân Do-thái, một dân tộc được gọi là dân riêng của Thiên Chúa, nhưng từ thuở ban đầu, họ là một dân tộc đa thần giáo, chính niềm tin đa thần này đã ảnh hưởng rất nhiều đến mọi sinh hoạt của dân tộc này. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 31 thường niên mời gọi mỗi tín hữu xem xét lại niềm tin của mình, đó có phải là niềm tin chính thống không, vị thần có tên gọi là Thiên Chúa có thực sự hiện hữu và có ảnh hưởng đến sự hiện hữu của con người không?

Sau khi rời đất Ai-cập, dân Do-thái tiến về đất hứa, đồng thời cũng hình thành dần một dân tộc được Thiên Chúa chọn. Họ được Ngài che chở, bảo vệ và chăm sóc từng ngày, cùng với những niềm vui đó, họ phải tuân giữ các lề luật của Thiên Chúa được khắc ghi trên bia đá, đó là các giới răn. Từng ngày qua từng nghi lễ phụng tự, Môi-sen đã chỉ dạy và giúp họ nhận ra giá trị tinh thần của dân tộc mình, đó là dân tộc thánh: “Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài”. Từ đó, họ hình thành một dân tộc có niềm tin độc thần, và Thiên Chúa sẽ là vị thần duy nhất trong đời sống tinh thần và tôn giáo của họ. Điều họ chưa được giới thiệu đó là sự hiện diện của anh chị em bên cạnh, có thể đó là người Do-thái, có thể đó là thành viên của một bộ lạc nào đó trong sa mạc xin được sát nhập, vì thế không thiếu những lúc xô xát và cãi cọ đã xảy ra, làm mất tình huynh đệ.

Cảm nghiệm được chiều sâu thiêng liêng của niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu đã cúi xuống vì con người, tác giả lá thư mục vụ gởi cộng đoàn Do-thái đã minh định về ơn cứu độ, đó là một ân phúc dành cho mọi người, mọi dân tộc, chứ không dành riêng cho bất cứ ai: “Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta”. Nhờ vào tình thương cứu độ của Con Thiên Chúa, muôn người được sống, có cùng một Cha chung và mọi người là anh em cùng một gia đình. Trong tình huynh đệ thiêng liêng đó, mọi người phải nhìn nhận giá trị tinh thần và tôn giáo nơi tha nhân, nhìn nhận phẩm giá của mọi người và phải tôn trọng lẫn nhau, chứ không thể loại trừ. Và đó là mục đích của giới răn thứ hai không kém phần quan trọng so với giới răn thứ nhất.

Sinh ra trong một dân tộc có truyền thống tôn giáo rất rõ ràng, nghiêm nhặt, hơn nữa, các luật sĩ là những người được học hỏi về lề luật rất kỹ lưỡng, thế nhưng, họ cảm thấy lúng túng trước những quy định về niềm tin, về thần thánh và tôn giáo của mình, bằng một chút khiêm tốn nhỏ, họ đến hỏi Đức Giêsu về những khó khăn họ đang đối diện: “Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Nghe những bài giáo huấn của Đức Giêsu, các Luật sĩ lúng túng vì họ có quá nhiều luật, trong khi Đức Giêsu chỉ đề nghị có hai giới luật quan trọng thôi, hơn nữa, các giới luật của họ chỉ hướng về Thiên Chúa, còn hai giới luật của Đức Giêsu thì khác, một phần hướng về Thiên Chúa, một phần hướng về con người. Tại sao tha nhân lại quan trọng đến mức được đưa vào luật như thế, có phải họ là tạo vật mang lấy hình ảnh Thiên Chúa và hơi thở của Ngài, có phải họ đã được máu của Con Thiên Chúa đổ ra để cứu độ không?

Từ một dân tộc có truyền thống tôn giáo nhưng theo hướng đa thần giáo, dân Do-thái đã được Thiên Chúa hướng dẫn qua sự chỉ dạy của Môi-sen, họ đã thay đổi, loại bỏ những vị thần do con người tạo nên, trở về với một Thiên Chúa uy quyền. Dù biết Thiên Chúa là một vị thần, nhưng vị thần này đã cúi xuống và ở bên cạnh họ, che chở và bảo vệ họ, nuôi dưỡng họ trong suốt hành trình trở về đất hứa. Hơn nữa, họ được Ngài chọn làm dân riêng của Ngài, từ đó, người Do-thái đã sống niềm tin của mình hoàn thiện từng ngày. Từ khi vào được đất hứa, họ tiếp xúc với các dân ngoại bang chung quanh, tham dự các nghi thức phụng tự tôn giáo của họ, theo thời gian, họ lơ là với những lề luật của Thiên Chúa, lạnh nhạt với Ngài, thay vào đó là minh bạch và cụ thể hóa lề luật, họ đã giải thích lề luật tôn giáo theo chiều hướng thế gian, tạo nên gánh nặng cho cộng đoàn, tất cả chỉ nhằm vào việc thờ phương Thiên Chúa, quên đi sự hiện diện của tha nhân. Từ đây, mọi thành phần trong cộng đoàn chỉ còn biết thờ phượng Thiên Chúa, ngay cả những người có chuyên môn cũng lúng túng về đời sống tôn giáo của họ.

Đức Giêsu đem đến cho dân Do-thái một niềm vui mới trong đời sống tôn giáo, đó là đơn giản hóa việc giữ luật, Ngài muốn trong đời sống tôn giáo, con người không chỉ thờ phượng Thiên Chúa nhưng biết khám phá những giá trị tinh thần và tôn giáo nơi tha nhân, do đó, Ngài đề nghị họ phải quan tâm tới giới luật thứ hai, yêu thương tha nhân như chính mình. Ngày hôm nay, con người đang nại vào quyền tự do dân chủ, tôn thờ vật chất, phong thần phong thánh cho mọi phương tiện trong cuộc sống, rồi họ cổ võ việc phá thai, hạn chế sinh con, tước đoạt sự sống của các thai nhi, bên cạnh đó là sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội càng rõ rệt, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng lớn, trong một xã hội đang vắng bóng những giá trị nhân bản Kitô giáo như thế, thì lề luật của Thiên Chúa còn chỗ đứng nữa không và đây có phải là lúc những giá trị Tin mừng cần được gieo vào giữa lòng thế giới.

Lạy Chúa, thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất chưa thể nào giúp con người tìm thấy chính mình, nhưng cần phải yêu thương và tôn trọng tha nhân nữa, xin giúp chúng con đừng sống quá ích kỷ, đừng sống qua tự mãn, để rồi loại trừ tha nhân, loại trừ những người thiếu may mắn. Chúa mong muốn thiết lập một gia đình thiêng liêng, trong đó mọi người được nhìn nhận, được yêu thương và được tôn trọng như nhau, xin giúp chúng con nhận ra chiều sâu của lề luật, để chúng con đừng hình thức hóa hay lý thuyết hóa mọi lề luật của Chúa, để mọi người đều được tham dự bàn tiệc thánh của Đức Giêsu Kitô là Thánh lễ, và mai sau được đón vào ngôi nhà hạnh phúc là Nước Trời. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây