20/02/2024
THỨ BA TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 6,7-15
LỜI KINH YÊU THƯƠNG
“Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,7-15)
Suy niệm: Khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su ban cho chúng ta một hồng ân và mở cửa cho chúng ta bước vào một mầu nhiệm. Một hồng ân: Thiên Chúa trên trời cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha, một người Cha luôn yêu thương và tha thứ. Và một mầu nhiệm: Chúng ta được phúc gọi Chúa là Cha, đó là nhờ chúng ta được chia sẻ địa vị làm con với Chúa Giê-su là Con Yêu Dấu của Cha trên trời. Ngài xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để chúng ta được tái sinh làm con cái Chúa. Hồng ân và mầu nhiệm đó mời gọi chúng ta đón nhận một sứ mạng: làm tất cả để “ý Cha thể hiện và danh Cha cả sáng,” đồng thời sống yêu thương, tha thứ đối với hết mọi người vì tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.
Mời Bạn: Kinh Lạy Cha là kim chỉ nam cho cuộc sống người Ki-tô hữu: xác định lại mối tương quan Cha-con giữa Thiên Chúa với tôi và mối tương quan anh-chị-em giữa tha nhân với tôi. Mỗi việc tôi làm phải được xem xét sao cho đạt được hai tiêu chí này: thực thi ý Chúa để làm vinh danh Ngài và yêu thương tha thứ, mưu ích cho tha nhân.
Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha nhiều lần hơn trong ngày một cách sốt sắng với ý thức bạn đang tâm sự với Chúa là Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau. Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Amen.
Thứ Ba MC I: Lạy Chúa! Qua Kinh Lạy Cha, chúng con thấy cầu nguyện thực sự không phải là cái gì đó để bày tỏ bên ngoài, nhưng cầu nguyện chính là sự biến đổi bên trong chúng con, để cho Ý Chúa được thể hiện. Vì nhiều lý do, chúng con không có giờ để cứ ở mãi trong nhà nguyện, nhưng chúng con có thể ở trong tâm thái cầu nguyện suốt cả ngày. Chúng con cầu nguyện và thông qua cầu nguyện chúng con được biến đổi. Xin cho chúng con sống tinh thần sám hối Mùa Chay, trong tâm thái cầu nguyện luôn mãi, khi ý thức được rằng Chúa luôn dõi mắt nhìn theo chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 1 MÙA CHAY
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng tôi nương thân từ đời này trải qua đời khác, Chúa vẫn có từ thuở này đến thuở kia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, này chúng con thuộc đại gia đình của Chúa, xin dủ thương đoái nhìn và giúp chúng con hằng chế ngự thân xác, để tinh thần được phấn khởi và thiết tha tìm kiếm Chúa không ngừng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 55, 10-11
“Lời Ta thực hiện điều Ta mong muốn”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 4-5. 6-7. 16-17. 18-19
Ðáp: Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Xướng: Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai.
Xướng: Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Chúa phán: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, chúng con dâng bánh rượu chính Chúa đã rộng ban làm lương thực hằng ngày; xin vui lòng chấp nhận và biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng mùa chay
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa công bình, khi tôi kêu cầu, Chúa đã nhậm lời tôi, trong cơn khốn khó. Chúa đã giải thoát tôi; lạy Chúa, xin thương xót tôi, xin nghe lời tôi khẩn cầu.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự vào mầu nhiệm thánh này xin dạy chúng con biết chế ngự những đam mê và dục vọng trần thế mà để tâm lo tìm kiếm Nước Trời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CẦU NGUYỆN TRONG NIỀM TIN (Mt 6, 7-15)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Có một linh mục là giáo sư tín lý và luân lý tại nhiều chủng viện và học viện Công Giáo, khi nói về kinh nghiệm của việc dạy Giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi, ngài chia sẻ: “Tôi đã dạy Giáo lý cho rất nhiều bạn trẻ dự tòng, có những bạn chỉ với thời gian rất ngắn, là tôi có thể Rửa Tội cho họ được. Tuy nhiên, có những bạn thì năm này qua năm khác, tôi vẫn không Rửa Tội cho!”. Khi chúng tôi thắc mắc thì được ngài giải thích rằng: “Rửa Tội được hay không, đối với ngài là họ có biết cầu nguyện trong đức tin không? Nếu họ cầu nguyện sốt sắng và tin tưởng, ấy là lúc chúng ta Rửa Tội cho họ được, vì họ đã gặp được Chúa thực sự. Nếu không biết cầu nguyện, thì chúng ta có dạy hết ngày này, tháng nọ hay năm kia thì họ vẫn chỉ là cái xác không hồn mà thôi!”.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi cầu nguyện.
Trước tiên, cầu nguyện ở những nơi kín đáo, tức là có kinh nghiệm cá nhân với Chúa trước khi chúng ta cầu nguyện nơi tập thể, cộng đoàn.
Thứ hai, cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu nguyện chân thành tức là một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.
Cuối cùng, cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em. Đây là lời cầu nguyện sống động và hấp dẫn nhất.
Trong đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng! Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi hỏi…
Mong sao, lời kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ hôm nay cũng là lời kinh của chúng ta. Và khi chúng ta cất lên, mỗi người hãy đọc với trọn niềm tin kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. Có thế, đời sống đạo của chúng ta mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em mình.
Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện của chúng ta. Amen.
THIẾT THA TÌM KIẾM CHÚA
(THỨ BA TUẦN 1 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần I Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta thuộc đại gia đình của Chúa, xin Chúa rủ thương đoái nhìn và giúp chúng ta hằng chế ngự thân xác, để tinh thần được phấn khởi và thiết tha tìm kiếm Chúa không ngừng.
Trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, những khó khăn, thử thách thường làm cho chúng ta bỏ cuộc. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Ông Môsê thực hiện những dấu lạ đầu tiên để chứng minh rằng Thiên Chúa đã sai ông, nhưng, xem ra ông đã không thành công, tuy vậy, ông vẫn kiên trì nhẫn nại cho đến khi đưa Dân Chúa ra khỏi đất Aicập.
Chúng ta là con cái trong gia đình Thiên Chúa, chúng ta phải tìm kiếm thánh ý Chúa, để làm đẹp lòng Người. Hơn ai hết, Đức Giêsu biết rõ Chúa Cha và Người đã dạy chúng ta lời Kinh Lạy Cha, mà trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách hôm nay, thánh Síprianô đã kêu gọi chúng ta: Hãy cầu nguyện theo cách Thầy Chí Thánh đã dạy. Dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin từ đáy lòng, dâng lên thấu tai Người chính lời nguyện của Đức Kitô, thì đó là một lời cầu nguyện nghĩa thiết và thân tình. Lời cầu xin của chúng ta sẽ hiệu lực biết chừng nào, nếu chúng ta, vừa nhân danh Đức Kitô, vừa dùng chính lời cầu nguyện của Người mà xin.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia cho thấy Lời của Chúa thực hiện ý muốn của Chúa: Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. Đức Giêsu nói lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha. Thật vậy, Lời của Chúa, thánh ý Chúa chính là lương thực, là sự sống, như lời Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra.
Tìm kiếm Chúa, tìm thánh ý Chúa là tìm kiếm sự sống, vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng, thật vậy, người tìm kiếm Chúa, tìm thánh ý Chúa, sẽ được Chúa giữ gìn, và giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
Bài Tin Mừng hôm nay chính là lời Kinh Lạy Cha, mà chính Đức Giêsu đã dạy. Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy cầu nguyện thực sự không phải là cái gì đó để bày tỏ bên ngoài, nhưng, cầu nguyện chính là sự biến đổi bên trong chúng ta để cho thánh ý Chúa được thể hiện. Cầu nguyện không phải cho Chúa, vì Chúa không cần thêm gì khi chúng ta cầu nguyện, nhưng, cầu nguyện là vì chúng ta. Chúng ta cầu nguyện và thông qua cầu nguyện chúng ta được biến đổi, để nên một lòng một ý với Chúa. Cầu nguyện đích thực là một sự rỗng không, mọi thứ đi qua không bị cản lại: làn gió lướt qua, tia nắng rọi vào, người người qua lại... mọi thứ đến rồi đi, như những cái bóng không làm chúng ta xao động. Nếu chúng ta không cầu nguyện, mà chỉ ngồi tập trung, thì mọi thứ đều làm chúng ta xao lãng, như tiếng máy bay, tiếng trẻ khóc, tiếng chó sủa... Tập trung là phi tự nhiên, nên bất cứ điều gì, tiếng động gì, cũng làm chúng ta phân tâm. Cầu nguyện là dòng chảy tự nhiên, không có gì có thể làm chúng ta phân tâm, vì chúng ta đâu có tập trung. Khi cầu nguyện, chúng ta bị quấy nhiễu, thì đó là do chúng ta đang tập trung mà chưa hề cầu nguyện. Ước gì chúng ta sống tinh thần sám hối Mùa Chay, trong tâm thái cầu nguyện luôn mãi, khi ý thức được rằng Chúa như người Cha hiền luôn dõi mắt nhìn theo chúng ta, là những đứa con thơ của Người. Ước gì được như thế!
HOA TRÁI THINH LẶNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất!”.
Trong “Thoughts in Solitude”, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1] - người viết dịch, Thomas Merton nhận định, “Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ. Vì thế, con phải lặng thinh!”
Kính thưa Anh Chị em,
“Con phải lặng thinh!”. Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một ‘chuyển động kép!’. Một từ trời xuống, lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người - Kinh Lạy Cha - ‘hoa trái thinh lặng!’.
Chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời…; lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” - bài đọc một. Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng! “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu dạy hôm nay là ‘kết quả của Lời’ “trở về trời”. “Nó là ‘ma trận’ của mọi lời cầu Kitô giáo; vì lẽ, mọi ước nguyện được thể hiện trong Kinh Lạy Cha. Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, sự huyền bí, vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần. Thiên Chúa yêu tôi. Đó là một bảo đảm tuyệt vời!” - Phanxicô.
Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’. Vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó! Họ thích nói nhiều, muốn được hiểu nhiều, nhưng không học cách lắng nghe. Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen thinh lặng! Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế nói nhiều và dành bản thân để lắng nghe. Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!
Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức có những nhu cầu mà chỉ một mình Ngài mới có thể ban. Hãy hỏi Chúa Giêsu về điều gì cần nhất cho sự cứu rỗi của mình! Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện với lời kinh này còn nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và mọi người thực sự là anh em của nhau.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời, qua những con người, cũng như qua các biến cố. Ngài mong ước mỗi sứ điệp của Ngài “thấm vào đất lòng” chúng ta và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Ngài chờ mong có lẽ là bạn và tôi biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ ‘đôi tai của trái tim’ trong giây phút hiện tại; để sau đó, vượt lên chính mình và làm theo tiếng nói ấy! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; dạy con để Lời ‘thấm vào đất lòng’ khi con thực sự là con trước Chúa là Cha!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn