Lời Chúa THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 28/09/2024 19:54 |   116
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người. (Lc 9,51-56)

01/10/2024
THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh

Thánh Têrêsa

Mt 18,2-4


người lớn nhất
Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông, và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời. Vậy ai tự hạ và nên như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,2-4)

Suy niệm: Lần theo ánh sáng của đoạn Tin Mừng này, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng đã sống và vạch ra linh đạo “Thơ Ấu Thiêng Liêng” làm con đường nên thánh cho biết bao nhiêu tâm hồn.

- Trước tiên, Người khiêm tốn nhận mình nhỏ bé: “Các vị thánh như những ngọn núi cao chót vót tận ngàn mây xanh, còn con như hạt cát ti tiện nằm dưới chân khách bộ hành, nhỏ bé không thể leo lên những bậc thang cao của bậc hoàn thiện được”. Người  tìm kiếm chiếc thang máy đưa mình lên, và thánh nhân đã khám phá ra chiếc thang máy đó là chính Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su, chiếc thang máy nâng con lên tới Chúa, chính là đôi cánh tay Chúa. Vì thế con không cần lớn lên, trái lại con phải bé mãi, mỗi ngày con phải dần dần bé đi.”

Chia sẻ : Chúa Giê-su đã nói và làm gì để dạy các môn đệ bài học sống khiêm tốn?

Mời Bạn: Tôi khiêm tốn chấp nhận giới hạn của mình và tin vào Chúa, tôi biết sống phó thác, đón nhận thành công và thất bại, niềm vui và nỗi buồn trong đời sống.

Sống Lời Chúa: Thực tình quí trọng người khác; tránh đề cao ‘cái tôi’ .

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin học nơi Chúa bài học khiêm nhượng và hiền lành, để sống đơn sơ, bé nhỏ, tin tưởng phó thác, bước theo con đường Chúa đi.

Ngày 1: Lạy Chúa! Cuộc đời nhân thế như một Chuỗi Mân Côi. Trong lòng mỗi người chúng con, Chuỗi Mân Côi có các mùi vị khác nhau: có người cảm thấy cay đắng như những gánh nặng cuộc đời, cũng có người cảm thấy ngọt ngào, nhẹ nhàng như làn gió thoảng. Chuỗi Mân Côi có đầy đủ các hương vị: Vui, Sáng, Thương, Mừng. Xin cho chúng con biết dùng một trái tim chiêm niệm để thưởng thức, để cho dẫu, giữa bao giông tố cuộc đời, chúng con vẫn cứ ung dung tự tại, sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến như những quà tặng tình yêu, ẩn tàng trong các mầu nhiệm của cuộc sống chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

t3 t26 TN


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 20-23
“Nhiều dân tộc đến tìm kiếm Chúa tại Giêrusalem”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.
Ðây Chúa các đạo binh phán: “Sẽ có các dân tộc đến đây, trú ngụ trong nhiều thành phố; các dân cư sẽ ra đi, người này bảo người kia rằng: “Chúng ta hãy đi cầu khẩn tôn nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; còn ta, ta cũng ra đi”. Sẽ có nhiều dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem, và khẩn cầu tôn nhan Chúa”. Chúa các đạo binh còn phán thế này: “Trong những ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm lấy gấu áo một người Do-thái mà thưa rằng: “Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Thiên Chúa ở cùng chúng tôi

Xướng: Chúa yêu cơ sở Người thiết lập trên núi thánh. Người yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi.

Xướng: Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Phi-li-tinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này”.

Xướng: Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi Người”.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 3, 1-3. 11-17. 20-23
“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?”

Trích sách ông Gióp.
Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: “Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: ‘Con người chịu thai’. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?

“Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.

“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu. 

Xướng: Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế. 

Xướng: Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương. 

Xướng: Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào.

Alleluia: Tv 18, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 51-56
“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc
Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

CON NGƯỜI KHÔNG ĐẾN ĐỂ GIẾT CHẾT (Lc 9,51-56)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su cương quyết lên Giê-ru-sa-lem qua xứ Sa-ma-ri-a cho gần, nhưng dân làng không chấp nhận vì họ thù nghịch với dân Do thái mà Đức Giê-su là người Do-thái. Thấy vậy, hai ông Gia-cô-bê và Gio-an nổi giận xin Chúa cho phép lấy lửa trên trời xuống đốt cháy tụi này. Nhưng Đức Giê-su quở trách tính hung hãn của hai ông và nói cho hai ông biết: Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống”. Thật vậy, bài học này đã làm cho các môn đệ và mỗi người chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với anh em.

2. Nên biết, giữa người Do-thái và Sa-ma-ri-a có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Sa-ma-ri-a bị những người Do-thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ Giê-ru-sa-lem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” (Ga 4,9-20).  Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ Ga-li-lê-a về Giê-ru-sa-lem.

Trước thái độ từ chối của dân làng Sa-ma-ri-a, hai ông Gia-cô-bê và Gio-an, với biệt hiệu “Con trai Thiên lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Ê-li-a xưa (2V1,10) và nghĩ rằng dân làng Sa-ma-ri-a làm như thế  là đã làm nhục cho Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu Ước, tinh thần báo thù.

3. Nhưng ở đây, Đức Giê-su muốn cho các môn đệ một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải quỳ mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người mẹ đối với con cái: “Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”.

Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa  không luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.

4. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lối suy nghĩ của các môn đệ khi chưa hiểu và thấm nhuần giáo huấn của Chúa. Lối suy nghĩ và lối thích sử dụng quyền lực để răn đe hay trấn áp người khác là cách hành xử hoàn toàn trái với tinh thần Tin Mừng. Nên Chúa Giê-su đã cảnh cáo các ông. Thái độ của các môn đệ ngày xưa cũng chính là thái độ của chúng ta ngày hôm nay. Tôi tôn thờ một Thiên Chúa nào? Phải chăng là một Thiên Chúa tình yêu, nhân từ, quảng đại hay tha thứ… hay là một Thiên Chúa mà chúng ta cố giải thích méo mó để phục vụ cho ý muốn của riêng ta (5 phút Lời Chúa)?

5. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giê-su, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu không đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).

Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại  thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giê-su đã trải qua trong cuộc đời của Ngài.

6. Truyện: Tấm lòng nhân ái tuyệt vời.

Nhiều năm về trước – một  ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một tập đoàn dầu lửa Rochefeller ở Mỹ – đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn hai triệu đôla. John D. Rochefeller lúc đó là người đứng đầu công ty.

Bedford được Rochefeller mời lên văn phòng. Bedford đến rất đúng giờ và sẵn sàng để nghe những lời chỉ trích có thể nặng nề của Rochefeller.

Khi Bedford bước vào phòng, ông vua dầu hỏa đang ngồi cạnh bàn, chăm chú viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rochefeller ngẩng lên.

– A, anh đấy à, Bedford – Rochefeller nói rất chậm rãi – Anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?

Bedford đáp rằng tôi đã biết rồi.

– Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, – Rochefeller nói,- Và trước khi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.

Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rochefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã ghi vài dòng” là những ưu điểm của Bedford. Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty, đưa ra quyết định đúng đắn được ba lần, giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.

Bedford không bao giờ quên bài học ấy. Ông đã ghi khắc những điều đó trong lòng và đem ra áp dụng trong những ngày làm việc còn lại của ông.

Thánh Gia-cô-bê khuyên mọi người: “Phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1,20-21).


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ
Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa mở cửa Nước Trời cho những người bé mọn. Xin cho chúng con hằng ngày biết theo chân thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giêsu bước đi trên con đường phó thác để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh Nhan. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-4
“Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm nhiều việc kỳ diệu nơi thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giêsu. Xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận nhóm lên trong lòng chúng con lửa mến yêu xưa đã thúc đẩy thánh nữ Tê-rê-xa hiến cuộc đời cho Chúa để cầu xin cho mọi người được ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Tiểu sử Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại tu viện Carmel ở Lisieux, ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong thánh năm 1925; từ đó lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 1 tháng 10. Thánh nữ được chọn làm bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với thánh Jeanne d’Arc, và bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xavie.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02 tháng 01 năm 1873, con gái út của một gia đình đã có bốn cô con gái. Ông Louis Martin, cha cô, là một thợ sửa đồng hồ đã nghỉ việc; bà Zélie Guérin, mẹ cô, gánh vác gia đình bằng việc trông coi một cửa hiệu đăng-ten. Bà qua đời khi Têrêxa chưa đầy năm tuổi. Ông Martin cùng năm cô con gái dời đến ở Lisieux; Têrêxa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Giáng sinh năm 1886, một cuộc “hoán cải” diễn ra nơi cô: những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất; cô đạt được sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong tu viện Carmel ở Lisieux, tại đây đã có hai chị gái của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan (Thérèse de l’Enfant-Jésus et de la Sainte-Face). Têrêxa sống trong tu viện Carmel ở Lisieux được 9 năm, cho tới khi qua đời; tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh – đặc biệt sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng – và các thi ca thần bí của thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ bây giờ đã sớm đạt tới một mức thánh thiện rất cao. Năm 1893, chị Têrêxa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnès yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác của chị trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này về sau được in ra hàng triệu bản, vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, “con đường nhỏ”, và góp phần biến Lisieux thành một nơi hành hương được cả thế giới công giáo biết đến.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ diễn tả khoa linh đạo siêu vời của thánh nữ Têrêxa, bắt đầu bằng Ca Nhập lễ, lấy ý tưởng trong Đệ Nhị Luật (32, 10-12)... “Tựa chim bằng giương cánh đỡ con và cõng trên mình, duy một mình Thiên Chúa dẫn dắt dân.”

Lời nguyện trong ngày lấy ý tưởng trong Mt 11, 25, cầu xin Thiên Chúa – Đấng mở cửa Nước Trời “cho những người bé mọn”– cho chúng ta “biết theo chân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bước đi trên con đường phó thác”. Ngay từ 3 tuổi, Têrêxa đã hứa không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì; giờ đây con đường chị đi đã dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự bỏ mình và phó thác hoàn toàn. Đó là “con đường nhỏ” mà thánh nữ nói đến trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn: “Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quí và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao. Vì vậy con nài xin Chúa, Đấng toàn phúc ở trên trời, xin nhận con làm con Chúa... Ôi Người Yêu của con, con nài xin Ngài ghé mắt đoái nhìn vô số những tâm hồn bé mọn; con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đáng được Ngài yêu thương.”

Điệp ca của bài Benedictus: “...hãy trở nên giống trẻ thơ” làm vang lên Tin Mừng của thánh lễ (Mt 18, 1-4): Thật, tôi bảo thật anh em: Nếu anh em không hoán cải và trở nên giống trẻ thơ... “Trẻ thơ” đối với thánh Têrêxa Lisieux là người “chấp nhận tất cả”, với thái độ vâng phục và phó thác của Người Đầy Tớ đau khổ (xem sách Isaia) không ngừng thưa lên: Này con đây ! Chương trình sống này đã có khi Têrêxa chọn tên mình lúc vào dòng Carmel: Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Đủ loại thử thách không ngừng giúp thanh luyện chị và dẫn chị tới mức độ thánh thiện ngày càng cao hơn. Đời sống hằng ngày trong tu viện, “cái lạnh chết người”, tình trạng khô khan thiêng liêng, những cám dỗ về đức tin, những cơn đau do xuất huyết phổi... “Hồi ấy con không hề nghĩ phải chịu đau khổ rất nhiều để đạt sự thánh thiện...”, chị viết trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn (Thủ bản A). Tất cả điều này làm chứng một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho tác động của Thánh Thần và hoàn toàn dâng hiến cho Tình Yêu nhân từ của Chúa. “Ôi, con yêu Chúa... lạy Chúa... con yêu Chúa!” là những lời cuối cùng của chị.

Lời nguyện trên lễ vật gợi lên một khía cạnh khác của hy tế thầm lặng trong “đời sống đơn sơ và can đảm” của thánh Têrêxa Lisieux. Chính vào lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895, thánh nữ được Chúa soi sáng để hiến mình cho Tình Yêu nhân từ. Không lâu sau khi thực hiện cuộc dâng hiến này, khi bắt đầu con đường thánh giá, chị cảm thấy như có một “thương tích tình yêu” giống như hiện tượng in dấu thánh thần bí của thánh nữ Têrêxa Avila.

Têrêxa Lisieux ước muốn đón nhận và đáp lại tất cả các ơn gọi: “Con cảm thấy ơn gọi làm chiến binh, linh mục, tông đồ, bác sĩ, tử đạo”, với “ước muốn thực hiện mọi hành vi anh hùng nhất...” Thế rồi một ngày kia, khi đọc Thư 1 Côrintô, chị hiểu rằng “mọi ân điển hoàn hảo nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức ái... Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn đến Thiên Chúa.” Sau cùng, đây là câu trả lời và là “sự yên nghỉ” đối với thánh Têrêxa: “Con hiểu rằng đức ái bao gồm mọi ơn gọi, đức ái là tất cả... Lúc đó, lòng tràn ngập niềm vui ngây ngất, con la lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con... ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm ra, ơn gọi của con là tình yêu! Vâng, con đã tìm ra vị trí con trong Hội Thánh. Ôi lạy Chúa, chính Chúa ban ơn gọi này cho con... trong lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu... như thế con sẽ là tất cả...” (Thư thánh Têrêxa viết cho chị Maria Thánh Tâm, trong Bài đọc Giờ Kinh Sách).

Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh một tính cách đặc trưng khác của thánh Têrêxa, đó là niềm say mê “vì phần rỗi mọi người”. Sau khi qua cuộc kiểm tra theo giáo luật để tuyên khấn trong dòng (8 tháng 9 năm 1890), chị đã tuyên bố chị vào dòng Carmel để “cứu rỗi các linh hồn và nhất là để cầu nguyện cho các linh mục”. Năm 1895, chị được cử làm “chị linh hướng” cho một chủng sinh có ý hướng đi truyền giáo, thầy Bellière, và năm sau, thầy này có thêm một “anh linh hướng”, cha P. Roulland, thuộc Hội Truyền Giáo. Tháng 11 năm 1896, chị làm tuần chín ngày kính thánh tử đạo Théophane Vénard († 1861) để xin ơn được đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng không lâu sau chứng xuất huyết phổi của chị tái phát. Chị trút hơi thở cuối cùng ngày thứ năm 30 tháng 9, 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài hai ngày. Đức giáo hoàng Piô XI phong thánh cho chị này 17 tháng 5 năm 1925 tại Đại Thánh Đường Phêrô ở Rôma, và ngày 14 tháng 12 năm 1927, ngài công bố thánh nữ Têrêxa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3 tháng 5 năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thánh Têrêxa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne d’Arc.

Enzo Lodi
 

TRẺ THƠ: CÓ SAO THÌ CÓ VẬY
 (Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở nên giống trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-5). Nước Trời là vương quốc của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là “có sao thì có vậy” (x.Xh 3,14) khi mời gọi hãy trở nên như trẻ thơ thì Chúa Giêsu dạy chúng ta:

1. Hãy ở trong tình yêu của Thiên Chúa: Trẻ thơ luôn cần nhận được sự bao bọc bởi tình yêu của mẹ cha, anh chị, của người thân xa gần. Têrêxa hài đồng đã cảm nhận được hạnh phúc này khi mà cả cha lẫn mẹ đến các chị đều dồn hết tình thương vào đứa con, đứa em út trong nhà. Chính bầu khí yêu thương tự nhiên này đã giúp cho Têrêxa cảm nhận tình yêu của Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô. Và rồi, chị Thánh sau này luôn giữ mình trong vị thế ấy. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Têrêxa đã thực hiện lời tâm sự cuối cùng của Thầy Chí Thánh thật rõ nét. Tâm tình của chị là tâm tình của Thánh Tông Đồ dân ngoại: “không có gì tách được tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 39). Chị đã viết trong bản tự thuật: “Suốt đời, Chúa nhân lành đã cưng chiều con: Những kỷ niệm đầu trên cuộc đời con ghi đầy những nụ cười, những mơn trớn êm đềm nhất…” (tr 17).

Ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là hãy để cho Người yêu thương ta, chỉ thế thôi. Một tâm hồn biết dìm mình vào lòng từ nhân của Thiên Chúa thì làm sao có thể trầm luân đời đời, tức là mất phần rỗi? Ai trong chúng ta cũng đã từng phạm tội, nhưng mọi thứ tội đều có thể được tha ngoại trừ tội phạm đến Thánh Thần. Tội phạm đến Thánh Thần nghĩa là không chịu để cho Thiên Chúa yêu thương. Dù đã minh nhiên nhìn nhận tội lỗi tày trời của mình nhưng người trộm cướp bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa đã biết tin cậy vào tình yêu của Đấng đang bị treo bên cạnh mình. “Lạy Ngài khi nào về nước Ngài xin hãy nhớ đến tôi. Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,42-43). Anh ta đã được vào Nước Trời ngay hôm ấy. Chị Thánh ghi những dòng thật sâu xa: “Thưa mẹ yêu quý, con đường tình ái thật êm dịu biết bao! chắc là người ta còn có thể sa ngã, có thể phạm tội bất trung, nhưng tình yêu vì biết lợi dụng tất cả, nên đã mau mắn tiêu huỷ tất cả những gì làm phiền lòng Chúa Giêsu mà chỉ còn lưu lại một sự bình an khiêm hạ và sâu xa tận trong đáy lòng…” (sđd. tr 165). Sống tinh thần trẻ thơ là biết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ nhân trần.

2. Sống trong sự thật: Để có thể ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta phải là chính mình trước tha nhân và nhất là trước nhan Chúa. Trẻ thơ luôn sống trong sự thật. Trẻ có sao thì trẻ là vậy. Trẻ thơ không che đậy cũng chẳng phấn son. Ở trong tội thì người ta lấy lá che thân và tránh mặt Chúa (x.St 3,7-10). Ở trong gian dối thì người ta tô son, thoa phấn để loè bịp thiên hạ. Têrêxa ngay từ thuở bé đã bộc lộ một tính cách trong sáng, chân thực. Mẹ của chị viết trong thư gửi cho cô con gái, Pauline: “Hôm qua má muốn cho con bé (Têrêxa) một bông hoa hồng vì má biết nó thích hoa hồng lắm, nhưng nó van má đừng cắt vì Maria (chị của Têrêxa) không cho. Má cứ cắt cho nó hai bông, nó vui lắm nhưng rồi sợ không dám vào nhà nữa. Má nói khéo với nó là hoa của má thì nó bảo: “Không phải, hoa của chị Maria chứ”. Trong thư gửi cho chị Maria bà viết: “Nó (Têrêxa) hễ làm điều gì lỗi thì ai cũng phải biết. Hôm qua nó vô ý làm rách một tí góc giấy dán tường, nó nhất định thú tội với ba…”

Có sao thì có vậy nghĩa là luôn sống trong sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ vốn là cha của sự gian dối (x.Ga 8,44). Khi cảm nhận được yêu và đang sống trong tình yêu của một ai đó thì chúng ta sẽ dễ dàng bày tỏ và biểu lộ chính bản thân mình cách trung thực, cả những mặt tốt lẫn những bất toàn. Hãy ăn ở cách chân thực với nhau và trong sáng trước mặt Thiên Chúa như mình “đang là”. Đây là con đường tình yêu mà Têrêxa đã chọn, con đường thơ bé.

Để giúp nhau sống trong sự thật là “có sao thì có vậy”, thiết nghĩ cần có bầu khí yêu thương, quảng đại giữa chúng ta. Chính sự xét nét, kết án, phỉ báng của chúng ta làm cho tha nhân và cả cho chính mình sống trong sự gian dối, giả hình. Để kích thích tính tò mò của thiên hạ cách có hiệu quả thì không gì bằng những chuyện giật gân, những vụ “xì căng đan” liên quan đến người này người kia, nhất là những người có vai vế, danh phận trong xã hội hay tôn giáo. Chính ma quỷ lợi dụng tật xấu này để kìm hãm chúng ta và tha nhân trong sự giả dối và sự đố kỵ ghen tương. Ghen tương đố kị sinh ra nói xấu để hạ bệ nhau. Khi xét đoán tha nhân thì chúng ta sẽ bị đoán xét. Một mũi tên của thần dữ đã làm hại cả hai là tha nhân và chính bản thân chúng ta, khiến tất cả dần dần vong thân, đánh mất chính mình.

Mong sao xã hội và Hội Thánh có được bầu khí trong lành mà ở đó bớt dần sự xét đoán nhau. Mong sao tình yêu khoan thứ luôn hiện diện giữa chúng ta. Chắc chắn ma quỷ sẽ rất buồn vì có biết bao tâm hồn trẻ thơ đang vui vẻ sống “có sao có vậy” trước mặt nhau và trước mặt Thiên Chúa. Nước Trời không đâu xa, Nước trời đang ở giữa chúng ta, những người sẵn lòng đón nhận nhau và cùng nhau dìm mình vào lòng đại dương bao la của tình yêu Thiên Chúa.

HẠT MẦM YÊU THƯƠNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Sau khi hoàn tất bộ phim “Tiểu Sử Têrêxa”, L. Younce trở lại đạo! Cô viết, “Điều tôi khám phá ở Têrêxa là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Chúa. Tôi cảm phục sự nhịn nhục và phục vụ ân cần của Têrêxa - một hạt mầm yêu thương - với nữ tu già Augustine khó thương; Têrêxa yêu quý bà và biến hành vi ấy nên của lễ cứu độ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói đến những em bé. Và một em bé - như Têrêxa - là một mảnh đất bí ẩn, mảnh đất của những ‘hạt mầm yêu thương!’.

Isaia mô tả tình yêu Thiên Chúa, “Mẹ Giêrusalem”, dành cho dân Ngài - bài đọc một. Têrêxa mất mẹ lúc 4 tuổi, mất luôn ‘người mẹ thứ hai’ - chị Pauline vào dòng - lúc 9 tuổi. Èo uột “như một cọng hành”, may thay, hạt mầm Têrêxa cảm nhận tình mẹ của Thiên Chúa vốn cho phép Têrêxa “bú sữa, được ẵm vào lòng, được nâng niu trên đầu gối”. Hạt mầm ấy càng bí ẩn khi Têrêxa là một nữ tu ở tuổi 15. Và dẫu kết thúc chỉ sau 9 năm, Têrêxa đã nên mảnh đất của những ‘hạt mầm yêu thương!’.

Nếu Têrêxa không vâng lời mẹ Bề trên - chị ruột Agnes - để viết “Một Tâm Hồn”, không ai biết Têrêxa. Đọc nó, bạn thấy “Bông Hoa Nhỏ” không chỉ toả hương đơn sơ, phó thác, nhưng còn man mát cả những tham vọng, tự tôn, can đảm, lãng mạn và cả bướng bỉnh. Têrêxa ước bay lên mặt trời chói lọi Ba Ngôi; “Em muốn như các thánh, làm những chuyện ngông cuồng cho Ngài!”; “Ôi Giêsu, cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác; tốt hơn, cả hai!”. Như một người tình, Têrêxa thả hồn rong ruổi Tình Quân, “Khi tâm hồn bị cuốn hút bởi làn hương say đắm của Ngài, nó không chạy một mình; tất cả những người nó yêu đều được cuốn theo!”. Như chú bọ ngựa vênh váo, Têrêxa sánh mình với cây cọ ba xu để Chúa vẽ nên những kiệt tác, “Phần cây cọ, nó đâu tự hào về một kiệt tác là do nó; nhưng nó biết, ‘Người Nghệ Sĩ’ không bối rối mà còn bỡn cợt với những khó khăn; và đôi khi, cần một dụng cụ yếu đuối và bất toàn như nó!”.

Têrêxa thông minh, hài hước, lắm tưởng tượng, “Archimède cần một điểm tựa bên ngoài để bẩy trái đất lên, ông không tìm ra! Các thánh thì khác, Chúa cho họ một điểm tựa, chính Ngài. Đòn bẩy là kinh nguyện bốc cháy yêu thương, cầu nguyện là cách thức các thánh nâng vũ trụ lên, nâng cho tới tận thế, ‘Các thánh tương lai’ cũng sẽ nâng!”. Têrêxa có những biện minh lạ lùng, “Con không nản chí vì những lỗi lầm của mình, vì trẻ con thường ngã luôn, nhưng vì chúng bé quá, nên không thấy đau mấy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trẻ con thường ngã luôn, nhưng không thấy đau mấy vì quá bé!”. Chấp nhận mình bé nhỏ, nhiều khuyết điểm, ít tài năng; nhiều thất bại, ít thành công; nhiều tội lỗi, ít thánh thiện… là những đòn bẩy nâng bạn và tôi lên. Chớ gì biết rõ mình là ai, chúng ta đặt trọn tin yêu vào Chúa; trở nên mảnh đất cho những ‘hạt mầm yêu thương’ mà Chúa Thánh Thần không ngừng gieo vãi. Như Têrêxa, chúng ta tham vọng bẩy lên thế giới bi luỵ bằng cầu nguyện, chống lại tội lỗi và sự dữ. Được vậy, chúng ta có thể hát lên “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết dâng Chúa những đau khổ người khác gây ra cho con, và những hành vi ấy cũng sẽ biến nên của lễ cứu độ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây