Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 26/07/2024 18:59 |   145
“Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,38-42)

29/07/2024
thứ hai tuần 17 THƯỜNG NIÊN

Thánh Martha, Maria và Ladarô

 

t2 t17 TN

Lc 10,38-42


tất cả vì giê-su
“Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Năm 1973, khi Mẹ Tê-rê-xa Kôn-ka-ta được trao tặng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự về thần học của đại học Kempet, Anh quốc, một ký giả đã hỏi mẹ như sau: “Đâu là động lực thúc đẩy Mẹ bắt tay vào việc phục vụ người nghèo?” Người ta chờ đợi câu trả lời dài với rất nhiều lời giải thích. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Mẹ Tê-rê-sa chỉ đáp gọn bằng một tiếng vắn gọn: “Chúa Giê-su.” Vâng, “Tất cả vì Chúa và cho Chúa.” Hẳn là Mác-ta và Ma-ri-a cũng chỉ có một động cơ như thế. Mỗi người đón tiếp Chúa theo cách của mình. Mác-ta với lòng nhiệt thành phục vụ lo chuẩn bị bữa ăn. Còn Ma-ri-a thì ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người. Ngài không đề cao thái độ này để hạ thái độ kia, nhưng Ngài muốn chúng ta đừng quên rằng việc ưu tiên số một là lắng nghe lời Ngài trong tâm tình cầu nguyện, và tâm tình đó không được thiếu vắng ngay cả khi bạn lăn xả vào hoạt động tông đồ.

Mời Bạn: Bạn đã thống nhất đời sống của bạn chưa? Nghĩa là việc cầu nguyện có chiếm địa vị ưu tiên nhất và có thấm nhuần vào mọi hoạt động khác trong ngày sống của bạn không? Việc hoạt động sẽ bị lạc hướng nếu không có cầu nguyện. Ngược lại cầu nguyện mà không có hoạt động thì chỉ là lời cầu suông.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc gì bạn hãy bắt đầu bằng cách cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.

Ngày 29: Lạy Chúa! Khi chúng con xem mục đích chính của đời mình: là chú tâm vào những việc mình đang làm, và an trú ở nơi mà mình đang có mặt, tức là chúng con đang phủ định thời gian tâm lý “chronos”, để chụp lấy thời gian cứu độ của Chúa là “kairos”. Điều này tạo cho chúng con một sức mạnh rất lớn. Sự phủ định thời gian tâm lý, trong những gì chúng con làm, cũng tạo ra sự liên kết thiết yếu: giữa mục đích bên trong và mục đích bên ngoài, giữa làm việc và trạng thái chiêm niệm, thong dong tự tại, như Chúa: chẳng làm gì, nhưng làm tất cả. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 17 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 32, 15-24. 30-34

“Dân này đã phạm tội nặng nề, và họ đúc bò vàng”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê từ trên núi trở xuống, Tay cầm bia đá có khắc chữ cả hai mặt; và đó là công trình của Thiên Chúa tác tạo, vì chính Chúa đã khắc chữ vào hai bia đá đó. Bấy giờ Giosuê nghe tiếng dân chúng la lối om sòm, nên thưa cùng Môsê rằng: “Có tiếng la giao chiến trong trại”. Môsê đáp: “Ðó không phải là tiếng kêu la giao chiến, cũng không phải tiếng kêu la thất trận, nhưng tôi nghe tiếng người ta ca hát”. Khi đến gần trại, người thấy con bê đực và những người múa. Người quá tức giận, liền ném hai bia đá xuống chân núi và nó bể nát ra. Người đem đốt con bê chúng đã đúc, rồi tán ra thành tro, bỏ vào nước, bắt con cái Israel phải uống.

Người nói cùng Aaron rằng: “Dân này đã nói gì với ông mà ông để nó phạm tội nặng nề như thế?” Aaron thưa: “Xin ngài chớ tức giận, nào ngài không biết dân này hay hướng chiều về đàng tội đó sao? Chúng đã nói với tôi rằng: “Xin ông hãy đúc cho chúng tôi những vị thần để dẫn dắt chúng tôi đi, vì ông Môsê, người dẫn chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy đến cho ông”. Tôi liền nói với họ: “Ai trong các ngươi có vàng, hãy mang đến cho tôi. Họ mang đến, tôi quăng vàng vào lửa và đúc nên con bê này”.

Hôm sau Môsê nói với dân: “Các ngươi đã phạm một tội rất lớn, nhưng bây giờ ta sắp lên với Giavê: có lẽ ta sẽ xin được Người xá tội cho các ngươi!” Môsê trở lại với Giavê và nói: “Phải! dân này đã phạm một tội rất lớn, chúng đã làm cho mình những thần bằng vàng! Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng. Bằng không, xin Người hãy xoá con đi khỏi sách Người đã viết”.

Giavê phán với Môsê: “Ai phạm tội chống lại Ta, Ta sẽ xoá nó khỏi sách của Ta! Còn bây giờ, ngươi hãy đi, hãy dẫn dân đến nơi Ta đã phán với ngươi! Này thần sứ của Ta sẽ đi trước ngươi, và đến ngày truy phạt của Ta, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 105, 19-20. 21-22. 23

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa, bởi Người nhân hậu (c. 1a).

Xướng: Dân chúng đúc hình bò con tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.

Xướng: Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.

Xướng: Chúa đã nghĩ tới tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. –

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 13, 1-11

“Dân này sẽ như chiếc đai lưng không còn có thể xài được nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi mua sắm một dây đai lưng, rồi thắt vào lưng, và ngươi đừng nhúng vào nước”. Và tôi đi mua dây đai theo lệnh Chúa, rồi tôi thắt vào lưng.

Lời Chúa phán cùng tôi lần thứ hai rằng: “Ngươi hãy cởi dây đai ngươi đã mua sắm và đang thắt ngang lưng, rồi chỗi dậy đi đến Êuphratê, giấu nó trong hốc đá”. Và tôi ra đi giấu nó trong hốc đá như lời Chúa truyền dạy.

Sau nhiều ngày, Chúa lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy, đi đến Êuphratê mà lấy dây đai lưng Ta đã truyền ngươi đem giấu ở đó”. Tôi ra đi đến Êuphratê, và lấy dây đai lưng ngay chỗ tôi đã giấu. Nhưng kìa, dây đai lưng đã mục nát cả, không còn xài được nữa.

Và có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Ðây Chúa phán: Ta sẽ khiến cho lòng kiêu căng của Giuđa và lòng kiêu căng tột độ của Giêrusalem ra mục nát như vậy. Dân xấu xa này không còn muốn nghe lời Ta, cứ chạy theo lòng gian tà của nó, và chạy theo các thần ngoại lai để phụng sự và thờ lạy các thần đó, nên chúng sẽ như chiếc đai lưng này không còn xài được nữa”. Và Chúa phán tiếp: “Như đai lưng bám sát vào lưng người ta thế nào, Ta cũng đã làm cho nhà Israel và nhà Giuđa bám Ta như vậy, để chúng trở thành dân Ta, cao rao thánh danh, vinh dự và vinh quang của Ta, nhưng chúng đã không chịu nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðnl 32, 18-19. 20. 21

Ðáp: Ngươi đã bỏ Chúa, Ðấng đã sinh ra ngươi (c. 18a).

Xướng: Ngươi đã bỏ Chúa, Ðấng đã sinh ra ngươi; đã quên Chúa, Ðấng đã tạo thành ngươi. Chúa đã thấy, và Người đã nổi cơn thịnh nộ: vì con trai con gái Người đã trêu chọc Người.

Xướng: Chúa phán: Ta sẽ che giấu mặt Ta khỏi chúng, và nhìn xem tương lai chúng sẽ ra sao: vì là dòng giống ngỗ nghịch và là con bất hiếu.

Xướng: Chúng đã trêu chọc Ta bằng thứ chẳng phải là Chúa, đã lấy sự dối trá mà chọc giận Ta: Ta sẽ trêu chúng bằng thứ không phải là dân tộc, và sẽ dùng dân tộc dại dột làm cho chúng tức giận.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là chân lý, xin hãy thánh hoá chúng con trong sự thật. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 31-35

“Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỰ LỚN MẠNH CỦA NƯỚC CHÚA
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt cải với sự lớn mạnh của nó… Hạt giống Giê-su được Chúa Cha gieo vào đất nhân loại. Mưa hay nắng… chắc chắn mỗi ngày một triển nở, sự yếu đuối của chúng ta là sức mạnh của hạt giống. Liệu tất cả những người tin có hy vọng và trông đợi như thế không?

Chúa Giê-su là Nước Trời. Theo cách thức của người gieo hạt, Người đã được gieo vào lòng đất thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Người đã lớn lên và trở thành cây che phủ toàn thể địa cầu. Sau khi bị nghiền nát bởi cuộc Thương Khó, trái cây sinh ra đủ mọi hương vị, phù hợp với khẩu vị và tỏa hương thơm cho mọi vật sống chạm đến Người. Vì, như hạt cải, sự kiện hạt bị nứt ra chính là sức mạnh của nó. Tương tự như vậy, Chúa Ki-tô muốn thân mình được nghiền tán ra để sức quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong thế gian… Chúa là vua, là nguyên lý của mọi quyền hành là Nước Trời, vì tất cả vinh quang của nước ấy ở nơi Chúa.

Có những lúc Giáo Hội bị bắt bớ, Thánh Giá bị triệt hạ, nhà thờ bị phá hủy, người tin chỉ còn là số ít, người ta lo lắng cho số phận của Nước Chúa. Đức Cố Giáo hoàng Bênêđicto XVI nói: “Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó” (Buổi tiếp kiến chung thứ tư 27 tháng 2 năm 2013).

Romano Guardini viết: “Giáo hội không phải là cơ cấu được nghĩ ra và xây dựng trên bàn giấy, nhưng là một thực tại sống động. Như mọi sinh vật, Giáo hội sống dọc dài thời gian trở thành, bằng cách biến đổi mình, tuy trong bản chất nó vẫn luôn luôn là thế. Trái tim của Giáo hội là Chúa Ki-tô”. Vì thế, Giáo hội sống, lớn lên, và thức tỉnh trong tâm hồn các tín hữu. Như Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, họ tiếp nhận Lời Chúa và thụ thai bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Họ hiến dâng cho Thiên Chúa thân xác mình, trong sự nghèo nàn và khiêm tốn họ trở thành những người có khả năng sinh ra Chúa Ki-tô mỗi ngày trong thế gian. Qua Giáo hội, mầu nhiệm Nhập Thể luôn mãi hiện diện. Chúa Ki-tô tiếp tục bước đi qua thời gian trong tất cả mọi nơi. Đó là mầu nhiệm lớn mạnh của Nước Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.

 

DỤ NGÔN HẠT CẢI VÀ NẮM MEN (Mt 13,31-35)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hôm nay Chúa Giê-su nói hai dụ ngôn về Nước Trời qua hình ảnh hạt cải và nắm men. Sự phát triển của Nước Thiên Chúa được ví như hạt cải, tuy bé nhỏ nhưng được nảy mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men tuy nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Thiên Chúa cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả như vậy.

2. Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Ti-bê-ri-a có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo  của Chúa Giê-su và của Giáo hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.

3. Sự tăng trưởng của Nước Trời.

Hình ảnh cây cải ở xứ Pa-lét-tin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tàn lá nó được. Nước Trời ban đầu thật nhỏ bé trên dưới vài chục người với Chúa Giê-su và các môn để quanh quẩn trong xứ Pa-lét-tin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.

Chức năng của Nước Trời, của Hội thánh là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Mọi thành viên trong Nước Trời là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh.

4. Sự thâm nhập của Nước Trời.

Nếu ai đã từng xem cách thức ủ bột, ủ cơm hay ủ trái cây để làm rượu, thì sẽ không lạ gì về công dụng của men. Men là một loại chất xúc tác, hai công dụng của nó là: thấm nhập và biến đổi  những gì men được trộn vào.

Chân lý Nước Trời, bản chất Hội thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Ki-tô hữu phải thâm nhập được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng, chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng. Chân lý này là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo văn minh tình thương.

5. Hôm nay, Chúa Giê-su muốn dùng dụ ngôn hạt cải và nắm men trong bột để ám chỉ Nước Trời. Thật vậy, được khởi đi từ những gì là nhỏ bé, âm thầm trong sự khiêm tốn. Nhưng một khi đã hội đủ những cơ hội thuận tiện, Nước ấy sẽ lớn mạnh và lan rộng khắp nơi, khiến cho quyền lực của thế gian và ma quỉ có mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi.

Qua hình ảnh này, Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta rằng: hãy bắt đầu hành trình  đi tìm và sống những giá trị Tin Mừng trong sự khiêm tốn và âm thầm, chúng ta sẽ gặp được chân lý, Nước Trời chỉ đến với những người thực sự đơn sơ, chân thành.

Mỗi Ki-tô hữu là thành phần của Hội thánh, có sứ mạng góp phần làm phát triển đạo Chúa và trở nên chất men trong xã hội loài người, hằng ngày dùng đời sống đạo đức lương thiện của mình biến đổi thế giới nên tốt lành hoàn hảo.

6. Truyện: Thế giới chưa hoàn chỉnh.

Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, sinh vật, chim cá… Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi: “Thưa Chúa, vậy thế giới đã xong chưa”? Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.

Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: “Ta mệt rồi, Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Chúa thế giời đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: “Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của Ta”.

Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa sẽ không làm điều đó thay cho chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm mà chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Martha, Maria và Ladarô

Ca nhập lễ

Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mác-ta rước Người vào nhà mình.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà thánh nữ Mác-ta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin Chúa cho chúng con hết tình phục vụ Ðức Ki-tô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 7-16

“Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Ðấng Cứu Thế.

Ai tuyên xưng Ðức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca

Đáp: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc.

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhận lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh, chung quanh những người kính sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao, phúc đức ai tìm nương tựa ở Người.

Alleluia: x. Lc 2, 25c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta, sẽ có ánh sáng ban sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 11, 19-27

“Con đã tin Thầy là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Mác-ta và Ma-ri-a để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giê-su đến, Mác-ta đi đón Người, còn Ma-ri-a vẫn ngồi nhà. Mác-ta thưa Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giê-su nói: “Em con sẽ sống lại”. Mác-ta thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giê-su nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Lc 10, 38-42

“Martha đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa thật là kỳ diệu khi cho thánh nữ Mác-ta được ơn phục vụ Ðức Kitô Con Chúa. Xưa Chúa đã chấp nhận lòng hiếu khách của thánh nữ, nay xin Chúa cũng vui nhận của lễ và lời cầu của chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Martha thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con đã thông hiệp với Mình và Máu Ðức Kitô Con Một Chúa. Nhờ ơn hiệp lễ, xin cho chúng con không quá lệ thuộc vào cuộc đời chóng qua và ước gì chúng con, khi sống ở đời này, biết noi gương thánh nữ Mác-ta để lại mà tiến bước trong tình yêu mến Chúa và mai sau trên thiên quốc, được vui mừng chiêm ngưỡng thánh nhan. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THÁNH MÁCTA, MARIA VÀ LADARÔ
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Hôm nay, Giáo hội kính nhớ các thánh Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô là 3 chị em ở làng Bê-ta-ni-a. Lễ này đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thêm vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma, ngày 2/2/2021. Ngày này trước đây, chỉ được sử dụng để kính nhớ duy nhất thánh Mát-ta.

Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã giải thích rằng Đức Thánh Cha thêm ba vị thánh vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma “vì chứng tá Phúc âm quan trọng của họ trong việc đón rước Chúa Giê-su vào nhà họ, chăm chú lắng nghe Người, tin rằng Người là sự sống lại và là sự sống.”

Sắc lệnh khẳng định: “Trong ngôi nhà ở Bê-ta-ni-a, Chúa Giê-su cảm nghiệm tình gia đình và tình bạn của Marta, Maria và La-da-rô, và vì lý do này, Phúc âm thánh Gio-an khẳng định rằng Chúa yêu thương họ. Bà Mát-ta đã rộng lượng tiếp đãi Người, bà Ma-ri-a ngoan ngoãn lắng nghe lời Người và ông La-da-rô nhanh chóng đi ra khỏi mộ theo lệnh của Đấng đã chiến thắng sự chết.”

Bài Phúc âm trích đọc trong thánh lễ này (Lc 10, 38-42) minh chứng tình cảm mà chị em nhà này đã dành cho Chúa. Họ tận tình tiếp đãi Chúa mỗi người một cách thế. Dầu vậy, Bài Phúc âm cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về trật tự của những việc chúng ta làm cho Chúa.

Mát-ta đón thầy trong tư cách chị cả. Chị tất bật trong bếp lo bữa ăn để tiếp đãi Thầy, chị lo lắng phải làm sao để tiếp đón Thầy cho xứng. Còn Ma-ri-a đón tiếp Chúa bằng cách thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.

Mát-ta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn. Nhưng chị không muốn khách phải chờ đợi lâu, và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn. Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.

Chị đề nghị: “Xin Thầy bảo em giúp con một tay!” Ước mơ của Mát-ta rất đỗi bình thường. Tiếc thay, Thầy Giê-su lại đang kể chuyện cho Ma-ri-a, và cô này đang lắng nghe một cách thích thú. Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy. Mát-ta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có. Chị quên rằng Thầy Giê-su không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn. Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.

Thầy Giê-su nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mát-ta và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng. Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mát-ta, Mát-ta. Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá. “Chỉ cần một chuyện thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt hơn”.

Thầy Giê-su không bảo rằng điều Mát-ta làm là điều không tốt. Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.

Cuộc sống hôm nay dễ làm chúng ta bị cuốn vào chọn lựa của Mát-ta, bị đè nặng bởi công việc. Chúng ta quên mất: điều cần hơn là dành thời giờ để gặp Chúa, ở bên chân Chúa mà lắng nghe. 

Đời sống của người Ki-tô hữu là kết hợp hài hoà giữa chọn lựa của Mát-ta và Ma-ri-a. Vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa.

 

MÁCTA, MỘT CON NGƯỜI PHỤC VỤ (Lc 10, 38-42)
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Tin Mừng thánh Luc thuật lại rằng: “Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10, 38-40 ). Tin Mừng cũng cho thấy, Mácta cũng đón Chúa dùng bữa với gia đình sáu ngày trước lễ phục sinh. Trong hai bữa ăn đó, Mácta tỏ ra tất bật, lo lắng cho Chúa Giêsu và các môn đệ. Cô Mácta có lòng hiếu khách một cách triệt để: thánh nữ bận rộn với việc bếp núc, cố gắng làm những món ăn ngon, hợp khẩu vị để thết đãi Chúa Giêsu và các môn đệ. Lần khác, Chúa Giêsu tới Bêtania và làm cho Lazarô chết bốn ngày, đã nặng mùi, được sống lại. Trước khi làm phép lạ, Mácta đã tuyên xưng lòng tin của mình: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27) Lòng tin của Mácta đưa nhân loại liên tưởng tới lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Chính lời tuyên xưng đức tin của vị tông đồ trưởng làm cho Ngài trở nên tảng đá vững chắc, Chúa xây dựng Giáo Hội của Người trên ấy. Mácta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Điều này nói lên, chính Thiên Chúa đã mạc khải cho thánh nữ và Thánh Thần đã tác động trong thánh nữ để Mácta nhận ra Chúa là Đấng thiên sai phải đến trong thế gian. Mácta bận rộn, lo lắng và trong sự mệt mỏi, thánh nữ đã than phiền về việc Maria không chịu giúp cô làm bếp để hầu hạ và phục vụ Chúa Giêsu cùng các môn đệ: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10, 40). Sự thực Chúa Giêsu rất trân trọng thái độ hiếu khách của Mácta, tuy nhiên, Ngài cũng trách Mácta quá lo âu, lo lắng mà quên đi việc chính yếu là lắng nghe lời Chúa: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi (Lc 10, 41-42).

Thái độ nào cần phải có?

Maria em cô Mácta đã lấy thuốc thơm xức cho Chúa, đã ngồi bên chân Chúa mà nghe Chúa giảng dạy (Lc 10,39). Cả hai thái độ của Mácta và Maria đều đáng trân trọng, nhưng phải làm sao để đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm, cầu nguyện trở nên hài hòa. Lo lắng, băn khoăn, náo động mà quên đi phải có những lúc tĩnh, những lúc yên nghỉ để lắng đọng tâm hồn, kết hợp với Chúa, là điều thiếu xót, chưa hoàn hảo. Chúa Giêsu muốn con người vừa phục vụ nhưng phải biết hồi tỉnh để cầu nguyện. Maria và Mácta sẽ bổ túc cho nhau để đời sống trở nên hoàn hảo.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà thánh nữ Mácta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin Chúa cho chúng con hết tình phục vụ Đức Kitô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ Mácta).

 

ĐTC Phanxicô thêm lễ các thánh Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội

Ngày 2/2/2021 Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm lễ nhớ các thánh Marta, Maria và Ladarô – 3 chị em ở làng Betania, vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Roma, và quyết định lễ kính nhớ các ngài vào ngày 29/7 hàng năm.

Cho đến nay, trong lịch phụng vụ chỉ có lễ nhớ thánh Marta. Với quyết định mới này, tất cả các sách phụng vụ trên thế giới sẽ cập nhật các lời nguyện và bản văn cho lễ nhớ 3 vị thánh bạn của Chúa Giêsu.

Chứng tá đón rước Chúa Giêsu của 3 chị em làng Bêtania

Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích được ký bởi Đức Hồng y Tổng trưởng Robert Sarah và Đức tổng giám mục Arthur Roche, Đồng Tổng Thư ký, đã giải thích rằng Đức Thánh Cha thêm ba vị thánh vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Roma “vì chứng tá Phúc âm quan trọng của họ trong việc đón rước Chúa Giêsu vào nhà họ, chăm chú lắng nghe Người, tin rằng Người là sự sống lại và là sự sống.”

Sắc lệnh khẳng định: “Trong ngôi nhà ở Bêtania, Chúa Giêsu cảm nghiệm tình gia đình và tình bạn của Marta, Maria và Ladarô, và vì lý do này, Phúc âm thánh Gioan khẳng định rằng Chúa yêu thương họ. Bà Marta đã rộng lượng tiếp đãi Người, bà Maria ngoan ngoãn lắng nghe lời Người và ông Ladarô nhanh chóng đi ra khỏi mộ theo lệnh của Đấng đã chiến thắng sự chết.”

Danh tính của bà Maria

Việc kính nhớ thánh Marta đã được đưa vào Lịch Rôma trước Công đồng Vatican II, nhưng hai thánh Ladarô và Maria đã bị bỏ qua do không chắc chắn về danh tính của bà Maria. Các sách Phúc Âm nhắc đến các tên Maria: Maria Madalena đã được Chúa hiện ra sau khi sống lại, Maria chị em của bà Marta và Maria người tội lỗi được Chúa tha tội. Sắc lệnh lưu ý rằng vấn đề danh tính của bà Maria “đã được trả lời trong những nghiên cứu mới đây, xác định bà Maria là người chị em của Marta và Ladarô, như được nói đến trong sách Tử đạo thư Roma. Hơn nữa, trong một số lịch riêng, 3 chị em được kính nhớ cùng với nhau.”

Các bản văn phụng vụ của ngày lễ

Sắc lệnh kết luận: “Lễ nhớ (các ngài) phải được ghi vào tất cả các lịch và sách phụng vụ cử hành Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ; các thay đổi và bổ sung được thông qua trong các bản văn phụng vụ, phụ lục của sắc lệnh này, phải được dịch, phê chuẩn và, sau khi được Thánh Bộ xác nhận, được công bố bởi Hội đồng Giám mục.”

Cùng ngày 2/2, Bộ Phụng tự cũng công bố sắc lệnh thêm 3 lễ kính các vị thánh tiến sĩ vào Lịch Công giáo Roma. Đó là thánh Gregori Narek, được kính nhớ ngày 27/2; thánh Gioan Avila, vào ngày 10/5; và thánh Hildegard, vào ngày 17/9. (CSR_830_2021)

Hồng Thủy – Vatican News


Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Thánh Nữ Matta, chị của Maria và Ladarô, được cử hành tám ngày sau lễ kính Thánh Nữ Maria Mađalêna và đã phổ biến dưới thời Trung Cổ do ảnh hưởng cuốn Các truyền thuyết ở Pronvence. Tuy nhiên thật đáng tiếc vì không có một lễ chung kính ba vị thánh của Bêtania như trong phụng vụ dòng Phan Sinh ở thế kỷ XVIII và trong niên lịch dòng Biển Đức vốn vẫn thường mừng vào ngày 2 tháng Chín.

Quyển Cuộc đời Thánh Nữ Matta (thế kỷ XII) có kể lại một truyền thuyết rằng ba chị em Matta, Maria, Ladarô đã bị người Do Thái tống xuống một chiếc thuyền nhỏ không buồm, nhưng đã lên bờ được ở Marseille và tại đây bà Matta được đặc biệt kính trọng. Còn theo những truyền thuyết khác thì Thánh Nữ Matta đã truyền giáo ở miền Provence và đã giải thoát miền này khỏi một con quái vật tên là Tarasque. Người ta thấy sự tích đó được khắc trong Nhà thờ Thánh Nữ Matta (thế kỷ XII) ở Tarascon.

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh Lễ cũng như các điệp ca nhập lễ (nhắc tới bữa ăn ở Bêtania) và hiệp lễ (nhắc tới việc Ladarô sống lại) đưa ra ba giai đoạn nổi bật của Thánh Nữ Matta, được chọn làm bổn mạng các bà nội trợ và các dưỡng đường.

Lời nguyện trong ngày ca tụng tính hiếu khách của thánh nữ, và dạy chúng ta biết “phụng sự Đức Kitô trong mỗi người anh em chúng ta”. Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh “sự vội vã tận tụy” của thánh nữ trong việc đón tiếp Đức Giêsu vào nhà (Lc 10, 38).

Bài Phúc Âm Luca đọc trong Thánh Lễ (Lc 10, 38-42) nhắc lại lời Đức Kitô: “Matta, Matta ơi, chị lo lắng, sắp xếp nhiều chuyện. Nhưng duy nhất chỉ có một điều là cần thiết…” Bởi thế, trong lời nguyện tạ lễ, chúng ta xin Chúa “đừng để chúng ta hướng về những gì hay hư nát”. Cũng vậy, bài giảng của Thánh Augustinô và Phụng vụ Bài đọc trích dẫn nhắc nhở chúng ta rằng “lời của Đức Giêsu Kitô mời gọi chúng ta chỉ nhắm một mục đích duy nhất khi chúng ta ngụp lặn giữa bao công việc của trần gian này”.

Điệp ca bài Benedictus: Lạy Chúa, Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã đến trong thế giới này, được trích dẫn từ Phúc Âm Thánh Gioan (11, 27) mà ta có thể đọc trong Thánh Lễ. Những lời này của Thánh Nữ Matta là một lời tuyên xưng đức tin rất vững chắc, đã được Giáo Hội giữ lại trong nghi thức khai tâm kitô giáo cho người trưởng thành và trong phụng vụ lễ tang.

Enzo Lodi
 

SUY NIỆM & PHỤC VỤ
(LỄ BA THÁNH: MÁCTA - MARIA - LADARÔ 29/07)

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của lễ ba thánh: Mácta – Maria – Ladarô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Xưa Con Một Chúa đã gọi thánh Ladarô trở lại cuộc sống từ trong huyệt mộ, và đã nhậm lời thánh nữ Mácta đến trú ngụ tại nhà của các ngài. Chúng ta hãy nài xin Chúa cho chúng ta: khi chân thành phục vụ anh chị em, cũng trở nên xứng đáng như thánh nữ Maria, được dưỡng nuôi nhờ suy niệm Lời Chúa.

Mácta là chị của cô Maria và ông Ladarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Ladarô được Chúa cho hoàn sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua. Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.

Suy niệm Lời Chúa và phục vụ anh chị em, là hai việc, mà thánh Phaolô đã khen ngợi giáo đoàn Côrintô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Nhân cuộc lạc quyên nhằm giúp cộng đoàn Giêrusalem, thánh Phaolô nhắc cho mọi người rằng: Đức Giêsu Kitô, vốn giàu sang phú quý, đã trở nên khó nghèo. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa.

Suy niệm Lời Chúa và phục vụ anh chị em, là hai việc, mà gia đình cô Mácta đã làm để đón tiếp Đức Giêsu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cho thấy: Lời Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhắc nhở chúng ta phải hướng về một mục đích, khi gánh vác trăm công ngàn việc ở đời này, hướng về đó mà không lơ là và cũng không ngơi nghỉ, để một ngày kia chúng ta sẽ đạt tới đích… Sau ngày Chúa Giêsu cho ông Ladarô sống lại, người ta dọn tiệc đãi Người tại Bêtania, và cô Mácta lo hầu bàn, còn cô Maria lấy một cân dầu thơm quý giá xức chân Đức Giêsu.

Suy niệm Lời Chúa và phục vụ anh chị em, là hai việc, không thể tách rời nhau, bởi vì, đó chính là giới răn: mến Chúa, yêu người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Trong bài Tin Mừng, cô Mácta đã tuyên xưng: Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Cô Mácta là người phụ nữ, được vinh dự tuyên xưng: Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đến không phải để được hầu hạ, nhưng là, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Chính vì thế, Người đã trở thành ánh sáng cho thế gian, ai bước theo ánh sáng đó, sẽ được sống muôn đời. Gia đình cô Mácta đã đón tiếp Đức Giêsu, không chỉ, như người ta quen đón tiếp lữ khách, mà còn, hơn thế nữa: họ đã đón tiếp Chúa như: nữ tỳ đón tiếp ông chủ, bệnh nhân đón tiếp Đấng Chữa Lành, thụ tạo đón tiếp Đấng Tạo Hóa. Gia đình cô Mácta đã lấy cơm bánh để phục vụ Đấng đã lấy Thần Khí mà nuôi sống nhân loại. Bởi vì, Đức Giêsu đã mặc lấy thân phận tôi đòi, cho nên, Người cũng muốn được nuôi dưỡng bằng cơm bánh và bằng tình thương. Ước gì chúng ta  biết nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa, để ta cũng biết phục vụ anh chị em mình, như gia đình cô Mácta. Ước gì được như thế!



“Con có tin điều đó không?”; “Thưa Thầy, vâng, con tin!”.

“Niềm tin, về nhiều mặt, như chiếc xe cút kít. Cách đơn sơ, bạn phải thực sự đẩy nó để nó có thể hoạt động. Nếu không sống nó; bạn không tin nó!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu không sống nó; bạn không tin nó!”. Lời Chúa lễ các thánh Matta, Maria và Lazarô đặt ra một câu hỏi căn bản: “Con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi và Matta nhanh nhẩu đáp, “Vâng, con tin!”. Hôm nay, Ngài hỏi bạn và tôi, “Con có tin tất cả những điều đó không?”; và thách thức của chúng ta trong thời hậu hiện đại này, là mau mắn thưa, “Vâng, con tin!”.

Nhưng tất cả những điều đó là điều gì? Trước hết, bạn có tin loài người phải gánh chịu hậu quả thảm khốc cách bí ẩn khi nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa? Bạn có tin các tín điều trong Kinh Tin Kính? Và quan trọng nhất, bạn có tin Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết sống lại, chiến thắng tội lỗi, sự chết và đang sống để lôi kéo mọi người về với Ngài như Đấng Cứu Độ? Phải, thách thức lớn nhất của bạn và tôi là thưa lên, “Vâng, con tin!”.

Một trong những khó khăn lớn của chúng ta là giữ cho đức tin mình thật ‘đơn sơ’ như đức tin rất mực ‘chơn chất’ của Matta! Khuynh hướng của chúng ta là thích hướng tới sự ‘tinh vi và phức tạp’. Và dẫu suy nghĩ và lập luận tốt là một quà tặng, nhưng cần lưu ý, khuynh hướng chủ nghĩa duy lý bẩm sinh có thể không phải là khởi đầu tốt cho một đức tin chân chính. Một đức tin đơn sơ rất đẹp lòng Chúa, bởi Ngài có nhiều thời giờ hơn để làm một điều gì đó ‘trong chúng ta và qua chúng ta’; nghĩa là Ngài không cần mất thời giờ để thuyết phục chúng ta tin như đã không mất thời giờ với Matta.

Đức tin đơn sơ này - bài đọc một - được Gioan tóm tắt, “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa”. Thế thôi! Đó là những ai mạnh dạn thưa “Vâng, con tin!” với Ngài và đơn sơ sống giới răn yêu thương của Ngài! “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. Thánh Vịnh đáp ca cũng phảng phất nét giản dị đó, “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thưa Thầy, vâng, con tin!”. Đức tin đơn sơ của Matta có thể thúc bách chúng ta tiến về phía trước và hướng ra các chân trời; đồng thời, khơi dậy và biến chúng ta thành những chứng tá của Vương Quốc trước nhu cầu cấp bách cứu các linh hồn. “Niềm tin đó như chiếc xe cút kít, và bạn phải thực sự đẩy nó để nó có thể hoạt động!”. Như vậy, đức tin của những ai sẵn sàng thưa “Vâng, con tin!” và quyền năng của Thiên Chúa đã ‘tìm kiếm’ nhau; và cuối cùng, ‘gặp nhau!’. Chính đức tin đơn sơ của Matta đã đưa Lazarô em cô ra khỏi mồ; và qua sự kiện kỳ vĩ này, hẳn Matta đã lôi kéo không ít người tin vào Chúa Giêsu, Đấng sẽ ban cho họ không chỉ sự sống ngắn hạn như đã ban cho Lazarô, nhưng còn ban cho họ sự sống dài hạn, đời đời, sự sống miên viễn thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin loại khỏi đức tin con bao phức tạp, cho nó thật dung dị, hầu có thể đem ra khỏi huyệt những ai đang cố nán lại trong ‘nấm mồ’ riêng của họ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây