Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 29/07/2024 19:16 |   147
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.” (Mt 13,47-53)

01/08/2024
THỨ NĂM TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Thánh Alphongsô Ligouri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t5 t17 TN

Mt 13, 47-53


chúa kể chuyện nước trời
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.” (Mt 13,47-53)

Suy niệm: Chúa Giê-su là “Đấng từ trời xuống” (x. Ga 3,13), nhưng Ngài không hề đưa ra một định nghĩa nào về Nước Trời, gồm những yếu tố nào hay có những đặc tính gì. Trái lại, Chúa kể cho chúng ta nghe thật nhiều câu chuyện về Nước Trời. Bằng những hình ảnh thật quen thuộc, dễ thấy trong đời thường như: hạt muối, hạt men, việc gieo giống, thả lưới đánh cá, v.v… Chúa Giê-su đưa chúng ta đi vào huyền nhiệm khôn dò thấu của Nước Trời. Phải chăng Ngài đã chẳng nói: Nước Trời không phải ở đây hay ở kia mà “Này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (x. Lc 17,21) hay sao? Phải, Nước Trời đã đến rồi, nơi Đức Giê-su đang ở giữa chúng ta, Ngài “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), chỉ cần chúng ta tiếp bước đi theo Ngài là chúng ta đi vào mầu nhiệm Nước Trời.

Mời Bạn: Chúa mời gọi bạn nghiền ngẫm câu chuyện dụ ngôn Nước Trời mà Ngài kể cho chúng ta, để bạn khám phá ra rằng Nước Trời không phải là một ý niệm mà là hiện thực cuộc sống, và chúng ta không ở xa mà là đang sống trong mầu nhiệm Nước Trời đó. Chỉ cần mỗi người chúng ta cùng nỗ lực trở nên “cá tốt” và giúp cho người khác cũng trở nên “cá tốt” để được đưa vào tận hưởng niềm vui trong Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Bạn bắt đầu một ngày mới bằng tâm tình hạnh phúc vì được ở với Chúa, và bạn chia sẻ tâm tình đó bằng hành động vui tươi phục vụ tha nhân để Nước Chúa được hiện thực ngay nơi trần gian này.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

Ngày 1: Lạy Chúa! Giây phút hiện tại, giây phút “đang là” luôn nhỏ bé, vì nó rất đơn giản, như Chúa luôn giản đơn, nhưng, ẩn đằng sau đó, là một năng lực rất lớn; giống như hạt nguyên tử, một trong những thứ nhỏ nhất, nhưng sức mạnh lại cực kỳ to lớn. Chỉ khi chúng con song hành với giây phút “đang là”, chúng con mới có thể tiếp xúc được với sức mạnh đó. Nói đúng hơn, lúc ấy năng lực của phút giây hiện tại, là chính sức mạnh của Chúa, mới có thể tiếp cận với chúng con, và qua chúng con, mà sức mạnh của Chúa mới có thể biểu hiện ra trong đời sống chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 40, 14-19. 32-36

Một đám mây che phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê thi hành tất cả những điều Chúa đã truyền dạy. Vậy ngày mùng một tháng Giêng năm thứ hai, đã dựng nhà xếp xong. Ông Môsê đã dựng nhà xếp, lắp ván, đặt trụ, xà ngang và dựng cột, rồi căng mái nhà xếp và màn che trên mái như Chúa đã truyền dạy. Ông đặt bia chứng từ vào hòm, xỏ đòn khiêng vào hai bên, và để toà phán dạy trên hòm. Khi đã rước hòm bia vào nhà xếp, ông treo màn trước hòm để hoàn tất lời Chúa đã truyền dạy. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, thì có một đám mây bao phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp.

Vì mây che phủ nhà xếp, và uy linh Chúa sáng rực trong nhà, nên ông Môsê không thể vào trong nhà giao ước, vì có đám mây che phủ mọi sự. Hễ mây lên khỏi nhà xếp, thì con cái Israel kéo nhau đi từng đám, còn khi mây che phủ nhà xếp, thì họ ở lại tại chỗ. Vì ban ngày, đám mây của Chúa che phủ nhà xếp, và ban đêm, có lửa trong mây, nên toàn dân Israel trông thấy suốt thời gian xuất hành của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11

Ðáp: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài 

Xướng: Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. – 

Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại vương là Thiên Chúa của con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái. 

Xướng: Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 18, 1-6

“Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy, đi xuống nhà thợ gốm, và ở đấy ngươi sẽ nghe lời Ta”. Tôi liền xuống nhà thợ gốm, và đây anh đang nắn đồ trên bàn quay. Cái bình đất do tay anh nắn đã vỡ nát, anh lại nắn cái khác theo như ý anh muốn làm. Và có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Chúa phán: Hỡi nhà Israel, nào Ta chẳng làm được cho các ngươi như người thợ gốm này sao? Hỡi nhà Israel! Ðây, như hòn đất trong tay người thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 2abc. 2d-4. 5-6

Ðáp: Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy khen ngợi Thiên Chúa; tôi sẽ khen ngợi Thiên Chúa trong cả cuộc đời; bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa. – Ðáp.

Xướng: Ðừng tin cậy vào những vị quân vương, vào con người phàm không thể ban ơn cứu độ. Lúc y tắt thở, y sẽ trở về bụi đất; bấy giờ những lời bàn của y cũng tiêu tan. – Ðáp.

Xướng: Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ, người đặt hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa của mình: Người là Ðấng đã tạo thành trời đất, biển khơi và muôn vật chúng đang chứa đựng. Người là Ðấng giữ trung tín muôn đời. – Ðáp.

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 47-53

“Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Ðến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa: “Có”.

Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình”. Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN VỀ CHIẾC LƯỚI (Mt 13,47-53)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Dụ ngôn chiếc lưới này gần giống như dụ ngôn cỏ lùng. Cả hai dụ ngôn đều nói tới vần để kẻ tốt và kẻ xấu sống chung với nhau, và sự phân biệt  rõ ràng dứt khoát, mỗi kẻ một nơi, chỉ xẩy ra vào ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng.

Như chiếc lưới quăng xuống biển bắt được mọi thứ cá, Thiên Chúa cũng căng lưới tình yêu ra và chụp vào  mọi người, không ai bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, Chúa chỉ lựa cá tốt. Thiên Chúa chỉ đón nhận  những ai muốn được Ngài biến đổi và làm cho tốt, còn những ai chối bỏ, thì sẽ bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương và sẽ chịu hình phạt muôn đời.

2. Dụ ngôn lưới cá thời Chúa Giê-su không giống cách đánh cá công nghiệp thời nay. Cách đánh cá này giống như cách đánh cá của người dân quê miền bể chúng ta.  Đây là thứ lưới vét (lưới giùng) dài và rộng. Dân chài chia thành hai nhóm kéo hai đầu lưới, bao vây cả một vùng biển mà dân chài tưởng là có đàn cá, từ từ vòng vào bờ, kéo lưới lên bãi, xum nhau lại nhặt cá.

Theo giải thích của nhiều giáo phụ thì biển là thế gian, cá là nhân loại, dân chài là các tông đồ, lưới là Hội thánh và là việc rao giảng Tin Mừng, nhặt cá tốt và cá xấu là phân biệt kẻ lành kẻ dữ trong ngày phán xét.

3. Theo cánh đánh cá ở trên, các ngư phủ sau khi kéo lưới vào bờ, họ thường ngồi lựa cá tốt và cá xấu. Cá tốt thì thu gom lại còn cá xấu thì loại bỏ đi. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh lưới cá này để chỉ Nước Chúa, tức là Hội thánh của Chúa, có nhiều thành phần khác nhau, tốt xấu khác nhau. Ai cũng có thể ở trong Giáo hội, không phân biệt, không kỳ thị chủng tộc, mầu da, tiếng nói, văn minh, giầu nghèo. Tuy nhiên sẽ có ngày Chúa phân xử là lựa chọn kỹ càng, lúc ấy Thiên Chúa sẽ quyết định ai là người tốt, ai là người xấu, ai là con cái thật của Chúa, ai là thứ giả hình giả mạo. Chúa Giêsu còn nói rõ: các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu và người công chính. Kẻ xấu sẽ bị ném vào lò lửa không hề tắt, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng, còn người công chính  sẽ chói sáng như mặt trời.

4. Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho các tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

5. Một lần nữa chúng ta được nghe Chúa Giê-su mạc khải về ngày tận thế qua dụ ngôn chiếc lưới đầy cá và sự lựa chọn của ngư dân. Trong ngày sau hết cũng vậy, Thiên Chúa sẽ tách biệt người công chính ra khỏi kẻ gian ác. Kẻ gian ác thì chịu án phạt, còn người công chính được ân thưởng trong Nước Trời.

Vì thế, Hội thánh ở trần gian giống như chiếc lưới, mời gọi mọi người không trừ ai. Thế nhưng, trong Hội thánh, mọi tín hữu đều hướng tới mục tiêu là nên thánh, nên công chính để được Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ngày sau hết. Trở nên người công chính, đó là ước mong của mọi người chúng ta khi làm môn đệ Chúa Ki-tô. Và chính điều mong ước này là động lực thúc đẩy chúng ta sống công chính theo gương Ngài để được chọn vào trong Nhà Chúa. Lời Chúa mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta nên sống công chính thánh thiện để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn (5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Xin rời bỏ Giáo hội.

Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố:

– Con đến cho Đức Cha hay con muốn rời khỏi Giáo hội. Đức Cha nghĩ sao?

Vị Giám mục xin ông cho biết lý do.

Ông nói:

– Đức Cha nghĩ coi: Giáo hội có mặt trên trần gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?

Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:

– Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cứ phải rửa tay?

Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo hội nữa.

Vâng! Hãy biết sống kiên trì, nhẫn nại và nhiệt thành để tâm hồn luôn được thanh thản và bình an.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Alphongsô Ligouri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban cho Giáo Hội những khuôn mẫu luôn luôn mới của đời sống Kitô hữu. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh giám mục An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri mà nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, để mai sau được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin đốt lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa yêu mến của Thánh Thần, như xưa Chúa đã ban cho thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri ơn cử hành các mầu nhiệm thánh và nhờ đó mà hiến mình làm của lễ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri nên người trung thành rao giảng và phục vụ bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết năng tham dự bí tích này và nhờ đó mà không ngừng ngợi khen Chúa. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Alphonse (An-phong) là Đấng sáng lập hội dòng Chúa Cứu Thế vào một giai đoạn chủ nghĩa duy lý thống trị. Qua đời ngày 1 tháng tám năm 1787 tại Campanie (nước Italie), Ngài được phong thánh năm 1839 và năm 1871, Giáo hội tuyên bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh.

Alphonse-Marie de Liguori sinh năm 1696 gần Naples, trong một gia đình quí tộc. Đỗ tiến sĩ luật đời và cả luật đạo năm mười bảy tuổi, nhưng năm 1723, Alphonse rời bỏ tòa án để đi làm linh mục (năm 1726). Trước tiên Ngài lo đào tạo các thừa sai sang Trung quốc tại một chủng viện ở Naples, nhằm phục vụ các bệnh nhân và giảng dạy giới bình dân. Về sau, Ngài giảng dạy trong các vùng quê miền Naples, nơi đây Ngài khám phá thấy sự thiếu thốn lớn trong vấn đề đạo đức. Điều này đưa Ngài tới việc thành lập một hội dòng mới (Dòng Chúa Cứu Thế) vào năm 1732 nhằm mục đích truyền giáo cho các miền quê, đặc biệt là cho giới bình dân và dạy dỗ về bí tích hòa giải. Năm 1749, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV sẽ phê chuẩn luật dòng mới này. Mặc dầu có các khó khăn buổi đầu, hội dòng đã nhanh chóng phát triển, đặc biệt nhờ công của thánh Clément Hofbauer phổ biến sang Ba Lan và trong các xứ thuộc Đức.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày cầu khẩn Chúa là Đấng không ngừng thúc đẩy phát sinh trong Hội Thánh “nhưng gương mẫu nhân đức mới”. Quả thế, vào thời đó giữa hai chủ trương lạc quan tôn giáo và nhặt nhiệm do Janséniste chủ xướng, thánh Alphonse đã xây dựng một hệ thống thần học luân lý được mệnh danh là “thuyết trung dung”, dựa trên nguyên tắc lòng nhân từ vô biên của Chúa, và đứng giữa hai thái cực nhặt nhiệm và thả lỏng của những người chủ trương “có thể”. Qua công trình của nhà luân lý quân bình, thánh Alphonse đã đặc biệt có công trong việc giải phóng các giáo hữu đương thời khỏi chủ trương quá nhiệm nhặt của phái Jansenius. Là nhà giảng thuyết và nhà luân lý lớn, thánh nhân cũng biết khai thác các tài năng thơ – nhạc của mình phục vụ cho nhiệt tình truyền giáo. Ngài là một trong những tác giả thánh ca Noel nổi tiếng. Người ta gán cho thánh Alphonse một trăm sáu mươi tác phẩm thần học hoặc đạo đức, trong đó phải kể Viếng Mình Thánh Chúa (1745), Vinh quang của Đức Maria (1750), Phương pháp lớn là cầu nguyện (1759), Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô và Thần học luân lý (1753 – 1755). Tác phẩm trọn bộ của Người đã được dịch sang tiếng Pháp (1834 – 1842).

Phụng vụ bài đọc trích dẫn từ bộ Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô cho ta thấy linh đạo của thánh An-phong là dựa trên tình yêu: “Vì Chúa biết rằng con người thường bị các ân huệ chinh phục, Chúa đã muốn buộc nó yêu Chúa vì các ơn của Người. Chúa nói, Ta muốn lôi kéo chúng bằng những thứ lưới mà loài người mắc phải, để chúng yêu Ta, vì đó là những sợi dây yêu thương”.

Lời nguyện trên lễ vật nhắc lại rằng thánh Alphonse đã tự dâng hiến chính mình “như một hy lễ thánh”. Đặc biệt là khi đã lớn tuổi, vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế đã gặp phải bao thử thách do những đau khổ lớn lao, nhưng ngài đã đón nhận tất cả với sự kiên nhẫn anh hùng: bệnh tật, ngờ vực, thậm chí cả sự xa lánh của chính gia đình dòng tu của mình, những cuộc tranh giành gây đối chọi giữa các thành viên hội dòng, kết cuộc đi đến chia rẽ, và sau hết nổi lo bị kết án, đã hằn sâu những năm cuối đời thánh nhân.

Lời nguyện tạ lễ gọi thánh An-phong là “nhà giảng thuyết và tư tế trung thành của Thánh Thể”. Ngài luôn tận tâm với việc canh tân lòng tôn sùng Thánh thể, – cách riêng, việc thực hiện các cuộc Viếng Mình Thánh Chúa, và Ngài đòi hỏi phải tôn kính Thánh Thể cách xứng đáng. Vị chủ chăn lớn thường nói: “Chính nhờ việc cầu nguyện mà các thánh nên thánh”; chính vì ý thức rõ tính cách quan trọng của cầu nguyện mà bản thân Ngài luôn thực hành và rao giảng, thánh nhân cũng đã thành lập một ngành nữ của hội dòng Chúa Cứu Thế với hoạt động chủ yếu là thần vụ, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Thánh nhân đặt “tình yêu vô biên” của Cha vĩnh cửu đối với nhân loại làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý của Người, bởi vì “Đấng đã không từ chối giao phó chính Con Một mình vì tất cả chúng ta, làm sao Chúa lại không ban tất cả cho chúng ta, cùng với Con của Người?” (Luận về tình yêu Đức Giêsu Kitô).

Enzo Lodi

NHIỆT THÀNH CỘNG TÁC VỚI CHÚA
(THÁNH ANPHONG MARIA LIGÔRI 01/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Anphong Maria Ligôri hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa không ngừng ban cho Hội Thánh những khuôn mẫu luôn luôn mới của đời sống Kitô hữu. Xin Chúa cho chúng ta hằng noi gương thánh Giám Mục Anphong mà nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, để mai sau được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân. Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm Giám Mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (năm 1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.

Nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, ngay cả khi, gặp nguy hiểm, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Nguy hiểm luôn đón chờ người Tông Đồ đích thực và người Tông Đồ hiên ngang chẳng phải vì những lợi thế của người phàm. Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải. Chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, vì tôi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa.

Nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, bằng cách thực thi bác ái, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Anphong nói: Tất cả sự trọn lành thánh thiện của linh hồn hệ tại lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa chúng ta, là sự thiện tuyệt đối và là Đấng cứu chuộc chúng ta. Đức ái liên kết và bảo toàn tất cả mọi nhân đức làm cho con người nên trọn lành… Kẻ kính sợ Chúa, Người cho toại nguyện, nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu. Chúa gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người. Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

Nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, bằng cách ngoan ngùy như đất sét trong tay người thợ gốm, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua ngôn sứ Giêrêmia rằng: Này hỡi nhà Ítraen, đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 145, vịnh gia cũng kêu gọi: Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacóp phù hộ. Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai. Họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Lời Chúa là ánh sáng, là đèn soi cho chúng ta. Nếu chúng ta biết mở lòng đón nhận ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ bước đi trong sự thật, trên đường ngay nẻo chính. Số phận là cá tốt hay cá xấu, tùy thuộc vào lựa chọn của chúng ta đứng về phía ánh sáng hay khước từ ánh sáng. Không những Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta các thụ tạo xinh đẹp, mà Người còn đi xa hơn nữa: Người đã ban trót cả mình Người cho chúng ta. Chúa Cha hằng hữu đã yêu thương chúng ta đến nỗi tặng ban chính Con Một Người. Khi thấy tất cả chúng ta phải chết và bị mất hết ân sủng vì tội lỗi, thì Người đã làm gì? Người đã sai Con Yêu Dấu đến đền tội thay cho chúng ta, phục hồi cho chúng ta sự sống đã mất đi vì tội lỗi. Nhờ lời thánh Anphong chuyển cầu, xin cho chúng ta biết nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, để mai sau, chúng ta được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân. Ước gì được như thế!

NỖI SỢ THÁNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng vậy!”.

Trong cuốn “Đồ Gốm” được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo tặng, tôi thích nhất đoạn ngài bắt chước Ghitôn - sách Thủ Lãnh - để thử xem Chúa có chọn mình không. Chỉ khác một điều, Ghitôn lấy tấm lông chiên, đặt giữa trời, xin Chúa làm ướt và sau đó, làm khô nó; Chúa chiều ông, ông biết Chúa chọn mình! Chú bé Giuse thì lấy một tờ giấy nhúng vào nước, phơi giữa trời hè và xin Chúa giữ cho nó ướt mãi. Và thật thú vị, cả hai lần, chú không nhớ gì đến tờ giấy! Chợt nhớ, hai lần trở lại, nó khô queo. Vậy mà Chúa vẫn chọn chú!

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện chú bé Giuse và người ‘Thợ Gốm’ được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay; bên cạnh đó, còn có cả câu chuyện chiếc lưới thả xuống biển! Số phận chiếc bình gốm hoàn toàn nằm trong tay người thợ; số phận cá tốt, cá xấu hoàn toàn nằm trong tay ngư phủ. Hai hình ảnh này gợi lên một ‘nỗi sợ thánh’; đồng thời, trấn an chúng ta về sự công bình của Thiên Chúa, một Thiên Chúa công bình và quyền năng nhưng rất mực từ bi!

Trong ý định đời đời của Ngài, Thiên Chúa nhào nặn hòn đất cuộc đời chúng ta trước khi chúng ta hình thành trong lòng mẹ, và ân sủng Ngài không ngừng giục giã mỗi người đáp lại. Ngài không loại trừ ai, bất kể họ thế nào; cả khi phản ứng ban đầu của ‘những hòn đất’ đã để lại nhiều điều không đáng mong đợi. Như người thợ gốm, Ngài định hình cuộc đời chúng ta với những sai sót của mỗi người; Ngài luôn cố tạo ra một điều gì đó mới mẻ, tốt đẹp từ những sai sót đó. Tất nhiên, chúng ta phải cộng tác bằng cách tiếp tục mở lòng đón nhận hành động của Ngài. Nguyên việc ý thức điều đó đã là đáng mừng; vì lẽ, nơi bạn, đã có một ‘nỗi sợ thánh!’.

Cũng thế, lưới kéo lên bờ chỉ ra thời điểm cuối cùng. Sẽ đến một lúc Nước Trời trên trái đất kết thúc, những ai thuộc về và không thuộc về Chúa được tách khỏi nhau. Vậy khi nào kết thúc? Thật may, không ai biết! Nhưng một điều chắc chắn, kết cục của mỗi người sẽ đến trong một thời gian tương đối ngắn. Khi điều đó xảy ra, liệu chúng ta ở trong hay ở ngoài! Làm sao để bảo đảm tôi đang ở đúng chỗ? Tôi sẽ đi xưng tội? Đừng đặt cược vào nó! Bảo đảm tốt nhất là gắng mà ‘qua cửa hẹp’ ngay hôm nay; và sống thật tốt. Làm được điều đó mỗi ngày, tương lai sẽ tự liệu; bạn không cần phải lo lắng!

Kính thưa Anh Chị em,

“Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng vậy!”. Một khi hòn đất nằm trong tay thợ gốm, nó thành vật quý và hữu dụng; bằng không, hòn đất muôn đời vẫn là đất. Cũng thế, là những hạt bụi hư vô, bạn và tôi được Thiên Chúa thổi sinh khí để trở thành sinh linh mang sự sống, hình ảnh và dáng dấp của Ngài. Ngài yêu chúng ta vô vàn. Không chỉ làm người, chúng ta trở nên tạo vật mới; con trai, con gái của Ngài. Vậy, hãy có cho mình một ‘nỗi sợ thánh’, không chỉ sợ ngày kia bị loại ra ngoài như những cá xấu, mà còn sợ trở nên móp méo, ‘sợ không nên thánh!’. Vậy hãy linh hoạt, uyển chuyển trong tay Ngài, Ngài sẽ nắn chúng ta ngày càng giống Chúa Giêsu. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacóp phù hộ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con là chiếc ‘bình móp’ hay con ‘cá còi’; dạy con chuẩn bị cõi đời đời khi còn ở bên này; để ngày đó, bên kia, con khỏi phải khóc lóc nghiến răng!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây