Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 22/07/2024 18:52 |   140
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống.” (Mt 20,20-28)

25/07/2024  
thứ năm tuần 16 THƯỜNG NIÊN

Thánh Giacôbê, tông đồ

Thánh Giacôbê

Mt 20,20-28


quyền bính... để làm gì?
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống. (Mt 20,20-28)

Suy niệm: Sa-lô-môn nổi tiếng trong Kinh thánh về cách hành xử khôn ngoan: thay vì xin Thiên Chúa ban vàng bạc, châu báu... thì lại xin ơn khôn ngoan. Bà mẹ của Gia-cô-bê và Gio-an cũng xin cho con mình một ơn nhưng không phải ơn khôn ngoan hay trung tín theo Thầy mà là xin cái ghế. Vậy là mục đích theo Thầy lâu nay bị phơi bày qua lời xin ấy: vì chức tước, quyền lực. Đương nhiên là loại quyền lực theo kiểu thế tục, nhằm thống trị người khác, thậm chí hủy diệt sự sống, gây ra chết chóc cho bao người. Nhân sự việc này, thầy Giê-su đã cho các ông biết một loại quyền lực khác, quyền lực của Nước Trời, gắn liền với cuộc đời Ngài: đến không phải để được phục vụ, mà là phục vụ và hiến dâng mạng sống. Thực vậy, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình mang thân nô lệ “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” nhờ đó chúng ta được nâng tầm lên làm con cái Chúa.

Mời Bạn: Quyền bính là hạ mình xuống để nâng người khác lên. Trong cuốn “Đối thoại với Lý Quang Diệu,” cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng: “Người lãnh đạo là người sẽ đem lại những gì tốt nhất, cho nhiều người nhất, một cách công bằng, không phân biệt đối xử.” Lý thuyết về quyền lực này nhắc ta nhớ rằng Đức Giê-su “là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các môn đệ” thì chúng ta cũng phải khiêm nhường phục vụ lẫn nhau.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ ngay trong gia đình/cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con ước ao sống tinh thần phục vụ trong khiêm nhường như Chúa vậy. Amen.

Ngày 25: Lạy Chúa! Xin cho chúng con có một trái tim biết yêu thương và có một thái độ điềm tĩnh, khoan dung, độ lượng, được ươm mầm bởi tình yêu Chúa, để thế giới chúng con trở nên tốt đẹp hơn, và rồi, một khi đoá hoa tình yêu thật sự khoe sắc trong mỗi người chúng con, thì mọi phiền muộn, tranh giành, hiểu lầm đều tan thành mây khói. Xin đừng để những khó khăn đánh gục chúng con, xin cho chúng con kiên trì vượt qua tất cả những chông gai của cuộc đời, biết mỉm cười với bất cứ những gì Chúa gởi đến, cho dù đó là điều không như ý muốn của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

t5 t16 TN


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 16 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 19, 1-2. 9-11. 16-20b

“Chúa ngự xuống trên núi Sinai trước mặt toàn dân”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong ngày ấy, vào tháng thứ ba, sau khi dân Israel ra khỏi xứ Ai-cập, họ đến núi Sinai. Họ rời bỏ đất Raphiđim, đi đến hoang địa Sinai, đóng trại tại đây, và dựng nhà xếp ở miền núi. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngay bây giờ Ta đến cùng ngươi trong đám mây dày đặc, để dân chúng nghe Ta nói với ngươi và tín nhiệm ngươi mãi mãi”. Vậy Môsê trình lên Chúa những lời dân chúng đã nói, và Chúa phán cùng ông rằng: “Ngươi hãy đến cùng dân chúng, thánh hoá họ hôm nay và ngày mai, chúng phải giặt áo sạch sẽ và ngày thứ ba phải sẵn sàng. Vì trong ngày thứ ba, Chúa sẽ ngự xuống trên núi Sinai trước mặt toàn dân”.

Sáng sớm ngày thứ ba, có sấm chớp, và một đám mây dầy đặc bao phủ khắp núi, rồi tiếng kèn vang lên khiến dân chúng trong trại phải kinh sợ. Bấy giờ Môsê dẫn dân chúng ra ngoài trại đứng dưới chân núi nghinh đón Thiên Chúa. Cả núi Sinai đều bốc khói, vì Chúa ngự xuống trên núi trong ngọn lửa, từ trên ngọn núi, khói bốc lên như từ hoả lò, và núi rung chuyển dữ dội. Tiếng kèn thổi mạnh lên dần dần và vang dội thật xa. Môsê thân thưa, và Chúa đáp lại bằng những tiếng sấm sét.

Chúa ngự xuống trên ngọn núi Sinai, và gọi Môsê lên đỉnh núi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời 

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. 

Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. 

Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. 

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 2, 1-3. 7-8. 12-13

“Họ đã bỏ Ta là nguồn nước hằng sống, để đào giếng rạn nứt”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi và hãy la vào tai Giêrusalem rằng: Ðây Chúa phán: Ta đã nhớ mối tình thanh xuân của ngươi, nhớ đến tình yêu thời đính hôn của ngươi, khi đó ngươi theo Ta trong sa mạc, trong phần đất chưa gieo trồng. Lúc ấy Israel đã được thánh hiến cho Chúa, và là hoa quả đầu mùa của Người; những ai động đến nó, phải đắc tội và phải chuốc lấy tai hoạ”. Chúa phán như vậy.

“Ta đã dẫn dắt các ngươi vào đất phì nhiêu, để các ngươi hưởng dùng hoa quả của nó; nhưng vừa ở đó, các ngươi đã làm dơ bẩn đất của Ta và biến cơ nghiệp Ta thành nơi ghê tởm. Các tư tế không nói: ‘Chúa ở đâu?’; (các kẻ) nắm giữ lề luật không nhìn biết Ta, còn các chủ chăn thì phản bội Ta, và các tiên tri lại nhân danh Baal mà nói tiên tri và chạy theo các bụt thần giả trá”.

Chúa lại phán: “Hỡi tầng trời, hãy kinh ngạc về điều này, và hỡi các cửa trời, hãy ưu sầu thảm não! Vì chưng, dân Ta đã phạm hai tội xấu xa: Họ đã từ bỏ Ta là nguồn nước hằng sống, để đào những giếng rạn nứt không giữ nước được”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 35, 6-7ab. 8-9. 10-11

Ðáp: Lạy Chúa, nguồn sống là ở như nơi Chúa (c. 10a).

Xướng: Lạy Chúa, đức từ bi Ngài chạm tới trời cao; lòng trung tín của Ngài vươn tới ngàn mây. Ðức công minh của Ngài như núi non Thiên Chúa; sự phán quyết của Ngài như biển thẳm sâu. – Ðáp.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài; con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài. Họ được ăn no đồ bổ dưỡng nơi nhà Chúa, và Chúa cho họ uống bởi nguồn vui thú của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Bởi chưng nguồn sống là ở như nơi Chúa, và trong sự sáng của Ngài, chúng con nhìn xem sự sáng. Xin Chúa dành để tình thương cho những ai thờ Chúa, và đức công minh Ngài cho những kẻ lòng ngay. – Ðáp.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 10-17

“Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”.

“Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ƠN HIỂU BIẾT CÁC MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta có cảm giác Chúa Giê-su đang thiên vị khi Ngài khẳng định các Tông Đồ là những người đã được ban ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn những người khác thì không. Có một sự phân biệt giữa “anh em” và “họ”.

Chính Chúa Giê-su, cũng đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha vì Ngài đã mặc khải những mầu nhiệm cho những người bé mọn, chứ không cho những bậc khôn ngoan và hiền triết (x.Mt 11,25).

Chúng ta phải nói thế nào đây? Liệu có phải Chúa Giê-su đến trần gian vì một nhóm người cụ thể, như người nghèo, bệnh tật, đau khổ, tội lỗi…? Còn những người giàu sang, tri thức, quyền quý… thì Chúa bỏ rơi? Phải chăng, chỉ có một số người được chọn lựa để đón nhận Tin Mừng của Chúa, còn nhiều người thì bị loại ra ngoài. Có phải chỉ một nhóm người sẽ được ơn cứu độ, còn nhiều người khác thì lãnh nhận hình phạt.

Thưa không phải vậy. Chúa Giê-su đến trần gian mặc khải tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ngài đến để giảng dạy và ngài cố gắng tìm cách giúp mọi người hiểu Lời của Ngài. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng đó nhận Chúa. Nhiều người đã nghe Chúa nói, nhìn thấy những công việc Ngài thực hiện, nhưng vì tấm lòng chai đá nên họ không muốn tin vào Chúa. Họ “lắng tai nghe cũng chẳng hiểu”, “trố mắt nhìn cũng chẳng thấy” vì họ chưa đón nhận Chúa với tất cả con tim, với tất cả tâm hồn. Thậm chí họ trở thành những kẻ chống đối Chúa và nhìn vào cuộc đời rao giảng và cái chết của Ngài trên thập giá, chúng ta nhận ra được điều đó.

Giờ đây, chúng ta hiểu rằng các môn đệ, là những người đã từ bỏ để đi theo Chúa Giê-su, đã luôn sẵn sàng mở lòng để lắng nghe và đón nhận Lời của Ngài, và như thế, ân huệ của Chúa tiếp tục đổ tràn trên các ông: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa”. Ơn Chúa không giành riêng cho các ngài, nhưng ơn Chúa đổ xuống trên các ngài vì các Ngài luôn biết khiêm nhường đến với Chúa.

Là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta cũng đã lãnh nhận được ơn huệ lớn lao từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta luôn ý thức được sự hèn yếu của mình để khiêm nhường đón Chúa vào trong cuộc đời, để niềm vui và bình an của Ngài tràn đầy trong chúng ta.

 

XIN ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe xem ra có vẻ khó hiểu. Vì khó hiểu,  nên các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?”.  Sự khó chịu và thắc mắc này đã được chính Đức Giêsu trả lời cho các ông biết nguyên do:

Nghe mà không chú ý, suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối, sửa sai, thì cũng như người có tai mà không nghe.

Thật vậy, có nhiều người miệng thì đọc “lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng tay thì lại “đấm ngực người khác”. Những người như thế thì chẳng khác gì: “Vịt nghe sấm”; hay “nước đổ lá khoai”, nên có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Họ là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Lời Chúa đến rồi lại đi như “khách bộ qua đường”,  không để lại nơi tâm hồn họ điều gì cả, nên họ đâu có thấy điều gì sai lỗi mà phải sửa! Vì thế, chúng ta không lạ gì vẫn còn đó những người: “Bên ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế, hẳn không bao giờ và không thể nhận ra Lời Chúa như là vị mật ngọt ngào hay như dòng suối mát cho tâm hồn. Ngược lại, họ coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa, khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận, chỉ “vì lòng dân này đã ra chai đá”, nên không còn có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải rằng: Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến. Vì họ là những người bé mọn, đơn thành nên đã có thì lại được đầy dư. Còn kẻ không có nghĩa là không tin như Kinh sư và Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm đều trở nên vô ích.

Với nhiều người ngày nay, có lẽ đức tin không đến nỗi quá cứng lòng như những Kinh sư và Pharisêu! Nhưng con người đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng dưng, vô cảm với chính Lời Chúa và những nghĩa vụ liên quan đến đức ái qua anh chị em đồng loại. Đây có lẽ là điều nguy hiểm không nhỏ đến ơn cứu độ, bởi vì có thể nói: đây là căn bệnh “ung thư” thời đại mới nơi tâm hồn rất nhiều người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con được trở nên đơn sơ, bé nhỏ để đáng được hiểu Lời Chúa mặc khải cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và mau mắn thi hành để đáng được hưởng ơn cứu độ. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Giacôbê, tông đồ

Ca nhập lễ

Đi dọc bờ biển Ga-li-lê-a, Chúa Giê-su gặp Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê, và em người là Gio-an đang vá lưới, Người đã kêu gọi hai ông.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Gia-cô-bê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Cr 4, 7-15

“Chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Ðức Giê-su”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, Chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Ðức Giê-su, để sự sống của Ðức Giê-su được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu chúng ta đang sống, nhưng vì Ðức Giê-su, chúng ta luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Ðức Giê-su được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng ta. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em.

Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Ðấng đã làm cho Ðức Giê-su sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Ðức Giê-su và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan 

Xướng: Khi Chúa đem những người Si-on bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. 

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. 

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. .

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy đã chọn các con ra khỏi thế gian, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 20, 20-28

“Các con sẽ uống chén của Ta”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giê-bê-đê cùng với hai con đến gặp Chúa Giê-su. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”.

Chúa Giê-su đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giê-su gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa là Chúa chúng con, xin dùng phép rửa là cuộc khổ nạn của Con Một Chúa mà thanh tẩy tâm hồn chúng con, để chúng con xứng đáng dâng của lễ đẹp lòng Chúa trong ngày lễ kính thánh Gia-cô-bê, vị tông đồ đầu tiên đã được Chúa cho uống chén đắng cùng với Ðức Ki-tô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng các Tông Ðồ,

Ca hiệp lễ

Các ông đã uống chén đau khổ của Chúa Ki-tô, và trở nên bạn hữu Chúa Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa hân hoan đón nhận hồng ân Chúa trong ngày lễ kính thánh Gia-cô-bê tông đồ, xin nhận lời thánh nhân khẩn nguyện và giữ gìn che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Giacôbê, thường gọi là Giacôbê Tiền, là anh của Thánh Gioan viết Phúc Âm, được phương Tây kính ngày 25 tháng Bảy từ thế kỷ VIII. Các Giáo Hội nghi lễ Copte và Byzantin mừng lễ Ngài vào một ngày gần lễ Phục Sinh hơn, vì theo sách Công vụ (12, 1-3), có thể Thánh Giacôbê đã bị Hérode Agrippa I chém đầu ngày 12 hoặc 30 tháng Tư năm 44. Ngài là tông đồ đầu tiên tử đạo. Ngược lại, từ thế kỷ IV – V, người ta quen mừng lễ Thánh Giacôbê đồng thời với Thánh Gioan, ngày 27 hoặc 28 tháng Mười Hai, như thấy ở xứ Ganle trong thế kỷ VII.

Giacôbê, con ông Zébédée và bà Salomé (Mc 5, 40; Mt 27, 59), là một trong ba môn đệ ưu tuyển của Chúa Giêsu: được chứng kiến việc nhạc mẫu Phêrô khỏi bệnh (Mt 1, 29-31), cô gái con Giairô sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa biến hình (Mc 9, 2-8) và cơn hấp hối ở Gethsémani (Mt 26, 37).

Từ thế kỷ IX, việc tôn kính Thánh Giacôbê đã lan rộng ở Tây Ban Nha, người ta đã tôn kính mộ của Người tại Compostella (Galicie), khiến nơi đây thành một trong các trung tâm hành hương lớn thời Trung Cổ, sau Jérusalem và Roma. Một truyền tuyết thế kỷ XII kể trong Công vụ Thánh Giacôbê cho rằng ngài đã giảng đạo cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Vậy nên Thánh Giacôbê trở thành Thánh bảo vệ nước Tây Ban Nha trong cuộc chiến đấu bảo vệ đức tin, giải phóng khỏi tay người Maures. Việc tôn kính Người lan khắp Châu Âu, sang đến Châu Mỹ La Tinh, tại đây nhiều thành phố mang tên Người, như Santiago ở Chili, Cuba hay del Estero (Argentina).

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh Lễ nhắc lại rằng Thánh Giacôbê là “tông đồ đầu tiên hiến dâng mạng sống vì Phúc Âm” (lời nguyện trong ngày) và “đã uống chén đắng của Đức Kitô” (lời nguyện trên lễ vật). Tám điệp ca trong Phụng vụ Giờ kinh nhắc lại việc Ngài là một trong các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (Mc 1, 19; Mt 4, 21; Lc 5, 10) và đặt Ngài vào sổ những tông đồ thứ nhất. Ngài hiện diện cùng với Phêrô và Gioan lúc Chúa biến hình (điệp khúc ca vãn Giacaria) và lúc Chúa hấp hối trong vườn Gethsemani (điệp ca I và II Kinh chiều).

Bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu do Phụng vụ Bài đọc trích dẫn giải thích cách Thánh Giacôbê hiểu thế nào là uống chén đắng của Đức Kitô. Thánh nhân nói rằng, Ngài sẵn sàng uống chén đó (Mc 10, 35), và Đức Giêsu tin vào lời Ngài. “Ngay từ phút đầu tiên, Người đã cháy lửa nhiệt tình, và trong sự khinh chê lạ thường các lợi lộc trần gian, Người đã tiến tới đỉnh cao đến độ tức thời bị đem đi giết”.

 

TÌM ĐƯỢC SỨC MẠNH VÀ ƠN NÂNG ĐỠ
(LỄ THÁNH GIACÔBÊ 25/07)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Giacôbê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là Tông Đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ người cầu thay nguyện giúp, mà được luôn nâng đỡ phù trì. Thánh Giacôbê là con ông Dêbêđê, là anh của thánh Gioan và là bạn của thánh Phêrô. Đây là những người dân chài ở hồ Ghennêxarét, đã đi theo tiếng gọi của ông Gioan Tẩy Giả, trước khi theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người. Thánh Giacôbê đã có mặt trong hầu hết các phép lạ Chúa Giêsu làm, nhất là khi Chúa hiển dung trên núi, và khi Người hấp hối ở vườn Cây Dầu. Vua Hêrôđê Ácríppa I cho chém đầu thánh nhân khoảng năm 43 hoặc 44. Thánh nhân được đặc biệt tôn kính ở Compốttela (Tây Ban Nha), nơi có một thánh đường danh tiếng kính người.

Phải tìm được sức mạnh và ơn nâng đỡ, mới có thể làm chứng cho Tin Mừng, bởi vì, tất cả mọi sự chúng ta có được, chúng ta làm được, đều là do chúng ta nhận lãnh từ Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?... Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy. Vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết… Anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời; mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.

Phải tìm được sức mạnh và ơn nâng đỡ, mới có thể làm chứng cho Tin Mừng, bởi vì, muốn làm chứng cho Chúa, thì phải nhấp cạn chén đắng cùng với Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Người đã tỏ cho các ông thấy là điều các ông xin chẳng có gì do thần khí thúc đẩy, và nếu các ông hiểu điều mình xin, thì chắc chắn các ông đã không bao giờ xin như vậy. Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, và chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?... Khi sống kiếp phàm nhân, các ngài đã chấp nhận đổ máu đào nhằm xây dựng Hội Thánh của Thiên Chúa; các ngài đã uống cạn chén của Chúa Kitô, và trở thành bạn hữu của Thiên Chúa. Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

Phải tìm được sức mạnh và ơn nâng đỡ, mới có thể làm chứng cho Tin Mừng, bởi vì, chúng ta không thể làm được gì nếu không có ơn Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình, như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia đã cho thấy: Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay! Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu bảo: Chén của Thầy, các người sẽ uống. Thánh Giacôbê đã uống cạn chén đắng, khi nên giống Thầy mình: đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là, để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là Tông Đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Ước gì nhờ gương tử đạo và sự bầu cử của thánh nhân, ta tìm được sức mạnh và được ơn nâng đỡ, để làm chứng cho Chúa trong thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!

CHUNG CHÉN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”.

“Cám dỗ của Kitô giáo không có thập giá - một Giáo Hội nửa vời không muốn đến nơi Chúa Cha muốn - là cám dỗ của chủ nghĩa chiến thắng. Ngày nay, chúng ta muốn chiến thắng mà không đi qua thập giá. Nhưng đó là một chiến thắng hoàn toàn thế tục, mà với nhiều người, nó là một chiến thắng hợp lý!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng lễ kính thánh Giacôbê tông đồ đặt chúng ta trước một tình huống; đúng hơn, một cám dỗ ‘không có gì lạ’ trong các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, “Cám dỗ chiến thắng mà không đi qua thập giá!”; đang khi Chúa Giêsu lại muốn chúng ta ‘chung chén’ với Ngài, “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”.

Thật vậy, Giacôbê và Gioan đã rất rộng lượng khi bỏ lại gia đình và chài lưới để đi theo Chúa Giêsu. Họ đã nghe Ngài công bố một Vương Quốc với lời hứa ban sự sống đời đời; thế nhưng, họ vẫn không hiểu được chiều hướng mới mẻ Ngài đặt ra. Chính vì điều này mà mẹ của họ đã yêu cầu Ngài một điều gì đó ‘đủ tốt’ nhưng ‘không vượt quá một tham vọng đơn giản’ của con người - chiến thắng - “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy!”. Chúa Giêsu trả lời, “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”, Ngài thách thức họ cùng Ngài ‘chung chén!’.

Tương tự như vậy, bạn và tôi lắng nghe Chúa Giêsu, bước theo Ngài như các môn đệ đầu tiên, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu hết sứ điệp của Ngài. Bởi lẽ, một đôi khi, dẫu ở đấng bậc nào, chúng ta vẫn thường làm theo sở thích và tham vọng cá nhân của mình. Chúng ta quên rằng, khi đón nhận Chúa, chúng ta phải phó mình hoàn toàn cho Chúa, tuyệt đối tin tưởng vào Ngài; và rằng, chúng ta không thể nghĩ đến việc đạt được vinh quang nếu không chấp nhận thập giá.

Câu trả lời Chúa Giêsu đưa ra cho họ nhấn mạnh chính xác khía cạnh này: để được tham dự vào Vương Quốc, điều quan trọng là phải uống ‘chung chén’ của Ngài, tức là sẵn sàng cống hiến sức lực của mình, sống vì tình yêu Thiên Chúa và hiến thân đến cùng để phục vụ tha nhân với một thái độ thương xót như Ngài đã thể hiện.

Trong bài giảng đầu tiên ở triều đại mình, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, để theo Chúa Giêsu, chúng ta phải vác thập giá, bởi vì “Khi chúng ta bước đi mà không có thập giá, khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô mà không có thập giá, khi chúng ta xây dựng mà không có thập giá… chúng ta là những người trần tục; chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng nhưng không phải là môn đệ Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Gẫm suy những lời này, thánh Gioan Kim Khẩu viết, “Chúa bảo, ‘Hãy nói cho Ta về những vinh quang và những chiếc vương miện!’; tôi nói với Ngài, ‘Lạy Chúa, không đâu! Chỉ toàn xung đột và lao nhọc. Vì đây không phải là mùa khen thưởng!’”. Quả thế, cuộc sống theo Chúa Giêsu là một cuộc sống uống ‘chung chén’ của Ngài, là đi con đường hiến thân phục vụ và hiến dâng mạng sống như Ngài. Bởi lẽ, đây không phải là mùa khen thưởng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để con được biến đổi, xin giúp con biết tận dụng ân sủng Chúa ban; nhờ đó, con trở nên một môn đệ đích thực chứ không là một con người trần tục!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây