Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY

Thứ sáu - 23/02/2024 19:57 |   255
“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36-38)

26/02/2024
THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY

t2 t2 MC

Lc 6,36-38


NHÂN TỪ NHƯ CHA TRÊN TRỜI
“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36-38)

Suy niệm: Những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, các lãnh tụ, anh hùng có một sức thu hút lạ thường: họ được quần chúng say mê, ngưỡng mộ, và coi là thần tượng. Đặc biệt giới trẻ rất mau sống theo những kiểu cách giống thần tượng của mình. Xu hướng ấy nói cho cùng cũng là phù hợp với bản tính tự nhiên. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta nhận Thiên Chúa Cha là thần tượng khi Ngài luôn đưa Chúa Cha ra làm chuẩn mực: “Hãy nên hoàn thiện như Cha là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), và hôm nay cũng thế, Chúa Giê-su dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.”

Mời Bạn: Đức Ki-tô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) vì Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài giống với Chúa Cha đến nỗi nên một với Ngài để “ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh, lời nói đó vừa là niềm hãnh diện vừa là một thách đố đối với các Ki-tô hữu. Chúng ta được mời gọi để trở nên hình ảnh diễn tả trung thực dung nhan Thiên Chúa. Bạn hãy sống sao để khi nhìn đời sống của bạn, người khác có thể nhận ra rằng bạn chính là hình ảnh của Thiên Chúa nhân từ.

Sống Lời Chúa: Say mê chiêm ngắm Chúa Giê-su qua việc suy niệm Lời Chúa để bạn sống thật giống với Ngài trong cách suy nghĩ, nói năng, hành động.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn say mê nhìn ngắm Chúa và biến đổi chúng con trở nên giống Chúa để chúng con luôn sống xứng đáng là môn đệ của Đức Ki-tô, là con cái của Chúa Cha trên trời. Amen.

Thứ Hai MC II: Lạy Chúa! Chúa dạy chúng con đừng xét đoán để khỏi bị lên án. Muốn không xét đoán người khác, chúng con phải có một đôi mắt sáng để nhìn thấy chính mình. Nếu chúng con không biết chính mình, thì không có khả thể cho bất kỳ sự hiểu biết nào cả. Nếu đôi mắt chiêm niệm của chúng con được vận hành, chúng con mới nhìn thấy được thực tại. Thực tại chỉ được nhìn thấy như chúng là, bởi đôi mắt chiêm niệm. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng đôi mắt sáng luôn hướng về Chúa, với những giọt lệ thống hối, để Chúa thanh lọc lòng trí chúng con khỏi những xét đoán ích kỷ, đầy tà tâm. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin cứu chuộc và thương xót tôi. Chân tôi đứng vững trên đường ngay thẳng, tôi sẽ chúc tụng Chúa trong các cộng đoàn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con chế ngự thân xác để chữa trị tâm hồn, xin giúp chúng con hằng tránh xa tội lỗi và đáp ứng những đòi hỏi của tình thương Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðn 9, 4b-10

“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Ðấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 78, 8. 9. 11 và 13

Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội

Xướng: Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.

Xướng: Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người; mọi kẻ tin Ngài, thì được sống đời đời.

PHÚC ÂM: Lc 6, 36-38

“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa cho chúng con được cử hành mầu nhiệm thánh, xin nhận lời chúng con khẩn nguyện và giải thoát chúng con khỏi cạm bẫy thế gian. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Các ngươi hãy có lòng thương xót như Cha các ngươi là Đấng hay thương xót.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa dự tiệc Thánh Thể, xin Chúa thương rửa sạch tội lỗi chúng con và cho chúng con được chung hưởng niềm vui muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY Ở NHÂN TỪ NHƯ CHÚA CHA (Lc 6, 36-38)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Cha là Đấng nhân từ, Chúa Giêsu, con Chúa Cha mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, đồng thời trở nên dấu chỉ và chứng nhân của lòng nhân từ Chúa giữa thế gian.

Chúa Giêsu bảo: “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” (Lc 6, 37).

Đừng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù. Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm.

Tại sao Chúa dạy người con không được xét đoán và lên án? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, cũng không thể xét đoán đúng và công bằng được, chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người.  Còn câu Chúa nói: “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Chúa muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừng đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm. Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.  

Hãy cho… Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, chúng ta hãy cho anh em mình theo đúng cách Chúa đã ban thì chúng ta lại tiếp tục nhận lãnh từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.

 

—————

LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG (Lc 6, 36-38)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Mahama Gandhi, một nhà ái quốc của Ấn Độ, đã dành lại độc lập cho đất nước ông bằng biện pháp bất bạo động. Nguyên nhân dẫn đến việc ông sử dụng đường lối không đổ máu để dành tự do là vì nguồn cảm hứng đến từ chính Tin Mừng, nhất là “Tám Mối Phúc” và cuộc đời của Đức Giêsu khi ông thường xuyên đọc Lời Chúa và có dịp tiếp xúc với người Anh tại Anh Quốc lúc còn trai trẻ thời tu học tại đây.

Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn của ông, ông thốt lên: “Tôi rất yêu mến Đức Giêsu, nhưng tôi không thích người Công Giáo, vì họ không giống như Đức Giêsu. Nếu họ giống như Ngài, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”. Chính vì lý do đó, ông đã không thể trở thành Kitô hữu!

Ôi sự thật xót xa! Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng như xảy ra bên Ấn Độ hay Anh Quốc thời Mahama Gandhi, nhưng thực ra, nó đang thường trực qua lời nói, hành động và lối suy nghĩ của chúng ta nơi môi trường và cuộc sống hiện thời hôm nay.

Thật thế, bởi vì trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi chỉ có bề ngoài mà không có chiều sâu; chỉ có lượng mà không có phẩm; chỉ có nói mà không có hành động; chỉ có hô hoán yêu thương, nhưng khi gặp những chuyện cần phải giúp đỡ thì tìm cách lẩn tránh! Hay nhiều khi chúng ta ích kỷ và chia ô cuộc đời để tách biệt những điều trong Tin Mừng với cuộc sống!

Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép chia ô cuộc đời của mình như vậy. Không ai cho phép chúng ta tách biệt nhà thờ, thánh lễ, kinh nguyện ra khỏi cuộc sống nơi xóm làng, chợ búa, nhà ga, gia đình… Nhưng phải đưa Lời Chúa vào mọi ngõ ngách, chiều kích của cuộc sống.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, cho đi…, đây không chỉ là một khuyến khích, nhưng nếu chúng ta sống như vậy, hẳn sẽ được Thiên Chúa đối xử với chính mình như thế.

Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương, khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, để chính chúng ta được cứu độ và chia sẻ niềm vui cứu độ ấy cho mọi người, ngõ hầu họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con thuộc về Chúa và đem Chúa đến giới thiệu cho người khác bằng chính cung cách sống của chính mình. Amen.

ĐÁP ỨNG NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA TÌNH THƯƠNG CHÚA
(THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 2 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dạy chúng ta chế ngự thân xác để chữa trị tâm hồn, thì xin Chúa giúp chúng ta hằng tránh xa tội lỗiđáp ứng những đòi hỏi của tình thương Chúa.

Không nhận ra tình thương của Thiên Chúa, không yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ không thể tránh xa tội lỗi được và cũng không thể đáp ứng được những đòi hỏi của tình thương Thiên Chúa. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Sau khi khám phá ra tình thương và quyền năng của Thiên Chúa qua biến cố vượt qua Biển Đỏ, dân Ítraen đã tuyên xưng đức tin: Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi: chính Người cứu độ tôi. Người là trang chiến binh, danh Người là Đức Chúa.

Những gì Đức Kitô làm cho chúng ta, vượt xa những gì ông Môsê đã làm cho dân Ítraen, điều này đòi buộc chúng ta phải đáp lại tình yêu cứu độ của Người, bằng cách tránh xa tội lỗi, để ơn cứu độ của Chúa không trở nên vô hiệu nơi chúng ta. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu đã cho thấy: Ông Môsê là hình ảnh tiên trưng về Đức Giêsu: Hồi ấy ông Môsê giơ tay lên trời, kéo manna là bánh của các thiên thần xuống, còn Môsê của chúng ta giơ tay lên trời, đem của ăn vĩnh cửu đến cho chúng ta. Ông Môsê ngày xưa đập vào tảng đá làm cho nước chảy vọt ra, còn Môsê ngày nay đụng vào bàn ăn, đánh vào bàn của Thần Khí, làm cho suối Thần Khí vọt ra.

Bước đầu tiên để xa tránh tội lỗi là nhận thấy mình sai lỗi, xin Chúa thứ tha, và dốc lòng chừa cải, vì thế, trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Đanien đã thay Dân Chúa khẩn nguyện rằng: Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 78, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình đó khi kêu xin: Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử. Ước gì tiếng tù nhân rên siết vọng lên thấu tai Ngài. Xin giơ tay hùng mạnh cứu sống những người mang án tử.

Thực thi những lời Chúa dạy sẽ giúp chúng ta tránh xa được tội lỗi, thật vậy, Lời Chúa là đường dẫn tới sự sống, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Đây là những đòi hỏi của tình yêu. Chúa đã không cứ tội ta mà xét xử, vậy vì cớ gì, chúng ta lại xét đoán, chấp lỗi anh chị em mình?

Muốn không xét đoán người khác, chúng ta phải có một đôi mắt sáng để nhìn thấy chính mình. Thông thường, chúng ta mù quáng: không nhìn thấy được tội lỗi của mình, không nhìn thấy được ơn tha thứ của Chúa dành cho chúng ta. Nếu chúng ta để cho đôi mắt từ bi của Chúa chi phối lối nhìn của chúng ta, thì khi đó, chúng ta mới nhìn thấy được thực tại của chính mình và người khác. Thực tại chỉ được nhìn thấy như chúng là, bởi đôi mắt rỗng không, trần trụi, không xét đoán, không định đoạt. Ước gì chúng ta sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng đôi mắt luôn hướng về Chúa, với những giọt lệ thống hối ăn năn, để Chúa thanh tẩy lòng trí chúng ta khỏi những xét đoán ích kỷ, đầy tà tâm, và để rồi, chúng ta có đủ sức xa tránh tội lỗi,đáp ứng được những đòi hỏi của tình thương Chúa. Ước gì được như thế!


QUÁ ĐỖI KHẬP KHIỄNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Ngày kia, Paderewski đến London công diễn; Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Quá cảm kích; về nhà, Parker gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là một so sánh ‘quá đỗi khập khiễng’, tôi chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi ra từng mảnh!”. Và dù không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là hơi giống ông ta! Để được vậy, ông cần một trái tim vĩ đại như trái tim người nhạc sĩ vĩ đại! 

Kính thưa Anh Chị em,

Parker “Cần một trái tim vĩ đại như trái tim người nhạc sĩ vĩ đại!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa cũng có một trái tim vĩ đại; và thú vị hơn, nếu phải so sánh về mức nhân ái, dù là một so sánh ‘quá đỗi khập khiễng’, Chúa Giêsu buộc chúng ta lấy trái tim Thiên Chúa làm tiêu chí! Ngài nói, “Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Đó không chỉ là một đề nghị, nhưng là một đòi buộc! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải là một tình yêu không mệt mỏi Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài yêu nó với một trái tim không biên giới. Cái chết thập giá của Con Một Ngài là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Chúa và người, một chuyện tình lớn đến nỗi chỉ mình Thiên Chúa hiểu! So với tình yêu vô bờ này, tình yêu con người sẽ luôn què quặt, chắp vá và ‘quá đỗi khập khiễng’.

Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu biết trái tim con người là một chiến trường! Hãy xem, chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc mặc dù không còn nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn thường tìm cách ‘cung phụng’ những vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn và tôi biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Hãy đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác được thần tượng hoá! Nhìn vào trái tim, Chúa Giêsu luôn đặt cược vào mặt tốt!

Những gì Đaniel thốt lên trong bài đọc hôm nay cho thấy trái tim tuyệt vời của ông! Lời nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người. Đó là một lời cầu nguyện khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin xót thương, “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác”. Thật là ‘hàm ân’ với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”. Nhân từ như Thiên Chúa là có một trái tim như trái tim của Ngài. Con Thiên Chúa đã làm người, với một trái tim người, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi trần một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng cho đến khi khô đét; mà trong đó, chỉ có xót thương! Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi so sánh và tự cho mình hơn người khác; thế mà, không phải với họ, nhưng với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu là ‘mẫu mực’ để chúng ta so sánh, dẫu đây là một so sánh không tưởng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần những con người có những trái tim vĩ đại, đó là những trái tim “đập nhịp xót thương”, xin ban cho con một trái tim có tên “Giêsu!””, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây