Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 04/11/2023 01:20 |   358
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14,12-14)

06/11/2023
THỨ HAI TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

t2 t31 TN

Lc 14,12-14


CHO ĐI CÁCH VÔ VỊ LỢI
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14,12-14)

Suy niệm: Được mời dự tiệc, Chúa Giê-su thấy khách được mời có một điểm chung: họ được mời vì được đáp lễ hoặc sau này chính họ sẽ đáp lễ lại việc họ được mời hôm nay. Từ tục lệ ‘có qua có lại’ trong đời sống xã hội, Chúa Giê-su hướng chúng ta quan tâm đến thành phần thường bị gạt ra bên lề xã hội – những người “nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù” – và bằng cách này, Ngài nêu lên sứ điệp cốt lõi của Tin Mừng là phục vụ vì tình yêu vô vị lợi, không cầu được đáp đền mà chỉ mong “được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Mời Bạn: Từ xưa dân ta đã coi việc một “thi ân bất cầu báo” như một đạo lý cao quý, nghĩa hiệp. Chúa Giê-su nâng tinh thần đó lên tầm mức thần linh khi Ngài đồng hoá mình với những người nghèo khổ đến nỗi ai thi ân cho họ là thi ân cho chính Ngài: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40). Lối sống Ki-tô hữu không phải là cho đi để nhận lại cái gì đó, mà là nhìn thấy Chúa và phụng sự Ngài nơi những người anh chị em mà mình phục vụ, và chỉ để nhận lại sự ban thưởng  là hạnh phúc ở bên Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái để phục vụ người nghèo khổ như phục vụ chính Chúa đang hiện diện nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào khác là được biết con đang thi hành thánh ý Chúa. Amen. (Kinh ‘Xin ơn sống quảng đại’).

Ngày 6 tháng 11: Lạy Chúa! Sự chết nhắc nhở chúng con về bản chất thật ngắn ngủi, mong manh của đời người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắc nghiệt này, chúng con dễ sầu đau, đôi khi thất vọng chán chường. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa hơn thế: khi chúng con nhận biết thân phận mình nằm trong bàn tay Chúa. Điều đó giúp chúng con khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng con cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 29-36

“Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót, cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa! Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 30-31. 33-34. 36-37

Ðáp: Lạy Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

Xướng: Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 2, 1-4

“Anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau; chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh, hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình; mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. 

Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. 

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. 

Alleluia: Mt 11, 29ab

Alleluia, alleluia! – Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 12-14

“Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

HÃY CÓ TINH THẦN CHIA SẺ (Lc 14,12-14)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Qua bữa tiệc hôm qua, Đức Giê-su đã dạy thực khách bài học về khiêm nhường (Lc 14,7-11), hôm nay Ngài lại dạy thêm bài học về việc chia sẻ, biết cho đi. Trong đời thường, mấy ai cho đi mà không cần lấy lại: “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại”, hay Tây phương cũng có câu: “Do ut des”: tôi cho anh để anh cho lại. Cho đi mà không được lại thì tinh thần dần dần sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau khi thấy có lợi cho chính mình. Đàng này, Đức Giê-su lại dạy: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho người không có khả năng đền đáp, cho bất cứ người nào cần, chứ không “lựa mặt”. Chúng ta đã chọn lối sống nào của người đời hay của Đức Giê-su?

2. Thật sự mà nói, thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép bắt con tôm”, “thả con săn sắt bắt con cá rô”, hoặc “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giàu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giàu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua…

Nói tóm lại, chúng ta bỏ ra thì muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này chúng ta là Ki-tô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại họ cũng làm được hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa cả (Hiền Lâm).

3. Nhưng trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc” (Lc 14,13).

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Đức Giê-su. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Đây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Đức Giê-su đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yêu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

4. Tình thương của Đức Giê-su không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ân huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ (Mỗi ngày một tin vui).

5. Cậu bé đói lả ăn cắp ổ bánh mì bị chủ quán bắt được. Cậu bị đánh, bị chửi. Thấy vậy, ông chủ quán phở kế bên trả tiền cho cậu và cho cậu thêm một tô phở mang về. Sau này, ông chủ quán phở lâm bệnh, phải nhập viện. Đứa con gái ông không thể trả tiền viện phí. Vị bác sĩ chữa trị đã thanh toán viện phí, kèm theo dòng chữ: “Viện phí của ông đã được thanh toán cách đây hơn 20 năm bằng một ổ bánh mì và một tô phở”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta bài học về cách làm ơn và cho đi. Ngài không dạy chúng ta làm ơn cho những người có khả năng đáp trả, nhưng cho những người thiếu thốn, nghèo khó. Khi ấy, chính Thiên Chúa sẽ thay họ trả cho chúng ta.

Đức Giê-su là tấm gương sáng chói về tinh thần cho đi cách quảng đại. Ngài đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” để đến với con người, sống như con người, hiến dâng mạng sống cho con người, mà không đòi hỏi  bất kỳ sự trả ơn, đền đáp nào.

6. Truyện: Tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã thiết lập một căn nhà để tiếp đón tất cả những người hấp hối không có nơi nương tựa. Vì Mẹ muốn tạo điều kiện để những người nghèo khổ này được tìm thấy  một cái chết xứng đáng với phẩm giá con người.

Một buổi tối nọ, người ta đưa đến một người đàn bà bị kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Mẹ Tê-rê-sa đã đích thân săn sóc với tất cả sự ưu ái và dịu hiền của một người mẹ. Sau khi đã hồi sức, người đàn bà mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào với mẹ Tê-rê-sa: “Thưa bà, tại sao bà lại săn sóc tôi như thế”?

Với tất cả lòng ưu ái, mẹ Tê-rê-sa đã trả lời: “Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc”. Trên khuôn mặt nhợt nhạt của người bệnh bỗng bừng sáng lên một niềm vui. Bà cố gắng để thì thào với Mẹ: “Xin bà hãy lặp lại câu đó một lần nữa đi”.

Mẹ Tê-rê-sa mỉm cười nói: “Phải, tôi muốn cho chị được hạnh phúc”. Và như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người đàn bà tiếp tục thều thào: “Xin bà hãy lặp lại một lần nữa đi”.

Cuối cùng bà ta cố nắm lấy tay mẹ Tê-rê-sa đặt lên ngực, như muốn níu kéo một chút hơi ấm của tình người, hơi ấm của hạnh phúc mà chỉ ai có lòng quảng đại mới ban phát được.

Vinh quang phù phiếm
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế   

“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc!”.

Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Sự tôn trọng của thế giới chỉ là một món hối lộ. Để mua lấy bình yên của nó, bạn phải bán sự bình yên của mình. Bạn phải làm nô lệ cho một lũ kiêu ngạo, họ ghét bạn khi ban cho bạn những niềm vui vô bổ. Đây là cách thế giới thưởng cho kẻ ngốc, những kẻ sống nhờ nụ cười quyến rũ phản bội của ‘cô ta’ với những vinh quang phù phiếm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến phần thưởng thế giới ban cho kẻ ngốc! Chúa Giêsu đưa ra một lời khuyên khi đãi tiệc. Tổ chức tiệc là điều tốt khi động cơ là tình yêu; nhưng nếu mục tiêu của bữa tiệc, hay bất kỳ hành động từ thiện nào khác là khoe khoang, thì ‘vinh quang phù phiếm’ đạt được từ hành động đó là ‘khoản thu’ mà bạn và tôi sẽ nhận được.

Buồn thay, nhiều người tìm kiếm và nhận được ‘sự trả công’ cho loại ‘vinh quang’ này! Bài học ở đây là, động cơ duy nhất để làm điều tốt phải là động cơ khiêm tốn và thầm kín của phục vụ yêu thương. Do cám dỗ kiêu ngạo, chúng ta dễ nhận ra mình quá quan tâm đến điều người khác nghĩ về mình. Tổ chức một bữa tiệc cho bạn bè và những người giàu chỉ đơn giản là một minh hoạ cho tội kiêu ngạo và khoa trương. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đang nói về hành động của một số người với mục đích duy nhất là xây dựng hình ảnh bản thân để ăn mày lời khen và sự xu nịnh. Hình thức ‘vinh quang phù phiếm’ này không chỉ vô ích đối với linh hồn mà còn nguy hại cho nhân cách.

Ngược lại, khi bằng lòng với một việc tốt nào đó dẫu người khác không thấy, bạn vẫn vui vẻ khi không ai hay; động lực để cống hiến hết mình vì lý do duy nhất là muốn tạo nên một sự khác biệt trong cuộc sống tha nhân… thì đây là điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài bảo nên làm tiệc cho người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù và tất cả những ai không có khả năng ‘trả nợ’. Nhưng thật thú vị, chính Thiên Chúa ‘tự chuốc’ khoản nợ này và Ngài sẽ ‘trả’ dù bạn không có quyền đòi. Thư Rôma hôm nay viết, “Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?”. Dù vậy, bạn vẫn có quyền xin Ngài ân thưởng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đừng mua lấy bình yên của thế gian bằng cách bán sự bình yên của mình!”. Hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức mua bình yên. Đầu tư vào người nghèo! Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Đó còn là lên tiếng cho những người không có tiếng nói, khẩn cấp mở rộng trái tim và biến những đau khổ và lo lắng của người nghèo, người đói, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người tị nạn, những người bị đánh bại bởi cuộc sống, những người bị xã hội chối bỏ thành của mình trước sự kiêu ngạo của kẻ mạnh. Bằng cách này, việc phục vụ người khác của chúng ta sẽ trở thành chứng tá của tình yêu, và làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hữu hình và đáng tin!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế gian ghét con khi ban cho con niềm vui vô bổ. Đừng để con bán sự bình yên của con để có được sự bình yên giá rẻ bởi những ‘vinh quang phù phiếm!’”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây