Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 06/11/2023 05:27 |   280
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,13-22)

09/11/2023
THỨ NĂM TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Cung hiến thánh đường Latêranô

Latêranô

Ga 2,13-22


HIỆN DIỆN ĐỂ YÊU THUƠNG
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,13-22)

Suy niệm: Vì yêu thương, Thiên Chúa đã muốn ở giữa con cái loài người; nhưng cũng có những “nơi” Người chọn cách riêng để làm “nơi Người ngự, vì Người ưa thích” (x. Tv 132,13-14). Thời Cựu Ước, khi dân Do thái dong ruổi trong sa mạc, “nơi” Thiên Chúa hiện diện đó là cột mây, cột lửa, là Lều Hội Ngộ, là hòm bia Giao Ước. Khi đã định cư tại Đất Hứa, Đền thờ Giê-ru-sa-lem trở thành dấu chỉ của “nơi Thiên Chúa ngự trị.” Đền thờ trở thành linh thánh vì được dành riêng cho Thiên Chúa, là nơi Dân Chúa quy tụ để thờ phượng Người. Vì thế “tất cả những thứ này,” những thứ gian tham, bất công, bon chen, ích kỷ, những thứ bất xứng với Thiên Chúa là Đấng Thánh, phải đem ra khỏi đó vì là nơi linh thánh dành riêng để thờ phượng Người.

Mời Bạn: Ngày nay, dù là các vương cung thánh đường nguy nga hay các nhà nguyện đơn nghèo, xa xăm hẻo lánh, đó cũng là những “nơi Chúa ngự” bởi vì nơi đó Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Và tâm hồn bạn chính là cõi riêng tư thân mật nhất mà Chúa muốn chọn làm nơi Người hiện diện để yêu thương bạn. Trong lòng bạn còn “những thứ gì” chưa khu trừ để trả lại tâm hồn bạn thành nơi Chúa ngự trị? Phải chăng là những thú vui bất chính, ham mê tiền bạc, chức quyền, hận thù…?

Sống Lời Chúa: Dành vài phút bình tâm trước Thánh Thể để cảm nghiệm sự hiện diện yêu thương của Chúa đối với loài người, đối với chính bạn!

Cầu nguyện: Chúa ơi, con ước ao được sống với sự hiện diện yêu thương của Chúa lắm. Amen.

Ngày 9 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai khóc lóc”. Xin cho chúng con luôn biết đồng cảm với những ai đang khóc lóc, khổ đau, bởi vì, chúng con chỉ có thể sống giới răn yêu thương của Chúa cách thiết thực nhất, bằng việc đi đến giúp đỡ, cảm thông, và xoa dịu những ai đau khổ. Xin cho chúng con luôn cảm nhận rằng: tha nhân là thịt bởi thịt mình, để chúng con không sợ đến gần, ngay cả, chạm đến những vết thương nơi những người ấy. Xin cho chúng con luôn biết chạnh lòng thương cảm những người bất hạnh cách sâu sắc, đến độ, mọi khoảng cách đều không còn nữa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: ( Năm I) Rm 14, 7-12

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.

Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết. Còn ngươi, việc gì mà đoán xét anh em ngươi? Và ngươi, tại sao ngươi khinh miệt anh em ngươi? Vì tất cả chúng ta đều sẽ phải ra trước toà án của Ðức Kitô, bởi có lời chép: “Chúa phán rằng: Ta thề trên sự sống Ta, mọi đầu gối sẽ phải quỳ lạy Ta, và mọi miệng lưỡi sẽ ngợi khen Thiên Chúa”.

Vì vậy, mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ về chính mình với Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người.

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! 

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 3-8

“Những điều xưa kia được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, chính chúng ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa theo thần trí, và khoe mình trong Ðức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng vào xác thịt, mặc dầu chính tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác nghĩ mình có lý để ỷ lại vào xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.

Nhưng những điều xưa kia được kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Ðức Kitô tôi coi là bất lợi. Vả lại tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).

Xướng: Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. 

Xướng: Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu. .

Alleluia: 2 Cr 5, 19

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: “Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm 

LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ THỨ THA CỦA CHÚA (Lc 15,1-10)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Thấy Đức Giê-su hay gần gũi những người tội lỗi lại còn đồng bàn với họ, nhóm biệt phái và luật sĩ trách cứ Chúa. Do đó, Đức Giê-su đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài xót xa khi một người rơi vào tình trạng tội lỗi, do đó, Ngài thiết tha cứu người tội lỗi. Hai dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị mất nói lên tấm lòng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng đón nhận chúng ta và Ngài vô cùng sung sướng khi chúng ta biết mở lòng đón nhận sự tha thứ và tình thương của Ngài.

2. Hình ảnh con chiên bị lạc vì nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngọn suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội thánh. Đó là điều làm chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về.

3. Thật cảm động trước thái độ ân cần của người chủ chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó lên vai mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh thiên đàng: Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tỗi lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân (Carôlô).

4. Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.

Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.

Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.

5. Cách nói phóng đại trong dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị mất” diễn tả niềm vui của Thiên Chúa lớn lao dường nào khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải. Quả thật, Thiên Chúa đã phải buồn lòng bao nhiêu khi con cái mình lạc đường, thì Ngài sẽ vui mừng hơn gấp bội khi thấy dù chỉ là một người con trở về chính lộ. Lòng thương xót của Thiên Chúa dạt dào đến mức khiến Ngài cũng trở nên “yếu đuối, mềm lòng” luôn sẵn sàng tha thứ một khi tội nhân tỏ lòng sám hối ăn năn. Thiên Chúa muốn cho người tội lỗi hối cải đến mức như Ngài không còn e ngại gì nữa, mà còn chấp nhận để cho lòng tốt và tình yêu của mình bị lợi dụng (5 phút Lời Chúa).

6. Đức Giê-su ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Đức Giê-su duy nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng: “Hãy vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc”. Như thế, đối với Đức Giê-su, Đấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi mà xếp loại vào những người bị kết án suốt đời (Mỗi ngày một tin vui).

7. Truyện: Thiền sư Sengai.

Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thỏa thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền rời cái ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám phá ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu. Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh: “Sáng sớm trời lạnh lắm, con phải cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người để tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Cung hiến thánh đường Latêranô

Ca nhập lễ

Tôi đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình

Dẫn nhập Thánh lễ

Đền Thờ được xây dựng là để cho con người có nơi tôn thờ Thiên Chúa, và là tượng trưng cho thành thánh Giêrusalem mới, là nơi Thiên Chúa ngự và là cửa tiến vào Thiên Đàng. Nơi đây Thiên Chúa tụ họp đoàn dân của Ngài, để họ ngợi khen Danh Chúa.

Hôm nay Hội Thánh kính nhớ ngày đền thờ Lateranô được cung hiến, để nhắc nhở các tín hữu nhớ rằng thân xác mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên hãy sống mỗi ngày tốt hơn, thiện hảo hơn để Thiên Chúa sẽ luôn luôn ngự trị nơi tâm hồn mình và ý Ngài được thể hiện như Lời Ngài phán “để Danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời”.

Hiệp cùng Hội Thánh chúng ta thành tâm thống hối để tham dự Thánh Lễ sốt sáng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Người ấy lại nói với tôi: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến. Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9

Ðáp: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao

Xướng: Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả.

Xướng: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp.

Xướng: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ.

Bài đọc II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô.

Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 2 Sb 7, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 2, 13-22

“Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mỗi người chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, hãy cộng tác với ơn Chúa để gìn giữ đền thờ linh hồn khỏi vết nhơ tội lỗi, điểm trang linh hồn bằng các nhân đức xứng hợp, để thực sự trở nên nơi tôn vinh và chúc tụng Chúa, vậy chúng ta hãy thành khẩn nguyện xin :

1. “Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện”. – Xin ban sự thánh thiện cho Hội Thánh Chúa và các vị Chủ chăn, để Hội Thánh luôn là biểu hiện hữu hình của Giêrusalem Thiên Quốc, nơi luôn vang vọng muôn lời chúc tụng Chúa.

2. “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. – Xin cho các Kitô hữu luôn nhớ lời Chúa dậy, để họ biết gìn giữ tâm hồn họ khỏi những bận tâm thế trần mà quên trách nhiệm phải tôn thờ Chúa.

3. “Đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Thiên Chúa”, – Ngày nay trên thế giới, có biết bao Thánh Đường đang bị xúc phạm, bị tục hóa và vắng lặng không người cầu nguyện, xin thúc đẩy nhiều tâm hồn biết mến yêu và chuyên chăm cầu nguyện, để đền tạ lòng thương xót Chúa.

4. “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa thiêu đốt tôi” . – Xin cho các thiếu nữ trong giáo xứ chúng ta biết quí trọng sự trong sạch của tâm hồn, để dù sống trong một xã hội tục hóa, họ luôn biết tìm kiếm những giá trị siêu việt, làm cho cuộc đời họ trở nên dấu chỉ của trời mới đất mới.

Chủ tế: Lạy Chúa, qua Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chúng con đã được hiến thánh để trở nên đền thờ sống động của Chúa. Xin cho chúng con biết làm giầu đời mình bằng những tâm tình thờ lạy, tạ ơn, yêu mến và đền tạ liên lỉ, hầu xứng đáng là điểm tập trung lời nguyện cầu của muôn dân nước, đem lại ơn cứu độ cho muôn người, Chúa hằng sống và …

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Anh em như những viên đá sống động, hãy để Chúa xây dựng anh em nên toà nhà thiêng liêng, nên hàng tư tế thánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

 

SUY NIỆM

Đền thờ mới

Theo tập tục của người Do Thái, thì những khách hành hương trở về đền thờ vào những dịp lễ lớn, thường phải dâng lễ vật và nộp thuế. Lễ vật có thể là chiên bò, cũng có thể là bồ câu tuỳ theo khả năng tài chánh của mình. Lễ vật có thể từ xa đem tới, nhưng để cho tiện, người ta đã tổ chức việc buôn bán các giống vật này ngay tại khuôn viên đền thờ. Mặt khác, người ta không thể dùng loại tiền của nhà nước đang lưu hành để mua các lễ vật hay để nộp thuế vì sợ ô uế, cho nên phải đổi ra những đồng tiền của đền thờ. Do đó việc buôn bán và đổi tiền ở đây đã trở thành một thứ dịch vụ phục vụ cho việc tế lễ.

Trước cảnh tượng ồn ào và huyên náo ấy Chúa Giêsu đã hành động và hành động của Ngài đã làm cho người Do Thái hết sức kinh ngạc. Thực vậy, Ngài đã đánh đuổi những người buôn bán bò chiên, bồ câu và những người ngồi đổi tiền. Không phải chỉ bằng những lời quát mắng mà bằng cả roi vọt. Ngài săn đuổi cả người lẫn vật ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền. Và Ngài đã xác định cho thấy ý nghĩa của việc Ngài đã làm: Hãy mang khỏi nơi đây những vật này. Đừng biến nhà Cha thành một cái chợ. Đồng thời Ngài cũng còn muốn nói lên rằng: Kiểu tế lễ của người Do Thái đã lỗi thời, đã mất hết ý nghĩa, và đã biến dạng thành một việc buôn bán để trục lợi. Như vậy thì đền thờ chỉ còn là một cái chợ không hơn không kém. Tình tạng này không thể được tiếp tục.

Người Do Thái có lẽ đã hiểu được dụng ý sâu xa của Chúa Giêsu, cho nên họ đã đòi Chúa Giêsu phải cung cấp cho họ một dấu chứng tỏ Ngài có quyền làm như vậy. Và Chúa Giêsu đã đưa ra một dấu chứng hoàn toàn mới lạ, mà người Do Thái không bao giờ ngờ tới, Ngài đã xác quyết: Đền thờ chính là thân xác của Ngài. Câu trả lời của Ngài chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của sự chết và sống lại.

Thực vậy, được chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, các tông đồ mới có thể xác quyết được rằng: Khi nói đến một đền thờ bị phá huỷ và được xây dựng lại ba ngày sau đó, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến chính thân xác của Ngài. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc tế lễ theo kiểu cũ đã qua và với sự hiện diện của Ngài, thì đã bắt đầu một giai đoạn mới trong việc tôn thờ Thiên Chúa. Đền thờ là nơi con người thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Một sự hiện diện tạo hạnh phúc và cứu độ. Trong niềm tin của các tông đồ, chính Đức Kitô sống lại đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của đền thờ. Ngài chính là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người. Đồng thời cũng là trung tâm thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Bởi đó, mỗi người chúng ta cũng cần phải kiểm điểm lại quan niệm về đạo cũng như cách thức sống đạo của chúng ta. Để xem chúng ta đã thực sự đi đúng con đường mà Chúa muốn chúng ta bước đi hay chưa. Con đường dẫn chúng ta tới ơn cứu độ và tới niềm hạnh phúc Nước Trời.

Latêranô và những ngôi Đền Thờ

(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới. Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm. Gần 300 năm (từ những năm cuối thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian). Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẽ của các Kitô hữu tiên khởi.

Đức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó. Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần. Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người). Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại. Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển. Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã. Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay. Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô. Và ngày 9. 1. 324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế. Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ. Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội như thế là vì bốn lý do:

– Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.

– Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Giáo Hội. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.

– Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.

– Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho một ngôi Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma. Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh. Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung. Các Đức Giáo hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1.000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28. 4. 1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9. 11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy. Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta. Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh. Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa. Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự. Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

PHẢI CÓ TÂM TÌNH NÀO KHI MỪNG LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG?
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Thánh đường Latêranô là Vương Cung Thánh Đường của Đức Giáo Hoàng. Thánh đường này được hoàng đế Contantinô xây dựng năm 320.

Thánh đường Latêranô là thánh đường đầu tiên và vinh dự được mệnh danh “là đầu và là mẹ của mọi thánh đường”. Hội Thánh mừng kính Lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô vào ngày 09 tháng 11 hằng năm.

Ngày lễ này nhắc chúng ta nhớ rằng: thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên nhân và nền tảng hữu hình cho sự hợp nhất trong Dân Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cùng hân hoan mừng kính ngày trọng đại của Mẹ Hội Thánh, vì nhờ Mẹ Hội Thánh mà chúng ta được tái sinh vào đời sống vĩnh cửu: Khi sinh ra lần đầu, chúng ta là những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng lần sau, chúng ta đã được trở nên những kẻ được Thiên Chúa xót thương; Lần sinh thứ nhất dẫn chúng ta đến cõi chết, còn lần sinh thứ hai lại đưa chúng ta vào cõi sống.

Trước khi được thanh tẩy, chúng ta là miếu thờ của ma quỷ, nhưng sau khi được thanh tẩy, chúng ta thành đền thờ của Đức Kitô. Đức Kitô đã đến trục xuất ma quỷ ra khỏi lòng chúng ta, để chuẩn bị ngôi đền thờ cho chính Người trong chúng ta. Với sự trợ giúp của Người, chúng ta đừng để cho Người phải chịu bị sỉ nhục vì các việc làm xấu xa của chúng ta nữa. Chúng ta đừng để cho những hành vi xấu xa của chúng ta phá huỷ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta.

Thiên Chúa không chỉ ngự trong những đền thờ bằng gỗ bằng đá do tay con người làm ra, nhưng đặc biệt, Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây lên. Vì thế, thánh Phaolô Tông Đồ đã nói: Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em.

Khi mừng Lễ Cung Hiến Thánh Đường, chúng ta phải nhớ rằng: Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải trở nên ngôi đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa.

Chúng ta muốn ngôi đền thờ của chúng ta được sạch sẽ, thì chúng ta đừng làm cho linh hồn mình ra ô uế vì những nhơ bẩn của tội lỗi.

Chúng ta muốn ngôi đền thờ của chúng ta rực sáng, thì chúng ta hãy để cho ánh sáng của Lời Chúa và các việc lành chiếu sáng trong chúng ta.

Mừng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, và hãy để Thiên Chúa dùng chúng ta như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ của Người. Ước gì chúng ta biết kính thờ, yêu mến và phụng sự Chúa cho phải đạo, để có thể đạt tới phúc lộc Quê Trời, mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì được như thế!

LINH HỒN CỦA MỌI THÁNH ĐƯỜNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại!”.

Một trong những triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus. Ông nổi tiếng đến nỗi người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, một người bạn, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”. Simplicianus trả lời, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”. Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó ông học đạo và công khai trở lại!

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng như nhận định của Victorinus, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!” Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu tượng Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong thánh đường, Chúa Kitô, ‘linh hồn của mọi thánh đường!’.

Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa, nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Thiên Chúa. Lúc đầu, nơi tụ họp của Kitô hữu là nhà riêng của họ, nơi các nhóm họp nhau để cầu nguyện và Bẻ Bánh. Các cộng đoàn đã quy tụ ở đó cho đến ngày nay. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ngôi nhà dành riêng cho việc cử hành phụng vụ, đọc Lời Chúa và cầu nguyện. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng nhà thờ và những vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.

“Latêranô” biểu tượng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội trên thế giới với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là nơi ở hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám Mục Rôma; tuy nhiên, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. Đức Phanxicô nói, “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh; Ngài là ‘linh hồn của mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài và nói những lời này, “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại”. Nhờ hy sinh mạng sống, hy tế của Ngài, Chúa Kitô đã làm nên những đền thờ sống động của Chúa Cha từ các tín hữu, bạn và tôi. Đây là lý do tại sao Phaolô nhắc chúng ta trong bài đọc hai rằng, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”. Đền thờ tâm hồn của chúng ta là một thực thể thiêng liêng, nơi Thiên Chúa ngự trị; nó không thể bị xúc phạm, báng bổ và phải được quét tước, thanh tẩy thường xuyên sạch mọi tội lỗi, bụi bẩn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘bụt thần’, ‘ngẫu tượng’ nào thấp thoáng trong bốn bức tường của linh hồn con ngoài Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây