Mẹ Maria: Cầu nguyện với và trong Giáo hội

Thứ sáu - 29/05/2020 08:14 |   938
(Bài giảng giáo lý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngày 14 tháng 3 năm 2012)
Mẹ Maria: Cầu nguyện với và trong Giáo hội

 

 
  •    
    •    
 
MẸ MARIA: CẦU NGUYỆN VỚI VÀ TRONG GIÁO HỘI
(Bài giảng giáo lý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngày 14 tháng 3 năm 2012)
Vương Nghi chuyển ngữ
Anh chị em thân mến,
Với bài giáo lý hôm nay, tôi bắt đầu nói về việc cầu nguyện trong sách Tông đồ Công vụ và các Thư của thánh Phaolô.
Như chúng ta đã biết, thánh Luca đã để lại cho chúng ta một trong bốn sách Phúc âm thuật lại cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, đồng thời ngài còn viết Tông đồ Công vụ, quyển sách đầu tiên về lịch sử Giáo Hội. Trong hai sách này, một chi tiết thường được nhắc đến là cầu nguyện, từ Chúa Giêsu đến Đức Maria, các môn đệ, những người phụ nữ và cộng đoàn Kitô hữu. Điều được nhấn mạnh trước hết về chặng đường đầu của Giáo Hội là hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi các tông đồ thành những người sẵn sàng đổ máu để làm chứng về Đức Kitô Phục sinh, mau mắn loan truyền Lời Chúa đi khắp nơi, từ Đông sang Tây. Nhưng trước khi trần thuật việc ra đi loan báo Tin Mừng, Thánh Luca ghi lại sự kiện Chúa Phục sinh lên trời (x. Cv 1, 6-9). Chúa truyền cho các môn đệ phải lấy việc Phúc âm hóa làm cương lĩnh sống. Chúa nói: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8). Tại Giêrusalem, các tông đồ, chỉ còn lại 11 người sau khi Giuđa Iscariôt đã phản bội, tụ họp nhau trong nhà để cầu nguyện, và qua cầu nguyện, các ngài chờ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần như Đức Kitô Phục sinh đã hứa.
Trong bầu khí đợi chờ, giữa hai biến cố Chúa lên trời và Lễ Ngũ tuần, thánh Luca lần cuối cùng đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, với những người thân cận của Người (Lc 1, 14). Thánh Luca dành hẳn phần đầu sách Phúc âm để viết về Đức Mẹ, từ biến cố thiên thần truyền tin đến lúc Con Chúa làm người được sinh hạ và sống thời thơ ấu.
Chính với Mẹ Maria mà cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu được bắt đầu, thì cũng với Mẹ, những bước đi đầu tiên của Hội Thánh cũng được khởi sự. Trong cả hai thời điểm, chỉ có một bầu khí, đó là lắng nghe tiếng Chúa và suy niệm.
Vì thế, hôm nay, tôi muốn dừng lại suy niệm về sự hiện diện mang ý nghĩa cầu nguyện của Đức Trinh nữ Maria giữa các môn đệ, những người sắp lập nên Hội Thánh tiên khởi.
Đức Maria đã lặng lẽ đi theo con mình trong suốt cuộc sống công khai của Người đến tận thập giá, và Mẹ vẫn tiếp tục, trong lặng lẽ cầu nguyện, bước theo Hội Thánh. Trong biến cố Truyền tin, tại ngôi nhà ở Nazarét, Đức Mẹ đã đón tiếp sứ thần của Chúa. Mẹ chăm chú lắng nghe lời thiên thần, nhận lấy và vâng theo chương trình của Chúa, sẵn sàng để Chúa sử dụng: “Con là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Nhờ lắng nghe, Mẹ đã nhìn thấy, và trong khiêm nhường, Mẹ nhận biết chính Chúa đang hoạt động trong cuộc đời mình. Khi đi thăm người chị họ Êlisabét, Mẹ đã cất lên lời cầu nguyện chúc tụng, hân hoan cảm tạ Chúa đã đổ tràn ơn xuống cõi lòng và cuộc đời của Mẹ, ban cho Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1, 46-55). Qua bài Magnificat chúc tụng, tạ ơn, hân hoan, Mẹ không chỉ nhìn thấy việc Chúa làm nơi Mẹ, mà Chúa còn hoàn tất và tiếp tục hoàn thành trong lịch sử những công trình của Ngài. Thánh Ambrôsiô, trong một chú giải nổi tiếng của ngài về kinh Magnificat, đã mời gọi chúng ta khi cầu nguyện cũng hãy có một tinh thần như Mẹ. Ngài viết: “Chớ gì linh hồn của Đức Maria ở trong mỗi anh chị em, để linh hồn ấy hát lên ngợi khen Chúa. Chớ gì tinh thần của Đức Maria ở trong mỗi anh chị em, để tinh thần ấy vui mừng trong Thiên Chúa” (Expositio Evangelii secundum Lucam 2, 26 : PL 15, 1561).
Cũng vậy, trong bữa Tiệc ly tại Giêrusalem, nơi “căn phòng trên lầu” các môn đệ của Chúa Giêsu “thường sử dụng” (Cv 1, 13), Đức Maria hiện diện trong bầu khí lắng nghe và cầu nguyện, trước khi các cửa mở toang và các môn đệ bắt đầu lên đường loan báo Chúa Kitô cho mọi dân nước, dạy họ phải tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền (x. Mt 28, 19-20). Từ ngôi nhà ở Nazarét đến ngôi nhà ở Giêrusalem, qua thập giá là nơi Chúa đã trao tông đồ Gioan cho Mẹ, những chặng hành trình của Đức Mẹ cho thấy Mẹ hằng giữ bầu khí chiêm niệm, đặt mình trước mặt Chúa, lòng lặng lẽ ngẫm suy mọi biến cố (x. Lc 2, 19-51), để khi chiêm niệm trước nhan Chúa, Mẹ hiểu được ý Chúa muốn và biết đón nhận ý Chúa nơi tận đáy lòng. Sự hiện diện của Đức Mẹ bên Nhóm Mười Một, sau khi Chúa lên trời, không đơn thuần là một chi tiết lịch sử đã diễn ra, mà còn mang ý nghĩa có giá trị lớn lao, bởi Mẹ chia sẻ điều quý giá nhất với các tông đồ, là qua cầu nguyện mà hồi tưởng một cách sống động về Chúa Giêsu; Mẹ dự phần vào sứ mạng của Chúa Giêsu: giữ gìn ký ức về Chúa Giêsu chính là duy trì sự hiện diện của Người.
Trong hai quyển sách Thánh Luca viết, chi tiết cuối cùng về Đức Maria diễn ra vào ngày thứ Bảy. Đó là ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi dựng nên muôn loài, là ngày thinh lặng sau khi Chúa Giêsu chịu chết và mong đợi Người phục sinh. Đây chính là nguồn gốc sâu xa cuộc việc tôn kính Đức Trinh nữ Maria vào ngày thứ Bảy. Giữa hai biến cố Đấng Phục sinh lên trời và lễ Ngũ tuần thứ nhất của người Kitô hữu, các tông đồ và Hội Thánh quy tụ bên Đức Mẹ, để cùng với Mẹ chờ được lãnh ơn Chúa Thánh Thần, ơn không thể thiếu để trở thành chứng nhân. Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã nhận ơn Chúa Thánh Thần để cưu mang Ngôi Lời nhập thể, đã thông phần cùng toàn thể Hội Thánh chờ được lãnh ơn Thánh Thần để “Đức Kitô được thành hình” (Gl 4, 19) trong tâm hồn mọi tín hữu. Sẽ không có Giáo Hội nếu không có lễ Hiện xuống. Không có lễ Hiện xuống nếu thiếu Mẹ của Chúa Giêsu, bởi Mẹ đã đặc biệt trải nghiệm điều Giáo Hội đang sống mỗi ngày dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Crômaxiô Aquilê chú giải chi tiết trong sách Tông đồ Công vụ: “Giáo Hội quy tụ trong căn phòng trên lầu cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và anh em của Người. Như vậy, ta không thể nói về Giáo Hội nếu Đức Maria, Mẹ của Chúa, không có mặt ở đó với anh em của Chúa: bởi Giáo Hội của Đức Kitô hiện diện ở nơi nào đang rao giảng Đức Kitô được nhập thể từ Đức Trinh nữ; và người ta chỉ nghe Tin Mừng ở nơi nào có các Tông đồ, những anh em của Chúa, rao giảng” (Sermo 30, 1 : SC 164, 135).
Công đồng Vatican II muốn đặc biệt lưu ý mối liên hệ được biểu lộ rõ ràng trong việc cầu nguyện chung của Đức Mẹ với các tông đồ, tại cùng một nơi, khi chờ mong Chúa Thánh Thần. Hiến chế tín lý Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) khẳng định: “Thiên Chúa đã muốn mầu nhiệm cứu độ loài người chỉ được tỏ lộ vào giờ phút Thánh Thần đổ tràn ơn xuống như lời Đức Kitô đã hứa, chúng ta thấy các Tông đồ, vào trước lễ Ngũ tuần ‘đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Người' (Cv 1, 14); và chúng ta thấy Đức Maria cũng đang cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Mẹ dưới bóng của Ngài trong biến cố Truyền tin” (số 59). Nơi dành riêng cho Mẹ chính là Giáo Hội, chính tại đây Mẹ được “kính chào như một thành phần trổi vượt hơn hết thảy và tuyệt đối vô song..., là kiểu mẫu và tấm gương sống đức Tin và đức Mến tuyệt hảo hằng được ngưỡng mộ” (số 53).
Vậy, trong Giáo Hội, tôn sùng Mẹ của Chúa Giêsu là học nơi Mẹ để trở thành một cộng đoàn cầu nguyện: đó là một trong những nét chính miêu tả trước tiên về cộng đoàn Kitô hữu được thuật lại trong Tông đồ Công vụ (x. Cv 2, 42). Việc cầu nguyện thường phát xuất từ những hoàn cảnh khó khăn, từ những vấn đề riêng của mỗi người, khiến người ta hướng đến Chúa để xin ơn soi sáng, mong được trợ giúp và bổ sức. Đức Mẹ mời gọi chúng ta mở rộng mọi chiều kích của cầu nguyện, hướng về Chúa không chỉ vì cần cầu xin cho bản thân mà còn bởi hằng kiên tâm, trung tín, đồng tâm nhất trí, “một trái tim, một tâm hồn” cùng nhau (x. Cv 4, 32).
Anh chị em thân mến,
Cuộc sống con người diễn ra với những chặng chuyển tiếp, thường xuất hiện những khó khăn, đặt ra những yêu cầu đòi chúng ta phải lựa chọn, từ bỏ và hi sinh. Mẹ của Chúa Giêsu được Thiên Chúa đặt vào những thời điểm mang tính quyết định của lịch sử cứu độ và Mẹ luôn biết đáp lại với tinh thần hoàn toàn dành cho Chúa sử dụng, là nhờ Mẹ đã sống kết hợp mật thiết với Chúa trong chuyên cần và sốt sắng cầu nguyện. Giữa thứ Sáu Khổ nạn và Chúa nhật Phục sinh, người môn đệ được Chúa yêu, và cùng với ông là tất cả cộng đoàn môn đệ, được trao phó cho Mẹ (x. Ga 19, 26). Giữa biến cố Chúa lên trời và lễ Hiện xuống, Mẹ cầu nguyện với và trong Giáo Hội (x. Cv 1, 14). Là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội, Đức Maria đã thực thi vai trò làm mẹ đến khi lịch sử kết thúc. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ mọi chặng đường, kể cả chặng cuối cùng cuộc đời, của bản thân chúng ta và của Giáo Hội. Đức Maria dạy chúng ta biết cần phải cầu nguyện và cho chúng ta hiểu chính nhờ biết kết hợp bền vững, mật thiết, hết lòng yêu mến Con của Mẹ, chúng ta mới có thể can đảm bước ra khỏi “nhà mình”, ra khỏi bản thân mình, để đi đến tận cùng thế giới, loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ trần gian.
Cảm ơn anh chị em.
 
WHĐ (29-05-2020)
Trích 
Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 70 (tháng 5 & 6 năm 2012)
 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây