LO VIỆC QUỐC GIA
Đời cổ những người lo toan việc quốc gia, trước hết phải dạy dỗ dân, thân yêu dân.
Phép trị dân có bốn điều “bất hòa” cần phải biết:
1. Trong nước mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân đi đánh đâu;
2. Trong quân mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân ra trận;
3. Quân ở trận mà bất hòa, thì chẳng nên tiến lên đánh;
4. Tiến lên đánh mà bất hòa, thì chẳng nên quyết thắng.
Bởi vậy ông vua hữu đạo khi định dùng dân, trước hết có hòa sau mới gây dựng việc nhớn mà chẳng dám tin cái mưu riêng của ai. Không những thế mà thôi, lại còn phải xem cái thời có đáng cử sự sau mới cử sự.
Khi dân trong nước, ai nấy đều biết vua đã chịu suy nghĩ, đắn đo cẩn thận, quí cái mạng của dân, tiếc cái chết của dân, thì bây giờ, dù có phải ra chỗ nguy nan ai nấy mới cùng lấy việc tiến lên mà liều chết là vinh, lùi về mà sống thừa là nhục vậy.
NGÔ TỬ
- Quốc gia: tên gọi một xứ nào có đất, có dân, có chủ quyền cai trị.
- Bất hoà: chẳng hả lòng, có ý ghen ghét.
- Quyết thắng: nhất định đánh lấy kỳ được.
- Hữu đạo: có biết nhẽ phải, có phương pháp đáng thi hành để chỉ dẫn cho dân.
- Thời: cơ hội, dịp tốt.
- Cử sự: thực hành một việc gì.
- Nguy nan: khó khăn nguy hiểm.
- Vinh: vẻ vang.
- Nhục: tủi thẹn cực lòng.
- Ngô Tử: tức là Ngô Khởi, người nước Vệ về đời Chiến quốc, làm tướng nước Ngụy là một nhà binh giỏi có tiếng.
Trong bài tác giả nói phép dùng dân rút lại chỉ có một tư cách cốt yếu là sự "Hòa". Dân có hòa và lại nhờ thêm cái thời có thuận, thì nhiên hậu mới khả dĩ khiến dân hết lòng với mình, vì mình mà liều chết được. Bài này nói rộng là phép dụng dân, nhưng nói hẹp, mà đúng hơn, thì chỉ là cách dụng binh mà thôi, tác giả là một nhà binh hơn là một nhà chính trị.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
Từ xưa đến nay, “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” được xem là ba yếu tố quyết định thành bại ở đời. Lo việc quốc gia không thể chỉ dựa vào chữ “Hòa”. Tuy nhiên, Thiên thời và Địa lợi là điều mà con người không hoàn toàn chủ động tạo ra được, duy chỉ có “Nhân hòa” là có thể gây dựng mà thôi. Bởi thế, chữ “Hòa” vô cùng phong phú và thâm sâu.
Chu Dịch viết: “Nhị nhân đồng tâm, kì lợi đoạn kim”, hai người đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được kim loại. Cũng lại viết: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những người có cùng chí hướng thì sẽ ứng hợp với nhau.
Thời xưa, khi Thiền vu Hung Nô thấy các Vương tử bất hòa liền nghĩ cách tập hợp họ lại. Ông đưa cho mỗi Vương tử một mũi tên và bảo họ tự mình bẻ gãy. Các Vương tử rất dễ dàng bẻ gãy từng mũi tên. Thiền vu lại đưa cho mỗi Vương tử một bó tên và bảo họ bẻ gãy, nhưng kết quả là không Vương tử nào làm được.
Lúc ấy, Thiền vu mới nói: “Hiện giờ các con bất hòa, mỗi người giống như một mũi tên, thật dễ dàng để kẻ địch tiêu diệt. Nhưng nếu các con hòa thuận thì sẽ giống như một bó tên, không ai có thể chiến thắng được các con.” Đây cũng chính là sức mạnh của “Hòa”.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, lo việc quốc gia không thể chỉ dựa vào chữ “Hòa”.
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn