TIẾT PHỤ

Chủ nhật - 06/09/2020 03:24 |   730
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
TIẾT PHỤ

TIẾT PHỤ

Vương Ngưng đi làm quan ở châu Quắc, chưa được bao lâu thì mất, nhà thanh bạch, con thơ ấu.

Sau vợ là Lý thị lo liệu đem con và mang di hài ông về quê. Khi qua huyện Khai Phong, đến một nhà trọ, người chủ trọ, thấy đàn bà con trẻ, có ý ngờ, không cho trọ. Còn Lý thị thấy giời đã tối cứ kêu nài xin trọ, không chịu đi. Người chủ dắt tay đuổi ra. Lý thị ngửa mặt lên giời, nức nở kêu rằng:

"Ta làm đàn bà chẳng hay thủ tiết để đến nỗi người ngoài cầm được cái tay này ru! Ta chẳng nỡ để vì một cái tay mà bẩn lây cả thân ta".

Nói đoạn, lập tức lấy búa tự chặt ngay cánh tay.

Người chung quanh đổ đến xem, ai trông thấy cũng kinh hãi cảm động. Quan huyện Khai Phong đem việc ấy tâu lên với Triều đình, rồi đưa thuốc chữa, cấp tiền tuất cho Lý thị và phạt người chủ nhà trọ.

NGŨ ĐẠI SỬ

GIẢI NGHĨA

- Thanh bạch: ý nói của cải không có gì, không được dư dật.

- Thơ ấu: trẻ dại ít tuổi.

- Di hài: xác người chết đã tiêu đi ít nhiều, còn xương cốt sót lại.

- Khai Phong: tên huyện ở tỉnh Hà Nam bây giờ.

- Thủ tiết: giữ trọn vẹn được cái tiết hạnh với chồng, khi chồng đã mất.

- Kinh hãi: sợ khiếp.

- Tiền tuất: số tiền công cấp cho vợ con của một người quan lại quá cố.

- Ngũ đại sử: Bộ sử chép việc năm nhà: Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy.

NHỜI BÀN

Người đàn bà đã gọi thủ tiết với chồng thì tất phải giữ không một người đàn ông ngoài nào mó vào được đến mình mình. Như Lý thị đây để cho người chủ nhà trọ mó được vào tay, không phải là vì người ấy có ý tình gì, chính vì người ấy xua đuổi không muốn chứa, mà cũng lấy làm dơ bẩn, chặt ngay cánh tay, thì tưởng như có phần câu nệ quá. Tuy vậy cái tình đối với chồng vẫn là rất hậu đáng khen. Chẳng bù với những hạng đàn bà voi giầy, chồng chết chẳng những lấy quạt quạt mồ, còn lấy vồ mà đập săng, hay chồng còn sống, cũng có biết bao nhiêu kẻ ngoại tình, năm bảy chồng khác, lúc nào cũng nhớ chồng thì ít mà nhớ giai thì nhiều!
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Thủ tiết như Lý thị, vợ Vương Ngưng quả là hơi quá, nhưng là tấm gương sáng cho các nàng kiều soi mình.

Việt Nam ta cũng có biết bao tấm gương trung liệt như thế.

- Đầu tiên phải kể đến Bà tổ Âu Cơ. Sau khi chia tay với Lạc Long Quân, (vì ta là Rồng, nàng là Tiên, không thể sống với nhau được), Bà ở vậy nuôi 50 người con trai khôn lớn, trấn giữ đất Phong Châu, mở mang bờ cõi lập thành nước Văn Lang hùng mạnh.

- Kế đến là Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai chị em sinh đôi. Lúc bấy giờ nước ta đang bị nhà Đông Hán cai trị, dưới quyền Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam, hà khắc. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên, chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết. Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát với lời thề:

Một xin rửa sạch nước thù      
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng        
Ba kêu oan ức lòng chồng      
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này


- Triệu Thị Trinh sinh ra trong một gia đình có thế giá ở quận Cửu Chân. Bà là người giỏi võ nghệ, giàu mưu trí và có chí lớn. Bà đã chỉ huy nghĩa quân đánh thắng nhiều trận, khiến quân Ngô tan rã. Bọn quan lại thống trị từ Thứ sử Giao Châu trở xuống đến các huyện lệnh đều bị giết hoặc chạy trốn. Cả Giao Châu chấn động.

Nhà Ngô phải cử danh tướng Lục Dận đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, kiên cường nhưng vì lực lượng còn yếu nên đã thất bại. Bà Triệu Thị Trinh hy sinh trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Nhân dân còn truyền tụng câu nói đầy khí phách của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người!”

- Ngọc Hân công chúa là vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), khi chồng mất, bà quyết ở vậy thờ chồng nuôi con, rồi mất ở tuổi 29. Bài tế Ai tư vãn còn lưu lại:

“Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau”

- Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư của thi hào Nguyễn Đình Chiểu, nổi tiếng bởi nhan sắc, tài văn chương và sự đoan trang. Hơn 25 tuổi bà mới lấy chồng, sinh một gái thì chồng chết, bà ở vậy nuôi con. Bút hiệu là Sương Nguyệt Anh cũng có nghĩa là người sương phụ, thủ tiết thờ chồng.

- Đầu thế kỷ 20, bà Thái Thị Huyên lấy chồng lúc 23 tuổi. Chồng bà là Phan Bội Châu xuất dương tìm đường cứu nước hơn 20 năm, bà vẫn vẹn lòng thủy chung. Khi ông Phan Bội Châu bị bắt và đưa về nước năm 1925, bà chỉ được gặp lại chồng lần chót trong 30 phút, rồi lại cách biệt tới khi ông qua đời năm 1940. Bà có câu nói được lan truyền: “Vợ chồng ly biệt hơn 20 năm, nay được một lần giáp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn nguyện rồi. Từ đây trở về sau, chỉ mong thầy giữ được lòng xưa”. Chính tiết hạnh của bà đã giúp chồng củng cố thêm tinh thần trên bước đường cứu nước.

Thời nay quan niệm về thủ tiết đã có nhiều thông thoáng hơn trước. Tuy nhiên, những người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con vẫn rất đáng trân trọng.

 

(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây