Tiếp kiến chung ngày 25/9/2024

Thứ tư - 25/09/2024 06:12 | Tác giả bài viết: |   170
Ngài cũng cảnh giác các tín hữu đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ, nhưng hãy xua đuổi chúng, như Chúa Giêsu đã làm.
Tiếp kiến chung ngày 25/9/2024

Tiếp kiến chung ngày 25/9/2024 - ĐTC Phanxicô: Đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ!

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 25/9/2024, Đức Thánh Cha trở lại với đề tài về Chúa Thánh Thần; cụ thể, ngài nói rằng Chúa Thánh Thần là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống lại ác thần. Ngài cũng cảnh giác các tín hữu đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ, nhưng hãy xua đuổi chúng, như Chúa Giêsu đã làm.

Vatican News 

Dựa trên đoạn Tin Mừng thánh Luca tường thuật về việc ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc, Đức Thánh Cha nói rằng tường thuật này nói với chúng ta về thực tại của Satan, kẻ cám dỗ, nhưng cũng nói về quyền năng tối cao của Chúa để giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của nó.

Theo Đức Thánh Cha, bằng chứng rõ nhất về sự tồn tại của ma quỷ không nằm ở bằng chứng về sự dữ trong thế giới của chúng ta, mà nằm ở cuộc sống và chứng tá của các thánh. Bằng những nỗ lực để phát triển nhân đức và sự thánh thiện, các thánh làm chứng về thực tại đen tối của thần dữ và việc cần thiết đấu tranh chống lại những cám dỗ phạm tội.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của một giáo phụ rằng ma quỷ không thể hại chúng ta trừ khi chúng ta bất chấp nguy hiểm đến gần nó và yêu thích nó. Và ngài khẳng định rằng chiến thắng của Chúa Phục sinh trước quyền lực của sự dữ và tội lỗi mang đến cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn rằng, bằng cách tin tưởng vào lời Người và được củng cố bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể chiến thắng mọi cơn cám dỗ.

Bắt đầu buổi tiếp kiến chung, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Luca

Tin Mừng Thánh Luca (4, 1-2.13-14)

Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. [...]

Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê.

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngay sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Chúa Giêsu “được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ” (Mt 4,1), thánh Mátthêu nói như thế. Sáng kiến ​​này không phải của Satan, nhưng là của Thiên Chúa. Khi đi vào sa mạc, Chúa Giêsu vâng theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Người không rơi vào bẫy của kẻ thù. Sau khi vượt qua thử thách, như được viết, Người đã trở về Galilê “với quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Lc 4,14).

Trong sa mạc, Chúa Giêsu đã tự giải thoát mình khỏi Satan và bây giờ có thể giải thoát khỏi Satan. Đây là điều mà các Thánh sử nhấn mạnh qua rất nhiều câu chuyện về việc giải phóng những người bị quỷ ám. Chúa Giêsu nói với những người chống đối Người: “Nếu tôi nhờ Thánh Thần Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì vương quốc Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,27). Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ bằng khát vọng về vương quốc của Thiên Chúa.

“Sự xảo quyệt lớn nhất của ma quỷ là làm cho mọi người tin rằng nó không tồn tại”

Ngày nay chúng ta chứng kiến​​một hiện tượng lạ lùng liên quan đến ma quỷ. Ở một mức độ văn hóa nhất định, người ta tin rằng ma quỷ đơn giản là không tồn tại. Nó có lẽ là biểu tượng của một sự vô thức tập thể, hay của sự tha hóa, nói tóm lại, là một cách nói ẩn dụ. Nhưng “sự xảo quyệt lớn nhất của ma quỷ là làm cho mọi người tin rằng nó không tồn tại”, như có người đã viết (Charles Baudelaire). Ma quỷ xảo quyệt: nó làm chúng ta tin rằng nó không có và như thế nó điều khiển tất cả. Tuy nhiên, thế giới công nghệ và thế tục hóa của chúng ta đầy rẫy những pháp sư, thuyết huyền bí, thuyết tâm linh, nhà chiêm tinh, người bán bùa chú và bùa hộ mệnh, và thật không may là đầy những giáo phái satan thực sự. Có thể nói, sau khi bị đuổi ra khỏi cửa chính, ma quỷ quay trở lại qua cửa sổ. Bị đức tin xua đuổi, nó quay trở lại bằng sự mê tín. Nếu bạn là người mê tín, một cách vô thức bạn đang đối thoại với ma quỷ. Đừng đối thoại với ma quỷ.

Các thánh chiến đấu chống lại ma quỷ

Bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự tồn tại của Satan không được tìm thấy ở những người tội lỗi hay những người bị quỷ ám, mà nơi những vị thánh! Đúng là ma quỷ hiện diện và hoạt động dưới những hình thức xấu xa và gian ác cùng cực và “vô nhân đạo” mà chúng ta thấy xung quanh mình. Tuy nhiên, theo cách này, trong những trường hợp riêng lẻ, thực sự là không thể biết chắc chắn rằng đó thực sự là nó, vì chúng ta không thể biết chính xác đâu là hành động của nó và đâu là điều xấu của chúng ta. Vì lý do này, Giáo hội rất thận trọng và nghiêm ngặt trong việc thực hiện việc trừ quỷ, không giống như những gì xảy ra, tiếc thay, trong một số bộ phim!

Chính trong cuộc đời các vị thánh, ma quỷ buộc phải lộ diện, “chống lại ánh sáng”. Dù ít hay nhiều, tất cả các vị thánh và những tín hữu tốt lành đều chứng minh cuộc chiến đấu của họ với thực tế đen tối này, và cách thành thật, chúng ta không thể nói rằng tất cả đều là ảo giác hoặc đơn giản là những nạn nhân của những định kiến ​​​​của thời đại họ.

Đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ

Chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống lại thần dữ như Chúa Giêsu đã chiến thắng nó trong sa mạc: bằng lời của Thiên Chúa. Anh chị em thấy rằng Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỷ, Người không bao giờ đối thoại với ma quỷ. Hoặc là xua đuổi nó đi, hoặc lên án nó, nhưng không bao giờ trò chuyện. Và trong sa mạc, Người không đáp lại bằng lời của Người mà bằng Lời Chúa. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ; khi nó đến với những lời cám dỗ “nhưng, điều này sẽ tốt đẹp, điều đó sẽ tốt đẹp”: hãy dừng lại. Hãy nâng tâm hồn lên cùng Chúa, cầu nguyện với Đức Mẹ và xua đuổi nó đi, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta xua đuổi nó. Thánh Phêrô cũng gợi ý một phương thế mà Chúa Giêsu không cần nhưng chúng ta cần, đó là cảnh giác: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8). Và Thánh Phaolô nói: “Đừng tạo cơ hội cho ma quỷ” (Ep 4,27).

Ma quỷ không thể hại chúng ta nếu chúng ta không đến gần nó

Sau khi Chúa Kitô, trên thập giá, đánh bại vĩnh viễn quyền lực của “vua chúa thế gian này” (Ga 12,31), một Giáo Phụ nói, ma quỷ “bị trói như con chó bị xích; nó không thể cắn bất cứ ai, ngoại trừ những người bất chấp nguy hiểm, đến gần nó... Nó có thể sủa, có thể gạ gẫm, nhưng nó không thể cắn, nếu không ai thích nó”[1]. Nếu bạn là một kẻ khờ dại và bạn đến với ma quỷ và [nói], “À, mày khỏe không? ...”, và mọi thứ đều hủy hoại bạn. Phải tránh xa ma quỷ. Không đối thoại với ma quỷ. Xua đuổi nó đi. Giữ khoảng cách. Và tất cả chúng ta, tất cả đều có kinh nghiệm về cách ma quỷ tiếp cận bằng một số cám dỗ. Sự cám dỗ về Mười Điều Răn: khi chúng ta cảm thấy điều này, hãy dừng lại, giữ khoảng cách; không đến gần con chó bị trói bằng dây xích.

Cơ hội của ma quỷ

Ví dụ, công nghệ hiện đại, ngoài nhiều nguồn lực tích cực đáng được trân trọng, còn đưa ra vô số thủ đoạn để “cho ma quỷ một cơ hội”, và nhiều người đã sa ngã. Chúng ta hãy nghĩ đến nội dung khiêu dâm trên mạng, đằng sau đó là một thị trường đang phát triển mạnh: tất cả chúng ta đều biết. Ma quỷ hoạt động ở đó. Đây là một hiện tượng rất phổ biến, tuy nhiên các Kitô hữu phải cẩn thận đề phòng và phải mạnh mẽ loại bỏ. Bởi vì bất kỳ điện thoại di động nào cũng có thể tiếp cận được sự xấu xa này, ngôn ngữ của ma quỷ: nội dung khiêu dâm trực tuyến.

Tin tưởng vào Chúa Thánh Thần

Việc nhận thức được hoạt động của ma quỷ trong lịch sử không được làm chúng ta nản lòng. Ngay cả trong trường hợp này, suy nghĩ cuối cùng cũng phải là sự tin tưởng và an toàn: “Tôi đang ở với Chúa, hãy tránh đi”. Chúa Kitô đã đánh bại ma quỷ và ban Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta biến chiến thắng của Người thành của chúng ta. Chính hành động của kẻ thù có thể trở thành lợi thế của chúng ta, nếu với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta biến nó thành công cụ thanh lọc của mình. Do đó, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần bằng những lời của bài thánh thi Veni Creator:

“Xin hãy đuổi kẻ thù xa chúng con và sớm ban bình an cho chúng con.
Với Ngài, người hướng dẫn, chúng con sẽ tránh mọi điều ác”.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.​

 

[1] S. Cesario di Arles, Discorsi 121, 6: CC 103, trang 507.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây