Văn khố Tòa Thánh ở Vatican, giữa ký ức và tương lai
Văn khố Tòa Thánh ở Vatican, trước đây được gọi là “Văn khố mật”, có nghĩa là chỉ dành riêng cho Giáo hoàng, được thành lập vào năm 1612, là một Văn khố to lớn chứa những tài liệu quan trọng. Văn khố này cũng được xem là văn khố của thế giới bởi vì chứa những tài liệu mà các văn khố lớn trên thế giới không có. Ngày nay, Văn khố Tòa Thánh được nhiều học giả đăng ký tham khảo.
Nếu tất cả những hàng kệ chứa các tài liệu trong Văn khố Tòa Thánh ở Vatican được nối lại với nhau, chúng sẽ có chiều dài 85 km. Khối lượng tài liệu được lưu giữ tại đây, bao gồm phong bì, sổ đăng ký và hồ sơ, là một khối tài sản phi thường, được hình thành trong 800 năm ghi chép liên tục và không bị gián đoạn, từ năm 1198 đến nay, thông qua khoảng 650 nguồn và loạt tài liệu lưu trữ, do 650 cơ quan, gia đình và những người khác nhau thực hiện.
Hơn 1200 học giả nghiên cứu hằng năm
Trụ sở chính của Văn khố Tòa Thánh tọa lạc tại một khu vực rộng lớn của Dinh Tông tòa. Hàng năm, có hơn 1.200 học giả từ 60 quốc gia khác nhau đến thăm Văn khố Tòa Thánh; vào thời gian cao điểm, mỗi ngày có thể có hơn 60 người đến nghiên cứu.
Các chức năng và biểu tượng
Ngày Quốc tế các Văn khố đã được Hội đồng Quốc tế về Văn khố thành lập và quy định kỷ niệm vào ngày 9/6. Nhân kỷ niệm lần thứ 18 Ngày Quốc tế các Văn khố, nhà báo Paolo Ondarza đã được giáo sư Luca Carboni hướng dẫn thăm Văn khố Vatican và. Giáo sư Carboni giải thích với nhà báo Ondarza: “Không giống như thư viện, Văn khố được thành lập với mục đích thực tế, pháp lý-hành chính: chúng là gương phản chiếu hoạt động của một tổ chức, một gia đình, một cá nhân. Chỉ sau này, và không phải luôn luôn, chúng mới có thể có được giá trị văn hóa”. Trong trí tưởng tượng thông thường, các văn khố thường được hiểu như là “đống giấy”, “những nơi tối tăm liên tục đấu tranh với bụi bặm, ánh sáng và độ ẩm, hoặc đại diện cho trung tâm quyền lực hoặc sự chậm chạp và cồng kềnh của bộ máy quan liêu. Không phải ngẫu nhiên mà trong những thời điểm nổi loạn và cách mạng, kho lưu trữ được coi là biểu tượng của quyền lực cần phải bị phá hủy”.
Ký ức sống
Tuy nhiên, nói về văn khố trong các xã hội dân chủ ngày nay cũng tương đương với việc đề cập đến việc bảo vệ các quyền của chúng ta. Ông Carboni giải thích: “Từ ngữ quyền lực gắn liền với từ ngữ minh bạch, hoặc, như người Anh-Mỹ nói, với ‘trách nhiệm giải trình’, là trách nhiệm về tính minh bạch và tính chính xác của viên chức công và chính phủ đối với công dân. Và, một khi không còn giá trị pháp lý-hành chính, văn khố trở thành ký ức”. Vậy thì, “từ những tờ giấy và giấy da, từ những tập sách và sổ đăng ký, từ các tập hồ sơ và thư mục, từ một cái tên, từ một tham chiếu mơ hồ, từ một con số đơn giản, một con người trở lại với cuộc sống” với thời gian và những trải nghiệm của mình, những lo lắng và vất vả, niềm vui và hy vọng của mình: một thế giới “không quá xa vời, ngay cả thế giới thời trẻ của chúng ta, nơi những lá thư vẫn được viết tay, và cần thời gian để thông tin với người khác”. Văn khố “không còn là những thứ mà như ông Benedetto Croce định nghĩa, ‘ngôi nhà trắng và im lặng của người chết’ nữa, mà trở thành dấu vết không thể thiếu để phản ánh về quá khứ của chúng ta”.
Kho lưu trữ của thế giới
Văn khố Tòa Thánh được thành lập như là Văn khố Trung ương của Tòa Thánh vào năm 1612, có tính đặc thù và phổ quát. Ông Luca Carboni nhấn mạnh: “Văn khố Vatican cũng được biết đến là văn khố của thế giới: chúng lưu giữ các tài liệu giấy tờ lâu đời nhất được viết bằng tiếng Mông Cổ. Các tài liệu được lưu giữ ở đây vượt ra ngoài châu Âu Kitô giáo thời trung cổ. Thông thường, các văn khố lớn của châu Âu thiếu tài liệu thời trung cổ”.
Cuộc trò chuyện với giáo sư Luca Carboni về Văn khố của Tòa Thánh
Giáo sư Carboni, Văn khố Tòa Thánh đã chuyển từ tính chất bí mật, theo nghĩa “dành riêng” cho Giáo hoàng, sang phạm vi công khai rộng rãi hơn. Bản chất và mục đích của Văn khố Tòa Thánh là gì?
- Thuật ngữ “Bí mật” gắn liền với Văn khố Vatican trong suốt 4 thế kỷ, cho đến năm 2019; thực chất nó là chứng tá của thời đại lịch sử mà kho lưu trữ này ra đời, thế kỷ XVII, thời điểm mà nó không được coi là công khai, không để phục vụ cho công dân hay lịch sử, mà là văn khố của thủ lãnh Giáo hội, do đó nó là ‘bí mật’ theo nghĩa là được tách riêng /được dành riêng. Cùng thời kỳ đó, chúng ta cũng có văn khố mật của Gonzagas và Estes, hiện nay nằm ở Mantua và Modena.
Bước ngoặt trong lịch sử của các Văn khố, bao gồm Văn khố Vatican, xảy ra vào thế kỷ XIX, với sự ra đời của các văn khố tập trung lớn, sau này là các Văn khố Nhà nước. Mục đích của các văn khố thay đổi. Các nghiên cứu lịch sử khai thác các văn khố, các văn khố được quan tâm nhiều hơn, như là nguồn tài liệu cho lịch sử quốc gia. Do đó, người ta có thể tham khảo những văn khố này và “tính bí mật” sẽ chấm dứt. Đây chính là bước ngoặt của các văn khố, đánh dấu sự chuyển giao giữa khoa học lưu trữ hiện đại và đương đại. Văn khố Vatican cũng mở cửa vào năm 1880/81 cho các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả ngày nay, theo Quy chế của nó, Văn khố lưu giữ các tài liệu liên quan đến việc quản lý Giáo hội, để chúng có thể được Tòa Thánh và Giáo triều sử dụng khi thực hiện công việc của mình, và sau đó, theo ý muốn của Giáo hoàng, chúng có thể là nguồn kiến thức về lịch sử và đời sống của Giáo hội cho tất cả các học giả. Do đó, Văn khố không chỉ đảm bảo cho “di sản lưu trữ lịch sử được an toàn và bảo tồn lâu dài, và được sắp xếp cách khoa học” mà còn “nâng cao giá trị của di sản”.
Có những cách thức tham khảo nào?
Để truy cập Văn khố, điều kiện duy nhất là phải có bằng đại học và thư giới thiệu từ một trường đại học hoặc viện văn hóa khác, không phân biệt tín ngưỡng chính trị, tôn giáo hoặc dân tộc. Thẻ ra vào hoàn toàn miễn phí. Tôi tin rằng nếu chúng ta phân chia theo quốc gia những học giả đã tiếp cận được với Văn khố trong 15 năm qua, chúng ta sẽ lấp đầy được tất cả các ghế trong Liên Hợp Quốc.
Khác với các Văn khố Nhà nước khác, Văn khố Tòa Thánh không có lịch trình tự do để tham khảo các tài liệu của chúng, nhưng chính Đức Giáo hoàng, mỗi lần, bằng một hành động tự do, quyết định mở một giai đoạn lịch sử để tham khảo. Trong nhiều năm qua, thông lệ này đã mở ra cơ hội tham khảo toàn bộ triều đại các giáo hoàng. Ngày nay, các tài liệu được lưu giữ trong Văn khố Vatican có thể được tham khảo cho đến tháng 10/1958, ngày qua đời của Đức Piô XII; triều đại giáo hoàng của ngài đã được Đức Phanxicô cho mở để nghiên cứu bắt đầu từ tháng 3/2020.
Vượt trên bất kỳ “huyền thoại đen” nào, hãy xem xét rằng trong khoảng thời gian 42 năm, từ năm 1978 đến năm 2020, Đức Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và Đức Phanxicô đã mở ra 81 năm lịch sử cho nghiên cứu học thuật: từ năm 1878 đến năm 1958. Nhiều hơn bất kỳ văn khố nào khác trên thế giới.
Văn khố Tòa Thánh Vatican có Trường Cổ tự học Ngoại giao và Văn khố, được thành lập bởi Đức Giáo hoàng Lêô XIII. Mục đích của trường là gì?
- Trường Cổ tự học, Ngoại giao và Văn khố của Vatican tại Văn khố Mật của Vatican được Đức Lêô XIII thành lập năm 1884 với tên gọi “Trường Cổ tự học và Phê bình Ứng dụng”. Đây là một phần trong cuộc cải cách văn hóa sâu rộng của ngài, sau khi mở Văn khố Vatican cho các học giả từ khắp nơi trên thế giới vào năm 1880/81, và tông thư Saepenumero considerantes vào tháng 8/1883 nói về tính hợp lệ và tầm quan trọng của nghiên cứu lịch sử.
Trường ra đời với mục đích đào tạo các giáo sĩ trẻ về kiến thức và minh họa văn bản. Ngày nay, trường không chỉ đào tạo các nhà văn tự cổ và ngoại giao mà còn đào tạo cả các chuyên gia lưu trữ, vừa là những nhà sử học truyền thống tiếp cận với các giấy tờ bụi bặm và lộn xộn của quá khứ, vừa là những chuyên gia lưu trữ sử dụng tin học, những người sắp xếp lại và sẽ sắp xếp lại các kho lưu trữ của ngày hôm nay và ngày mai, những chuyên gia kỹ thuật số. Do đó, hàng năm có khoảng 40 sinh viên, chủ yếu là giáo dân từ khắp nơi trên thế giới, bắt đầu tiến trình hoàn thiện, dù mệt mỏi, khó khăn nhưng thú vị này.
Ngày nay, các văn khố đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, đó là vấn đề chuyển sang dạng số hóa, điều mà một mặt thúc đẩy việc phổ biến rộng rãi hơn các tài liệu, mặt khác không thể thay thế khía cạnh “vật chất” của các giấy tờ, là khía cạnh làm sống động câu chuyện mà chúng kể...
- Khi chúng ta nói về việc chuyển sang dạng số hóa tài liệu gốc, giấy hoặc giấy da, chúng ta luôn đề cập đến hai mục đích riêng biệt. Trước hết, việc chuyển sang dạng số hóa đóng vai trò cơ bản trong việc bảo vệ và bảo tồn. Thiệt hại lớn nhất có thể đối với các tài liệu đến từ việc tham khảo trực tiếp của các nhà nghiên cứu. Vì vậy, việc chuyển sang dạng số hóa tài liệu thực chất có nghĩa là bảo vệ tài liệu đó khi sử dụng nó. Là một Văn khố trung tâm, Văn khố Vatican tiếp nhận hàng ngàn tài liệu lưu trữ từ các văn phòng khác của Giáo triều Roma và từ các cơ quan đại diện của Giáo hoàng trên toàn thế giới, nhiều tài liệu được chuyển sang dạng số hóa trong một năm và cũng có rất nhiều tài liệu được đưa vào Văn khố mỗi năm. Đây là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Đây là cuộc chạy đua với thời gian… và những tài liệu lâu đời nhất không phải lúc nào cũng cần được chuyển sang dạng số hóa ngay lập tức. Hãy nghĩ về các loại giấy tờ của thế kỷ XX như giấy fax, giấy photocopy hoặc giấy lụa, do chất lượng nguyên liệu thô và phương pháp sản xuất nên có nguy cơ bị hư hỏng nhanh chóng. Chuyển sang dạng số hóa chắc chắn cho phép các học giả tham khảo từ xa, mở rộng đối tượng học giả, nhưng vẫn phải có đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và thận trọng cần thiết.
Cuối cùng, chắc chắn có một vấn đề mà bạn gọi là khía cạnh “vật chất” của các giấy tờ, và những người khác gọi là “niềm vui của Văn khố” (Le goût de l’Archive, Arlette Farge) bởi cảm giác không thể diễn tả được khi bước vào Văn khố lần đầu tiên và chạm vào các tài liệu của nó, lần đầu tiên gỡ nút thắt đã thắt chặt một tập hồ sơ trong nhiều thế kỷ, không bao giờ được ai tham khảo ngoại trừ các viên chức đã tạo ra nó… chạm bằng chính đôi tay của bạn vào lá thư cuối cùng do Hoàng đế Mexico Maximiliano ký, trong đó ông đã phó thác linh hồn cho Thiên Chúa vào đêm trước bình minh của ngày hành quyết: một tờ giấy nhỏ trên loại giấy kém chất lượng, được gấp lại và trao cho cha giải tội của ông để trao cho Đức Giáo hoàng Pio IX… Một ngày nào đó, việc hoàn tất chuyển sang dạng số hóa, điều có thể sẽ là không thể, có lẽ sẽ lấy đi cảm giác này của các học giả, cảm giác mà sẽ vẫn là đặc quyền của riêng chuyên gia lưu trữ.
Vatican News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn