HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
PHẦN 7: Lao Chải
4 giờ 00 sáng ngày 19/02/2011 (tức ngày 17 Tết Tân Mão) thức dậy trong tâm trạng phấn chấn vì đích điểm đã gần kề. 4 giờ 30, tham dự Thánh lễ sáng tại ngôi nhà nguyện ấm cúng cầu xin bình an cho ngày mới. Sau bữa điểm tâm sáng, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương cử một Cha trong Tòa Giám mục hướng dẫn đoàn đi thăm Trung tâm Mục vụ đang xây dựng khá quy mô tại thị xã Phú Thọ. Trung tâm này trước đây là Nhà Tràng Hà Thạch (hay còn gọi là Tiểu chủng viện Hà Thạch).
Nhà Tràng Hà Thạch được thành lập từ năm 1896, xây dựng hoàn thành vào năm 1928; sau năm 1954 Nhà nước trưng dụng làm trường tiểu học, mới đây đã trả lại cho Giáo phận để sử dụng.
Rời Hà Thạch, xe chúng tôi trở lại QL32, đến Yên Bái, rẽ sang QL70 đi Lào Cai, từ Lào Cai theo QL4D leo qua nhiều đèo dốc quanh co hướng về Sapa.
Đường lên đỉnh núi Sa Pa
Hoa chen lá thắm, mây là là bay
Hương đào thoang thoảng đâu đây
Nhà ai mận chín trái sai trĩu cành
Đường vòng sườn núi quanh quanh
Bậc thang nương rẫy, nhà tranh ven rừng
Đường lên Sapa đẹp lắm, dốc dựng đứng, xe nóng máy, không bò lên nổi, phải dừng lại thay nước. Bao nhiêu nước uống đổ cả cho xe.
Theo chương trình, 5 giờ chiều phải có mặt ở Sapa để cùng Cha sở Phêrô Phạm Thanh Bình đi dâng lễ tại nhà thờ Lao Chải. Nhìn bảng chỉ đường, Sapa đã gần kề, vậy mà… bò mãi… bò mãi vẫn chỉ thấy sương mù, càng về chiều sương mù càng dày đặc. Cha Hùng liên tục nói chuyện điện thoại với Cha sở Sapa để khỏi lạc đường. Vừa may, có một chiếc Toyota bán tải dừng phía trước, bên lề đường. Đó là xe Cha sở Sapa chờ sẵn.
Vậy là yên tâm. Bám theo sau xe Cha sở chạy vòng vèo trên con đường đất hẹp, hai bên là vách núi đá cao ngất. Đường rất khó đi, có đoạn phải xuống đẩy phụ xe mới qua được. Nửa tiếng sau, xe dừng lại. Một đám trẻ con H’mông vây quanh; đó là bản Lao Chải, có hơn 1200 giáo dân, cách Sapa hơn 10 cây số. Soeur Xuân và chị Thược phát bánh kẹo, mì gói cho các cháu rồi cả đoàn theo mấy giáo dân dùng đèn pin soi đường dẫn phái đoàn đi tiếp. Từ đây lên đến nhà thờ Lao Chải còn phải lội bộ hơn một cây số đường lầy lội bùn đất. Trời tối như bưng, đường trơn trượt, sểnh chân là có thể ngã lăn quay, tắm bùn như chơi.
Đến với Lao Chải hôm nay còn có phái đoàn thiện nguyện người Pháp đi cùng xe Cha sở. Đèn pin không đủ chiếu sáng, Vinh Sơn phải dùng đèn máy quay phim soi đường. Đến nhà thờ thì đèn vừa hết pin, không quay phim được. Bù lại, tất cả mọi người đều vui mừng vì giáo dân chào đón rất thân tình. Nhìn đồng hồ mới biết phái đoàn đã đến trễ hơn 30 phút. Vậy mà giáo dân vẫn kiên trì chờ đợi chật kín nhà thờ!
Cha sở Phêrô Phạm Thanh Bình giới thiệu phái đoàn và lý do đến trễ bằng tiếng H’mông rồi bắt đầu dâng Thánh lễ. Thánh lễ cử hành hoàn toàn bằng tiếng H’mông, duy chỉ có bài chia sẻ Tin Mừng của Cha Antôn Vũ Thanh Lịch bằng tiếng Kinh. Không biết cộng đoàn có hiểu gì không nhưng quan sát thấy mọi người rất chú ý lắng nghe.
Sau Thánh lễ, giáo dân còn nấn ná ở lại chụp hình lưu niệm với phái đoàn và trao đổi tâm tình bằng những câu tiếng Kinh chưa sõi, chất chứa tình cảm mộc mạc chân thành.
Đoạn đường về từ nhà thờ ra chỗ để xe dường như gần hơn, dễ đi hơn nhờ có nhiều ánh đèn pin soi đường hơn của giáo dân đưa tiễn. Nếu có ai hỏi nhà thờ nào để lại nhiều ấn tượng nhất trong đời bạn? – Xin trả lời ngay, không cần suy nghĩ, đó là nhà thờ Lao Chải. Rất đặc biệt! Rất ấn tượng! Ngay cả mùi hương trong nhà thờ cũng rất đặc trưng mà không nơi nào có được!
Trở về nhà xứ Sapa, các bàn ăn đã sẵn sàng. Có khá đông thực khách đang đợi. Được biết, nhà xứ rất hiếu khách, vui lòng phục vụ tất cả các đoàn du lịch, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội,… miễn là có nhu cầu. Trong số khách hôm nay, có một nhóm sinh viên Sàigòn khá năng động, vui vẻ, vừa từ Fansipan trở về. Hỏi thăm mới biết, trong nhóm tất cả đều bên lương, nhờ người quen giới thiệu đã được Nhà xứ đón tiếp và cử người hướng dẫn tận tình.
Nhiệt độ ở Sapa lúc này là 90C. Ông Trùm xứ mời tất cả mọi người ngồi vào bàn. Rượu táo mèo và nhiều món đặc sản được bưng ra, nóng sốt. Ngon nhất là món cá hồi. Ở Việt Nam, chỉ Sapa mới có cá hồi. Giá bán ngoài chợ là 300.000đ/1kg.
Sau bữa cơm tối tuyệt vời tại Nhà xứ với lắm món ăn lạ, chúng tôi được bố trí ngủ tại khách sạn Hàm Rồng vì nhà xứ chưa có nhà nghỉ. Không thể để cho khách ngủ ngoài trời được vì mùa này, vào lúc gần sáng, nhiệt độ có thể xuống đến 00C.
Vác hành lý leo lên đến khách sạn ai cũng thở dốc và… toát mồ hôi. Nhận phòng xong cũng vừa lúc cúp điện toàn khu vực, mà khách sạn thì không có máy phát điện riêng. Nhờ ánh sáng đèn cầy, chúng tôi cũng tìm được phòng tắm với vòi nước lạnh như băng và mấy phích nước sôi.
Tắm rửa xong, cảm giác thật tuyệt vời sau một ngày vất vả nhưng thú vị với nhiều điều lạ lẫm, ấn tượng. Đêm nay chúng tôi còn được hưởng một không gian thơ mộng: ngồi trên giường bậc thang, nhâm nhi cà phê nóng trong căn phòng ấm cúng bên ánh nến lung linh huyền ảo. Ngoài kia gió rít từng cơn. Chợt nhớ đến hình ảnh những đứa trẻ H’mông ban chiều với những đôi chân trần tím tái vì lạnh.
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn