Bên tách Cà Phê Ban Mê

Thứ sáu - 27/03/2020 21:43 |   629
Quán Văn nằm khuất giữa những khối nhà của mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng,
Bên tách Cà Phê Ban Mê
Một ngày bên tách Cà Phê Ban Mê
[09.07.2012 20:51]
Về Ban-mê nếu không ghé quán “Quê Tôi”, một nhà hàng mới ở số 21 Mai Hắc Đế là một điều thiếu sót. Nếu là dân Ban-mê kỳ cựu, có đi xa nay trở về, ngồi ở không gian này ôn lại những kỷ niệm, những tháng ngày khói lửa, chinh chiến của những năm 75 thì sẽ nhận ra đây là đường kho đạn cũ, cạnh Bộ Tổng tư lệnh của quân đội miền Nam trước đây. Hiện con đường được mở rộng, khang trang san sát những nhà hàng, làm nổi bật được một góc sinh hoạt của thành phố BMT.

Anh em chúng tôi hẹn gặp nhau nhân dịp một thành viên của lớp anh hai Vô Nhiễm từ thành phố biển Vũng Tàu về lại chốn xưa. Điểm hẹn Quê Tôi thật ý nghĩa, chủ nhân của nhà hàng không ai khác hơn là cháu Phạm Trọng Duy, trưởng nam của một người đã từng được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân Lê Bảo Tịnh, đó là Ca trưởng Ca đoàn LBT nhà thờ Chính tòa Phạm Trọng Đức. Xin được dành phần tường thuật này lại cho nhà văn Vũ Bình. Riêng tôi xin trao đổi một phần tâm tình nơi một góc nhỏ ẩn khuất dưới lòng chảo của thung lũng Trần Hưng Đạo.

Rời quán “Quê Tôi”, trời đang đổ mưa. Những hạt mưa của tiết trời tháng 7 làm cho trời Ban-mê lành lạnh. Anh em chúng tôi đi giữa trời mưa, kéo nhau đến quán cafe Văn. Quán Văn nằm khuất giữa những khối nhà của mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng, đổ theo con dốc hẹp thẳng đứng, khách thơ như chợt giật mình vì trước mắt đang mở ra một không gian xanh lãng mạn, lối kiến trúc giản dị làm nổi bật lên những hình tượng của Tây nguyên. Những lối hẹp quanh co dẫn vào những góc nhỏ ấm cúng kê sẵn những bộ bàn ghế xinh xinh. Những bức tượng nhà mồ của người Rahdé, những phẩm vật mỹ nghệ trang trí làm cho mọi người có cảm giác đang lọt vào một không gian mang bản sắc cồng chiêng Tây nguyên. Nơi quán cà phê này, các tao nhân mặc khách có thể hát với nhau những bản tình ca. Một chiếc đàn piano cổ, một cây guita và những người nghệ sỹ đủ tạo cho không gian này thành thơ và nhạc. Ánh sáng hiếm hoi của một ngày mưa phùn khi bầu trời bị che khuất bởi những đám mây không đủ sáng tạo ra một cảm giác lung linh, mờ ảo, làm thêm chất thi vị cho những người bạn lâu ngày gặp lại. Đây cũng là một điểm hẹn thường xuyên của anh em LBT Ban-mê. Chủ nhân của quán Văn là anh chị Đạt – Loan, một thành viên trong ca đoàn LBT, một nhà thơ phố núi, người nghệ sỹ tài hoa với những tác phẩm hội họa và điêu khắc. Bài thơ “Cảm xúc núi” do Đỗ Thất Kinh phổ nhạc chính là thơ của anh : http://dotchuoinon.com/2011/08/22/cảm-xuc-nui-dỗ-thất-kinh/

Nghe một ngày bóng núi
bỗng dời qua trăm năm
có tiếng ai vừa nằm
thôi gieo lời cỏ lạ

Ơi ngày buồn bỗng tới
nỗi niềm tôi mênh mang
những cánh hoa vội vàng
khép thành tiếng bờ môi (Cảm xúc núi – thơ Phùng Đạt)


Dù trời Ban mê hôm nay chợt nắng, chợt mưa như cách nói của Nguyên Sa trong bài “Nắng Sài Gòn”, càng làm cho “tuần trà” của anh em chúng tôi trở nên ý nghĩa, nhấm nháp tách cà phê nóng làm cho tinh thần sảng khoái và cảm thấy ấm áp trong tiết trời mưa tháng bảy.

Mưa Ngâu tháng bảy buồn
Trời buồn giọt lệ tuôn
Nhớ thương người xa cách
Nhớ người xa cách luôn

Trời mưa Ngâu tháng bày
Điệu buồn suốt canh thâu
Nhớ ai rồi thương nhớ
Nhớ ai vạn nỗi sầu (Tháng bảy tình ca - Hoàng Nga)


Chúng tôi bắt đầu ôn lại những câu chuyện ngày xưa, những bài thơ được đọc lên, những khúc ca được gợi lại, anh hai Trọng Đức như thoát khỏi những bộn bề hàng hóa, quên mất việc phải ra thu hàng ngoài chợ cho lệnh bà vì trời đã về chiều, để hòa mình với anh em, với không gian thơ và với tiếng đàn guita ngọt lịm. Anh hai Mạch vẫn như xưa, vẫn tính cách của Bút tòe, hồn nhiên và nhìn sự đời theo một chiều kích riêng biệt. Công Nguyên cũng chùng lòng ôm cây guita gửi tặng các anh một bản nhạc xưa. Anh hai Nga đọc lại những vần thơ của thời trai trẻ. Những dáng dấp của những tài năng bất phùng thời đang hòa quyện vào không gian phố núi để nhớ về một thời niên thiếu.

Ta đi giữa muôn ngàn tinh tú
Sống ung dung trong cảnh đẹp thiên đàng
Cả tin về những mộng ước mơ màng
Ôi êm dịu tiếng lòng ta rợp mát
Ta sống giữa trời xanh bát ngát
Lâng lâng lòng nhẹ tựa như tơ
Muôn vẻ đẹp hồng lên màu rực rỡ
Đón đêm dài tỏa xuống ánh trang mơ (Yêu đi chứ - Hoàng Nga)

Lê Bảo Tịnh chúng tôi là thế đấy, tuổi đã gần 60 mà lòng đầy chất trẻ, cứ như bầy trẻ thơ mỗi khi gặp nhau cho dù tuổi đời ngày càng chồng chất. Anh em chúng tôi mỗi người một nẻo, một công một việc khác nhau nhưng khi gặp lại thì ôi thôi cứ gọi là quên hết sự đời!.. lắm lúc các lệnh bà cũng khó chịu vì những cú điện thoại bất chợt của anh em. Thôi thì cũng phải là khai thật là đi họp. Nói như Kiến trúc sư Sáng vừa viết mail chia sẻ: “Gấu nhà mình hỏi nhóm LBT các anh làm gì mà cứ đi họp hoài vậy? Mình nói: “gớm thì ba mày cũng có sung sướng gì đâu nhưng muốn có chức thì phải chịu khó vậy.” Thôi thì cũng mong các chị bỏ qua cho, họ sống với gia đình cả đời và đến với nhau chỉ một thoáng thôi. Cứ cho phép anh em chúng tôi gặp nhau tý chút, chứ không thì chẳng biết vịn vào đâu mà đứng dậy. Câu chuyện Vợ và thơ trong mục thư giãn của trang LBT cũng đã chỉ ra rồi đấy. Câu thơ mà gãy đổ thì biết sống ra sao?
 
Cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn, các anh Vô Nhiễm vốn hiền hòa nhưng gặp nhau thì đầy chất nghệ sỹ. Nhà thơ Bút Tòe cũng ở lại chiến đấu tới cùng, chỉ tội cho bác Lương một mình ra về đường xa ướt mưa, rất may bác Thành Gồ cũng chia sẻ với bác Lương một đoạn đường về Cưjút. Bác Nga còn ở lại vì một số anh em Vô nhiễm hẹn gặp nhau tại Châu Sơn, bác Đức chạy vội về giúp vợ thu hàng, bác Châu cũng từ giã anh em, riêng tôi về lại Kim Châu…

 
Ban-mê-thuột trời càng về chiều, không khí càng mát lạnh. Chị Loan chủ quán cà phê quả thật là thân tình với anh em LBT. Những câu chuyện kể cũng giúp cho mọi người biết tính cách của vợ chồng chủ nhân, hai tâm hồn đồng điệu với văn thơ và âm nhạc, cặp vợ chồng nghệ sỹ, luôn sẵn sàng đón tiếp các bậc tao nhân ghé thăm tệ xá. Nếu có về Ban-mê anh em chúng ta  không nên bỏ lỡ một điểm hẹn của phố núi: Quán Văn... Chúng tôi lại về với gia đình riêng của mình, vẹn tròn và khai báo tất cả mọi chuyện với lệnh bà, chẳng hề sứt mẻ gì. Những câu chuyện thật một trăm phần trăm của anh em chúng tôi, như hiện tại tôi đang ngồi tại nhà để ghi lại những cảm xúc của một ngày bên nhau.

Công Nguyên và Tay Chiêu

 
 Tags: Quán Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây