Đấng Khác (Khi con yêu Chúa)

Thứ năm - 11/01/2024 21:01 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   252
Nói về Thiên Chúa, diễn tả về Người, ca tụng vẻ đẹp vô biên của Người, vẫn như giống là hạt muối bỏ biển.
Đấng Khác (Khi con yêu Chúa)
Đấng Khác (Khi con yêu Chúa)




Người là Đấng khác, khác với mọi suy tưởng của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng: “Khôn tả xiết, khôn dò thấu, vô hình, vô phương nắm giữ”[1]. Chúng ta gọi bằng cách này và bằng cách khác, chiêm ngưỡng khía cạnh này sang khía cạnh kia, luyện ngôn ngữ này sang ngôn ngữ nọ. Nói về Thiên Chúa, diễn tả về Người, ca tụng vẻ đẹp vô biên của Người, vẫn như giống là hạt muối bỏ biển.

Huyền nhiệm không được gọi tên mà Tagore nói tới là một cảm nghiệm thuộc về tâm linh. Sự ngỡ ngàng trong nhận thức diễn tả sự cao độ trong cảm nghiệm huyền bí, chân lý đột nhiên bừng chiếu, cá nhân được hòa quyện, đây là những kinh nghiệm mà Upanishads nói tới, R.M. Bucke gọi trạng thái này là “Ý thức vũ trụ”.
Cảm nghiệm tâm linh đối với Tagore là bằng tình yêu: “Khi ta yêu bất cứ ai, ta nhận ra ở họ tâm linh của ta theo ý nghĩa cao cả nhất. và ta thấy ở đó cái chân lý rốt ráo của kiếp sống”[2].  Trong ngôn ngữ thơ của Tagore, chúng ta thấy bàng bạc những cách nói của ngôn ngữ tình yêu. Tình yêu không giới hạn được phát khởi từ con tim trong sạch, không giận hờn, ghen tương, thù óan, không lừa dối ai, không hại ai. “Thiếu tình yêu là một thứ chai đá, vì tình yêu là sự tòan thiện của tâm thức. Ta không yêu vì ta không hiểu, hay nói đúng ra ta không hiểu vì ta không yêu”[3].
Tình yêu luôn làm nên cái mới và do đó luôn làm bất ngờ khi gặp gỡ. Trong cõi vô biên, tình yêu cũng vô biên. Trong cõi vô biên ấy, người ta có thể bắt gặp một hình ảnh thể hiện trong một hình ảnh cụ thể nào đó, như ánh trăng, như cành hoa, như làn gió…Mỗi lần cảm nghiệm lại khác nhau nên cõi vô biên là thế, đi bao giờ cho hết, nói bao giờ cho cùng. “Ánh âm bản Người sáng tạo soi sáng cùng thế giới. Hơi thở cuộc đời trong giai khúc Người gieo lan tỏa mọi phương trời. Dòng suối thiêng liêng trong điệu khúc Người tấu vượt từng vách đá cản đường rồi băng mình chảy miết”[4]. Ở Ấn Độ tư tưởng con người hòa đồng với vũ trụ là một chân lý vĩ đại nhất. Ở đó con người lặn ngụp trong bể sóng bao la, mỗi một con sóng là một nhân cách và mỗi nhân cách lại có những đặc điểm khác nhau và trong sự khác nhau ấy bản chất vẫn là nước đại dương. Hòa quyện, mà không đồng hóa, hòa quyện mà không tan biến, sự hòa hợp: “Hỡi Người Tự biểu lộ chính mình, xin Người hãy biểu lộ Người ở nơi con”. 
Xin Người biểu lộ nơi con chính Ngài giống như lời cầu nguyện của Thánh Augustin trong tự thuật: “Xin cho con biết Chúa để cho con biết con”. Đó là một thực tại đang được vận hành trong tình thương của Thiên Chúa, một lịch sử đời rất thường được mở ra trong lịch sử Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô Giêsu và trong Đức Giêsu Kitô.
Trong khi biết và cảm nghiệm, người Kitô hữu đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, không những muốn biết Ngài mà còn khao khát Ngài, không những khao khát Ngài mà còn muốn được ở trong Ngài. Chúng ta có thể gặp gỡ kinh nghiệm của dân Israel: “Lạy Chúa, xin tỏ Thánh Nhan Người cho chúng con”[5].  Chúa Giêsu, Ngài đã đến và đã sống lại và Hằng Sống; biết như thế vẫn khao khát gặp Ngài, gặp gỡ Đấng Phục Sinh để được đổi mới như Phaolô đã gặp. Dù khao khát tìm kiếm, dù mòn mỏi đợi trông, dù đã bao lần gặp vẫn chưa thể gọi Danh Người cách chính xác, con người vẫn tìm gặp Ngài và tìm gặp Ngài mãi mãi vì Ngài Tương Lai, là Lẽ Sống. Ngài vượt trên mọi người và Ngài là Con Thiên Chúa đến mặc khải mời gọi con người, thâu họp nhân loại mới trong gia đình Thiên Chúa.
Con người đi tìm Chúa, bởi vì Chúa mời gọi, tìm kiếm để gặp gỡ và gặp gỡ để tiếp tục tìm kiếm. Chúa là Đấng Khác, Đấng làm say mê, Đấng tỏ bày cho nhân loại, lôi cuốn nhân loại tiến về phía Thiên Chúa, mỗi ngày một xa hơn, một sâu hơn, thắm thiết hơn. “Lạy Chúa, xin cho con tìm kiếm Chúa khi con kêu cầu Chúa; và kêu cầu Chúa khi tìm kiếm Chúa”[6].
Con người khi mải tìm kiếm Chúa trong thụ tạo, đôi khi bị vẻ đẹp thụ tạo cuốn hút mà quên mất tìm kiếm Chúa. Những lúc như vậy, thường mang đến những ăn năn muộn màng: “Con đã yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp mà Chúa đã dựng nên. Chúa đã ở với con mà con không ở với Chúa”[7].
Người đi tìm Chúa có khi dừng lại tra vấn thiên nhiên và tra vấn chính mình.
 “Lạy Chúa, trong mình con có cái gì để chứa được Chúa, chớ gì trời và đất, mà Chúa đã tạo dựng và trong đó Chúa dựng nên con, có chứa đựng được Chúa không? Hay là vì chẳng có vật nào hiện hữu mà không bởi Chúa nên mọi vật hiện hữu đều chứa đựng Chúa chăng?”[8] Tìm kiếm Chúa là sự vươn lên không ngừng, vượt trên thụ tạo để tìm kiếm Chúa, vượt trên những vẻ đẹp để tìm kiếm Chúa, bởi Chúa là chủ tể của mọi thụ tạo.
Chúa là Vẻ Đẹp tòan mỹ của mọi vẻ đẹp. “Con yêu gì khi con yêu Chúa?  Khi con yêu Chúa, con cũng yêu một ánh sáng, một âm thanh, một mùi thơm, một của ăn và sự ôm ấp của con người nội tâm trong con; tại nơi đây, có một ánh sáng chiếu soi linh hồn con, mà không bị không gian nào giới hạn; tại nơi đây, có những âm điệu rung lên, mà không bị thời gian nào cướp lấy; tại nơi đây, có những làn hương xông tỏa, mà không bị làn gió đánh tan; tại nơi đây, người ta thưởng thức món ăn mỹ vị mà không tính ham mê nào làm cho suy giảm”[9]. Vậy Chúa yêu con là gì? “Con đã hỏi trái đất và nó đã thưa: tôi không phải là Chúa của anh; và tất cả những thụ tạo trên trái đất đều thưa như vậy”[10]. Thụ tạo không phải là Chúa nhưng chỉ cho biết Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng.
Đừng dừng lại như để chiêm ngắm thụ tạo trong cảnh biến hình trên núi và thưa: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”[11] Đấy mới chỉ là cảnh đẹp phản ảnh phần nào vẻ đẹp tòan mỹ của Thiên Chúa. Cám dỗ dừng lại là bắt đầu một cám dỗ hưởng thụ và quên mất con đường tiến tới phía trước.
Lạy Chúa, Đấng đã tạo dựng nên con, “Lòng con hằng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”[12]. Chúa biết rõ con, Chúa biết cả những lầm lỗi ẩn sâu trong cuộc đời của con, những tội lỗi ngăn trở con thuộc về Chúa và ở trong Ngài, xin cứu thoát con.
Chúa biết con yêu mến Chúa!
L.m Giuse Hoàng Kim Toan



 
 
[1] Phụng vụ Thánh lễ Gioan Kim Khẩu, Anaphore.
[2] Thực nghiệm tâm linh, R. Tagore,trang 38, bản dịch Như Hạnh, Kinh Thi xuất bản, 1973.
[3] Thực nghiệm tâm linh, R. Tagore,trang 122, bản dịch Như Hạnh, Kinh Thi xuất bản, 1973.
[4] Lời Dâng, R Tagore, Bài số 3, Đỗ Khánh Hoan dịch.
[5] Tv 30, 17
[6] Tự Thuật, Augustin, Kinh khai mạc, Đọan 1.
[7] Tự Thuật Augustin, quyển 10, tâm trạng tâm lý khi viết tự thuật.
[8] Tự Thuật, Augustin, Kinh Khai mạc, Đọan 2.
[9] Tự Thuật Augustin, Quyển 10, Augustin tìm kiếm Chúa.
[10] Tự Thuật Augustin, quyển 10, Augustin tìm kiếm Chúa.
[11] Mt 17, 4
[12] Augustin.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây