Chúa Nhật I – MV – C
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện…
Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: sẽ có ngày tận thế. Và ngày đó, Đức Giê-su - “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Đây là điều chúng ta tuyên xưng vào mỗi ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến ngày “Người sẽ lại đến”, có lẽ không ít người trong chúng ta lại cảm thấy “lòng xao xuyến”, lòng xao xuyến là bởi, khi nào “ngày ấy” sẽ xảy ra!
Các môn đệ xưa, cũng không là ngoại lệ. Hồi ấy, các ông đã gặp riêng Đức Giê-su và hỏi: “Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế.” Đức Giê-su trả lời rằng: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả những thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).
Vâng, không ai biết được ngày-và-giờ. Còn về “cứ điềm nào (để) biết ngày ấy” ư! Thưa, Đức Giê-su nói: “sẽ có những điềm lạ” . Và, sau khi nói lên những điềm lạ sẽ xảy ra, Ngài đã có những lời khuyến cáo mạnh mẽ đến với các môn đệ mình.
Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo như thế nào! Những điềm lạ sẽ xảy ra, ra sao! Tất cả đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 21, 25-28.34-36).
**
Theo thánh sử Luca ghi lại, hôm ấy Đức Giê-su đã nói rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” (Lc 21, 25-26).
Đức Giê-su, mở đầu với lời tuyên bố như thế, và nếu chỉ là như thế, thì sẽ thật là bất hạnh cho những ai đặt niềm tin vào Ngài. Làm sao không bất hạnh cho được, khi quyền-lực-trên-trời, quyền lực của Con Một Thiên Chúa, sẽ-bị-lay-chuyển!
Nhưng không, Đức Giê-su còn nói tiếp: “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27).
Nhóm Mười Hai, tuy thánh sử Luca không nói, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, sau khi nghe Thầy mình nói như thế, tinh thần các ông như được thêm phần hăng hái và tin tưởng.
Phải, phải nói là rất hăng hái và tin tưởng. Bởi vì Đức Giê-su đã có thêm lời rằng: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Anh-em-sắp-được-cứu-chuộc! Vâng, Đức Giê-su nói rất rõ ràng như thế. Và Ngài đã nói lên những lời khuyến cáo, rằng: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.”
Cuối cùng, một lời khuyên chân tình đã được Đức Giê-su gửi đến các ông, lời khuyên rằng: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21, 36).
***
Tất cả những gì các môn đệ muốn biết đã được Đức Giê-su công bố. Tất cả những gì cần phải làm để được-cứu-chuộc đã được Đức Giê-su phán truyền. Và thật phước hạnh thay, Chúa Nhật hôm nay (01/12/2024), qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe Giáo Hội nhắc lại những điều cấp thiết này.
Đừng ngạc nhiên… đừng ngạc nhiên khi hôm nay Chúa Nhật I – Mùa Vọng, một mùa theo truyền thống, hướng đến lễ kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh, thế mà Phụng Vụ Lời Chúa lại nói đến ngày Đức Giê-su quang lâm và ngày tận thế.
Vâng, Mùa Vọng, chúng ta thường hướng đến việc kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh. Nhưng, nếu chỉ có thế e rằng chưa đủ. Tại sao? Thưa là bởi, điều đó chưa phải là cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta. Mà, cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta là gì? Chẳng phải là được cứu chuộc, sao!
Mùa Vọng, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông mong, là mong đợi và hy vọng điều sắp đến.
Khi chúng ta trông mong, mong đợi và hy vọng, Lm.Charles E.Miller nói: “Chính là chúng ta hướng đến tương lai, một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống”.
Do vậy, ngài Charles tiếp lời, rằng: “Mùa Vọng phản ánh cuộc sống theo nghĩa mùa này cũng hướng về tương lai bằng hai cách. Thứ nhất, Mùa Vọng hướng nhìn về tương lai qua việc chuẩn bị đón mừng ngày 25/12, ngày Đức Ki-tô giáng trần. Thứ hai: Mùa Vọng chuyên chú trông đợi một tương lai bất định và có vẻ xa vời, lúc Đức Ki-tô sẽ ‘lại đến’ thế gian, kiện toàn vương quốc của Người. Anh chị em có thể gọi đây là ngày lễ tốt nghiệp của thế giới chúng ta”.
Cuối cùng, ngài Lm. kết luận: “Chúng ta trông mong và hy vọng vững vàng nơi ngày quang lâm của Đức Ki-tô vì chưng đã chấp nhận sự kiện Người đến lần thứ nhất với một lòng tin mạnh mẽ. Những gì Thiên Chúa hứa trong thời Cựu Ước đã được Đức Ki-tô làm trọn khi Người đến lần thứ nhất, và những gì Thiên Chúa hứa sau đó sẽ thành hiện thực trong ngày Đức Ki-tô lại đến lần thứ hai”.
Vì thế, Mùa Vọng: chúng ta vui mừng kỷ niệm ngày Chúa Giê-su xuống thế làm người. Nhưng đừng quên, còn đó là ngày Đức Giê-su sẽ lại đến trong vinh quang.
****
Xưa, các môn đệ là những nhân chứng chứng kiến Đức Giê-su được rước lên trời. Các ông còn được nghe “hai người đàn ông mặc áo trắng” nói rằng: “Đức Giê-su - Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Ấy thế mà… thế mà hơn hai mươi thế kỷ, chuyện này vẫn chưa xảy ra.
Đúng vậy! Đức Giê-su, cho đến hôm nay, Ngài vẫn chưa “lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Tuy nhiên, chưa lại đến, không có nghĩa là không lại đến.
Do vậy, chúng ta vẫn phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, vì những điềm lạ… những điềm lạ mà Đức Giê-su cảnh báo năm xưa, nay vẫn chưa chấm dứt, nó vẫn đang xảy ra mỗi ngày một nhiều và rất rõ.
Thì đây! Có “lạ” không! khi sự suy đồi đạo đức của con người hôm nay, còn hơn thời No-ê! Có lạ không! khi huấn quyền của Giáo Hội, đang bị một số ít Giám mục địa phương không thực hiện. (Chuyện này có thật, nha!) Như thế, chẳng phải là quyền-lực-trên-trời (quyền của Phê-rô) đang-bị-lay-chuyển, đó sao!
Có lạ không! khi con người “quát” vào mặt Thiên Chúa, rằng thì-là-mà: “Thằng Trời đứng sang một bên. Để cho nông hội đứng lên làm trời.” Có lạ không! khi con người đang thay Chúa quyết định giới tính của mình! Có lạ không! khi có một vài “ông kẹ” dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, để ấn định ngày tận thế, thay cho Thiên Chúa!
Có… “có” không phải là “sẽ”… nhiều điềm lạ đang xảy ra. “Lạ” nhất là đã có người tuyên bố “phá thai” là quyền tự do của con người. Mất quyền tự do phá thai là mất hết các quyền tự do khác. Kỳ lạ hơn nữa, người này đã sử dụng quyền tự do phá thai như là nghị trình cho việc cổ vũ cho mình tranh cử chức vị tổng thống.
Vâng, họ đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết. Một nền văn hóa mà satan và bè lũ chúng đang mời mọc, dụ dỗ, thậm chí dọa nạt khiến không ít người siêu lòng mà nghe theo.
Phải tỉnh thức, bởi có tỉnh thức chúng ta mới có thể nhận thức rằng, những sự kiện “lạ… kỳ lạ” nêu trên, chính là điềm báo Chúa sắp trở lại thế gian này lần thứ hai. Do vậy, chúng ta phải “đề phòng”, như lời Đức Giê-su đã truyền dạy.
Chớ để lòng mình bị ru ngủ bởi những lời cám dỗ có cánh, đại loại như: “Có Thiên Chúa đấy, nhưng còn lâu Người mới trở lại trong vinh quang!”
Đừng! Đừng nghe! Bởi đó chỉ là những lời satan phỉnh gạt, như xưa kia satan đã phỉnh gạt Eva tại vườn E-den, rằng: “Chẳng chết chóc gì đâu!” (Chết hay không, chúng ta biết rồi!).
Thế nên, tốt nhất, chúng ta hãy nghe lời Đức Giê-su đã khuyến cáo năm xưa. Năm xưa, Ngài khuyến cáo rằng: “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.”
Chúa sẽ đến bất thần. Chúng ta luôn phải tỉnh thức.
*****
Vâng, cuộc đời của một người có khác gì một chuyến xe, mà tài xế không ai khác hơn là chính mình. Chính mình là tài xế, do vậy, mình phải lái chiếc xe đó trong tình trạng “tỉnh thức”, phải không, thưa quý vị!
Hãy tưởng tượng, hành trình đến gặp Vua Nước Trời sẽ ra sao nếu chúng ta điều khiển “chiếc xe cuộc đời” của mình trong trạng thái vật vờ… vật vã? Phải chăng, chúng ta sẽ đi trệch khỏi lộ trình mà Đức Giêsu đã vạch ra?
Trệch khỏi lộ trình Đức Giê-su đã vạch ra thì sao? Phải chăng, chúng ta sẽ là “người bị bỏ lại”! (Mt 24, …41).
Vậy nên, sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta đừng để vật vờ vật vã trong thời gian chờ đợi ngày quang lâm của Chúa. Phải tỉnh thức thôi! Và, muốn tỉnh thức, hãy cầu nguyện. Chúa Giê-su chẳng phải đã nói: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”, đó sao! (Lc 22, 40).
Có cầu nguyện, chúng ta sẽ không “bị ru ngủ” trước những thú vui thói đời, trước những đam mê dục vọng. Có cầu nguyện, chúng ta sẽ không để “lòng mình… lo lắng sự đời.”
Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tỉnh thức. Tỉnh thức chúng ta mới có thể cầu nguyện. Thế nên, đừng lãng quên lời Đức Giê-su truyền dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn