Nguồn trợ giúp chúng ta

Thứ sáu - 12/04/2024 20:26 |   204
Trong khi hai môn đệ “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”
Nguồn trợ giúp chúng ta

CN – III – PS – B
Đức Kitô Phục Sinh: nguồn trợ giúp chúng ta

tbd 130424a


“Chúa đã Phục Sinh” Với chúng ta hôm nay, đó là một niềm tin “bất biến”. Trong Thánh Lễ Chúa Nhật mỗi tuần, chúng ta tuyên xưng rằng: Đức Giê-su – “Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Thế nhưng, với các môn đệ xưa, để tin vào lời tuyên xưng này, thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Nếu có gì để nói về niềm tin của các môn đệ, hồi ấy, chúng ta có thể nói rằng: đó là một niềm tin “nửa tin nửa ngờ”.

Làm sao có thể tin được, khi sự kiện Thầy Giê-su trỗi dậy được biết đến hết sức mơ hồ. Đó chỉ là hiện tượng về một ngôi mộ trống. Một ngôi mộ trống, mà chính ông Phê-rô và Gio-an đã đến nơi. Các ông đã chứng kiến trong đó chỉ còn “…Những băng vải và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”. Xác Thầy Giê-su đâu? Không thấy!

Tiếp theo là việc bà Maria Mác-đa-la, bà Gio-an-na và bà Maria, mẹ ông Gia-cô-bê đi ra mộ. Các bà “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, các bà “không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.”

Trong lúc các bà đang phân vân, “thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ”. Chính hai người đàn ông này đã nói với các bà rằng: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết. Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” (Lc 24, 5-7).

Tất cả sự kiện chỉ là “nghe và nói”. Để rồi, những lời được nghe và nói đó lại là những thông tin mà các bà chuyển tiếp tới các Tông Đồ. Cuối cùng là gì? Thưa, thánh sử Luca cho biết “nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.”

Ông Phê-rô, như đã nói ở trên, khi đã nhìn thấy những gì còn lại trong mộ, cũng chỉ “ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra”, mà thôi.

Đức Giêsu Phục Sinh chính là sự toàn vẹn chương trình cứu chuộc hoàn hảo mà Thiên Chúa đã thực hiện. Điều đó không thể là những thách đố đối với các môn đệ, là những người đã tin và đi theo Ngài.

Các ông phải thấy. Để cho các ông tin. Và, Đức Giê-su đã cho các ông thấy. Đồng thời Ngài đã làm cho các ông tin. Vâng, Đức Giê-su đã hiện ra với các ông, và nói với các ông rằng: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!” Đồng thời, Ngài “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”, để các ông tin rằng: “mọi sự đã chép về (Ngài) đều phải được ứng nghiệm.” Tất cả sự việc này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (Lc 24, 35-48).

**
Vâng, khởi đầu cho những sự việc Đức Giê-su Phục Sinh đã thực hiện, đó là câu chuyện về “hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau”.

Hai người rời khỏi Giêrusalem, vì niềm hy vọng của mình tan vỡ sau cái chết của Đức Giê-su. Và rồi, trên đường về quê, họ gặp được Đức Giê-su Phục Sinh.

Gặp Đức Giê-su Phục Sinh, nhưng hai môn đệ này không nhận ra Người. Cho đến khi, Đức Giê-su cùng đồng bàn với họ, và cùng họ bẻ bánh, hai vị môn đệ này mới “nhận ra Người” khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra và trao cho họ.”

Sau khi nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh, chuyện kể rằng: “Họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp ở đó”. Trong khi hai môn đệ “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”, “thì chính Đức Giêsu (hiện ra) đứng giữa các ông và bảo: Bình An cho anh em!”.

Đức Giê-su Phục Sinh chúc “Bình An” cho các ông. Nhưng các ông lại cảm thấy bất an. Một sự bất an tột độ khiến cho các ông “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.”

Chia sẻ về sự bất an này, Lm. Jude Siciliano, OP. có lời rằng: “Giêrusalem là nơi các môn đệ hội họp. Cộng đoàn ở Giêrusalem này có lẽ đang ở cùng nhau, nhưng họ chưa phải là một cộng đoàn thực sự. Họ bị phân tán bởi sợ hãi và thất vọng. Niềm hy vọng tiêu tan khi Đức Kitô bị giết và giờ đây có lẽ họ cũng lâm vào cảnh nguy hiểm – những kẻ tiếp theo trong danh sách bị xử lý.”

Có đúng vậy không? Thưa, rất có thể. Và, Đức Giê-su thấu hiểu nỗi bất an này của các người môn đệ, của mình. Thế nên, thật dễ hiểu khi Đức Giê-su có lời tiếp rằng: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!”

Chính… chính là Đức Giê-su. Hôm ấy, để xua tan đi sự ngờ vực nơi các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, chuyện kể tiếp rằng, Đức Giê-su: “Người đưa tay chân ra cho các ông xem.”

Xem xong, các môn đệ sao nhỉ! Trời ạ! “Các ông còn chưa tin vì mừng quá…” Mà, làm sao các ông tin “ngay” cho được! Lúc đó, có ai trong các ông biết đến “sống lại” nghĩa là gì, ngoài “sự chết”!

Và rồi, trong lúc còn ngỡ ngàng, Đức Giê-su hỏi các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các môn đệ “đưa cho Người một khúc cá nướng.” Vâng, Đức Giê-su, với một cử chỉ rất sát với thực tế đời thường, “Người cấm lấy và ăn trước mặt các ông.”

***
Vậy là đã rõ. Đức Giê-su, qua những hành động của một con người đời thường, Ngài đã cho các môn đệ thấy rõ “Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Hôm ấy, như người mục tử xót xa nhìn đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, Đức Giêsu nói với các môn đệ, rằng: “Tất cả những gì sách luật Môse, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.

Có một việc, không kém phần quan trọng, đó là: Đức Giê-su - “Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Chúng ta thường nghe nói: “Kẻ thù của niềm tin là sự sợ hãi chứ không phải sự nghi ngờ”. Hôm đó, Đức Giêsu quả đúng là một bậc thầy về tâm lý. Ngài đã không trách cứ các môn đệ về sự nghi ngờ của các ông.

Trái lại, Ngài đã gửi đến các môn đệ một lời truyền dạy, một lời truyền dạy như để nhắc các ông xác tín lại niềm tin của mình, lời truyền dạy, rằng: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối, để được ơn tha tội.”

Chưa hết, Đức Giê-su còn có lời chỉ bảo sau hết, rằng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

****
Vâng, Lm. Jude Siciliano, OP - khi suy tư về “những lời chỉ bảo” này - đã có lời chia sẻ, rằng: “Hãy để ý dòng cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, Đức Giêsu nói thêm với họ cũng như với chúng ta một điều nữa là: ‘Chính anh em là chứng nhân về những điều này.’ Việc nghe giải nghĩa Kinh Thánh không phải như trong một lớp học Kinh Thánh, hay là một cái nhìn lại lịch sử. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, các môn đệ và chính chúng ta được nhắc nhở phải là những chứng nhân cho tất cả những gì mà chúng ta đã nghe và đã thấy.”

Chưa hết, ngài Lm. còn tiếp lời rằng: “Trong Tân Ước, ‘chứng nhân’ có nghĩa là ‘tử đạo’. Đó là điều mà Đức Kitô Phục Sinh yêu cầu chúng ta.”
Thật đúng là vậy. Hầu hết tất cả các tông đồ đều đã “tử đạo” để làm chứng cho niềm tin cứu độ, niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh. Máu tử đạo của các tông đồ đã chứng minh rằng, các ông quả thật đã làm trọn lời “chỉ bảo” của Thầy Giê-su.

Ngày nay, đừng nghĩ rằng “tử đạo” có nghĩa là “chết vì đạo”. Nhưng hãy nghĩ rằng “tử đạo chính là sống đạo”. Bởi vì, đó chính là lời chứng sống động nhất.

“Chúng ta phải dùng đời sống của mình mà làm chứng về Người. Mỗi người chúng ta phải thể hiện cách cụ thể niềm tin vào biến cố Phục Sinh.” Lm. Lm. Jude Siciliano, OP, có lời khuyên, như thế.

Vâng, rất cụ thể khi chúng ta biểu lộ niềm tin vào biến cố Đức Giê-su Phục Sinh bằng cách: Đức Giê-su làm gì, chúng ta hãy làm như Ngài. Đức Giê-su nói gì, chúng ta hãy nói như Ngài. Đức Giê-su nghĩ gì, chúng ta hãy nghĩ như Ngài.

Mà, Đức Ki-tô Phục Sinh đã nói gì? Chẳng phải Ngài nói: “Bình an cho anh em”, đó sao! Nếu Ngài nói như thế, cớ gì chúng ta không trở thành “khí cụ bình an của Chúa”!

Đức Ki-tô Phục Sinh còn nói gì? Phải chăng Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau”! Nếu Ngài nói như thế, cớ gì chúng ta không “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!

Cuối cùng, nếu xưa kia, các môn đệ đã cùng nhau quy tụ vào “ngày thứ nhất trong tuần” và đã được gặp Đức Giê-su Phục Sinh.

Thì ngày nay, chúng ta cũng đừng quên cùng nhau quy tụ vào Chúa Nhật mỗi tuần, trong ngôi nhà thờ. Bởi, tại nơi đây, chúng ta sẽ được gặp Đức Giê-su Phục Sinh, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, cũng như qua bàn Tiệc Thánh Thể.

Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, Đức Giê-su Phục Sinh, qua vị Lm chủ tế, sẽ tiếp tục “mở trí cho chúng ta hiểu Kinh Thánh”.

Và, qua bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su sẽ cho “mắt chúng ta mở ra”, mở ra để nhận biết rằng: Mình và Máu Thánh Người chính là “bánh hằng sống từ trời xuống”. Một thứ bánh mà “ai ăn sẽ được sống muôn đời.”

Trong một thế giới tàn bạo như hôm nay, để là “chứng nhân về những điều này”, người chứng nhân rất cần sự trợ giúp. Thánh Kinh và Thánh Thể chính là sự trợ giúp tốt nhất cho người chứng nhân. Bởi vì, Thánh Kinh chính là Lời Chúa. Và, Thánh Thể chính là Mình và Máu của Đức Kitô Phục Sinh.

Nói cách khác, Đức Ki-tô Phục Sinh: nguồn trợ giúp chúng ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây