Xin đừng dứt sữa nhau

Thứ hai - 06/11/2023 05:40 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   306
Khi minh nhiên dạy chúng ta chớ có rủa ai là khùng, là ngốc để khỏi bị án phạt thì Chúa Giêsu muốn dạy ta không được phép loại bỏ bất cứ ai dưới bất cứ hình thức nào (x.Mt 5,21-26; Lc 12,57-59).

XIN ĐỪNG DỨT SỮA NHAU!
(MẠN BÀN VỀ ÁN VẠ TUYỆT THÔNG) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

tbd 061123a


Nhân sự ra đi của cha Phêrô Nguyễn Văn Tường mà những ngày gần đây mạng thông tin tường thuật khá nhiều, xin có một cái nhìn về án vạ tuyệt thông trong Kitô giáo nói chung và cách riêng trong Giáo hội Công giáo.

Hằng năm, chúng ta, các Kitô hữu Công giáo có một tuần đặc biệt cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, tức là giữa những người cùng tin vào Chúa Kitô (từ 18-1-01 đến 25-01). Cùng tuyên xưng Đức Kitô là Cứu Chúa, thế mà có kẻ thì thuộc Công giáo, người lại thuộc về Chính Thống giáo, người thuộc về Anh giáo, kẻ lại thuộc đạo Tin Lành... Chúa Kitô bị phân chia rồi ư? Không, Người vẫn là một như hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Chính những người tự nhận là môn đệ của Người mới chia rẽ, tách lìa nhau.

“Lạy Cha, xin hãy cho chúng nên một…” Lời cầu của Đức Kitô trước giờ khổ nạn đang còn đó tính thời sự. Chúng ta dễ dàng quả quyết rằng Chúa Giêsu vốn đã thấy trước cách nào đó về sự chia rẽ giữa những kẻ tin vào Người. Theo tôi, lời cầu của Đấng Cứu Độ trước hết xuất phát từ tình cảnh các Tông đồ lúc bấy giờ. Không chỉ suốt ba năm từng chứng kiến các môn sinh tranh giành nhau quyền lực mà ngay chính đêm Tiệc ly, Chúa Giêsu cũng thấy các ông tranh cãi nhau sôi nổi xem ai là người đứng đầu trong nhóm mười hai (x.Lc 22,24-27). Có người nói rằng Chúa Kitô đã thấy trước cảnh các Kitô hữu chia rẽ nhau thì chuyện gì đến ắt sẽ đến. Chia rẽ là chuyện tự nhiên, đương nhiên ư? Lập luận kiểu này rất dễ làm nảy sinh thái độ thoái thác trách nhiệm.

Không dám mạn bàn đến các nguyên nhân gây ra sự chia rẽ giữa các Kitô hữu mà hậu quả nặng nề là sự ly giáo. Các sử gia trong và ngoài Hội Thánh đã nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân gây chia rẽ tương đối kỹ lưỡng cho dù vẫn còn đó những dị biệt do cái góc nhìn của người viết sử hay người nghiên cứu lịch sử. Cùng một sự kiện nhưng hai người hai phía đối diện sẽ có cái nhìn khác nhau và một đôi khi là trái ngược nhau.

Chuyện kể như sau: Tuy là vợ chồng nhưng sau bữa cơm tối, hai cụ ông cụ bà lại ngồi trên hai giường cách nhau để tâm tình chuyện xưa. Bỗng một con chuột nhắt chạy vụt qua ở giữa hai cái giường. Tuổi đã cao nhưng mắt hai ông bà chưa đến nỗi quáng. Bà lão la lên:

- Ôi ! ông ơi, con chuột từ bên phải chạy qua kìa”.

- “Ờ, ờ, con chuột. Mà nó chạy từ bên trái sang chứ”. Ông lão khẳng định như muốn nói rằng mắt mình vẫn sáng.

- “Ông đã có tuổi, mắt kém rồi. Con chuột chạy từ bên phải chứ không phải bên trái.

- “Bà đã già thì có” - Ông lão không chịu thua – “Nó từ bên trái sang”. Thế là cả hai không ngừng tranh cãi, cho đến khi đứa cháu nhỏ phân tích rằng bên phải của bà cũng là bên trái của ông vì con chuột chạy dọc ở giữa hai chiếc giường.

Khi có sự bất hòa hay chia rẽ mà với những nỗ lực hòa giải kiểu này có khi mang lại hiệu quả tốt. Phân giải rằng anh đúng nhưng người ta cũng đúng. Anh chỉ sai khi không nhận cái đúng của người ta. Không ai có thể quan sát sự vật, hiện tượng cách toàn diện. Không một ai có thể nắm trọn vẹn chân lý. Ngay ở đời này, chân lý không là sở hữu riêng của một ai, của bất cứ tập thể nào. Nỗ lực hòa giải theo cung cách này cũng đã từng được nhiều người thực hiện, tuy nhiên kết quả chưa mấy khả quan đối với những chia rẽ trầm trọng và lâu dài. Mặt khác, nếu cứ nghiêng chiều theo cung cách này nguời ta dễ đi đến thái độ “ba phải”. Anh đúng, cũng phải. Người kia đúng, cũng phải. Cả hai vừa đúng vừa sai cũng phải. Thái độ, hành vi muốn “huề cả làng” hay muốn “dĩ hòa vi quý” nhiều khi không tiếp cận được chân lý. Và vì thế sự hòa giải sẽ dễ hời hợt và kết quả sẽ nhất thời.

Đọc lại lịch sử, dĩ nhiên qua sách vở, xin mạo muội nêu lên một trong những nguyên nhân có tính quyết định gây chia rẽ trầm trọng, khó vãn hồi đó là sự thiếu khoan dung, sự đoạn tình cách “cạn tào ráo máng”. Có thể nói nôm na là hành vi “dứt sữa” nhau. Khi hỏi các thiếu niên: “dứt sữa là gì?” Các em trả lời cách tượng hình rằng đó là không cho bú. Câu trả lời mộc mạc nhưng lại đúng vào trọng tâm của hạn từ. Dứt sữa có thể hiểu là triệt đường sống của một ai đó.

Chuyện đã từng mang tính thời sự tại Irak là cái chết của ông Saddam Hussein và người em trai của ông. Hình như cả thế giới đều lên án hành động treo cổ ông Saddam Hussein và đặc biệt là chuyện treo cổ người em cách tàn bạo khiến đầu lìa khỏi cổ thì thật khó chấp nhận. Dứt sữa nhau, triệt đường sống của nhau là hành vi chặt đứt mối giây hiệp thông đến độ khó có thể hàn gắn. Hẳn chúng ta cũng đã biết sự chia rẽ giữa hai cộng đồng Hồi giáo Shiai và Xútni trầm trọng như thế nào qua cái chết của anh em Saddam Husein.

Chuyện của thời nay khiến chúng ta nhìn lại quá khứ. Nhìn lại bài học lịch sử về sự phân ly trong hàng ngũ những người cùng tin vào Chúa Kitô, chúng ta có thể nhận ra cái giá phải trả cho sự thiếu khoan dung, đúng hơn là các hành vi “dứt sữa nhau” bằng án vạ tuyệt thông.

Sự ly giáo giữa Chính Thống giáo với Công giáo có nhiều nguyên nhân về địa lý cũng như quyền lợi. Cũng có nguyên nhân liên quan đến tín lý về Chúa Thánh Thần cũng như việc sử dụng bánh có men hay không men trong cử hành Bí tích Thánh Thể hay sự khác nhau về luật độc thân hàng giáo sĩ… Tuy nhiên các nguyên nhân ấy chưa thực sự làm chia rẽ hoàn toàn. Chính cái lưỡi dao “dứt phép thông công” mới thực sự cắt đứt mối hiệp thông giữa hai Hội Thánh. Ngày 16-7-1054, Đức Hồng Y Humbert đã ra vạ tuyệt thông Thượng phụ Giáo chủ Michael Cerularius. Và Thượng Phụ giáo chủ cũng đã dứt phép thông công lại đối phương. Mãi hơn chín thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cùng với Đức Thượng Phụ Athenagoras mới giải hòa với nhau và huỷ bỏ án vạ tuyệt thông cho nhau! Thầm nghĩ rằng không biết hai cái án “vạ tuyệt thông ấy” thì án vạ nào “có hiệu lực xét về khía cạnh “ân sủng”!

Sự ly giáo giữa anh em Tin Lành với Công giáo cũng có nét tương tự. Các nguyên nhân gây ra sự chia rẽ: Đó là sự lạm dụng, lợi dụng ân xá trong Hội Thánh thời bấy giờ mà linh mục Martin Luther thẳng thừng công kích. Đó là các giáo thuyết về sự công chính hóa mà ông giảng dạy bị Hội Thánh kết án là sai lạc. Đó là việc giải thích Thánh Kinh cách “cá nhân” dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà ông chủ trương cũng như việc ông không công nhận một số Bí Tích mà Thánh Kinh không trực tiếp nói đến… Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính cái án vạ tuyệt thông ngày 03-01-1521 mới chính là lưỡi dao làm đoạn tuyệt các mối liên lạc giữa Hội Thánh Công giáo với anh em Tin lành.

Nguyên nhân gây ra sự ly giáo giữa Anh giáo với Hội Thánh Công giáo có vẻ đơn giản hơn. Chuyện bắt nguồn từ việc vua nước Anh, Henry VIII muốn ly dị người vợ chính thức là Catalina để cưới cô Anne. “Ngày 25-01-1533, vua Henry bí mật cưới cô Anne. Ngày 23-5-1533, Cranmer tuyên bố bí tích hôn phối giữa vua Henry và Catalina bất thành, để rồi năm ngày sau ông hợp thức hóa cuộc hôn nhân của Henry với Anne. Ngày 01-6-1533, Anne sinh con gái đặt tên là Elisabeth. Hơn một tháng sau, ngày 11 tháng 7, giáo quyền ở Rôma trả lời thẳng thắn bằng một vạ tuyệt thông gởi Henry. Không muốn quyền thế mình bị sụp đổ, Henry chỉ còn cách là tổ chức một Giáo Hội Quốc Gia.” (Lịch sử Giáo Hội Công giáo – Lm. Bùi Đức Sinh – o.p – Quyển 2- trang 44). Đọc những dòng trên đây, chắc hẳn chúng ta nhận ra sự tác hại của lưỡi dao “dứt phép thông công”.

Án hình “dứt phép thông công” chính là một sự triệt đường sống về tâm linh, về tinh thần. Ngày nay, Hội Thánh Công giáo chúng ta đã mạnh mẽ lên án việc chấm dứt sự sống của kẻ khác bằng án tử hình. Nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình. Quốc Hội nước Việt Nam chúng ta cũng đã từng xem xét việc bãi bỏ án hình này. Thế thì tại sao chúng ta không bỏ hẳn thứ án hình “dứt phép thông công”, một án hình không khác gì tiêu diệt sự sống tâm linh của người bị án. Dù rằng Bộ Giáo Luật 1983 đã hạn chế án hình “tuyệt thông”. Hiện chỉ còn vạ tuyệt thông ở một ít trường hợp như: Bội giáo, lạc giáo hay ly giáo (Điều 1364); Cố tình xúc phạm Bí Tích Thánh Thể (Điều 1367); Hành hung Đức Thánh Cha (Điều 1370); Giải tội cho người tòng phạm về tội phạm điều răn thứ sáu, trừ trường hợp nguy tử (Điều 1378 và 977); Phong chức Giám Mục mà không có ủy nhiệm thư của Đức Thánh Cha (Điều 1382); Vi phạm trực tiếp bí mật Tòa Giải tội (Điều 1388); Phá thai có kết quả (Điều 1398).

Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng cần có luật lệ để gìn giữ trật tự chung và xây dựng thiện ích chung. Bộ Giáo luật 1983 ra đời “qua việc thể hiện trật tự trong Hội Thánh, nhằm dành chỗ ưu tiên cho đức ái, ân sủng và các đoàn sủng, đồng thời giúp phát triển một cách có trật tự đời sống của cộng đồng Hội Thánh và của từng cá nhân làm thành cộng đồng ấy” (Tông Hiến Sarae Disciplinae Leges-Đức Gioan Phaolô II. 25-01-1983). Các án hình, kể cả án hình “tuyệt thông” đều là những phương thế gìn giữ trật tự chung, đồng thời là lời nhắc nhủ, cảnh báo người có tội sớm ăn năn sám hối… Tuy nhiên, xét trên bình diện đức ái và cả trên bình diện nhân bản, chúng ta có nên duy trì án hình “tuyệt thông” chăng khi mà bài học quá khứ đã cho ta thấy cái hậu quả không hay của nó?

Vẫn có đó nhiều người căn cứ vào đoạn Tin Mừng Mt 18,15-17 để cho rằng cần thiết phải có án hình tuyệt thông. Thánh sử ghi: “Nếu người anh em của ngươi trót phạm tội, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó, một mình ngươi với nó thôi. Nếu nó nghe ngươi thì ngươi đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa với Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Chúng ta dễ dàng nhận ra chủ ý của đoạn Lời Chúa. Theo mạch văn thì việc sửa lỗi nhau đặt nền tảng trên đức ái nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Cho dù phải đến mức đưa ra trước những người có trách nhiệm trong Hội Thánh và Hội Thánh vì ích chung, để tránh gương xấu cho cộng đoàn, đã có những phán xử thì những việc xem tội nhân như là “anh em lương dân và như người thu thuế” cũng chưa hẳn là kết án kiểu “tuyệt thông”.

Chúng ta đừng quên đoạn Tin Mừng trên nằm trong toàn văn mạch chương 18 đề cập đến việc sống đức ái trong cộng đoàn là yêu thương, phục vụ, tha thứ. Chúng ta cũng chớ quên thái độ khoan dung và đầy tình nhân hậu của Chúa Giêsu với anh em lương dân cũng như với những người thu thuế lúc bấy giờ. Hơn nữa, thánh sử Matthêu vốn là một người thu thuế, chắc chắn ngài không thể nào quên thái độ nhân từ của Thầy Giêsu trước hết với chính bản thân mình và các anh em đồng nghiệp. Khi sinh thời, Chúa Giêsu đã nhiều lần đề cao lòng tin và đức ái của anh em lương dân, khác đạo như viên bách quản hay như người Samaritanô nhân hậu. Người cũng đã từng cảnh báo rằng thiên hạ sẽ từ khắp nơi vào nước Thiên Chúa còn con cái lại bị loại ra ngoài, những người gái điếm và những người thu thuế sẽ vào nước Thiên Chúa trước nhiều người (x.Mt 21,31).

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Cây lau bị dập, Người không nỡ bẻ gẫy. Ngọn đèn leo lét, Người không nỡ thổi tắt (x.Mt 12,15-21). Khi minh nhiên dạy chúng ta chớ có rủa ai là khùng, là ngốc để khỏi bị án phạt thì Chúa Giêsu muốn dạy ta không được phép loại bỏ bất cứ ai dưới bất cứ hình thức nào (x.Mt 5,21-26; Lc 12,57-59).

Nói chuyện án hình tuyệt thông có vẻ là hơi bạo phổi vì đây là lãnh vực của các đấng bậc có trách nhiệm lớn trong Hội Thánh. Các ngài vốn đủ khôn ngoan và có ơn hiện sủng, ơn đấng bậc (grâce d’état). Tuy nhiên ân sủng không loại bỏ tự nhiên mà rất cần đến các yếu tố tự nhiên như là nền tảng để ân sủng hoạt động. Người chủ chăn không thể bất cần tập thể đoàn chiên mà trái lại chính tập thể đoàn chiên còn có bổn phận góp phần cho người mục tử xác định sứ vụ của mình trong tư cách vừa là một phần tử của đoàn chiên vừa là một phần tử cho đoàn chiên theo cách nói của thánh Augustinô.

Để kết thúc những dòng suy tư này, xin được nói lên ước nguyện rằng chớ gì sẽ không còn các hình thức “dứt sữa nhau” ngoài xã hội cũng như trong Hội Thánh Chúa. Đang có đó nhiều đấng bậc lạm dụng vạ tuyệt thông vượt quá quy định của giáo luật. Một vài nơi vẫn còn có linh mục vung tay ban án tuyệt thông dù bản thân không có năng cách, và dĩ nhiên không có hiệu lực. Các hình thức triệt sự sống thể lý hay tâm linh của nhau đâu phải vỏn vẹn ở án tử hình hay ở án hình tuyệt thông. Người ta có thể triệt đường sống của nhau khi cách chức người này, truất quyền người nọ trong hội đồng giáo xứ, trong các trách vụ tông đồ chỉ vì không thích, hay vì họ không làm theo ý riêng mình hoặc họ có ý kiến bất đồng với mình trong công việc… Người ta lại có thể loại bỏ nhau cách tinh vi bằng việc xem nhau như không có hoặc có cũng như không khi để nhau “ngồi chơi xơi nước” hết năm này qua năm nọ. Việc loại bỏ nhau cũng có thể diễn ra theo hình thức xem ra là hợp luật qua việc thuyên chuyển nhân sự, thay đổi nhiệm sở mà nhiều khi không thực sự thấu lý và đạt tình và thậm chí thiếu công minh cách nào đó. Thần dữ luôn sẵn sàng chờ đợi chúng ta vung con dao “thiếu khoan dung” để gây ra sự chia rẽ lớn nhỏ và có khi đến cả mức trầm trọng khó vãn hồi.

Sự chia rẽ nào cũng đều là điều chẳng may. Sự chia rẽ nào cũng để lại hậu quả xấu. Sự chia rẽ nào cũng là một cớ vấp phạm. Lời cầu của Chúa Giêsu đêm Tiệc Ly mãi vang vọng: Lạy Cha xin hãy cho chúng nên một. Không phải tích cực góp tiền xây dựng Nhà thờ, không phải siêng năng đi tham dự Thánh Lễ hay lãnh nhận các bí tích hay rước xách linh đình…, nhưng chính khi ta yêu thương, hiệp nhất với nhau thì thiên hạ mới nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô (x.Ga 13,35).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây