Lời Chúa CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – C

Thứ năm - 12/12/2024 18:45 |   34
“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”… (Lc 3,10-18)

15/12/2024
chúa nhật tuần 3 Mùa Vọng – c

cn3 MVc

Lc 3,10-18


đáp ứng đòi hỏi của lời chúa
Bấy giờ dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”… Ông còn khuyên dân chúng nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ. (Lc 3,10-18)

Suy niệm: Lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả tái hiện lời ngôn sứ chuẩn bị cho thời đại Đấng Cứu Thế: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3,5). Tin tưởng vào lời Gio-an Tẩy Giả loan báo Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện, nhiều người tìm đến với Gio-an để hỏi xem, họ nên làm gì để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ Đấng Thiên Sai. Gio-an không đưa ra những nguyên tắc xa vời, cũng chẳng đòi hỏi những gì được cho là quá sức; nhưng trái lại, những gì ‘đang quá’ thì cần phải quân bình trở lại: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy; đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định cho các anh; và hãy bằng lòng với đồng lương của mình”.

Mời Bạn: Thích ứng với thời kỳ mới luôn là cần thiết, vì ai không thích ứng, sẽ bị tụt hậu hoặc bị loại ra ngoài. Chẳng hạn, thời ông Nô-ê, lụt Hồng Thủy bất thần ập tới làm cho người ta trở tay không kịp. Ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy, đó là Ngày Chúa đến. Bạn biết phải làm gì chưa?

Sống Lời Chúa: Quyết hoán cải để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa chứ không chỉ dọn mình để mừng Lễ Giáng Sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đọc ra dấu chỉ của thời đại và sẵn sàng đáp lại khi đến “giờ của Chúa”, để con khỏi bất ngờ trong ngày Chúa đến viếng thăm. Amen.

CN MV III: Lạy Chúa! Mọi người tuôn đến với Gioan Tẩy Giả, và ông khuyên họ phải chu toàn bổn phận của mình theo lẽ công bình. Cả cuộc đời của Gioan là một cuộc đời làm chứng cho ánh sáng. Xin cho chúng con luôn biết làm sáng tỏ tôn nhan rạng ngời của Chúa qua những tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con. Xin cho chúng con đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày Chúa đến. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả, để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

Ca nhập lễ

Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng. Chúng ta đã đi được nửa đường của Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh sắp đến. Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật mầu hồng hay Chúa Nhật của niềm vui. Theo lời giáo huấn của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê: “anh em hãy vui luôn trong Chúa …đức ôn hòa của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến, anh em đừng lo lắng gì hết”.

Người Ki-tô hữu sống niềm vui của những người được Chúa yêu thương cứu chuộc. Chúng ta sống vui tươi nhưng không quên bổn phận phải yêu thương chia sẻ cơm áo cho tha nhân, sống công bằng và chính trực. Đó là nhưng việc cụ thể mà Tin Mừng hôm nay đề nghị với chúng ta. Vì cuộc đời Kitô hữu cũng là một Mùa Vọng kéo dài trong đợi chờ Chúa đến lần thứ hai vào ngày cánh chung.

Sự bình an và tươi vui đó chỉ có được nơi những người có niềm tin, có lòng khiêm tốn cậy dựa vào Chúa như Gio-an Tiền Hô. Nếu chúng ta muôn được niềm vui, được lớn lên trước mặt Chúa thì giờ đây chúng ta hãy hạ mình xuống nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Ðấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a

“Chúa sẽ hân hoan vì người”.

Trích sách Tiên tri Xô-phô-ni-a.

Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy cất tiếng ca! Hỡi Ít-ra-en, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.

Trong ngày đó, ở Giê-ru-sa-lem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Si-on, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Ðấng Thánh của Ít-ra-en thật cao cả (c. 6).

Xướng: Ðây Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Ðấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi. 

Xướng: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng. 

Xướng: Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Si-on, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Ðấng Thánh của Ít-ra-en thật cao cả. 

Bài Ðọc II: Pl 4, 4-7

“Chúa gần đến”.

Trích thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Phi-líp-phê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 1, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 3, 10-18

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gio-an rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gio-an đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gio-an rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gio-an trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa, và giãi bày trước mặt Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”. Trong niềm hân hoan mong chờ Ngôi Hai Thiên Chúa ngự đến, chúng ta cùng dâng những lời nguyện xin:

1. “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các tín hữu, luôn cảm nghiệm được niềm vui có Chúa trong cuộc đời, và thể hiện niềm vui ấy trong đời sống thường ngày.

2. “Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, biết nhìn nhận Chúa là Vua Vũ Trụ, để biết can đảm thực thi giáo huấn của Chúa.

3. “Bình an của Thiên Chúa sẽ giữ lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đang gặp khủng hoảng về đức tin biết chạy đến với Chúa là nguồn bình an đích thực.

4. “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết quảng đại chia sẻ của cải vật chất lẫn tinh thần với những người kém may mắn trong cuộc đời này.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con đang hết lòng trông đợi Con Một Chúa giáng trần để cứu độ chúng con. Xin Cha ban ơn thanh tẩy tâm hồn chúng con sạch mọi vết nhơ tội lỗi, để xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Hãy nói vói những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Này Thiên Chúa chúng ta sẽ ngự đến cứu độ chúng ta.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Chuẩn bị

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau tìm hiểu về sứ điệp của Gioan bên bờ sông Giođan để rồi từ đó áp dụng vào Mùa Vọng, mùa chuẩn bị đón mừng Chúa đến.

Gioan xuất hiện rất khác biệt, không những khác biệt trong cách sống mà cả trong tư tưởng nữa. Đang khi tất cả những phe nhóm tôn giáo ở thời đại ông như nhóm Pharisêu, nhóm Saducêo, nhóm Etxenien, tất cả đều trông chờ một sự chiến thắng của Do Thái giáo trên mọi kẻ thù của họ thì Gioan đến như một dấu chứng đối kháng, một sự kết án và huỷ diệt cả Israel.

Gioan là một tiên tri loan báo sự đau khổ và tàn phá. Sứ điệp của Gioan rất đơn sơ: Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với dân Ngài, Ngài đã hoạch định chương trình để phạt họ. Ngài sắp can thiệp vào lịch sử để lên án và thiêu huỷ họ. Gioan diễn tả cuộc tàn phá đó như một cuộc cháy rừng, đốt tất cả rơm rạ và cây cối, tiêu huỷ mọi dân tộc trong biển lửa. Gioan tiên tri rằng cuộc xử phạt nghiêm khắc của Thiên Chúa đối với Israel sẽ được một con người đến thực hiện.

Gioan nói về con người đó như Đấng phải đến. Ngài đã sẵn sàng, đang đứng, tay cầm rìu cầm sàng. Để có thể tránh cái án phạt mà Thiên Chúa sắp đổ xuống, Gioan kêu gọi sự sám hối. Nghi thức thanh tẩy là một dấu chỉ về sự sám hối ấy: họ đã xưng các tội của họ ra và nhận lấy nghi thức thanh tẩy của Gioan. Nếu tất cả cộng đoàn Do Thái hay có thể nói một số đông con cái Abraham thành tâm hối cải, có thể Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và bỏ qua cuộc sử phạt này. Còn nếu Israel không hối cải, Thiên Chúa sẽ huỷ diệt và thiết lập một dân tộc mới. Chính vì thế mà Gioan đã kêu gọi hết mọi người, nào tội lỗi đĩ điếm, nào thu thuế lính tráng, nào luật sĩ và Pharisêu. Ở đây tất cả đều được mời gọi hãy hoán cải, hãy biến đổi cả cuộc đời.

Điều Gioan nhấn mạnh là một nếp sống luân lý mới đầy tính chất xã hội, lấy anh em làm gốc chứ không phải là lề luật, để sống vì con người: Kẻ nào có hai áo hãy chia cho người không có và kẻ có ăn cũng hãy làm như thế. Với người thu thuế ông nói: Chớ đòi điều gì quá mực đã định cho các ông. Với lính tráng, ông bảo: Đừng sách nhiễu, đừng vu khống, hãy bằng lòng với lương bổng của mình.

Từ xưa đến nay, khi nói đến việc chuẩn bị đón mừng Chúa, chúng ta nghĩ ngay tới việc đi xưng tội, lo dọn mình sạch mọi tội lỗi, trong khi đó Thánh Kinh lại nhắm vào việc cải đổi đời sống, một cuộc sống đầy tình người. Chỉ có cuộc sống chân chính không gian dối, không bóc lột, không lừa đảo, không gian tham; chỉ có cuộc sống liêm chính, công bình, yêu thương, chia sẻ và phục vụ mới dần dần tạo cho tâm hồn mình tinh sạch, mới giúp chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến một cách đầy đủ và có ý nghĩa nhất.

Kẻ tội lỗi

Vào một ngày Chúa nhật tháng chín năm 1972, tại góc phố đông người qua lại, người ta thấy xuất hiện một nhà giảng thuyết. Ông đưa cánh tay phải lên và chỉ vào một người nào đó và nói: Anh là kẻ có tội. Hành động này đã gây nên một hậu quả kỳ lạ. Mọi người lấm lét nhìn ông rồi cúi mặt xuống trong thinh lặng.

Từ mẩu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Chắc hẳn lời giảng của Gioan Tiền hô bên bờ sông Giócđan cũng đã tạo ra một hậu quả như thế. Trong đám đông, có những người đã cười nhạo ông. Có những người đã tức giận ông, nhưng cũng có những người đã nhận biết sự sai trái của mình.

Chẳng hạn những người thu thuế nhận ra có lúc mình đã đòi hỏi quá mức ấn định. Những người lính có lúc đã đối xử tàn bạo với dân chúng. Còn tất cả thì có lúc đã khước từ sự giúp đỡ cần thiết cho những người chung quanh. Ông đã đụng vào vùng thâm sâu và dễ thương tổn nhất của họ, ông đòi buộc họ phải nhìn lại tâm hồn mình, khám phá ra những khuyết điểm, để rồi dứt khoát từ bỏ tội lỗi mà quay trở về cùng Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã ý thức được những hậu quả mà tội lỗi gây ra cho bản thân, cho gia đình cũng như cho xã hội, thế nhưng chúng ta lại không có đủ can đảm dứt bỏ tội lỗi, trái lại nhiều lúc chúng ta còn chạy theo những mời mọc, những quyến dũ, những lôi kéo của tội lỗi, để rồi như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm.

Chúng ta giống như một người muốn nhảy xuống sông để tắm cho được sạch, nhưng lại ngại trời rét. Vì thế, cứ ngồi trên cầu ao, thò một chân xuống rồi lại co lên. Cứ thế, cứ thế, nửa muốn tắm nửa lại sợ rét.

Hay như một con bò, nửa muốn uống nước, nửa muốn ăn cỏ, thành thử hết nhìn qua bên này lại nhìn qua bên kia, mà bụng thì vẫn đói và khát.

Vậy cho đến lúc này, chúng ta đã có thái độ dứt khoát hay chưa? Chúng ta hãy nhớ lại lời thánh Gioan Tông đồ: Nếu chúng ta nói rằng mình vô tội, thì chúng ta chỉ là kẻ nói dối.

Mặc dù tâm hồn chúng ta rất xinh đẹp vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó lại rất yếu đuối và có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Chúng ta giống như một chiếc bình sành dễ vỡ. Có nhiều khía cạnh trong cuộc sống chúng ta cần được Chúa tha thứ và chữa lành qua Bí tích Giải tội.

Mùa vọng chính là thời gian giúp chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, rồi sám hối ăn năn để được ơn tha thứ, cũng như được hưởng sự bình an mà Chúa sẽ đem đến trong đêm Giáng sinh.

Chúng tôi phải làm gì?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mắc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Giả thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?

2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?

3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?

NGUỒN HOAN LẠC LÀ CHÍNH CHÚA
(CHÚA NHẬT TUẦN 3 MÙA VỌNG NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Vọng, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa từ bi nhân hậu, đoái xem nhìn đến đoàn dân Chúa: đang đem tất cả niềm tin mà đợi chờ ngày Lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế, xin Chúa hướng niềm vui của chúng ta về chính nguồn hoan lạc của Mầu Nhiệm Giáng Sinh cao cả, để tâm hồn chúng ta hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề.

Tâm hồn đổi mới, họp mừng ngày cứu độ đã gần kề, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Thiên Chúa kết án con người khi họ nghĩ mình có quyền quyết định về cuộc đời của mình, như thể, không có Thiên Chúa. Thiên Chúa xét xử con người ngay trong cách sống, trong các hành vi tôn giáo, và cả trong các toan tính có tính cách chính trị nữa, nhưng, ngày cứu độ sẽ là ngày: kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm, và sẽ được nhìn thấy. Vì Đức Thánh của Ítraen, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng… Cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người điếc được nghe, kẻ nghèo túng được nghe Tin Mừng.

Tâm hồn đổi mới, họp mừng ngày cứu độ đã gần kề, nếu ta biết khiêm tốn nhìn nhận Chúa là Đấng Cứu Độ của ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Hãy dọn đường là gì nếu không phải là hãy suy nghĩ cách khiêm tốn. Chúng ta hãy học gương khiêm nhường của ông Gioan. Được coi là Đấng Kitô, ông quả quyết mình không phải như người ta nghĩ. Ông không lợi dụng sự lầm lẫn của người khác để tự đề cao mình… Người phải nổi bật, còn tôi phải lu mờ. Người đến sau tôi, nhưng lại có trước tôi. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người… Người sẽ làm phép rửa cho anh em nhờ Thánh Thần.

Tâm hồn đổi mới, họp mừng ngày cứu độ đã gần kề, với niềm vui mừng hoan hỷ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Xôphônia cho thấy: Vì Xion, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Trong bài Đáp Ca, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: Dân Xion, hãy mừng rỡ reo hò, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ítraen quả thật là vĩ đại! Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô kêu gọi: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Trong bài Tin Mừng, dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: Chúng tôi phải làm gì? Đây cũng chính là câu hỏi của chúng ta: chúng ta phải làm gì để đón chào Chúa? Câu trả lời mà các ngôn sứ và thánh Phaolô đã mời gọi: Hãy vui mừng hoan hỷ! Hãy vui lên! Để có thể vui lên, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận: mình nhỏ bé thấp hèn, nhưng, được Chúa thương nhìn đến: Biết mình bệnh, mới vui khi nhìn thấy Thầy Thuốc; biết mình tội, mới vui khi Đấng Cứu Độ đến giải thoát ta. Ông Gioan đã tự nhận biết mình, biết vị trí của mình, và đã hạ mình xuống. Ông đã nhận ra Đấng Cứu Độ, Đấng là Ánh Sáng, và hiểu rằng mình chỉ là ngọn đèn và ông sợ ngọn đèn phụt tắt vì luồng gió kiêu căng, cho nên, ông đã nhận mình là phụ rể, và ông đã vui mừng khi đứng cạnh chàng rể, đã hoan hỷ khi hướng về niềm vui của chàng rể. Ước gì chúng ta biết hướng về chính nguồn hoan lạc của Mầu Nhiệm Giáng Sinh cao cả, để tâm hồn ta hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

CN 3 MVc 2

Lc 3, 10-18
“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
          
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
          
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 


NIỀM VUI ĐÍCH THẬT
(Chúa Nhật III Mùa Vọng C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng chúng ta phần nào hiểu ý của Giáo Hội khi cho phép mặc phẩm phục mầu hồng trong Thánh Lễ. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hãi thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà canh tân cuộc đời thì sẽ thiết thực và bền lâu.
          
Sau khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng, dân chúng tuôn đến tham vấn: “chúng tôi phải làm gì đây?” Không ẩn mình trong đám đông, nhóm thu thuế, anh em binh lính cũng đến để xin hướng dẫn cách cụ thể đối với trường hợp của mình (x.Lc 3,11-14). Dân Israel thời bấy giờ đang khát khao sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Họ vốn nằm lòng lời tiên báo của ngôn sứ Isaia năm nào về thời của Người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,4-5). Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:
          
- “Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, chính là niềm hạnh phúc bất tận. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.
          
Nếu chúng ta chưa thực sự mừng vui thì đó là một trong những dấu chỉ cho biết chúng ta chưa nhận ra Đấng Thánh, Đấng cao cả đang ở giữa chúng ta. Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Pharisiêu đã mời Người dùng bữa rằng không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta (x.Lc 11,37-41).
          
- Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Xôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Xp 3,14).
          
- Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x.Pl 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x.Ep 1,3-14).
          
Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn đó không phải là tiếng cười rôm rả của những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị và rượu bia, và cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao… Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái cách không tính toán, không chỉ với người dễ mến mà còn với người khó thương, với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta. Có thể nói rằng các thánh tử đạo là những người đã thể hiện niềm vui đích thực này cách rõ nét.
          
Nước Trời là vương quốc của tình yêu và của niềm vui đích thật. Chúng ta có thể luận suy chân lý này qua các hình ảnh tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã dùng để minh họa về thực tại Nước Trời và các hình ảnh mà Người nói về tình trạng trầm luân đời đời, đó là nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Mt 22,2; Mt 8,12). Mùa Vọng lại về, một trong những ý nghĩa của Mùa Vọng là chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể - nhập thế. Thiên Chúa đã làm người, đã vào trần gian và Người mãi ở với chúng ta cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x.Lc 17,21). Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta, một niềm vui được thể hiện qua sự an bình và tình yêu liên đới trong những chia sẻ cách vô vị lợi. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo Tin Mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.

HỌC CÁCH VUI MỪNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng tôi phải làm gì?”.

Một cụ ông rất hạnh phúc được hỏi, điều gì có thể cướp đi niềm vui trong cuộc sống của cụ? Cụ đáp, “Những điều chưa bao giờ xảy ra! Bởi tôi luôn luôn học cách vui mừng!”. 

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật Hồng mời gọi chúng ta ‘học cách vui mừng!’. Những người Do Thái đủ mọi hạng đến với Gioan để ‘học cách vui mừng’; họ hỏi, “Chúng tôi phải làm gì?”. Và chính bản thân Gioan cũng ‘học cách vui mừng’, “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến!”.

Trong số những người đến hỏi Gioan câu hỏi này có những người thu thuế, lính tráng và dân thường. Gioan trả lời cho tất cả họ, trước tiên bảo họ tránh xa những tội lỗi mà họ phải đấu tranh nhiều nhất. Tội lỗi có nhiều hình thức và thường gắn chặt với bổn phận hằng ngày trong cuộc sống. Một số tội lỗi là do hành động, nghĩa là những tội do hành động cố ý; số khác là tội do thiếu sót, nghĩa là đã không làm những gì chúng ta phải làm.

Sau khi đề cập đến những tội lỗi cụ thể mà những người trong đám đông đang đấu tranh, Gioan hướng sự chú ý của họ đến Chúa Kitô. Ông tuyên bố, “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến”, và rằng, “Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa”. Nói cách khác, Gioan đưa ra cho mọi người một mệnh lệnh hai mặt. Đầu tiên, hãy hành động để chiến thắng tội lỗi; tiếp đến, hãy hướng mắt về Đấng đang đến. Ăn năn tội là không đủ. Một khi chúng ta tự hối, chúng ta phải lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mình bằng sự hiện diện của Chúa Kitô.

Với bản thân, Gioan cũng ‘học cách vui mừng’ khi tuyên bố, “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến!”. Lời này cho thấy sự khiêm hạ của Gioan. Được một vài môn đệ, Gioan đùn đẩy họ đi theo Chúa Giêsu. Gioan không giữ lại cho mình - dù chỉ một người! “Tôi có khả năng tạo không gian cho người khác không? Lắng nghe họ, để họ tự do, không ràng buộc họ, không đòi hỏi sự công nhận? Tôi thu hút người khác đến với Chúa hay đến với mình? Noi gương Gioan, tôi có biết ‘học cách vui mừng’ khi mọi người đi theo con đường riêng và tiếng gọi của họ, cả khi điều này đòi hỏi họ xa rời tôi? Tôi có chân thành vui mừng và không ghen tị về thành tựu của họ? Nghĩa là để người khác lớn lên!” - Phanxicô.

Cũng như mùa Chay, mùa Vọng là thời điểm quan trọng trong năm phụng vụ để lắng nghe những thông điệp này. Có lẽ chúng ta cần sử dụng danh sách chi tiết về Mười Điều Răn hoặc Bảy Mối Tội Đầu để rà soát lương tâm mình. Sau khi làm điều đó, hãy tìm cơ hội đến với Bí tích Hoà Giải. Làm như vậy là điều cần thiết cho một mùa Vọng hiệu quả.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng tôi phải làm gì?”. Một khi bạn và tôi đã ăn năn về những tội lỗi mà chúng ta đang phải đấu tranh nhiều nhất ngay lúc này, hãy hướng về Chúa Cứu Thế với sự chú ý đặc biệt đến phép lạ Nhập Thể trong mùa Vọng này! Hãy dành thời gian để tôn thờ Thiên Chúa đã đến với chúng ta dưới hình hài một đứa trẻ. Hãy suy ngẫm về món quà này! Hãy cầu nguyện và ngắm nhìn hang đá Chúa Giáng Sinh! Đọc những đoạn Thánh Kinh về sự ra đời của Chúa Hài Nhi. Nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang ở đó khi Ngài ra đời. Và đó là phương thức ‘học cách vui mừng’ tốt nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ rửa con “bằng Thánh Thần và lửa” để con có lại niềm vui và bình an đích thực. Giúp con can đảm cộng tác với Chúa để có nó!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây