14/12/2024
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 17,10-13
KHIÊM TỐN LẮNG NGHE
“Ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,10-13)
Suy niệm: Khi các môn đệ thắc mắc về lời ngôn sứ: “Ê-li-a phải đến trước” để dọn đường , Chúa Giê-su xác nhận Gio-an Tẩy giả chính là người đảm nhận vai trò “chỉnh đốn mọi sự” của Ê-li-a (x. Mt 11,14). Quả thực, Gio-an nhận thức mình là vị ‘tiền hô’ đó: ông tuyên bố mình không phải là Đức Ki-tô mà chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa” (Ga 1,20-23). Dân chúng nhìn nhận Gio-an là ngôn sứ và tuôn đến với ông xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Có người nghe lời ông đi theo làm môn đệ Đức Giê-su. Giới kinh sư cũng biết như thế nhưng họ không đón nhận (x. Mt 21,25-27). Và “họ đã xử với ông theo ý họ muốn”. Họ đã ‘đóng cửa’ tâm hồn, nên ơn thánh Chúa không thể thấm nhập tới họ được.
Mời Bạn: Vẫn luôn có những những vị tiền hô dẫn đường cho ta đến với Chúa. Nhưng nhiều khi vì kiêu căng tự mãn, định kiến hẹp hòi,... ta xử với những vị này theo ý riêng. Thành thử bao nhiêu lời chỉ dạy và kinh nghiệm khôn ngoan, bị bỏ quên, coi thường. Tinh thần Hiệp hành mời gọi chúng ta khiêm tốn lắng nghe, sẵn sàng mở ra những con đuờng để Chúa đến với ta và ta đến với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn người chỉ cho tôi biết lầm lỗi thiếu sót nơi tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con phải hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. Cuối cùng, xin cho con biết tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con đuợc tự do.” (Rabbouni)
Thứ Bảy MV II: Lạy Chúa! Người Do-thái trông chờ Êlia đến để chỉnh đốn mọi sự trước khi Đấng Mêsia xuất hiện. Họ trông mong Êlia đến làm những chuyện hoành tráng như xưa: đánh bại các phù thủy của thần Baal, nhưng, Gioan Tẩy Giả và Chúa đã không đáp ứng được sự chờ đợi của họ. Xin cho chúng con đừng bao giờ bắt Chúa phải theo những gì chúng con dự tính. Ước chi Vầng Hồng chiếu tỏa vinh quang Chúa, rực sáng trong tâm hồn chúng con, để khi Chúa xuất hiện và đánh tan mọi bóng tối mịt mù, mọi người sẽ thấy rõ: chúng con là con cái ánh sáng. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG
Ca nhập lễ
Lạy Chúa là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin đến và tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước chi Vầng Hồng chiếu tỏa vinh quang Chúa, là Thánh Tử Giê-su Ki-tô, rực sáng trong tâm hồn chúng con, để khi Người xuất hiện và đánh tan mọi bóng tối mịt mù, thiên hạ sẽ thấy rõ: chúng con là con cái ánh sáng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Hc 48, 1-4. 9-11
“Elia sẽ đến lần thứ hai”.
Trích sách Huấn Ca.
Bấy giờ Ê-li-a như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Ê-li-a, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Gia-cóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.
Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Ít-ra-en, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.
Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.
Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Ngày của Thiên Chúa gần đến; này đây, Người sẽ đến cứu chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 17, 10-13
“Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giê-su rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Ê-li-a phải đến trước đã?”
Chúa Giê-su trả lời: “Thật Ê-li-a phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Ê-li-a đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giê-su nói với họ về Gio-an Tẩy Giả.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng mùa vọng I
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Này Ta đến ngay và đem theo lương bổng để trả cho ai nấy tùy theo việc họ làm.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Ê-LI-A PHẢI ĐẾN TRƯỚC (Mt 17,10-13)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Theo tiên tri Ma-la-ki-a loan báo: ông Ê-li-a sẽ đến dọn đường cho Đấng Cứu thế đến, người Do-thái tin như thế và cứ mong chờ Đấng Cứu thế, mặc dầu ông Ê-li-a đã đến rồi. Nhưng khi ông Gio-an rao giảng về Ngài, họ lại không chấp nhận. Điều làm họ không nhận ra vì họ nghĩ Đấng Cứu Thế đến theo nghĩa chính trị, sẽ giải thoát họ khỏi cái khổ trần gian. Cái nhìn hẹp hòi và lối nghĩ thiển cận khiến con người khó chấp nhận sức điệp của Đức Giê-su.
2. Các nhà thông luật dựa vào lời tiên tri Ma-la-ki-a loan báo thắc mắc: “Ê-li-a phải đến trước để dọn đường cho Chúa để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3,1.24).
Đức Giê-su trả lời họ khi khi nhấn mạnh: “Ê-li-a đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,12). Ê-li-a mà Chúa nói chính là Gio-an Tẩy Giả vậy. Đức Giê-su có ý ngầm nói với họ là phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền hô cho Đấng Mê-si-a. Đấng Mê-si-a ấy là Đức Giê-su, còn người tiền hô chính là Gio-an Tẩy Giả. Vì người Do-thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gio-an đến thì họ bách hại, và khi Đức Giê-su đến, họ cũng bách hại.
3. Vì thế, Gio-an trong vai trò Ê-li-a mà tiên tri Ma-la-ki-a loan báo, ông đến để chỉnh đốn mọi sự: kêu gọi lòng sám hối ăn năn, sửa chữa tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế. Dân chúng đã đổ xô đến với ông như đến với một tiên tri, để thú tội và nhận phép rửa của ông ở sông Gio-đan. Nhưng các luật sĩ và biệt phái không chấp nhận và còn chống đối. Sau này ông bị cầm tù và chết thảm thương trong ngục. Gio-an đã chu toàn nhiệm vụ tiên tri Ê-li-a.
4. Thánh Gio-an Tẩy giả làm gương cho chúng ta trong việc dọn đường, chúng ta hãy theo gương Ngài mà dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối trong mọi người. Chúng ta, người tông đồ của Chúa, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương cho các Ki-tô hữu biết ăn năn sám hối trong tinh thần Mùa Vọng để chuẩn bị cho Chúa đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.
5. Đức Giê-su nói với các môn đệ ràng: “Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ bị đau khổ vì họ như thế” (Mt 17,12).
Trong tác phẩm “Đường Hy vọng”, Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn văn Thuận nói: “Thông thường người ta rất quí trọng những người mang dấu thánh của Chúa, nhưng lại sợ chính mình phải mang những dấu thánh ấy”. Đức Giê-su, dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng đã phải trải qua đau khổ và cái chết mới được đến với vinh quang phục sinh.
Người Ki-tô hữu không bao giờ tôn sùng đau khổ, nhưng sẵn sàng đón nhận đau khổ vì tình yêu. Nếu Đức Giê-su đã được phục sinh cùng với những dấu thánh của mình, thì cũng vậy, chúng ta sẽ chỉ được phục sinh, một khi chúng ta được giương lên cao cùng với thánh giá đời mình. Điều này nhắc nhở mọi người hãy vác thánh giá cuộc đời trong tâm tình vui vẻ, đồng thời kết hợp với đau khổ của Đức Giê-su trên Thánh giá năm xưa, hầu đền tội cho mình và cầu nguyện cho mọi người (Học viện Đa-minh).
6. Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều trong Mùa Vọng này, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta để xứng đáng chờ Chúa đến. Xin Mẹ Ma-ri-a cũng hãy giúp chúng ta là con cái Mẹ để có tâm tình như Mẹ khi chờ đợi Chúa giáng trần. Chúng ta hãy nóng lòng chờ đợi Chúa đến hằng ngày, nhất là trong dịp lễ Giáng Sinh. Maranatha: Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến.
7. Truyện: Muốn gặp Chúa.
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có một câu truyện sau đây:
Một đệ tử đến thưa vị linh sư của mình:
– Thưa thầy, con muốn gặp Chúa.
Vị linh sư chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau người môn sinh trở lại và bày tỏ cùng một ước muốn. Vị linh sư cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng.
Rồi một ngày đẹp trời, ông dẫn người đệ tử đến một dòng sông. Thầy trò cùng dìm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát. Bất thần vị linh sư mới túm lấy cổ anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để ngóc đầu lên khỏi mặt nước.
Bấy giờ vị linh sư mới hỏi anh:
– Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?
Không chút suy nghĩ, người đệ tử đáp ngay:
– Thưa, con cần không khí để thở.
Lúc bấy giờ vị linh sư mới giải thích:
– Con có cảm thấy ước ao được gặp Chúa như vậy không? Nếu con khao khát Chúa như vậy con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không có ước muốn ấy, thì cho dù có vận dụng hết cả tài năng và sức lực con sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Ca nhập lễ
Phần tôi, ước gì tôi được khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ đó mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gio-an linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin ban cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận của lễ chúng con dâng trong ngày kính thánh Gio-an linh mục và ban cho chúng con biết lấy cả cuộc đời diễn tả mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô mà chúng con đang cử hành. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho mầu nhiện thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời thánh Gio-an linh mục. Xin ban cho chúng con vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó với Chúa Kitô, và không ngừng hoạt động trong Hội Thánh cho anh em được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin..
Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Gioan Thánh Giá qua đời ngày 14 tháng 12 năm 1591, được phong chân phước năm 1675 và phong thánh năm 1726. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên phong tiến sĩ Hội Thánh năm 1926.
Thánh Gioan Thánh Giá tên thật là Juan de Yepes, sinh năm 1542 tại Fontiveros, miền Cổ-Castille (Tây Ban Nha), là con thứ ba của một gia đình quí tộc nghèo. Mẹ ngài là bà Catalina, người Do Thái, và cha ngài là ông Gonzales de Yepes, thuộc dòng dõi quí tộc.
Mồ côi cha từ năm lên 10, Juan học nghề dệt với mẹ, sau đó đi làm nghề săn sóc bệnh nhân ở Medina del Campo. Từ năm 1559 đến 1563, ngài học ở trường trung học của các cha Dòng Tên ở Medina, và năm 1563, khi 21 tuổi, ngài vào Dòng Carmel với tên gọi Gioan Thánh Máthias. Từ 1564 đến 1567, ngài theo học ở đại học Salamanque, là đại học quan trọng nhất của thế giới Kitô giáo thời bấy giờ. Ngài học Kinh Thánh, các Giáo Phụ và thần học kinh viện. Sau khi thụ phong linh mục (1567), ngài gặp Têrêxa Avila và cộng tác với thánh nữ trong việc cải cách dòng Carmel cho tới khi thánh nữ Têrêxa Avila qua đời năm 1582. Được thánh nữ dẫn đưa vào việc canh tân theo ý muốn của thánh nữ cho các nữ tu cũng như các thầy dòng, Thầy Gioan, từ đây gọi là Gioan Thánh Giá, lên đường đi Duruelo, tại đây khai sinh một cộng đoàn mới của các tu sĩ Carmel cải cách (sau này cũng gọi là các tu sĩ Carmel nguyên thuỷ, các tu sĩ không mang giày), khấn hứa tuân giữ luật dòng nguyên thuỷ. Đây là một sự trở về nguồn: suy niệm Kinh Thánh, cầu nguyện chiêm niệm, giữ thinh lặng, sống bác ái và phục vụ Giáo Hội. . .
Từ năm 1569 đến 1572, Gioan Thánh Giá dấn thân cho việc đào tạo các tu sĩ Carmel cải cách, và năm 1571, ngài theo thánh nữ Têrêxa đi lập nhà dòng Alba ở Torme. Từ 1572 đến 1577, ngài làm tuyên uý và cha giải tội cho tu viện Nhập Thể ở Avila, nơi thánh Têrêxa được chọn làm tu viện trưởng. Nhưng Dòng Carmel – phái theo luật rộng – âm mưu quyết liệt chống lại thánh Gioan Thánh Giá và các tu sĩ cải cách. Đêm ngày 2 tháng 12 năm 1577, Gioan bị cưỡng bức ra khỏi tu viện Nhập thể và bị nhốt vào xà lim trong tu viện của phái theo luật rộng ở Toledo.
Bị coi như kẻ phản loạn, bị nhục mạ và đánh đập, Thầy Gioan vẫn giữ được sự thanh thản tâm hồn và đã sáng tác những vần thơ thần bí có bề sâu và vẻ đẹp hiếm có: “Người Yêu tôi, Người ẩn ở đâu ?/ Nếu các bạn may phước gặp được Người / Người mà hồn tôi yêu mến / Hãy nói với Người rằng tôi đau khổ và hao mòn, rằng tôi đang chết. . .” Nhưng 9 tháng sau (tháng 8 năm 1578), Thầy Gioan trốn thoát được và hay tin cuộc cải cách đã được chấp nhận. Thực vậy, năm 1580, Đức giáo hoàng Grégoire XIII đã thiết lập các tu sĩ không mang giày thành một Tỉnh Dòng độc lập.
Từ 1578 đến 1588, Thầy Gioan làm bề trên ở Andalousie, tu viện phó của tu viện Calvario ở miền nam Tây Ban Nha, giám đốc trường đại học ở Baeza và năm 1581, ngài dự Tổng tu nghị ở Alcala, tại tu nghị này, các tu sĩ cải cách được thiết lập thành một tỉnh riêng, sau đó ngài trở về Avila (tháng 11, 1581), tại đây ngài được gặp Mẹ Têrêxa Avila lần cuối, vì ngày 4 tháng 10 năm 1582, Mẹ Têrêxa qua đời.
Từ 1588 đến 1591, Thầy Gioan Thánh Giá được bổ nhiệm làm thành viên Ban Tham Vấn, thuộc tòa án trọng tài trông coi việc thi hành cuộc cải cách, nhưng Tổng tu nghị Madrid (1591) không giao phó trách nhiệm nào cho ngài. Từ đó ngài bị gạt ra ngoài ngay trong nội bộ công cuộc cải cách mà ngài là người phát động. Ngài bị chính những người trong dòng bỏ rơi, thậm chí bị bách hại, vu khống. Từ Madrid, ngày 6 tháng 7 năm 1591, ngài viết cho Mẹ Marie Nhập thể, tu viện trưởng của các tu sĩ Carmel không mang giày ở Segovia: “Con không cần phải buồn vì những điều xảy đến cho cha, vì nó cũng chẳng gây đau buồn gì cho cha cả… con không cần nghĩ ngợi về điều gì khác, ngoài điều chính yếu này: chính Thiên Chúa sắp đặt mọi sự. Ở đâu không có tình yêu, con hãy mang tình yêu đến đó, và con sẽ đón nhận được tình yêu.” Ngày 10 tháng 8, ngài lui về ẩn dật trong cảnh cô tịch tại Penuela, và bị bệnh sốt kéo dài cho tới cuối đời. Người ta đưa ngài đến tu viện Ubeda để chữa trị, ngài tỏ ra kiệt lực, đau đớn nơi thể xác và tinh thần, nhưng luôn tràn đầy tình thương và an bình. Đêm 13 rạng 14 tháng 12, Thầy Gioan Thánh Giá qua đời thọ 49 tuổi. Ngài xin người ta đọc cho ngài sách Diễm Ca, rồi tắt thở với cây thánh giá trong tay, miệng thì thầm:
“Trong tay Ngài, con phó thác linh hồn con.”
Thế là lời ước mà ngài diễn tả trong các bài thơ của ngài được thể hiện: “Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy, /. . . Hoàn tất đi, nếu người muốn; / Cắt đứt đi đợt tấn công dịu dàng này!” (bài thơ Ngọn lửa bừng cháy). “Ôi đêm tối, ta thích mi hơn là bình minh ! / Ôi đêm tối có sức kết hợp / Người Yêu với người được yêu, / biến đổi người được yêu thành Người Yêu! / . . . Mặt cúi xuống trên Người, / tất cả tan biến hết, tôi trao hiến cho Người” (bài thơ Đêm Tối).
Sản phẩm văn chương của thánh Gioan Thánh Giá gồm những bài thơ và những khảo luận thần bí.
Các bài thơ phần lớn được Thầy Gioan sáng tác trong tù ở Toledo, diễn tả hành trình kinh nghiệm thần bí của ngài, trong đó ngài ca ngợi sự kết hợp tình yêu với Thiên Chúa bằng văn phong trữ tình siêu phàm. Những bài thơ này làm ngài trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Thế Kỷ vàng của Tây Ban Nha. Hãy nhớ lại câu thơ: “Giữa đêm tối, hỡi người yêu, Người ẩn nấp ở đâu? Và Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy!
Những tác phẩm thần bí lớn của thánh Gioan Thánh Giá chỉ là những bình luận về các bài thơ của ngài. Cả hai tác phẩm Lên Núi Carmel và Đêm Tối đều bình luận về cùng một bài thơ: Giữa màn đêm tối. Quyển Ca Khúc Thiêng Liêng cắt nghĩa bài thơ: Hỡi người yêu, người ẩn nấp ở đâu? Và cuối cùng, cuốn Ngọn Lửa Tình Yêu Bừng Cháy bình luận bốn đoạn thơ của bài Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy, “Bài ca của linh hồn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa”.
Nhờ những khảo luận tột đỉnh này của kho văn chương Kitô giáo, thánh Gioan Thánh Giá được coi là vị “Tiến sĩ thần bí” tuyệt hảo.
Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện của phụng vụ nhấn mạnh một đề tài trọng tâm của đời sống và của linh đạo thánh Gioan Thánh Giá: “lòng yêu mến thánh giá” (Lời Nguyện đầu lễ); “những mầu nhiệm cuộc khổ nạn đấng Cứu Thế” (Lời Nguyện trên lễ vật) và “mầu nhiệm thánh giá” (sau Hiệp lễ). Lời Nguyện đầu lễ cũng nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt của lòng yêu mến thánh giá: “sự bỏ mình hoàn toàn”.
– Chúng ta đọc trong quyển Lên Núi Carmel: “Để tâm hồn tới được sự biến đổi siêu nhiên, rõ ràng nó phải đi vào bóng tối (của đức tin) và gạt bỏ tất cả những gì thuộc bản tính cảm giác và lý trí của nó” (ch. IV, 2). Về tình yêu thập giá, vị Tiến sĩ thần bí diễn giải học thuyết của mình như sau trong cuốn Ca khúc Thiêng liêng (36, 35): “Tâm hồn nào thực sự khao khát khôn ngoan thì cũng thực sự khao khát đi vào sâu hơn nữa trong chiều sâu của thập giá, là đường sự sống; nhưng ít người vào được chỗ này. Mọi người đều muốn vào trong chiều sâu của sự khôn ngoan, sự giàu có và hoan lạc của Thiên Chúa, nhưng ít người muốn vào trong chiều sâu của đau khổ và những đớn đau mà Con Thiên Chúa đã phải chịu: có thể nói nhiều người muốn đạt tới đích mà không phải sử dụng con đường và phương tiện dẫn tới đó.”
– Lời Nguyện sau hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta “luôn luôn sống kết hợp với Đức Kitô, và hoạt động trong Hội Thánh vì phần rỗi anh chị em chúng ta.”
Về sự kết hợp thần linh hay kết hợp với Đức Kitô, thánh Gioan Thánh Giá giải thích ý tưởng ngài như sau: “Trạng thái kết hợp thần linh của linh hồn hệ tại sự biến đổi hoàn toàn ý riêng mình thành ý Chúa, sao cho trong ý riêng của mình không còn điều gì chống lại ý Chúa, nhưng mọi động cơ thúc đẩy ý muốn con người phải hoàn toàn và tuyệt đối là ý Chúa.” (Lên Núi Carmel I, II, 2). “Bởi đó linh hồn này được thanh tẩy, an bình, kiện cường, quân bình, khiến cho nó có thể tràn đầy sự kết hợp này một cách ổn định, mà sự kết hợp này không là gì khác hơn là cuộc hôn nhân giữa linh hồn với Con Thiên Chúa” (Đêm Tối 2, 24, 3). Sự lột xác tuyệt đối này vì thế là một phương tiện cần thiết để đạt tới tình trạng chiêm niệm, đạt tới sự kết hợp cá nhân với Chúa Kitô, Lang Quân của linh hồn. “Nhưng người ta không thể đạt một sự kết hợp như thế nếu không có một sự thanh tịnh to lớn, và sự thanh tịnh này chỉ có được khi có sự cởi bỏ mọi tạo vật và sự hãm mình sống động” (Đêm Tối 2, 24, 4). Điều này được thực hiện trong đức tin (đêm tối), là yếu tố đóng vai trò hàng đầu, nhưng tình yêu là động năng cơ bản và là mục tiêu của hành trình thần bí này.
Về việc cứu rỗi anh chị em mình, thánh Tiến sĩ thích trích dẫn câu của thánh Denis l’Aréopagite: “Công trình thần linh nhất trong các công trình thần linh chính là cộng tác với Thiên Chúa vì phần rỗi các linh hồn.” Và ngài cũng nói: “Lòng thương xót đối với tha nhân tăng trưởng trong linh hồn tỷ lệ với mức độ kết hợp bằng tình yêu của linh hồn với Thiên Chúa. Linh hồn càng yêu mến, nó càng ao ước cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến và kính thờ; và lòng ao ước này càng nồng cháy, linh hồn càng làm hết sức mình vì mục đích này, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng những việc làm trong khả năng của mình.”
Enzo Lodi
YÊU MẾN THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
(THỨ BẢY - LỄ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ 14/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Gioan Thánh Giá hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Gioan linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình, xin Chúa ban cho chúng ta hằng biết noi gương sáng của người, để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Thánh Gioan Thánh Giá chào đời năm 1542 ở Phontivêrốt, nước Tây Ban Nha. Sau một ít năm sống trong dòng Cácmen, và được thánh nữ Têrêxa thành Avila khuyến khích, thánh Gioan đã muốn thực hiện việc cải cách trong dòng. Điều này khiến thánh nhân phải chịu đựng muôn vàn đau khổ, thử thách. Người qua đời tại Ubêđa, nổi tiếng là một bậc khôn ngoan, thánh thiện, như chúng ta có thể nhận thấy qua các tác phẩm của người.
Yêu mến thánh giá và từ bỏ chính mình, để được Chúa viếng thăm và giải thoát, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Thiên Chúa xét xử Giêrusalem, Thành Thánh bị quân thù vây hãm, nhưng, sẽ được Thiên Chúa viếng thăm và giải thoát. Một thế kỷ sau, Thiên Chúa lại để cho Thành bị một kẻ thù khác tàn phá. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngôn sứ cũng nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa can thiệp vào các sự kiện quan trọng. Đừng sợ chi, Giêrusalem hỡi, ngươi sẽ không phải xấu hổ thẹn thùng. Khi Đức Chúa các đạo binh ngự đến viếng thăm ngươi. Bấy giờ đoàn lũ các dân tộc đang tiến đánh ngươi sẽ tan biến như chiêm bao, như giấc mộng đêm trường.
Yêu mến thánh giá và từ bỏ chính mình, để được mặc khải cho biết những điều khôn dò khôn thấu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Thánh Giá nói: Không thể nào đạt tới các kho tàng cũng như sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa, nếu trước đó không chịu đau khổ thấm thía và nhiều cách, đến độ, coi đó là niềm vui và ước muốn của mình… Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới. Đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho nhờ Thần Khí.
Yêu mến thánh giá và từ bỏ chính mình, để được Chúa thương tái thiết và phục hồi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca nói về ông Êlia: Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Giacóp. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 79, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế. Ông Gioan chính là ông Êlia đến dọn đường: qua đau khổ mới đến vinh quang. Thánh giá chính là cửa ngõ phải qua, để vào kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là cửa hẹp. Có nhiều người muốn hưởng những hoan lạc, nhưng lại, ít có người chịu đi qua cửa này. Linh hồn nào thật sự khao khát sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì trước tiên phải ao ước đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của thập giá. Chúa đã ban cho thánh Gioan linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình, ước gì chúng ta hằng biết noi gương sáng của người, để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Ước gì được như thế!
TỰ HỐI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”.
“Ôi tôi yêu mến Lời Ngài biết bao, lạy Chúa! Lời dẫn tôi đi bình yên trên mọi nẻo đường! Các mỏ đá quý có là gì, sắc đẹp có là gì, mọi cuộc vui có là gì… so với Lời! Dẫu bao đắng cay đã đâm thủng trái tim èo uột của tôi, bao nỗi sầu khiến lòng tôi se lại, nước mắt tôi nhiều lần ứa ra; nhưng Lời đã cứu tôi khỏi sự thống khổ đời đời. Khuất phục Lời; từ lâu, tôi tự hối, lớn lên trong sự nhận biết, nhân tâm tôi không dao động!” - William Cowper.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy một điều gì đó đáng tiếc khi người đương thời không ‘tự hối’, không ‘lớn lên trong sự nhận biết!’. Họ không nhận ra Gioan trong quyền năng và vai trò của Êlia - dọn đường cho Đấng Cứu Thế - để “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu” - bài đọc một.
Như Gioan có một vai trò độc đáo và quyết định trong tiến trình chuẩn bị cho việc đến của Chúa Kitô, bạn và tôi cũng có vai trò tương tự trong việc chuẩn bị cho ‘việc đến liên tục’ của Ngài. Ngài đã đến một lần thuở xưa, nhưng Ngài mong muốn tiếp tục đến mỗi ngày trong linh hồn chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong thế giới. Và Ngài chỉ có thể đến nếu chúng ta chuẩn bị đúng cách cho Ngài.
Làm thế nào để chuẩn bị đúng cách “con đường cho Chúa?”; làm thế nào để tiếp tục công việc của Gioan? Trước hết, bằng cách chú ý đến thông điệp Gioan mang đến. Thông điệp đó là gì? Là ăn năn tội lỗi của chính mình! Mặc dù tất cả mọi người đều đấu tranh với tội lỗi do bản chất con người sa ngã, nhưng chúng ta không quên rằng, ơn gọi của chúng ta là nên hoàn hảo, nên thánh. Chúng ta được kêu gọi để nhận ra tội lỗi mình, thú nhận chúng và nỗ lực tách khỏi chúng. Mùa Vọng là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm để làm điều này - ‘tự hối’ - và điều đặc biệt khẩn thiết là chúng ta tìm kiếm ân sủng của Bí tích Hoà Giải ngay lúc này.
Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”. Được ‘phục hồi’ là được ‘lớn lên trong sự nhận biết’ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhận biết mình được thứ tha, được chữa lành và mở mắt đức tin. Và như vậy, mùa Vọng, mùa ‘tự hối’ để hưởng nhận ơn tha thứ hầu hiểu được Quà Tặng Cứu Độ Giêsu trong lễ Giáng Sinh!
Kính thưa Anh Chị em,
“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra!”. Như những người Do Thái không nhận ra Gioan và Đấng Gioan loan báo, chúng ta có thể tiếp tục không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài hiện diện theo nhiều cách, dưới nhiều hình thức, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa nhận ra hoặc không muốn nhận ra Ngài. Tại sao? Có lẽ vì chúng ta chưa để Lời soi rọi, chưa khuất phục Lời; vì thế, chưa thật lòng ‘tự hối!’. Hậu quả là chúng ta đối xử với Chúa Giêsu ‘theo ý chúng ta muốn!’. Hôm nay, bạn và tôi xin ơn chữa lành đôi mắt đức tin để nhìn thấy Ngài, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để ban ơn cứu độ! Nhờ đó, nhất định chúng ta sẽ bình an!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để nhân tâm con không còn dao động, giúp con nhìn thấy tội lỗi mình - điều đang ngăn cản con với Chúa - và hết lòng tránh xa chúng!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn