Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG

Chủ nhật - 08/12/2024 18:39 |   39
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28-30)

11/12/2024
Thứ tư tuần 2 Mùa Vọng
Thánh Đamasô I, giáo hoàng

t4 t2 MV

Mt 11,28-30


đơn thuốc giải độc
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”  (Mt 11,28-30)

Suy niệm: Có một kinh nghiệm là đừng nên đùa giỡn một cách quá trớn với một người nóng tính, bởi vì có một lúc nào đó bạn sẽ bị mang hoạ vào thân vì tính hay đùa của bạn. Khi bạn nóng tính giận dữ, thì cánh cửa trí khôn của bạn đóng lại và bạn không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái. Khi lửa giận bừng bừng trong tim bạn thì lòng thương xót yêu người của bạn cũng bị đốt cháy tiêu tan, và thế là bạn trở thành con người ác độc. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã kê cho chúng ta một liều thuốc giải độc tính nóng nảy nguy hiểm ấy. Học với Chúa Giê-su sự hiền hậu, bởi vì người có tâm hồn hiền hậu thì không câu nệ chấp xét kẻ khác; hãy học Chúa Giê-su sự khiêm nhường, vì khiêm nhường là vũ khí đánh bại thói kiêu căng, người có lòng khiêm nhường thì luôn tự nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm, do đó mà không chỉ trích phê phán người khác.

Mời Bạn: Phải chăng trong thế giới cạnh tranh ngày nay, bạn phải phô trương mình ra nếu bạn muốn có địa vị? Khiêm nhường bị coi như hèn kém, bạc nhược? Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi của tính tự cao, nhưng chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi.

Sống Lời Chúa: Nói những lời hiền hoà nhã nhặn với mọi người bạn gặp hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su rất hiền hậu dịu dàng, xin cho con biết luôn sống hiền hoà để đời con có thêm được nhiều niềm vui do chính Chúa ban tặng.

Thứ Tư MV II: Lạy Chúa! Chúa nói: Ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Chúa mà nghỉ ngơi, nhưng, lại phải mang lấy ách của Chúa, mang ách sao được nghỉ ngơi? Xin cho chúng con có được cái nhìn của Chúa, để chúng con đừng bao giờ muốn thay đổi những thực tại ngoài mình, nhưng, hãy thay đổi cái nhìn, thay đổi chính mình, rồi mọi sự sẽ thay đổi theo. Chúa truyền dạy chúng con phải dọn đường cho Chúa ngự đến. Chúng con đang đợi trông Chúa, xin đừng để chúng con vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ tư tuần 2 Mùa Vọng

Ca nhập lễ

Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong tối tăm, và tỏ mình cho muôn dân được thấy.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa truyền dạy chúng con phải dọn đường cho Đức Ki-tô ngự đẽn. Này chúng con đang đợi trông Người ban sinh lực dồi dào cho hồn an xác mạnh, thì xin đừng đế chúng con vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Chúng con cầu xin

Bài Ðọc I: Is 40, 25-31

“Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.

Hỡi Gia-cóp, tại sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?

Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.

Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.

Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.

Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4, 8,10

Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.

Xướng: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.

Xướng: Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.

Xướng: Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.

Alleluia

Alleluia, alleluia – Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 28-30

“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.

Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biẽt dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thế hiện được ý muốn của Đức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa sẽ quang lâm hùng dũng, và mở mắt cho các tôi tớ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rãt từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tấy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin

Suy niệm

HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI (Mt 11,28-30)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su mời gọi mọi người, nhưng cách riêng ở đây là những người đang sống dưới lề luật và giáo lý nặng nề của Do Thái giáo, đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Đức Giê-su giới thiệu cho chúng ta một tình yêu đặc biệt Ngài dành cho con người, nhất là những người đau khổ, vất vả. Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ ủi an tâm hồn sầu khổ của chúng ta. Ách tình yêu Ngài sẽ làm cho ách nặng cuộc đời trở nên êm ái nhẹ nhàng. Kiêu căng đưa đến hận thù. Chỉ có hiền lành khiêm nhường mới đem lại niềm vui an bình sâu thẳm cho cuộc đời.

2. Có hai chữ “gánh” và “ách” hơi khó hiểu. Trong ngôn ngữ Do-thái thì khi dùng chữ ách và gánh thì vừa có nghĩa là luật lệ vừa có nghĩa là giáo huấn. Như vậy, “Mang lấy ách của tôi” là kiểu nói bóng các thầy rap-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai  làm thầy. Vậy khi nhận lấy ách của Đức Giê-su là nhận Ngài làm thầy và theo giáo huấn của Ngài là thực hành Tin Mừng cứu độ của Ngài.

3. Ngày nay, người ta say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình. Con người có khuynh hướng trở nên kiêu căng. Người ta có dị ứng khi nói đến lời dạy “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Ki-tô, nhất là còn khuyên chúng ta thực hiện đức tính này nữa.

Tuy nhiên, là Ki-tô hữu, chúng ta cần bước theo chân Chúa. Ngài đã đến chia sẻ kiếp người với chúng ta, Ngài đã đi đến mức cùng của việc tự hạ: sống chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết. Hiền lành và khiêm nhường là những đức tính  mà Đức Giê-su đã thực hiện trước và khuyên các môn đệ hãy đem ra thực hành: Anh em hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

4. Theo giáo huấn của Đức Giê-su thì thế nào là hiền lành và khiêm nhường?

a) Hiền lành hay hiền hậu là đức tính của con người tốt lành, không độc ác, nhưng có lòng thương người, có đức hạnh và hay làm điều thiện, ví dụ: Cha mẹ hiền lành để đức cho con (Tục ngữ). Theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế, hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.

b) Khiêm nhường: theo chữ thì khiêm nhường hay khiêm nhượng là nhún nhường không khoe khoang, hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết mình “” thế nào: từ đó không muốn tỏ ra hơn cái “” ấy; và giả như người khác có coi mình kém hơn cái “là ấy” thì mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh nhàn và thành thật đúng với cái “” của mình.

Khiêm nhường trái ngược với kiêu ngạo. Kiêu ngạo là muốn tự cho mình vượt qua cái “là” của mình và bắt người ta phải công nhận như vậy. Người kiêu ngạo bị coi là người “việt vị” trong bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình là có lỗi. Dĩ nhiên, cầu thủ việt vị thì đều bị trọng tài phạt.

5. Đức Giê-su mời chúng ta học với Ngài và sống theo luật Ngài. Giáo huấn và lề luật của Ngài đặt nền tảng trên lòng yêu thương. (Ga 13,34). Đức Ki-tô đã kiện toàn lề luật bằng giới răn yêu thương. Ngài thu tóm lề luật thành hai chữ yêu thương. Một bộ luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Ngài, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ tình thương mới là khí giới lật đổ được bất cứ một bất công nào và xây dựng được một xã hội công bằng bác ái thực sự.

6. Truyện: Lạn Tương Như và Liêm Pha.

Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận lăm le hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi… Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như:

– Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi không ở nữa.

Tương Như nói:

– Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không?

Bọn xá nhân đáp:

– Không.

Tương Như nói:

– Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Trương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ, Tần Sở dĩ nhiên không dám đánh Triệu vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.

Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng:

– Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng: “Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng: “Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết có nhau” (Nguyễn Duy Cần, Cái dũng của thánh nhân, 1958, tr 162-163).

CHÚA SẼ CHO NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG
(THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 2 Mùa Vọng hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa truyền dạy chúng ta phải dọn đường cho Đức Kitô ngự đến, này chúng ta đang đợi trông Người ban sinh lực dồi dào cho hồn an xác mạnh, thì xin Chúa đừng để chúng ta vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường.

Đừng để vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường, vì thế, ta hãy vững tin vào lời Chúa  hứa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Thiên Chúa mở tiệc. Những người được Chúa cứu chuộc dâng lời ca ngợi Chúa. Như chính Đức Giêsu sẽ loan báo sau này, ngôn sứ Isaia không ngần ngại mô tả hạnh phúc dành cho những người được Thiên Chúa cứu chuộc. Hạnh phúc ấy thể hiện qua bữa tiệc vĩnh cửu. Bữa tiệc này mở ra dành riêng cho những người hèn mọn. Như các Thánh Vịnh cho chúng ta biết, thức ăn đích thực của họ là ý muốn của Thiên Chúa. Tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: Đây là nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ ở cùng họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ vĩnh viễn tiêu diệt thần chết, sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người.

Đừng để vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường, vì thế, ta hãy bám chặt vào Chúa, Đấng không thất tín bao giờ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Những gì Thiên Chúa hứa đều được truyền lại cho chúng ta qua người Con. Thiên Chúa đã ấn định một thời gian để đưa ra các lời hứa và một thời gian để hoàn thành các điều Người đã hứa. Thời Thiên Chúa hứa là thời các ngôn sứ cho đến ông Gioan Tẩy Giả. Còn từ ông Gioan Tẩy Giả cho đến tận thế là thời để hoàn thành các điều đã hứa… Đức Chúa sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng: phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.

Đừng để vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường, vì thế, ta hãy luôn biết tìm đến với Chúa để kín múc nguồn ơn sức mạnh và lòng thương xót của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia cho thấy: Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 102, vịnh gia đã kêu gọi: Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Kìa Chúa đến cứu độ dân Người; phúc thay ai sẵn sàng nghênh đón Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chúa sẽ ngự đến, phúc cho ta, nếu ta sẵn sàng nghênh đón Chúa. Chúa biết ta sẽ dễ mệt mỏi chán chường, vì thế, Người luôn ở bên cạnh ta để ủi an nâng đỡ. Ta hãy vững tin vào lời Chúa đã hứa, dù cho, điều Chúa đã hứa xem ra không thể tin được đối với loài người chúng ta. Người đã đặt một Vị Trung Gian là chính Con Một ở giữa chúng ta. Nhờ chính Con của Người, Người sẽ chỉ cho thấy qua con đường nào, Người dẫn đưa chúng ta đến cùng đích đã hứa. Khi đặt Con mình làm người chỉ đường, Thiên Chúa chưa lấy thế làm đủ, mà còn đặt chính người Con ấy làm đường đi, để hướng dẫn chúng ta và trở thành đường cho chúng ta đi. Người ở bên cạnh ta, sẽ cho ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng, để ta có thể hoàn tất hành trình của mình. Chúa truyền dạy chúng ta phải dọn đường cho Đức Kitô ngự đến, này chúng ta đang đợi trông Người ban sinh lực dồi dào cho hồn an xác mạnh, ước gì chúng ta đừng để mình vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Ước gì được như thế!

TOÀN TRÍ, TOÀN TRI, TOÀN TRỊ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”.

Được khen ngợi như một ‘Phaolô khổng lồ’ của Hoa lục, Hudson Taylor viết cho một người bạn, “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới một đứa ‘đủ yếu’ để làm công việc của Ngài. Tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’. Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những đứa yếu. Họ không cậy mình, nhưng cậy Ngài, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”.  

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’; cũng là Đấng đã nói, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Dẫu là Vua Trời, Ngài xuống thế mặc lấy hình hài một thơ nhi để cứu chuộc loài người. Đó chính là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh!

Giêsu, người đang nói những lời này là ai? Ngài là người có thể nhìn thấu nơi kín đáo trong tâm hồn mỗi người và khám phá ở đó những điều ẩn giấu. Ngài biết bạn và tôi đang vất vả nhọc nhằn! Rằng, chúng ta nặng gánh bởi những đòi hỏi của cuộc sống, những tì đè của tội lỗi, những bất an của lương tâm. Và rằng, chúng ta căng thẳng bởi sự giằng co của những đam mê và những ước muốn điên rồ không thoả mãn. Giêsu là người dám hứa những gì mà linh hồn luôn khao khát cho nơi tôn nghiêm thẳm sâu của nó; những gì chưa bao giờ được phép hy vọng, và hơn cả những gì một người có thể cảm thấy mình xứng đáng. “Hãy đến với tôi!”. Ai có thể thốt ra lời mời đơn giản, nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn đến thế nếu không phải là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”?’.

Điều tương tự được tìm thấy qua lịch sử Israel. Giữa chốn lưu đày, khi dân Chúa sa sút niềm tin, Israel tưởng nghĩ, Thiên Chúa đã bỏ họ, “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”. Biết họ đang ngờ vực, hoang mang, ‘đặt Ngài lên bàn cân’ với các thần ngoại, Ngài lên tiếng, “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh tinh tú, gọi đích danh từng ngôi một!”. Nói như thế khác nào nói, “Ta là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”. Rồi đây, Ngài sẽ đưa họ về, băng bó, chữa lành; để mỗi người có thể nhủ lòng, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Đến cách nào? Bằng cách “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi!”. “‘Ách’ của Chúa bao gồm việc mang lấy gánh nặng của người khác với tình yêu thương huynh đệ. Một khi nhận được sự ủi an và nghỉ ngơi của Chúa, chúng ta được kêu gọi trở thành sự nghỉ ngơi và ủi an cho anh chị em mình với thái độ ngoan nguỳ và khiêm nhượng noi gương Thầy mình. Sự ngoan ngoãn và khiêm nhường trong lòng giúp chúng ta không chỉ mang lấy gánh nặng của người khác, mà còn giữ cho quan điểm cá nhân, phán đoán, chỉ trích hoặc sự thờ ơ của chúng ta không đè nặng lên họ!” - Phanxicô. Hãy đến với máng cỏ nơi Giêsu đang nằm bất lực! Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nhập thể vì yêu con người! Chỉ cần lặng thinh! Mọi tham vọng sẽ tan biến, mọi đam mê sẽ dịu lại và tất cả những gì viển vông mụ mị phải tan bay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ khi cung chiêm máng cỏ! Cho con biết mình ‘quá yếu’ khi được Chúa ‘lỡ chọn’ cho những công việc quá ư ‘khổng lồ!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây